Mục Lục
Gioan Baotixita Vũ Đức Hiếu
Cuộc đời của thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta đã diễn ra bao điều lạ lùng, là một phần trong công trình kỳ diệu của Thiên Chúa chuẩn bị cho Dân Người đón nhận ơn cứu độ.
Dẫn Nhập
Khởi đầu Tin Mừng thứ tư, thánh Gio-an viết: “Có một người Thiên Chúa sai đến tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng cho ánh sáng và chuẩn bị lòng dân sẵn sàng đón Chúa” (Ga 1,6-7). Ở mỗi thời điểm và hoàn cảnh khác nhau trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa gửi đến cho dân Ngài những vị ngôn sứ. Các ngài là những “trung gian” thông truyền sứ điệp của Thiên Chúa cho con người. Trong hàng ngũ những vị ấy, thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta là vị ngôn sứ cuối cùng, “cao trọng nhất” của Cựu Ước đồng thời là chiếc cầu nối vào Tân Ước. Ngài là vị tiền hô, đi trước dọn đường cho Đấng Cứu Thế ngự đến. Cuộc đời của thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta đã diễn ra bao điều lạ lùng, là một phần trong công trình kỳ diệu của Thiên Chúa chuẩn bị cho Dân Người đón nhận ơn cứu độ.
Trong Kinh tiền tụng của ngày lễ mừng sinh nhật của thánh nhân, 24 tháng 06 hằng năm, Hội thánh tuyên xưng rằng:
“Chúng con ca ngợi những kỳ công Chúa đã thực hiện nơi thánh Gio-an Tiền Hô. Chúa đã thánh hiến người và cho người được vinh dự đặc biệt giữa các người thế. Chưa sinh ra người đã nhảy mừng khi Ðấng Cứu Ðộ trần gian ngự đến. Lúc chào đời người đã đem lại nhiều niềm vui. Người là vị ngôn sứ duy nhất chỉ cho dân chúng nhận ra Ðức Kitô là Chiên Thiên Chúa đến cứu độ trần gian. Hơn nữa, trong dòng sông Gio-đan, Người đã làm phép rửa cho Ðấng thiết lập bí tích thánh tẩy để thánh hoá mọi người. Sau cùng, người đã sẵn lòng chịu chết để làm chứng cho Ðức Kitô.”
Những lời trên đây đã tóm gọn đầy đủ ý nghĩa về cuộc đời và sứ vụ của thánh Gio-an trên hành trình dương thế. Có thể nói, những nét đặc biệt nơi con người của thánh nhân đã khiến Đức Giê-su không tiếc lời khen ngợi: “Trong số những người nam bởi người nữ sinh ra, không có ai cao trọng hơn Gio-an Tẩy giả…” (Mt 11,11). Trong thánh Thi Kinh Sáng ngày trọng lễ này, có những lời ngợi khen: “Gio-an Tẩy Giả siêu quần bạt chúng/ Đời trinh trong như tuyết trắng mỹ miều/ Tay anh hùng tử đạo thích cô liêu/ Vị ngôn sứ đứng đầu trong Cựu Ước”.
Qua những cảm nghiệm cá nhân, người viết xin được trình bày bốn điểm chính yếu, là bốn dấu ấn tuyệt vời trong cuộc đời và sứ mạng của thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta. Mong ước rằng những điều bản thân nghiền ngẫm cũng ít nhiều gợi lên nơi người đọc những cảm nghiệm riêng, đặc biệt với những bạn trẻ đang chập chững bước vào hành trình theo Chúa Ki-tô.
1. “Joannes est nomen eius”
“Tên cháu là Gio-an” (Lc 1,63)
Khi sinh ra, ai trong chúng ta cũng được cha mẹ cho một cái tên (nomen). Tên gọi không những dùng để phân biệt người này với người khác, trong văn hoá Do Thái, tên còn nói lên ơn gọi, sứ mạng và tương lai của người đó. Ví dụ: Áp-ra-ham và có nghĩa là “cha của nhiều dân tộc”, Mô-sê có nghĩa là “đưa ra khỏi”, nói lên sứ mạng dẫn dắt, đưa dân Ít-ra-en lên khỏi Ai Cập. Vậy thì, “Gio-an” nghĩa là gì?
