[ĐMX71] Khoảng Lặng Làm Nên Cuộc Đời Một Vị Thánh

14-11-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2186 lượt xem

Phêrô Trần Văn Hùng

Thánh Anbêtô kết hợp một cách hài hoà giữa đời sống tâm linh và đời sống trí thức, giữa khoa học và đức tin, giữa sự khôn ngoan của con người và lòng yêu mến Chúa.

Đôi khi, giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống chúng ta cần một khoảng lặng cho riêng mình. Một khoảng lặng nhỏ bé để trút hết mọi tâm trạng u buồn, để nhìn lại sau lưng, ngẫm về phía trước, để nhấm nháp nỗi buồn vu vơ, để ngắm nhìn cuộc sống. Một khoảng lặng để thả hồn theo cơn gió bay đi, hay dừng để nhìn lại chính mình, tìm kiếm những dự phóng cho tương lai và để tìm kiếm Thiên Chúa.

Thánh Anbetô – một người con vĩ đại của Dòng Đa Minh – cũng đã có những khoảng lặng như vậy. Và thật đặc biệt, từ chính những khoảng lặng ấy, ơn gọi Giảng Thuyết của thánh nhân đã được ươm mầm và trưởng thành. Vào năm 16 tuổi, Anbetô được một người cậu đưa sang Bologne, rồi đi Pađua, là nơi có một trong những trường đại học nổi tiếng nhất thời Trung Cổ để theo đuổi chương trình học. Trong một thời gian dài tại đây, Ngài thường xuyên viếng thăm các tu viện của dòng Anh Em Giảng Thuyết. Trong lòng chàng thanh niên trẻ tuổi xuất hiện một lời mời gọi. Lời mời gọi ấy không xảy ra tức khắc một lần, nhưng diễn tiến tuần tự, chậm rãi với mức độ tăng dần. Nó được truyền đạt thông qua sự giản dị, gương mẫu và thánh thiện của các tu sĩ dòng Đa Minh, cách riêng là các bài giảng của cha Giôđanô Saxônia, vị Tổng quyền thứ hai của Dòng. Anbetô cảm nhận được lời mời gọi ấy nhưng trong lòng vẫn còn nhiều ngập ngừng, do dự.

Lòng đầy những băn khoăn, trăn trở, nếu bước vào hành trình mới này, Ngài sẽ phải chọn lựa, sẽ phải bỏ lại sau lưng những gì thân thuộc. Làm sao có thể dễ dàng từ bỏ được những thứ đó! Xuất thân trong một gia đình quý phái có truyền thống hiệp sĩ, sự thông minh và hiểu biết hơn người của Ngài được bộc lộ từ rất sớm. Tất cả những điều đó khiến cho Ngài được kỳ vọng là sẽ tiếp nối truyền thống binh nghiệp vẻ vang của gia đình. Nếu chỉ vì những dấu chỉ mời gọi giản đơn như vậy thì thật khó để gia đình có thể chấp nhận cho Ngài từ bỏ tất cả mà theo Chúa. Nỗi băn khoăn, dằn vặt ấy cứ như đang đi vào những khoảng sương mù, đêm tối trong lòng của Ngài. Anbetô sẽ phải bước vào cuộc chiến của chính tâm hồn mình. Cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối, giữa chính những mâu thuẫn của nội tâm: Bước theo Chúa hay bỏ qua lời mời gọi đó?

 Trong tác phẩm Vitae Fratrum – Đời sống anh em, cha Géraud de Frachet kể lại câu chuyện về Anbetô:

Một đêm anh (Anbetô) mơ thấy mình đã vào dòng Giảng thuyết, nhưng đã sớm bỏ cuộc. Khi thức dậy, anh mừng vì anh đã không mặc áo dòng và tự nhủ: “Tôi biết rõ rằng nỗi sợ hãi trở thành một nhà giảng thuyết của tôi là hợp lý.”

Nhưng cũng ngay ngày hôm đó anh nghe một bài giảng của cha Giôđanô mô tả một cách chính xác sự tiến thoái lưỡng nan của anh, nó cho thấy và chỉ ra sự sợ hãi không thể chống đỡ như là cơn cám dỗ của ma quỷ. Bối rối và hoảng hốt trước những lời này, chàng trai trẻ Anbetô ngay sau đó tìm gặp cha Giođanô và nói: “Thưa Thầy, ai đã tỏ lộ lòng con cho Thầy?” và anh ấy đã thổ lộ với cha Giôđanô về những dự định và ước mơ của mình. Nhưng cha bề trên trả lời một cách tự tin: “Con trai à, ta cam đoan rằng nếu con vào Dòng thì con sẽ không bao giờ bỏ Dòng đâu” và cha bề trên cứ lặp lại với anh nhiều lần như thế. Với sự đảm bảo chắc chắn như vậy, Anbetô đã hướng về Dòng với cả tấm lòng và nhanh chóng gia nhập tu viện.”1

