Nội San / Số 74 – Phêrô Lê Văn Đức “Tất cả chúng ta đều ở trên cùng một chiếc Thuyền”

13-05-2021
Bởi: Jos Nguyen OP Có: 0 bình luận 1083 lượt xem

“Tất cả chúng ta đều ở trên cùng một chiếc Thuyền”

Phêrô Lê Văn Đức

Suốt hơn một năm qua, cả thế giới chao đảo vì dịch bệnh COVID-19. Số người nhiễm và tử vong đã tăng lên tới hàng triệu, mà vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Con virus Corona tuy nhỏ xíu nhưng cũng đủ gây ra bao vấn nạn, trở thành bằng chứng cho sự mỏng giòn của nhân loại chúng ta. Nền văn minh hiện đại mà nhân loại đang cố công gầy dựng xem chừng không mạnh đủ như ta tưởng. Giữa cảnh đại dịch, giữa lúc nhân loại đang sống trong sợ hãi và bất an, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành thông điệp Fratelli tutti, kêu gọi con người xây dựng tình liên đới, cùng chung tay đẩy lùi những thảm họa toàn cầu. Trong thông điệp này, Đức Thánh Cha dùng hình ảnh “Tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền”, một tinh thần mà thánh Phanxicô Assisi diễn tả về tình nhân loại đại đồng. Gợi hứng này đã giúp tôi chọn chủ đề trên với mong ước nói lên đôi điều về tình người, tình liên đới đại đồng thời Covid.

1. Thảm cảnh của nhân loại: nền nhân bản bị sứt mẻ

Cho tới nay, con người vẫn chưa tìm ra được đầy đủ vaccine để đối phó với virus Corona; giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là cách ly người bệnh. Thế nhưng, vấn đề cách ly còn nhức nhối ở một vài quốc gia, như khu cách ly thiếu điều kiện sinh hoạt thiết yếu, người nhiễm bệnh bị xa lánh, kỳ thị. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân, vì không muốn sống trong các điểm tập trung, đã tìm cách trốn ra ngoài, dù cho việc ấy có thể làm lây bệnh. Có thể nói, việc cách ly dường như không vì lợi ích của người đã nhiễm, nhưng lại vì ích lợi của người chưa nhiễm. 

Dường như ta đang chiến đấu không phải với con virus kia, nhưng là với đồng loại của mình. Tất nhiên, vẫn có nhiều nơi đã áp dụng việc cách ly cách nhân đạo, và việc ấy giúp kiểm soát dịch tương đối tốt. Tuy vậy, thất bại chung của nhân loại trong cơn dịch này cho thấy chúng ta đang thiếu một nền nhân bản vững vàng đủ để, dù đối mặt với bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn có thể vượt qua.

Nhắc lại giai đoạn sau thời kỳ Khai Sáng, với việc xây dựng xã hội trên nền tảng lý trí, nhân loại đã đạt được tầm tiến xa tới tận văn minh hiện đại, với những bước đột phá về khoa học, kỹ thuật, y khoa, v.v.. Nhưng xây dựng xã hội trên một nền văn minh đậm chất lý tính như thế liệu có thực sự là bước đi vững vàng và chắc chắn? Một nền văn minh thiếu tình thương sẽ chỉ dẫn đến hủy diệt, và “sự hiểu biết sẽ khô cằn nếu không có tình yêu”. Thực tế cho thấy, chúng ta thất bại trước con virus Corona là bởi thiếu nền tảng lòng nhân đủ sâu và rộng. Nếu được tình yêu dẫn lối, người khỏe mạnh và người bị nhiễm sẽ biết mình cần phải làm gì, cả xã hội sẽ dồn mọi nguồn lực để tìm kiếm phương thức chữa trị, các thông tin sẽ minh bạch và chân thực. Nếu viễn tượng đó diễn ra, trong thời đại tiến bộ về khoa học kỹ thuật hiện nay, hẳn những con virus này không thể gây ra đại họa cho nhân loại được. 

2. Tình liên đới vượt trên mọi “cách ly”

Chúng ta thấy rằng trong xã hội loài người, tương quan liên vị nói lên tính chất cộng đồng liên đới. Có lẽ cách nào đó, cuộc sống văn minh hiện đại đã làm con người quên lãng tầm quan trọng của tương quan ấy, cũng như giá trị của tình liên đới. Và trong cơn khủng hoảng lúc này, khi virus Corona không “phân biệt đối xử” ai, có lẽ chưa bao giờ con người lại cảm thấy gần nhau và cần nhau đến thế. Chẳng phải từ xưa tới nay, dù cho phải chịu nhiều tai ương thảm họa thế nào, nhân loại vẫn sống và phát triển nhờ biết cùng nhau hành động, tìm ra giải pháp để vượt thắng được chúng sao? 