Trình thuật Tin Mừng Lu-ca kể về việc sinh hạ thánh Gio-an, đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc đặt tên. Tên của con trẻ đã được chính sứ thần loan báo trước cho Da-ca-ri-a trong cuộc truyền tin: “Ông phải đặt tên cho con là Gio-an” (Lc 1,13). Điều đó có nghĩa là tương lai con trẻ đã có trong kế hoạch của Thiên Chúa. Ông Da-ca-ri-a phải tuân theo, đặt tên cho con trẻ là Gio-an chứ không phải là Da-ca-ri-a (theo thường lệ), hay Giu-se hay Phi-líp-phê, v.v..
Lạ lùng hơn nữa, trong ngày con trẻ được cắt bì, chính người mẹ là bà Ê-li-sa-bét cũng có ý đặt tên cho con mình là Gio-an: “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an” (Lc 1, 60). Bà con hàng xóm đang hiện diện lấy làm lạ nên mới hỏi ý của người cha về tên con trẻ. Da-ca-ria-a lúc ấy đang bị câm, đã xin một tấm bảng và viết: “Tên cháu là Gio-an” (Lc 1, 63). Mọi người không khỏi ngỡ ngàng, bởi hai ông bà không thể trao đổi với nhau mà sao lại tâm đầu ý hợp như thế. Phải chăng bà Ê-li-sa-bét cũngđã được linh ứng trước về tên con trẻ? Việc đặt tên có thể xem là một dấu lạ (signum) trong cuộc đời của Gio-an, báo trước sứ mạng của con trẻ sau này. Đặt tên cho con trẻ xong, ông Da-ca-ri-a nói lại được, đã thốt lên những ca tụng Chúa bằng một thánh ca tuyệt diệu Benedictus : “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-el… (Lc 1, 67tt)
2. “Illum oportet crescere, me autem minui”
“Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại” (Ga 3,30)
Khi thấy ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng, kêu gọi ăn năn sám hối và làm phép rửa tại sông Gio-đan[1] thì dân chúng không khỏi nghi vấn: ông có phải là đấng Mê-si-a phải đến hay không? Họ hỏi Gio-an: “Ông là ai?” (Ga 1,19). Ông Gio-an khiêm tốn trả lời: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô […]. Ngài thẳng thắn giới thiệu bản thân chỉ là “tiếng hô trong hoang địa…” (Ga 1, 23). Và đi xa hơn, ngài giới thiệu Đấng sẽ đến: “Tôi đây làm phép rửa trong nước, nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,21.26-27).
Khi Đức Giê-su đến sông Gio-đan xin chịu phép rửa, ông Gio-an đã một mực can ngăn: “Chính tôi mới cần phải chịu phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi” (Mt 3,14). Ông Gio-an đã hành động không theo thói đời đề cao mình bản thân, ngược lại ông ý thức sứ mạng của mình, cúi mình xuống để Đức Ki-tô – Đấng đến sau, được trổi vượt lên.
Thẳng thắn từ chối danh hiệu Đấng Mê-si-a, hạ mình trước Đức Giê-su, ông Gio-an đã để lại cho hậu sinh một bài học về sự khiêm tốn (humilitas). Quả thật, vị tiền hô là người có đời sống nhân đức cao đẹp, đáng kính trọng.
Có một sự thật rằng, con người thường thích được người đời chú ý đến và khen ngợi, đôi khi nó dẫn người ta đến sự kiêu ngạo, quên cả mình là ai. Ngạn ngữ có câu: “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là nhiều”. Khiêm tốn là một đức tính cao đẹp, nhưng không dễ thủ đắc nếu như con người không nhìn nhận một cách thành thật về chính bản tính (natura) của mình.
Chúa Giê-su cũng dạy rằng: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11). Hơn thế nữa, khiêm tốn chính là đi vào con đường của sự tự huỷ của Người, Đấng là Con Thiên Chúa đã trở thành phàm nhân, để con người được nên giống như Thiên Chúa, tức là thông dự vào bản tính thần linh của Người. Mang danh Ki-tô hữu, tôi phải sống theo khuôn mẫu tự huỷ của Đức Kitô. Nếu tôi nói tôi là người có đạo, mà tôi còn mặc chiếc áo rộng thùng thình của sự kiêu căng, đôm đốp vỗ ngực, tự mãn về chính mình, hẳn tôi là một “Ki-tô hữu giả” và đang tự kết án chính mình. Thiên Chúa yêu thích và chúc lành cho những tâm hồn khiêm tốn. Thánh Phao-lô khuyên nhủ tín hữu Rô-ma: “Ðừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tuỳ theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho. Ðừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan” (Rm 12,3.16) và với tín hữu Phi-líp-phê: “…nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2,3).
