Mọi Sự Đều Sinh Lợi Ích

02-11-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2305 lượt xem

__Đức Duy__

“Đẹp thay bước chân người đi loan báo tin mừng…” Dù trải qua bao nhiêu thế hệ, Giáo Hội vẫn luôn mang trong mình sứ mạng loan báo Tin Mừng. Tin Mừng như là muối, là men, là mầm sống được ướp, được ủ, được gieo vào mảnh đất cuộc đời. Với Dòng Anh Em Giảng Thuyết, việc loan báo Tin Mừng được thực hiện qua tác vụ giảng thuyết. Trong suốt dòng lịch sử hơn 800 năm, đã luôn có nhiều tu sĩ Đa Minh, noi gương vị tổ phụ, ra đi rao giảng khắp nơi bằng những lời giảng thuyết hùng hồn. Bên cạnh đó, còn có nhiều anh em khác, cũng noi gương vị tổ phụ, sống cách rất âm thầm, cần mẫn trong từng công việc nhỏ nơi tu viện. Cuộc đời của thánh Martinô Porres là một cuộc đời cần mẫn, thầm lặng như vậy. Thầy không viết sách, không đi dạy, nhưng thầy vẫn giảng thuyết như các anh em khác.

Sự thiệt thòi sinh lợi ích

Martinô de Porres chào đời ngày 9/12/1579 tại Lima, Pêru trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, thậm chí có thể nói là bi đát và thương tâm. Vì mang màu da đen của mẹ – bà Anna Velasquez, Martinô đã phải đối diện với rào cản của sự kì thị, của những khinh miệt của xã hội lúc bấy giờ. Nhưng hoàn cảnh ấy lại giúp Martinô sớm thấu hiểu thế nào là bị ruồng bỏ, bị khinh chê. Cậu đã dùng sự bất lợi và thiệt thòi ấy để chứng minh cho mọi người thấy rằng: Mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8,28), và lòng yêu mến không cần phải có điều kiện. Cậu luôn tự nhủ: “Phải làm gì đó để giúp đỡ mọi người!” Từ những gợi ý của mẹ, Martinô muốn trở thành một y tá để cứu giúp người khác. Cậu cố gắng học hành, tra cứu, và chịu khó tìm hiểu cặn kẽ từng loài thảo mộc, để biết loại thuốc nào tốt nhất cho từng bệnh nhân.

Nhưng những việc như thế vẫn chưa thể làm thỏa khao khát cứu người của cậu. Nghề y tá có thể giúp chữa trị phần xác, nhưng phần hồn của các bệnh nhân thì sao? Do đó, một ngày kia, cậu đến gõ cửa tu viện Santo Rosario của Dòng Đa Minh tại Lima để xin một công việc phục vụ ở đây. Cậu không bao giờ nghĩ đến việc sẽ trở thành một tu sĩ. Công việc của cậu chỉ là giúp việc trong tu viện, làm các công việc nhỏ bé và giúp đỡ bất cứ ai trong tu viện. Có lần Martinô tâm sự với mẹ rằng: “Mẹ ơi, con không quan tâm đến địa vị hay chỗ đứng trong xã hội. Con không nghĩ Chúa muốn chọn con để làm những việc lớn lao trên đời này. Ngài cần có người để làm những việc nhỏ mọn. Và con đã dâng cuộc đời để giúp việc trong tu viện rồi. Mẹ cầu nguyện cho con, để con trở thành kẻ phụng sự Chúa cách tốt nhất nhé!”

