Sứ Điệp Xã Hội Của Thánh Gioan Maisan

17-09-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1624 lượt xem

SỨ ĐIỆP XÃ HỘI

CỦA THÁNH GIOAN MAISAN

Thư của cha Vincent de Couesnongle, O.P., Bề trên Tổng quyền Dòng nhân dịp chân phước Gioan Maisan được Đức Phaolô VI tuyên phong hiển thánh (28/9/1975)

Tháng 09 năm 1975

Thánh Gioan Maisan sinh năm 1585 tại Rivera del Fresno ở Extremadura, và qua đời tại Lima, Peru, ngày 16 tháng 09 năm 1645. Ngài chào đời tại Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ XVI, một thế kỷ không ngừng sản sinh ra những đế quốc đầy tham vọng hướng về những vùng biển xa xôi ở Tân thế giới.

Thánh Maisan khởi hành đến châu Mỹ năm 1610 khi chỉ mới 25 tuổi, và sau vài năm gia nhập dòng Đa Minh ở Peru như một anh em trợ sĩ, ngài trở thành người gác cổng cho nhà dòng trong suốt quãng đời còn lại.

Một cuộc đời nhìn từ bên ngoài thì giản dị, âm thầm, nhưng thực tế, lại là một cuộc đời được nung nấu bởi lòng sùng đạo đặc biệt, dựa theo đánh giá của những người biết ngài hay đã từng sống với ngài. Một cuộc đời nổi bật bởi lòng mến phi thường dành cho tất cả những ai gõ cữa nhà dòng, nhất là những người nghèo khổ.

Thông điệp dành cho xã hội từ một cuộc đời xả thân cho người nghèo

Thông điệp về di dân

Thánh Gioan Maisan chưa từng đi giảng hay viết lách. Người anh em khiêm tốn này, giờ đây đã được Giáo hội vinh danh, hẳn sẽ ngạc nhiên lắm nếu như anh biết được cuộc đời khiêm tốn của anh đã mang đến cho thế giới này một thông điệp, một thông điệp sâu sắc dành cho xã hội.

Quả thực rất đúng khi nói rằng cuộc đời con người khiêm tốn này đã nên một dấu chứng, một thông điệp cho chúng ta ngày hôm nay. Những điều này chẳng phải là vai trò đích thực của một vị thánh được Giáo hội công nhận hay sao? Giáo hội vinh danh những người này để cuộc đời và việc làm của các vị được mọi người biết đến, để cả thế giới biết đến. Một phần nhân loại vẫn còn lưu dấu trong cách các ngài sống và trong những điều từng liên quan đến các ngài, trong khi các ngài giờ đây trở thành một phần gia sản của Kitô giáo, một mẫu gương cho những ai đang tìm kiếm các giá trị nhân loại đích thực.

Thánh Gioan Maisan còn rất trẻ khi ngài đáp thuyền đi Tân thế giới. Những con thuyền ngày ngày vượt biển chở theo đủ mọi hạng người: binh lính hành quân đến vùng đất của vàng và vinh quang; những nhà truyền giáo đi rao giảng Tin mừng cho các tộc người xa lạ; các thương nhân, những kẻ ưa phiêu lưu mạo hiểm và cả những người nghèo nuôi hy vọng đổi đời ở miền đất này. Những con người sau cùng là đối tượng duy nhất mà ngày hôm nay chúng ta gọi họ là di dân, và Gioan Maisan là một trong số đó.

Gioan Maisan biết thế nào là cảm giác bị chia cắt và bứng khỏi quê hương yêu dấu, khỏi những điều quen thuộc. Ngài biết việc xa xứ giống như đâm đầu vào một nơi xa lạ. Ngài kinh qua cảm giác trộn lẫn giữa sợ hãi và hy vọng, những khó khăn khi phải làm quen lại với mọi thứ. Ngài là một trong hàng triệu người, vì sự đi xuống của thời đại, bị đưa đẩy từ nước này sang nước khác, chẳng phải để kiếm tìm niềm vui, hay mục đích nào đó như những kẻ phiêu lưu, nhưng là vì bị buộc phải ra đi.