May thay, giữa đại dịch, người ta vẫn thấy xuất hiện đây đó những nghĩa cử cao đẹp: những cây ATM gạo dựng lên phục vụ người thiếu thốn, những chiếc khẩu trang được phân phát miễn phí, hay cao cả hơn nữa, là việc những người lớn tuổi hy sinh nhường lại thiết bị, máy móc điều trị cho những người trẻ hơn. Nhìn thấy điều đó, chúng ta vẫn thấy ấm lòng và cảm nhận mình còn luôn ở trên cùng một con thuyền, mối dây liên đới dường như chưa khi nào bị đứt đoạn hoàn toàn; chỉ là nền văn minh này đã đẩy một số người tới ngưỡng của chủ thuyết quy ngã, và vô hình chung, họ tự “cách ly” nhau, xét theo nghĩa bóng của hạn từ. 

Cuộc khủng hoảng này như một lời cảnh tỉnh: Chừng nào chúng ta còn chưa học cách liên đới với nhau, còn phủ nhận đồng loại, chừng đó chúng ta vẫn còn đang quên lãng ơn gọi làm người, một ơn gọi đặt nền trên nhân nghĩa. Chỉ khi ta xây dựng xã hội trên nền tảng tình yêu và liên đới, nhân tính mới dần dần nên hoàn thiện, và con người đạt được hạnh phúc đích thực.

3. Người Kitô hữu sống tình liên đới

Người Kitô hữu chúng ta còn được mời gọi sống tình liên đới hơn nữa. Đức Giêsu mời gọi chúng ta trở nên như người Samari nhân hậu (x. Lc 10,29-37), chủ động trở thành người thân cận của tha nhân, theo gương Đức Giêsu, Đấng đã xô đổ mọi hàng rào ngăn cách cộng đồng nhân loại, đã chạm tới những ai ốm đau, nghèo hèn, và đồng bàn với người tội lỗi.

Đức Thánh Cha Phanxicô, khi chứng kiến tình liên đới nhân loại bị sứt mẻ, đã kêu gọi chúng ta mở rộng tương quan, xây dựng tình bạn xã hội, ở bên cạnh những người nghèo và những người bị quên lãng. Lúc này, người Kitô hữu được mời gọi thoát khỏi vỏ bọc an toàn của bản thân để ra đi chạm đến nỗi đau của người bệnh, và của tha nhân. Ta cần coi người bị nhiễm như những chi thể có liên đới với mình, đang bị tổn thương và cần chữa trị, thay vì xem họ như phần tử phải loại trừ. Quả thật, người Kitô hữu chỉ thể hiện căn tính đích thực của mình khi coi tất cả mọi người là anh em, cách riêng trong Giáo Hội: là những chi thể trong một thân thể Hội Thánh, với Đức Kitô là Đầu; và “tất cả chúng ta đều ở trên cùng một chiếc thuyền”. 

4. Niềm hy vọng giải thoát chúng ta 

Chúng ta thấy rằng, sự mong manh của gia đình nhân loại hiện nay, cách nào đó, giống với hình ảnh cộng đoàn mỏng giòn của Đức Giêsu trong đêm Tiệc Ly. Xung quanh Đức Giêsu trong đêm ấy là những con người sợ hãi và bất an, có nguy cơ rơi vào tình trạng “cách ly”: với Thầy và với nhau. Đúng vào lúc đó, Đức Giêsu đã để lại một giới răn duy nhất cho các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Chính trong đêm Tiệc Ly năm xưa, Đức Giêsu đã khơi nguồn mạch suối tình yêu, và ban cho các ông niềm hy vọng về một tương lai vinh thắng. 

Nếu tình yêu ấy đã là nguồn an ủi cho các Môn Đệ khi xưa, thì giờ đây trong cơn khủng hoảng, Đức Giêsu đang tiếp tục an ủi chúng ta cũng bằng chính lời nhắn nhủ yêu thương ấy. Quả thế, nếu ta sống yêu thương, ta sẽ đem lại hy vọng cho thế giới, và cuộc khủng hoảng sẽ được biến đổi. Như thế, chính chúng ta phải là những người can đảm tiên phong đến với những số phận bên lề xã hội, chúng ta phải dám can đảm bày tỏ tình yêu dù có thể phải mang lấy thương tổn. Hy vọng vào sự chiến thắng chung cuộc của tình yêu, và can đảm để cho đau khổ của người khác chạm đến mình, đó là hai tiền đề giúp ta đắp xây tình liên đới nhân loại. Đây vốn là sứ mệnh của người Kitô hữu.

Lời kết

Giữa cơn đại dịch và những thảm họa môi sinh đang diễn ra trên khắp hoàn cầu, chúng ta đang cần tình người phát lộ hơn bao giờ hết để cứu lấy “con thuyền” chung của nhân loại. Có lẽ đó cũng là bài học lớn mà Thiên Chúa muốn con người rút ra từ cơn dịch này. Vì vậy, đang khi cầu nguyện cho các nạn nhân và cho thế giới trong cơn đại dịch, chúng ta cũng cầu xin cho xã hội biết quay lại với nền tảng lòng nhân trong đức tin, để xây dựng một thế giới thật sự nhân bản hơn. Đó là giải pháp tối ưu, không phải chỉ đối với cơn dịch này, mà đối với toàn thể đời sống nhân loại trong tương lai. 

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com