Thánh Gio-an cũng chỉ ra con đường sống khiêm tốn là nhận biết ơn huệ của Thiên Chúa: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do bởi Trời ban” (Ga 3,27). Theo nghĩa đó, thánh Phao-lô nói với các tín hữu Côrintô: “Có điều chi mà bạn không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7). Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su cùng một cảm nghiệm rằng: “Tất cả là hồng ân của Chúa”. Thật vậy, làm sao ta có thể tự mãn khi đang sở hữu những điều mà chẳng có mảy may một chút gì là do chính ta mà có, trái lại, tất cả mọi sự đều phát xuất từ ân ban của Chúa và đó là lí do để mình luôn khiêm tốn và xa lánh thói kiêu ngạo. Đức cố hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng: “Người sống trước mặt Thiên Chúa không thể kiêu ngạo được, ngạo về điều gì? – tất cả đều là của Chúa”[2]
3. “Ecce Agnus Dei”
“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29)
Điểm nổi bật tiếp theo nơi thánh Gio-an là nhận biết Đấng Cứu Thế đang đến và giới thiệu Người. Tin Mừng Gio-an thuật lại vào ngày hôm đó, khi thấy Chúa Giê-su tiến về phía mình, ông Gio-an đã tuyên bố: “Ecce Agnus Dei – đây là Chiên Thiên Chúa.” Tại sao ông Gio-an biết được Đấng Cứu Thế đang hiện diện giữa đám đông dân chúng đến xin chịu phép rửa? Sự khiêm tốn giúp thánh Gio-an có thể lắng nghe tiếng nói của Thần Khí, như lời ông làm chứng:
Tôi đã thấy Thánh Thần Chúa như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Người. Về phần tôi, tôi vốn chưa biết Người, nhưng Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: Ngươi thấy Thánh Thần Chúa ngự trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần. Tôi đã thấy, đã nhận biết và tôi xin làm chứng: Chính Người là Con Thiên Chúa (Ga 1, 29-34).
Lập tức hai môn đệ đã xin đi theo Đức Giê-su, sau khi nghe Gio-an giới thiệu. Để cho các môn đệ của mình tự do rút lui, để đi theo Đức Giê-su, ông Gio-an đã thực hiện chính điều ông rao giảng “Người phải lớn lên, còn tôi phải lu mờ đi.”
Cũng theo một khuôn mẫu của Gio-an Tẩy Giả, ông An-rê sau khi được “ ở với Người ngày hôm ấy” (Ga 1,39), đã đến tìm gặp em mình là Si-mon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (Ga 1,41) và đưa em đến gặp Người. Và từ đó, Si-mon đã biết Chúa và được Chúa đặt cho một tên mới: “Kê-pha” (tức là Phê-rô, nghĩa là Đá tảng, Ga 1,42). Cũng thế, Phi-líp-phê sau khi được Chúa kêu gọi: “Anh hãy theo tôi” (Ga 1,45), ông tìm gặp Na-tha-na-en để giới thiệu Đấng Mê-si-a và khuyến khích: “Cứ đến mà xem” (Ga 1,46).
Quả vậy, nhận biết và giới Đức Ki-tô là ơn gọi của Kitô hữu. Trước hết, tôi được người khác giới thiệu cho biết Đức Ki-tô và khi đã biết Người, tôi lại tiếp tục giới thiệu cho những người khác nữa, và cứ như thế, Danh Đức Ki-tô sẽ được mọi người biết đến và tin nhận, mỗi ngày một đông hơn. Theo ý nghĩa này, Dòng Đa Minh, do chính sứ vụ của Dòng “loan truyền danh Chúa Ki-tô cho toàn thế giới.”[3] khích lệ các anh em mỗi ngày chuyên chăm học biết Đức Ki-tô sâu xa hơn bằng một đời sống chiêm niệm, và rồi giới thiệu Đức Ki-tô cho người khác: “Comptemplare et contemplata aliis tradere – Chiêm niệm và chia sẻ cho tha nhân điều mình chiêm niệm.”
4. Testimonium Veritatis
“Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài” (Mt 11,11)
Thánh Gioan Tẩy Giả không chỉ giới thiệu Đức Giê-su bằng lời, mà hơn nữa còn làm chứng cho Người bằng chính cái chết nữa. Trong lịch phụng vụ của Giáo hội, ngài được mừng lễ vào hai ngày: 24/06 mừng sinh nhật thánh nhân, và 29/08 mừng ngày Ngài chịu trảm quyết. Với một thái độ cương quyết, thánh nhân lên tiếng nói bảo vệ cho công lý: “Ngài [Hê-rô-đê] không được phép lấy vợ của anh ngài” (Mc 6,18). Can ngăn để điều ác không diễn ra, thánh nhân đã chết bởi những toan tính của bà Hê-rô-đi-a, và sự yếu nhược của vua Hê-rô-đê.
