Nội San / Số 74 – Phêrô Phạm Trần Đức Thịnh “Bóng Hình Của Đấng Tạo Hoá Nơi Vẻ Đẹp Muôn Màu Của Thụ Tạo”

01-09-2021
Bởi: Jos Nguyen OP Có: 0 bình luận 1860 lượt xem

Bóng Hình Của Đấng Tạo Hoá Nơi Vẻ Đẹp Muôn Màu Của Thụ Tạo

Phêrô Phạm Trần Đức Thịnh

Trong tổng hòa tốt đẹp các loài thụ tạo, con người được mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa, đồng thời họ cũng được mời gọi đi vào tương quan với Người, với tha nhân và với các thụ tạo khác. Thiên Chúa sáng tạo muôn vật hữu hình và lấy đó làm tặng phẩm cho con người. Nhưng có lúc con người quên đi mối tương quan hài hòa này, tương quan giữa mình với môi sinh, mà lại tỏ ý muốn chế ngự thiên nhiên, xoay chuyển càn khôn, bá chủ và sử dụng thiếu trách nhiệm với thiên nhiên. Lẽ thường, khi khoa học kĩ thuật phát triển, con người càng cần tìm lại cho mình cảm thức hài hòa với vũ trụ, với thiên nhiên, đặc biệt là với môi trường xung quanh. Đó mới là lẽ đạo của tự nhiên. Được như thế là ta đang mặc cho mình sự tươi trẻ trong tâm hồn qua việc ngắm nhìn vẻ đẹp của cây cỏ, hoa lá, sự hùng vĩ và mênh mông của núi non, biển cả, hay những bí ẩn của vũ trụ bao la. Và một cách nào đó, con người được mời gọi nhận ra bóng hình của Đấng Tạo Hóa qua những công trình kì diệu ấy.

1. Tình yêu và ơn cứu độ cho toàn thể vũ trụ

Sau khi tạo dựng, Thiên Chúa không bỏ mặc công trình tạo dựng của Người, nhưng giữ gìn và nâng đỡ chúng. Không những Người đã cho mọi loài hiện hữu, Người còn giữ gìn để chúng được hoạt động và đạt đến cùng đích của mình, vì “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,9). Cũng vậy, xuyên suốt Lịch Sử Cứu Độ, Thiên Chúa đã không ngừng bày tỏ tình yêu và sự trân trọng đối với vũ trụ, thiên nhiên và các loài thụ tạo. 

Đọc theo nhịp của bản văn Sáng Thế, độc giả có thể cảm nhận Thiên Chúa vui với công trình tạo dựng của Người. Từ khởi đầu khi Thiên Chúa tạo dựng trời đất, phân tách ánh sáng, làm nên những đèn trời to lớn, cho đất sinh sôi nảy nở đủ loại thảo mộc, thả vào lòng đại dương vô vàn loài thủy sinh, v.v.. “Người thấy thế là tốt đẹp” (St 1,1-24). Hai bản văn về Sáng Tạo (x. St 1,1-2,4a; 4b-25) nhắc đến sự hài hòa tốt đẹp này, và cũng nhắc đến việc con người cần có lúc dừng lại để chiêm ngắm và phụng thờ Thiên Chúa, điển hình là Luật ngày Sabát.

Luật đó nhắc đến chi tiết, như luật đối với đất đai, động vật, thực vật, v.v. trong đó con người, ngoài thời gian lao động, cày cấy ruộng đất, gieo trồng và thu hoa lợi, cần có thời gian nghỉ hưu lễ: ngày Sabát, năm Jubilae (năm thứ bảy), năm Đại lễ Jubilae (năm thứ năm mươi), đó là thời gian con người ngưng lao động, để đất được nghỉ ngơi, và đặc biệt là để con người phụng thờ Thiên Chúa (x. Xh 23,10-11).