Tình yêu bé nhỏ sinh lợi ích

Trong tu viện này, công việc nào cậu cũng chu toàn, từ việc cắt tóc đến quét sân, tỉa cây, chăm sóc động vật,… Cha Bề trên của tu viện dần nhận ra được sự thánh thiện và đơn sơ của Martinô, nên đã đề nghị với cậu về việc trở thành một thầy trợ sĩ trong Dòng Đa Minh. Vì thấy mình bất xứng, nên Martinô đã từ chối. Nhưng rồi sau đó, một mặt được cha Bề trên thuyết phục, mặt khác, quan trọng hơn, do sự vâng phục, Martinô đón nhận ơn gọi trợ sĩ. Khi đã trở thành một thầy trợ sĩ, Martinô vẫn vui sống với những công việc bé nhỏ và không bao giờ người ta thấy Thầy ngơi tay. Thầy Martinô nghĩ: “Bận rộn là điều tốt vì đó là cơ hội để phục vụ người khác”. Với thầy, làm việc là một hồng ân. Do đó, thầy luôn làm cho mình bận rộn với việc phục vụ người khác, nhất là những người nghèo khổ và bệnh tật. Với kiến thức về thuốc men, thầy Martinô còn chăm sóc rất nhiều số phận đau thương. Thầy chăm sóc cho họ bằng cả một “tấm lòng vàng”. Thầy Martinô luôn sẵn lòng ở tại cổng tu viện nhiều tiếng đồng hồ để phân phát thức ăn cho người nghèo. Rồi khi cổng tu viện đóng lại, thầy trở về vựa lúa; đây là nơi ở của những người bạn khác.

Thánh Martinô không chỉ nổi tiếng về lòng bác ái với người nghèo, người đau khổ,… mà còn cả với động vật. Vựa lúa được nhắc ở trên là nhà, đúng hơn là nơi hẹn hò thân mật giữa thầy và những chú chuột. Những chú chuột này đã có lần gặm nhấm và cắn thủng các khăn bàn thờ. Vì tình thương đặc biệt dành cho động vật, nên thầy Martinô có khả năng giao tiếp với chúng. Từ ngày chúng cắn thủng khăn bàn thờ, chúng đã không dám đến gần nhà nguyện, vì Martinô ra lệnh cho chúng rời khỏi đó. Mỗi buổi tối, thầy luôn dành thời gian để chăm sóc cho gia đình chó và gia đình mèo được nuôi trong tu viện. Sau bữa ăn tối với cộng đoàn, thầy hồ hởi gọi chúng: “Đây là bữa tối của tất cả các bạn”. Lập tức, con mèo xám rời bầy con tới chui đầu vào cạnh thầy trong khi một con chó trắng nhỏ chạy tới đĩa rau thầy đã dọn sẵn. Chó và mèo vẫn được coi là hai kẻ thù không đội trời chung, nhưng ở đây, chúng là bạn của nhau. Ngay cả chuột cũng vậy. Khi chó và mèo đang ăn, một chú chuột thò đầu ra, vì chú đang đói, còn ngửi thấy mùi thức ăn. Thầy làm hiệu gọi nó đến: “Đến đây, không ai làm hại bạn đâu”. Chó và mèo ngừng ăn, tỏ vẻ như muốn đuổi con chuột nhỏ trở về chỗ của nó. Thầy Martinô lắc đầu: “Đuổi con vật nhỏ này ư? Chúa đã dựng nên nó y như Chúa đã dựng nên các bạn và tôi vậy”. Lập tức, an bình trở lại, thầy đưa con vật tới đĩa thức ăn, và lúc này cả ba con vật ăn chung đĩa mà thầy Martinô mang đến. Ngài yêu mến mọi động vật, dù nhỏ bé thế nào, và thầy coi chúng như những người bạn đau khổ cần được bảo vệ và chăm sóc.

Thầy đứng đó một lúc để nhìn chúng và nghĩ tới bài học mà con người phải học qua bức tranh này. Nếu những động vật vô tri này có thể chung sống hoà bình, tại sao con người lại không thể? Sự phân biệt chủng tộc đã làm biết bao người lâm vào cảnh đói khát, bất hạnh. Tại sao chúng ta không yêu thương nhau? Tại sao lại có quá nhiều bất công? Vô vàn những suy nghĩ được đặt ra trong đầu Martinô. Nhưng Martinô hiểu rằng mọi điều chỉ có thể giải quyết được nếu con người nhớ đến Chúa. Nếu con người sống trong ân sủng, họ có thể yêu người lân cận như Chúa muốn. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Đối với thánh Martinô, mọi sự đều có thể sinh lợi ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa. Với thầy, hoàn cảnh chịu thiệt thòi vì màu da đã sinh lợi ích cho chính thầy và người khác. Với thầy, tình yêu mến người nghèo khổ, bệnh tật và tình yêu quý các thụ tạo bé nhỏ đã sinh lợi ích cho nhiều linh hồn.