Thánh Gio-an đã dùng chính mạng sống của mình để bênh vực sự thật và loan báo trước sứ mạng của Đức Ki-tô, Đấng sẽ chết cho sự thật. Trước mặt Phi-la-tô, Đức Giê-su quả quyết: “Tôi sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37). Rồi, Người đã bị giết chết, bị treo trên Thập giá vì làm chứng cho sự thật. Qua cái chết của Đức Giê-su, Thiên Chúa bày sự thật lớn lao nhất – Ơn cứu độ được ban tặng cho toàn thể nhân loại.
Mọi người nói chung và Ki-tô hữu nói riêng, được mời gọi sống theo sự thật vì chính Thiên Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ “là Đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14,6). Thiên Chúa chân thật vì trong lịch sử cứu độ, Người đã trung thành với giao ước, với lời Người đã hứa, bất chấp sự bất tín của loài người.[4] Hơn nữa, tất cả mọi sự liên quan đến Thiên Chúa hết thảy đều là sự thật: “Mệnh lệnh Chúa thảy đều chân thật…” (Tv 119,86); “căn nguyên Lời Ngài là chân lý, mọi quyết định công minh của Ngài tồn tại muôn năm” (Tv 119,160); “Thiên Chúa nhất định là Đấng chân thật” (Rm 3,4).
Niềm tin của chúng ta đặt trọn vào Chúa Ki-tô và tin vào Tin Mừng, bởi thế chúng ta cũng được mời gọi mạnh dạn tuyên xưng, làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày. Đang bị cầm tù, thánh Phao-lô gửi thư khuyên nhủ Ti-mô-thê: “Anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Thiên Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2Tm 1,8).
Kết Luận
“Mirabilis Deus in sanctis suis”: Thiên Chúa tỏ ra rất lạ lùng trong đời sống các thánh (Tv 67,36). Thật vậy, khi đọc lại hạnh tích các thánh, hậu thế luôn luôn cảm thấy ngưỡng mộ và không ngớt lời ca khen, chúc tụng những việc vĩ đại mà Thiên Chúa đã thực hiện qua những bậc thánh nhân của từng giai đoạn trong lịch sử.
Trong kinh truyền tin ngày 23 tháng 06 năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã quảng diễn về thánh Gio-an như sau:
“Thánh nhân đã chết vì chân lý khi ngài tố cáo sự loạn luân của vua Hê-rô-đê và bà Hê-rô-đi-a. Biết bao người phải trả giá đắt để dấn thân bảo vệ sự thật! … Biết bao người công chính chọn lội ngược dòng, tức là không muốn chối bỏ tiếng nói lương tâm, tiếng nói của chân lý! Và chúng ta nữa, đừng sợ hãi”[5].
Quả thật trên đây là những lời khích lệ rất quý báu dành các Ki-tô hữu vào thời đại hôm nay.
Được mời gọi theo gương thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta, các Ki-tô hữu can đảm sống trọn vẹn ơn gọi và sứ vụ của mình, bằng cách: luôn ý thức vẻ đẹp cao cả của danh xưng Kitô hữu; sống khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa để Người được lớn lên nơi mình và tha nhân; rao truyền, giới thiệu Chúa Ki-tô cho mọi người; sau hết lên tiếng bảo vệ sự thật và xây dựng công bằng cho xã hội.
Nguyện xin Chúa chúc lành cho những ước nguyện trên của chúng con. Xin thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta luôn cầu thay nguyện giúp cho chúng con ngõ hầu đời sống của mỗi người chúng con ngày càng sinh nhiều hoa trái tốt đẹp như lòng Chúa mong ước. Ước chi được như vậy!
[1] x. Mt 3,1-12; Mc 1,2-6; Lc 3,1-18; Ga 1,19-28.
[2] FX. Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, số 20, Khiêm nhường, câu 513.
[3] Hiến pháp Nền tảng §I.
[4] Kinh Thánh (Ấn bản 2011), Chú giải, tr. 2487.
[5] Kevin Cotter, 365 ngày với Đức Phan-xi-cô (Tp. HCM, Học viện Đa Minh), tr. 182.