Thánh Gioan Maisan vốn không bao giờ chủ ý hoạch định nên cảnh ngộ của ngài, cũng không mang trong tâm trí điều gì hơn một ý niệm mịt mờ về quy mô những hiện tượng trong xã hội mà từ đó cuộc đời ngài lại trở nên tấm gương sống. Đơn thuần, ngài chỉ đối diện với định mệnh của mình và sống như một vị thánh.

Dẫu biết rằng ngài có thể sống một cuộc đời yêu thương người nghèo ở mọi nơi thuộc mọi thời, song thực tế, ngài lại làm thánh trong một thế giới bị tước đoạt của những con người không nơi nương tựa, ngay giữa những cảnh đời nghèo khốn. Và đây cũng là thách thức của chúng ta hôm nay.

Vì rằng ngày nay, chúng ta trở nên cẩn trọng với vấn nạn di dân. Ngày hôm nay là viễn ảnh sau hàng thế kỷ buôn bán nô lệ, bóc lột lao động trong những cánh đồng bông vải, những mỏ than; hàng thế kỷ của những cuộc di cư và khai phá. Biết bao nhiêu thời giờ và đau khổ đã qua chúng ta mới có thể nhận ra. Nhưng cũng như thời đại chúng ta, một thời đại đã nhận thức rõ vấn đề của nó để có thể thứ tha cho chúng ta – và lịch sử sẽ phán xét chúng ta vô cùng nghiêm khắc – vì đã không đoái hoài đến những giải pháp tôn trọng nhân phẩm con người.

Trong nghi thức phong thánh của Giáo hội, chúng ta không chỉ nhìn thấy việc thừa nhận nhân đức và sự thánh thiện người tôi tớ Chúa, nhưng còn có một bài học cho ngày hôm nay, một lời kêu gọi, một sự cảnh báo. Thực tế Gioan Maisan, một di dân, được phong thánh ngày hôm nay sẽ thu hút mọi chú ý của các Kitô hữu để có một cái nhìn nghiêm túc và khẩn cấp về vấn nạn thời đại, và chính khi ấy chúng ta có cơ hội chuyển đi một thông điệp.

Thông điệp về lòng bác ái đối với người nghèo

Gioan Maisan làm thánh vì ngài sống yêu thương người nghèo. Điều này rất rõ ràng vì chính bản thân ngài cũng là một người nghèo, cơ cực, bị bứng khỏi gốc rễ. Nhờ vậy, ngài có thể hiểu được những người giống ngài. Ngài biết họ cần gì nhất, và điều họ mong muốn nhất là được yêu thương, được chào đón và thừa nhận như người anh em.

Phép lạ để nhờ đó Gioan Maisan được phong thánh (hóa gạo ra nhiều cho những người nghèo) diễn ra rất nhiều lần. Chúng ta phải cố gắng và hiểu thấu được thông điệp từ tình yêu huynh đệ này, cùng đưa ra thực hành trong đời sống, mà không được bỏ qua bất kì khía cạnh nào trong thách đố này như nó đang tồn tại trong thời đại chúng ta.

Thế giới đã chuyển mình nhanh chóng từ thời của thánh Gioan Maisan. Những hoàn cảnh lịch sử không chỉ tiến triển đáng kể, nhờ bước tiến trong việc đào sâu Tin mừng – mà còn phải được thừa nhận dưới sức ép của các sự kiện – các Kitô hữu đang nhận thức rõ hơn nhu cầu to lớn về việc thực hành bác ái. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta không đánh đồng việc làm bác ái với một cử chỉ cá nhân bày tỏ sự tử tế hay mối quan tâm, hoặc thậm chí là việc làm trượng nghĩa của một tổ chức nào đó nhằm giúp đỡ người khác. Chúng ta bắt đầu nhận ra việc bác ái phải có tác dụng, phải lay động, phải biến đổi mọi khía cạnh cuộc đời và cơ cấu xã hội loài người.

Hoạt động bác ái không phải là một lựa chọn tự do thêm vào dành cho những ai dư thời gian, tiền bạc hay biết sắp xếp. Bác ái cũng không đơn thuần là việc cứu trợ giàu ý nghĩa dành cho những kẻ đáng thương của một trật tự xã hội đang đè bẹp người nghèo.