Tôn trọng và chăm sóc cho thụ tạo Chúa đã dựng nên

Đời sống của bất kỳ ai rồi cũng có mặt trái của nó, và ai trong chúng ta cũng có thể lầm lỡ. Mặt trái ấy luôn là đau khổ, bất hạnh, buồn sầu. Đã là con người, ta phải đối mặt với tất cả những điều đó. Nói cách khác, đau khổ, yếu đuối, sai lầm, v.v.. là một phần của cuộc sống, nếu ta không chấp nhận thì nó vẫn có đó… Trong cuộc sống tương giao hằng ngày, ta dễ dàng kết án một anh em chỉ vì một lầm lỗi nhỏ, hay khắt khe với anh em để đòi cho được quyền lợi của mình. Những sự kết án khắt khe có thể xuất phát từ việc ta không chấp nhận bản thân ta với những yếu đuối, và ta cần một ai đó cũng có những yếu đuôi ấy để chịu sự khiển trách. Thánh Martinô thì khác, ngài luôn đồng hành với mọi người trong những khốn cùng và yếu đuối của họ. Thánh Martinô hiểu rằng, để trở thành môn đệ Đức Kitô, không gì khác hơn là đón nhận anh em của mình cách vui vẻ. Vì đã hiểu rõ, thế nào là thân phận của những người bị khinh miệt, chê ghét, nên thánh nhân luôn yêu thương mọi người. Ngài còn yêu quý cả các loài vật. Ngài cho mọi người thấy rằng, tình yêu tha nhân còn phải được lan rộng những vật vô tri vô giác. Những người yêu quý nhau thường tặng nhau những món quà ý nghĩa. Ta không thể nói yêu, khi chính mình lại xem thường món quà ấy. Cũng vậy, ta không thể nói yêu Chúa khi ta thờ ơ với cây cỏ, hoa lá, chim trời, cá biển và muôn loài. Ta cũng không thể yêu thương anh em nếu ta chê ghét thiên nhiên, vì thiên nhiên được Thiên Chúa dựng nên cho sự sống của chính ta và anh em. Do đó, nơi đâu có tình thương, nơi đó lòng người được gặp nhau, nơi đâu có tình thương, mọi người cùng nhau gặp Chúa, nơi đâu con người được gặp nhau, được gặp Chúa, nơi đó tràn đầy bình an và hoan lạc.

Qua cuộc đời thánh Martinô, Đức Kitô cũng mời gọi anh em Thỉnh sinh vác thập giá đi theo chân Người để trở nên hữu ích cho tha nhân. Cuộc đời thánh Martinô gắn liền với thập giá và hy sinh. Thánh nhân suốt ngày làm việc như không hề nghĩ tới bản thân. Qua việc hi sinh từ bỏ, thánh nhân đã hiến dâng cho Thiên Chúa tất cả, để thánh hiến bản thân như của lễ dâng lên Thiên Chúa, đồng thời cũng để thoát khỏi mọi mối ngăn trở làm trì trệ sự nồng nhiệt của đức ái.

Nguyện xin Chúa, qua lời chuyển cầu của thánh Martinô, xin ban thêm sức mạnh cho anh em Thỉnh sinh, để chúng con luôn can đảm và vui vẻ đón nhận nhau dù cho giữa chúng con vẫn luôn có nhiều khác biệt;

Xin giúp chúng con biết yêu quý cây cỏ trong Thỉnh viện, biết yêu quý những chú cá tung tăng trong hồ, biết yêu quý chú chó Lucky và chú rùa cô độc – những “thỉnh sinh” lâu năm, cũng như biết gìn giữ môi trường sinh thái;

Và xin giúp chúng con biết đón nhận tất cả những gì đã, đang và sẽ xảy đến trong cuộc hành trình dâng hiến này, trong niềm hi vọng và tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Amen.



Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com