Nội San / Số 74 – Barnaba Nguyễn Văn Hoàng “Lan Toả Ngọn Lửa Mến Cho Nhân Loại”

27-06-2021
Bởi: Jos Nguyen OP Có: 0 bình luận 1567 lượt xem

Lan Tỏa Ngọn Lửa Mến Cho Nhân Loại

Barnaba Nguyễn Văn Hoàng

“Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa”. (1Pr 4,10)

Năm 2020 vừa qua đã trở thành một mốc lịch sử đặc biệt và đáng nhớ, vì những ảnh hưởng trên bình diện rộng của toàn thế giới khi nhân loại phải gồng mình chống chọi với đại dịch COVID-19, thảm họa lớn nhất của nhân loại kể từ chiến tranh thế giới thứ II. Dịch bệnh này, và những xáo trộn của môi sinh, đang mời gọi con người “dừng bước” và nhìn nhận thật chân thành rằng “ngôi nhà chung” của nhân loại đang “đổ bệnh và lên tiếng” vì bị tổn thương trầm trọng. Cách riêng giữa cơn đại dịch này, thiết nghĩ việc thực thi đức mến trong đời sống là điều cần làm đối với mỗi anh chị em chúng ta, và đối với “ngôi nhà chung” của nhân loại. Nếu nhìn từ góc độ niềm tin, đức mến dẫn ta đến sự sống đời đời, giúp ta nên hoàn thiện hơn. Đức mến là bản chất sự thánh thiện. Một việc tầm thường đến đâu đi nữa, nếu được làm với lòng mến lớn lao, vẫn có giá trị trước mặt Chúa. Vì thế, mọi nhân đức phải qui về đức mến. Thiếu lòng mến, mọi việc nhân đức đều nghèo nàn, khô cằn như cái xác không hồn vậy.

1. Covid và thiên tai: thảm hoạ

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lây lan nghiêm trọng, nhất là những nơi tâm dịch. Người dân buộc phải ở nhà và hạn chế đi lại; các hoạt động công nghiệp bị đình trệ hoặc ngừng hoạt động. Không ít người phải sống trong cảnh lo âu và sợ hãi vì nhiều tai họa của thiên nhiên ập đến. Ngoài ra, trong những năm vừa qua, nhiều nơi còn phải chứng kiến nhiều thảm họa thiên nhiên gây ra: sóng thần ở Indonesia, cháy rừng năm 2019 tại Amazon và Úc châu, v.v. và đại dịch COVID-19 Vũ Hán tháng 12/2019. Đã có hàng triệu ca nhiễm và tử vong trên toàn thế giới. Phải chăng đây là hậu quả của lối sống ích kỷ và tiêu thụ, kiểu khai thác tận cùng nguồn lực thiên nhiên? Mỗi người, đặc biệt những người Kitô hữu, cần phải thức tỉnh và sẵn sàng vì không biết ngày nào, giờ nào, mối nguy hiểm đó sẽ “vồ lấy” chúng ta. Qua biến cố đại dịch này, chúng ta có nhận ra con người của mình yếu đuối không? Hay chúng ta còn mải mê thế sự trần gian, mà quên đi chính sự sống còn của mình? Có lẽ đây là lời cảnh tỉnh cho con người chăng?

Nhìn thành đô Rôma tráng lệ, đông đúc người hành hương, nhưng với virus Corona, mọi chương trình, thánh lễ công cộng đều tạm ngưng. Trong bầu khí ấy, dĩ nhiên Giáo Hội thấy được nỗi đau, nỗi lo sợ của người dân. Giáo Hội thấy cần có một lời mời gọi để con người hoán cải, sám hối và ăn năn. Giáo Hội đang tiếp tục lắng nghe tiếng Chúa trong những biến cố xảy ra trên thế giới. Phải chăng Thiên Chúa muốn nhắc cho con người về thân phận mỏng giòn, mong manh và phải chết? Phải chăng con người nghĩ rằng mình toàn năng và có thể làm được mọi thứ, có thể tiêu diệt được địch thù đang tấn công nhân loại? Phải chăng dịch COVID-19 là hệ quả của những lầm lạc và kiêu ngạo của con người? Hy vọng chút gợi ý trên giúp ta nhìn đại dịch với lòng tin tưởng và hy vọng nơi Thiên Chúa, Đấng đang dõi theo từng bước trên hành trình của mỗi người, và nhân loại chúng ta. Người đang mời gọi con người quy hướng về Người.

2. Con người được thông phần tình yêu Đức Giêsu Kitô

Thực ra, con người dù văn minh đến đâu, và khả năng làm chủ vũ trụ có bao trùm, vĩ đại thế nào, thì nhân loại cũng không thể ra khỏi cái hữu hạn của mình, con người không tự tạo nên mình, cũng không tạo nên vũ trụ và các thụ tạo khác. Những khám phá vĩ đại có thể làm cho ai đó nghĩ rằng mình là “thần thánh”, tưởng có thể “thay trời làm mưa, biến sỏi đá thành cơm gạo”, và có chủ trương cho rằng “con người tạo nên thượng đế”. Đó chỉ là phạm trù về lý tưởng, hoặc là những khám phá khoa học từ những gì đã có sẵn, vẫn đều đặn vận hành từ hàng ngàn tỷ năm; và nếu có phát minh mới, thì những phát minh ấy cũng đi từ những gì đã có mà con người quan sát, học hỏi được từ chính mình, từ thiên nhiên, vạn vật. 