Giúp đỡ đúng là luôn cần thiết, nhưng mục đích tiên quyết của việc làm bác ái là vì công bằng của mọi người. Sau đây là thông điệp nổi bật của một diễn giả trong tuần lễ xã hội ở Pháp: “Việc thiện nguyện hôm nay sẽ là công bằng ngày mai.” Yêu thương đồng loại là điều vượt trên mong muốn người anh em mình được thừa nhận như bao thành viên khác trong xã hội và trên thế giới, là có những bước đi cụ thể và cần thiết để nhìn thấy họ được công nhận, chào đón và tôn trọng trong phẩm giá con người.

Lòng bác ái đích thực ngày hôm nay đòi buộc chúng ta làm việc, nghĩa là thực hiện tất cả những công việc trong khả năng và nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình – vốn thường nghiêm trọng và vượt quá những gì chúng ta mường tượng – để xây dựng một xã hội công bằng hơn, nhân văn hơn, huynh đệ hơn. Nhưng cần nói thêm rằng một thế giới công bằng hoàn hảo, với những luật lệ hoàn hảo, nơi mà quyền mọi người được tôn trọng, có thể chỉ là một thế giới lạnh lẽo, không linh hồn, không hy vọng bởi vì nơi đó vắng bóng tình yêu. Công bằng hoàn toàn thì chỉ là bất khoan dung, và chẳng một luật lệ xã hội nào có thể khơi dậy được tình yêu. Một người sống theo Tin mừng đích thực chắc chắn sẽ nhạy cảm với điều này, các Kitô hữu được mời gọi dựng xây một thế giới công bằng, nơi tình yêu nối kết mọi người, mọi chủng người và mọi cộng đoàn lại với nhau. Đây chính là sứ điệp Tin mừng, cũng là sứ điệp của thánh Gioan Maisan.

Nhưng thật ra điều này còn hơn cả một sứ điệp, nó là điều gì đó lớn lao kiểu như nguyện vọng cuối cùng hay di ngôn. Nó là một cái nhìn gây sốc về thế giới hôm nay, một sự hăng hái đến vỡ òa, một nắm men, một dòng nước tràn đầy cho cuộc đời.

Bài học cho dòng Giảng Thuyết hôm nay

Điều đúng đắn đối với những Kitô hữu hôm nay thì là quan yếu đối với những ai theo chân cha thánh Đa Minh. Qua việc phong thánh, Gioan Maisan gia nhập vào cộng đoàn các thánh dòng Anh Em Giảng Thuyết, nơi có thánh nữ Rosa Lima và thánh Martinô Porres là những người đồng hương và là niềm tự hào muôn đời của đất nước Peru. Những người Đa Minh làm sao lại không cảm được sự liên kết với những con người Peru và với tất cả những người Mỹ Latinh? Điều này rất đỗi bình thường vì nó nằm gọn trong lãnh thổ nơi có một số lượng đông đảo những anh em Giảng Thuyết đang làm việc.

Nếu anh em Giảng Thuyết có niềm tin vào đoàn sủng đã được trao lại từ các anh em đi trước, những con người được Giáo hội gọi dưới cái tên vir apostolicus – tông đồ – giống như thánh Gioan Maisan, thì các anh em Đa Minh đang làm việc tại vùng Mỹ Latinh nên mang trong mình hai mối ưu tư sau đây:

Chứng nhân đích thực cho một Tin mừng đích thực

Điều đầu tiên là trở nên chứng nhân đích thực cho một Tin mừng đích thực. Tôi có ý nói một Tin mừng đích thực là một Tin mừng chân chính và toàn vẹn; một Tin mừng tác động đến toàn thể con người, vì vậy mà anh em không thể giảng đi giảng lại những lời vô vị, tai hại, nhưng anh em phải hiểu thấu và nhận ra trong vô vàn nhu cầu, Tin mừng vẫn có thể đem đến cho biết bao người niềm hy vọng lớn lao, đặc biệt đối với những người thiếu thốn nhất.

Tôi có ý nói một chứng nhân đích thực là người trước hết sống được như lời giảng của họ, là người có đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn tràn đầy động lực của Tin mừng, là người sống giữa người nghèo, chia sẻ với họ những thống khổ và truyền cho họ hy vọng, tắt một lời, là người có kinh nghiệm về lòng thương xót tự nguyện dành cho người nghèo – một tâm tình có thể làm lay động trái tim của họ, là người như thánh Gioan Maisan hay thánh Đa Minh, tìm ra được tầng sâu ý nghĩa cũng như chiều kích đích thực dưới chân thập giá.