Thực ra, bên cạnh tính ràng buộc của Luật lệ này, ta vẫn thấy mặt tích cực trong việc giữ gìn trật tự cân bằng và công bằng cho mọi loài thụ tạo. Thánh vương Đavít cũng dâng lời tạ ơn long trọng lên Thiên Chúa khi ông nhìn thấy những hồng phúc mà Người ban cho dân Israël, cũng như đất đai, cây cối và sinh vật mà họ được hưởng dùng (x. Tv 65). Vào thời của Người, Đức Giêsu đã khẳng định dù vua Salomon có vinh hoa tột bậc thì cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ngoài đồng. 

Qua những điều này, ta đã phần nào thấy được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa với công trình mà Người đã dựng nên. Thiên Chúa không hề thiên vị một loài thụ tạo nào, trái lại Người mặc cho mỗi loài một vẻ đẹp riêng biệt và tất cả chúng đều là hình ảnh phản chiếu một phần vinh quang bất diệt của Người. Cũng chính vì tình yêu với toàn thể vũ trụ này mà Trưởng Tử của Thiên Chúa được sai xuống trần gian để chính nhờ Người Con ấy mà muôn loài được trao ban bình an và hòa giải với Thiên Chúa (x. Cl 1,20).

2. Tương quan giữa con người với thiên nhiên 

Xã hội càng tiến bộ văn minh, con người càng có nguy cơ tạo nơi mình một hoài bão về khả năng của mình. Có người tự cho mình có quyền bá chủ muôn loài, nghĩ rằng trong tương lai có thể chế ngự thiên nhiên bằng những phát minh công nghệ tân tiến. Điều này có thể tốt; nhưng cũng có thể làm rạn nứt tương quan giữa con người với thiên nhiên. Nếu chỉ duy lý và chỉ dựa vào khả năng riêng của mình, con người có nguy cơ làm yếu đi nơi mình cảm thức hài hòa với thiên nhiên, với vũ trụ, và với nhau nữa. 

Trước những thiên tai dịch bệnh, con người nghĩ thiên nhiên đang chống lại mình; nhưng thực ra, đó là hậu quả của việc lạm dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, là hiện tượng “gậy ông đập lưng ông”. Chính con người là nguyên nhân làm biến đổi môi sinh. 

Trong những năm vừa qua, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải gồng mình gánh chịu biết bao thiên tai, dịch bệnh. Cháy rừng, ô nhiễm đất, nước, không khí, v.v. ngày càng xảy ra với quy mô và tần suất dày. Trái đất nóng lên, nước biển nóng và dâng lên cao độ khiến băng cực tan chảy, COVID-19, cháy rừng (ở Singapore), ô nhiễm nguồn nước do chất thải formosa, v.v.. Đó là “tiếng kêu cứu” của thiên nhiên trước sự vô tâm, bạc bẽo của con người. Dù đã dần được khắc phục, nhưng những thảm họa đó cũng để lại không ít tàn dư cho thế hệ hôm nay và mai sau, đó như “tiếng nấc nghẹn ngào” văng vẳng, nhắc nhở ta trách nhiệm và thái độ sống đối với môi sinh. 

Điều đáng nói là từ đầu năm 2020 đến nay, cả nhân loại sống trong lo sợ, oằn mình gánh chịu cơn dịch, và ra sức đẩy lùi COVID-19. Tạm gác lại việc truy vấn nguồn gốc nguyên nhân, điều cần nói đến ở đây là thái độ và hành động của con người trước tình hình dịch bệnh. Nào là hiện tượng che giấu sự thật, nào là thái độ dửng dưng coi thường những phương thế tự phòng dịch, nào là thiếu quan tâm đến nhau. Dĩ nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tấm lòng thiện tâm thiện ý. Những hiện tượng đó cho thấy con người đang nại đến đủ loại quyền, đủ loại lợi ích, để rồi dễ dàng thể hiện cái tôi trong cuộc sống, đến độ có thể đặt quyền tự do thái quá của cá nhân lên trên lợi ích của cộng đồng nhân loại. 

3. Một thoáng suy tư

Con người được trao cho quyền trông coi và canh tác đất đai để làm vinh danh Thiên Chúa và hưởng dùng cho chính mình, cho nhân loại. Họ được dự phần vào việc cai quản vũ trụ. Nhưng việc tôn trọng trật tự tự nhiên, giữ gìn sự hòa hợp của thụ tạo và sử dụng chúng đúng với mục đích và bản chất đã được sắp đặt cũng là trách nhiệm của con người. 