Thực vậy, con người chỉ là thụ tạo được Thiên Chúa trao quyền cho cai quản trái đất này. Họ cần nhận ra sự yếu đuối và mỏng manh của mình, mà biết tôn vinh và ca ngợi Thiên Chúa. Với người Kitô hữu, mỗi người được mời gọi thông phần vào tình yêu của Đức Kitô, sẵn sàng sống ơn gọi làm người, là Kitô hữu, và thực thi sứ mạng tông đồ, chiếu tỏa sứ điệp tình thương với ý thức và tình liên đới hiệp thông. Đặc biệt là mang Chúa đến cho mọi người qua việc hăng say cầu nguyện, phục vụ, sống hết mình với tha nhân.

3. Lan tỏa lửa yêu mến trong mình và cho tha nhân

Có lẽ với thế gian, nói về đức mến là điều xa lạ. Nhưng với Kitô hữu, đức mến là lửa, là năng lực của đời sống và sứ vụ. Đức mến bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8); đức mến quy hướng con người về Thiên Chúa: “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa” (1Ga 4,16); đức mến giúp chúng ta lan tỏa tình thương đến mọi người: “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4,21). 

Thiên Chúa cho ta được sống và dạy ta biết yêu thương nhau. Mỗi người cần có đức mến trọn lành để mang nó đến cho tha nhân chứ không phải chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ đơn thuần. Lòng mến không phải là những điều xa vời, mà tồn tại ngay trong chính cuộc đời của mỗi chúng ta. Từng biểu hiện ta dành cho nhau, cử chỉ, lời nói, hành động, hoặc đơn giản chỉ là ánh mắt chân thành, tình cảm trong sáng, nó giản dị nhưng cũng có thể sưởi ấm tấm lòng, thắp sáng yêu thương, làm cho tâm hồn và cuộc sống thêm ấm áp.

Khi giúp đỡ người khác qua những việc từ thiện hoặc những chuyến đi thăm nơi này, nơi kia, có bao giờ ta so sánh việc từ thiện của hai người, một người làm vì lòng yêu mến xuất phát từ tình yêu đối với người nghèo, còn người kia cốt lấy tiếng vang? Thái độ của người cho khác hẳn với cách cho, đặc biệt dễ thấy trong những trường hợp không thuận lợi như ý muốn của họ. Những chuyến đi có thể ví như những hành trình, đến những nơi khác, môi trường khác, hoàn cảnh khác, v.v.. Và qua đó, tình yêu mến được thể hiện, để cho đi mà không mong được nhận lại. Đó là tình yêu xuất phát từ trái tim biết yêu thương, luôn bừng cháy trong lòng mỗi chúng ta để từ đó chúng ta biết mang tình yêu mến đến cho mọi người.

Ngày 20/12/2020 thật đặc biệt với Thỉnh viện chúng tôi khi chúng tôi có dịp thực hiện chuyến hành hương viếng thăm các cha cố hưu trí, và thăm nhà tình thương của các cụ ông cụ bà, thăm cha Giám tập và các anh tập sinh tại đền thánh Martin. Chuyến đi đã mang lại cho tôi biết bao cảm xúc, biết bao niềm vui, niềm cảm tạ tri ân, cách riêng đối với các bậc tiền bối là các cha anh trong Tỉnh Dòng, cũng như những người cao tuổi. Tôi đã đọc ra được mong ước của các ngài giờ đây chỉ là thiết tha thêm lời cầu nguyện, xin Chúa ban nhiều ơn lành hồn xác. Chúng tôi được quý cha ban phép lành bình an và chúc lành cho mọi công việc, mong các em trẻ vốn là những mầm non cho tương lai của Tỉnh Dòng luôn học hành thật tốt, vững bước trên đường theo Chúa trong linh đạo Đa Minh.

4. Nhìn về phía trước và xa hơn

Trở thành môn đệ Ðức Kitô chính được tham dự vào cuộc đời và sứ vụ của Người, được nên đồng hình đồng dạng với Người. Khi nào chúng ta có “chất Kitô” trong mình càng nhiều, ta càng nên giống Chúa Kitô. Với Chúa, chúng ta được mời gọi sống niềm tin yêu, phó thác trong thời đại của mình, để làm lớn mạnh “chất Kitô” trong ta. Chúng ta cần tập và khởi đi từ những việc rất nhỏ của cuộc sống thường ngày, để nên thiết thân với Chúa, nên môn đệ của Chúa, với niềm hy vọng là sẽ cảm nhận được niềm vui cứu độ đã đang nhen nhóm trong ta.

Ước gì người trẻ hôm nay không vô tâm trước Thiên Chúa và trước người anh em của mình. Khi mở lòng nhân ái đối với mọi người, chúng ta sẽ cảm nhận được sự ấm áp nơi chính mình. Chắc chắn một điều rằng những gì chúng ta trao tặng cho người khác bằng tấm lòng yêu mến cũng sẽ được hồi đáp bằng tình yêu, và còn hơn thế nữa. Xin Chúa giúp chúng ta biết cảm nhận được tình yêu của Người, và biết tập sống yêu thương trong cuộc sống mỗi ngày.

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa là Nguồn Mạch mọi sự sống và tình thương,

mỗi con người, nơi chốn và những thứ trong đời con

đều là quà tặng Chúa ban.

Xin giúp con cũng biết tôn trọng món quà này.

Xin giúp con biết thể hiện tình yêu của con với Ngài

qua việc làm tăng trưởng tình yêu đối với tha nhân,

và muôn vẻ của các loài thọ tạo,

qua đó Ngài đã chúc lành cho con.

Amen.

  1. ĐGH Phanxicô (24/5/2015). Thông điệp Laudato si’, số 10. 

 

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com