Sứ vụ giảng thuyết cho các dân tộc bản xứ

Thao thức thứ hai và cũng là một trong những mục tiêu chính yếu của Dòng. Đó là sứ vụ gieo trồng hạt giống Giáo hội vào lòng người, vào thế hệ anh tài của những dân tộc bản xứ. Tôi không thể làm gì tốt hơn ngoài việc trích dẫn ra đây một vài đường hướng được đúc kết trong hội nghị gần đây ở Quito giữa các Giám tỉnh của các Tỉnh dòng thuộc châu lục này.

a/ Những anh em Đa Minh đến từ các quốc gia khác để tham gia vào sứ vụ Phúc âm hóa không nên cố gắng mang theo bản sắc văn hóa mình, nhưng ngược lại hãy cố gắng thích ứng bản thân trong mức độ có thể với văn hóa của những người cần mình phục vụ. Điều này có nghĩa rằng chính anh em phải hết sức cẩn trọng khi chọn lựa lúc đầu, anh em phải có sự chuẩn bị cho sứ vụ mới, và phải mong muốn thích ứng không ngừng trong suốt thời gian sứ vụ của mình.

b/ Về phần các anh em ở Mỹ Latinh, các anh em cần biết rằng anh em rất muốn có liên đới mật thiết với hoàn cảnh sống của mình để anh em có thể giảng dạy đức tin theo cách đáp ứng được nguyện vọng của mọi người.

c/ Mọi người Đa Minh được mời gọi tham gia vào sứ vụ phục vụ người nghèo, và tất cả những người được tiến cử không nên đặt nghi vấn với những ai quyết định dành đời họ cho việc phục vụ người nghèo.

d/ Cuối cùng, chương trình học – như chúng ta đã biết học tập trong dòng Đa Minh là một khía cạnh bắt buộc – nên được thiết kế sao cho các anh em nhận biết được những nhu cầu đặc trưng của lục địa này. Ví dụ, chúng ta được khuyên nên xem xét bản thân, cố gắng hiểu và diễn tả được “lòng đạo đức bình dân” vốn là một yếu tố quan trọng trong văn hóa Mỹ Latinh. Điều này gồm tóm yếu tố đức tin, cần được tinh luyện và hun đúc, để có thêm nhiều cam kết và hạn chế việc hướng ngoại. Đây là mốc khởi đầu quan trọng cho một nỗ lực tươi mới trong tiến trình Phúc âm hóa.

***

Trên đây là một vài ý tưởng của tôi lấy cảm hứng từ việc tuyên thánh cho thánh Gioan Maisan. Niềm vinh dự dành cho người anh em đến từ Peru này khiến chúng ta vui mừng, cảm thấy biết ơn với quá khứ, đồng thời khơi truyền trong chúng ta một niềm hăng hái mới, và cuối cùng là hy vọng về tương lai. Nhưng qua đây, tôi cũng đề cập đến những lý do thuộc phạm trù xã hội học để giải thích cho việc tuyên thánh này và đặc biệt khiến nó trở nên gần gũi hơn với chúng ta. Tôi đã không nhắc đến động lực nền tảng của lần tuyên phong này, mà đó thật sự là một đề tài thần học. Đối với Kitô hữu, cùng đích cuối cùng là sự công chính và tình mến vươn xa đến được những bờ cõi xa xôi của hoàn cầu này. Thiên Chúa là Alpha và Omega của toàn bộ công trình sáng tạo và cứu độ. Sứ điệp của thánh Gioan Maisan không đơn thuần là một sứ điệp xã hội, nhưng còn là một sứ điệp thần học. Bằng việc cho chúng ta thấy Opera bona – việc tốt lành – của các thánh, Hội thánh nên hình nên dạng giúp diễn tả một khía cạnh của danh hiệu và dung mạo Thiên Chúa; Hội thánh mời gọi mọi Kitô hữu hãy: “Tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).


Xem thêm: Bài đọc Kinh Sách lễ thánh Gioan Maisan.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com