Con người được làm ra từ bùn đất, tồn tại nhờ sinh khí Chúa ban, lớn lên trong tổng hòa liên hệ với các thụ tạo khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thiên nhiên vừa phục vụ con người, vừa là “bạn” với con người. Những định luật tự nhiên do Thiên Chúa đã ghi khắc vẫn luôn tồn tại trong sự quan phòng và điều khiển của Người: Mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, v.v. vẫn đều đặn vận hành theo cách chúng nhận được từ Thiên Chúa; gió vẫn thổi; mưa vẫn rơi; mặt trời và mặt trăng xoay vần ẩn rồi lại hiện, v.v.. Và từ đất mẹ, vô số chồi non của cỏ cây vẫn âm thầm mọc, vươn lên, phát triển với sức mạnh âm thầm nhưng không kém mãnh liệt của tự nhiên, lan dần, lan dần để che phủ mặt đất bằng màu xanh hiền hòa, bù đắp cho con người những mất mát tổn thương nơi vẻ hài hòa của vũ trụ, một sự tổn thương cũng chính con người vô ý vô tình gây ra.

Sông suối, biển cả bị ô nhiễm vì con người; nhưng biển vẫn “cho ta cá như lòng mẹ, nuôi lớn đời ta tự buổi nào.”1 Thánh John Henry Newman đã viết: “Thế giới vô hình bị che khuất … bởi bức màn thế giới hữu hình … nơi mọi sự tồn tại hay diễn ra cách hữu hình nhưng lại ẩn giấu mà không ngừng mời gọi khám phá trật tự về con người và sự kiện vượt xa thực tại, vượt trên tất cả mọi hình thức phục vụ.”2 Khi nào chúng ta còn nhìn cỏ cây, sông ngòi, núi non như những vật vô tri chỉ để phục vụ con người, thì ta vẫn khó có thể đọc ra được rằng thiên nhiên có trong nó bản chất đích thực tốt lành đáng để ta chiêm ngắm, để ta đón nhận những nét đẹp hài hòa của chúng. Nếu xem cây cối như một vật liệu để làm nhà thì cây cối sẽ không thể nào nói cho chúng ta biết về sự sinh trưởng. Khi xem sông ngòi, biển cả chỉ đơn thuần là nơi để con người xả thải và vấy bẩn, mãi mãi chúng cũng không thể cho chúng ta ý nghĩa của những gợn sóng lăn tăn. 

Chỉ khi thực sự con người biết sống hài hòa với thiên nhiên, với vạn vật, con người mới có thể cảm nhận được những tuyệt tác nhiệm mầu trong đó, và cảm nhận được tình yêu, sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Đấng không ngừng yêu thương họ.

Tạm kết

Hãy mở lòng ra, lắng nghe lời thì thầm của tạo vật, chiêm ngắm những kì công của Thiên Chúa trong các loài thụ tạo. Bằng cách đó ta có thể nhận thấy bóng hình Đấng Tạo Hóa và cảm nhận tình yêu của Người luôn ấp ủ đời ta. Thiên Chúa tạo dựng mọi sự không phải để gia tăng vinh quang của Người, bởi vinh quang của Người đã tròn vẹn từ ngàn xưa và mãi đến muôn đời; nhưng nơi các thụ tạo, vinh quang và quyền năng của Thiên Chúa được biểu lộ và truyền thông, là vì chúng ta, những con người yếu hèn trước nhan Chúa, nhưng được Chúa yêu thương vô cùng.3 Vì thế, khi nhìn vào con người, hòa mình vào thiên nhiên, khám phá vũ trụ, v.v. ta không những thấy được hình ảnh của Thiên Chúa, mà còn được mời gọi cảm nghiệm tình yêu và lòng thương xót của Người hằng tuôn đổ và ủ ấp mọi loài.

 1. Huy Cận. Đoàn thuyền đánh cá.

 2. Henri J.M. Nouwen (2019). Trò hề ở Roma, Học viện Đa Minh, tr. 125.

 3.  xc. SGLHTCG, số 293.

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com