Thiên Chúa thường nói với chúng ta trong những tháng năm còn niên thiếu và chỉ ra cho thấy dự phóng của cuộc đời mỗi chúng ta. Chúa Giêsu mời gọi ta bước theo Người. Để theo Người, ta phải dứt khoát quyết liệt, không khoan nhượng, không lưỡng lự dùng dằng. Sở dĩ Chúa đòi chúng ta phải dứt khoát vì Chúa biết xác thịt chúng ta yếu đuối. Tinh thần muốn vươn cao nhưng xác thịt cứ muốn kéo ghì chúng ta xuống. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy sống theo Thần Khí chứ đừng theo xác thịt. Hơn nữa, ma quỷ rất tinh khôn, nó cám dỗ ta từng bước, đưa ra những lý do rất hợp lý để khiến ta nhượng bộ. Nhượng bộ xác thịt một lần rồi sẽ dẫn đến những nhượng bộ khác. Những nhượng bộ đó kéo ta dần dần xa Chúa. Để tránh sự cám dỗ đó, thánh Anbetô đã không ngừng cầu nguyện với Thiên Chúa và Mẹ Maria :

Bao giờ chúng con mới thấy gương mặt hiền từ mà chúng con ao ước bấy lâu nay? Bao giờ chúng con mới được ở gần Mẹ, một người Mẹ mà chúng con nhiều lần bất hiếu? Bao giờ chúng con mới được thấy Mẹ! Chúng con lo sợ không biết có đủ kiên nhẫn mà đợi chờ. Và ước chi trong khi chờ đợi ngày đêm, chúng con biết khóc than tội lỗi chúng con, cho tới khi nào chúng con được nghe tiếng êm ái dịu dàng của Chúa: “Hỡi con, đây là Mẹ con”.

Hơn thế nữa, việc được hướng dẫn bởi các vị thông thái mà trong trường hợp này là cha Giođanô cũng chiếm phần quan trọng không kém. Bằng sự hướng dẫn nhiệt thành và kiên trì, cha đã giúp chàng thanh niên Anbetô đưa ra được một quyết định đầy sáng suốt là gia nhập vào Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Vào thế kỷ XIII, khi mà truyền thống linh đạo “lao động và cầu nguyện” đang ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời tu, thì thánh Đa Minh lại có một quyết định đầy “tính cách mạng và mới mẻ” là đưa việc học hành vào trong Dòng tu mới – Dòng Anh Em Giảng Thuyết do Cha thiết lập. Học hành được đặt ngang bằng với cầu nguyện và khổ chế . Mở đầu cho phần nói về Học hành, Sách Hiến pháp và Chỉ thị, số 76 nói rằng: “Thánh Đa Minh, người canh tân đặc biệt trong lãnh vực học hành, đã gắn chặt việc học nhằm tác vụ cứu độ với chủ đích của Dòng mình”. Sau đó, ở triệt 2 của số 77 đã diễn giải và khích lệ: “Nhờ học hành, anh em nghiền ngẫm sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa và chuẩn bị phục vụ Hội thánh và mọi người về phương diện đạo lý”; hơn nữa cần phải chuyên tâm học hỏi, vì theo truyền thống của Dòng, anh em được đặc biệt kêu gọi để vun trồng “khuynh hướng của con người là tìm kiếm chân lý”. Thánh Anbetô đã nhận ra rằng chỉ có trong “ơn gọi Đa Minh” thì khả năng học hành của Ngài mới trở nên “hữu ích cho linh hồn và cho tha nhân.”2

Dưới ánh sáng chân lý đã tuân theo, Anbetô đã dành hầu như cả đời mình cho việc nghiên cứu và giảng dạy nhưng không vì đó mà quên đi tinh thần vâng phục và yêu mến các linh hồn khi đảm nhận nhiều chức vụ danh giá như giáo sư đại học đường Cologne, bề trên của tỉnh dòng Teutoniae và đặc biệt là làm Giám mục của Địa phận Rengesburg. Tuy Ngài nhận những chức vụ đó vì lòng vâng phục chứ không vì một lý do nào khác nhưng ở nhiệm vụ nào Ngài cũng chu toàn một cách nhiệt thành và cống hiến không biết mệt mỏi. Thánh nhân là một trong những nhà tri thức lớn thời Trung cổ có sự hiểu biết uyên bác đặc biệt. Các công trình Ngài để lại đã giúp ích rất nhiều cho việc phục vụ và “hoàn thiện phán đoán của Hội thánh”.3

Thật vậy, thánh Anbetô đã giúp chúng ta nhận ra rằng thế giới tự nhiên giống như một quyển sách được Thiên Chúa viết ra. Trên tất cả, thánh nhân cho thấy không có sự đối nghịch giữa đức tin và khoa học, dẫu có một thời bị còn hiểu lầm. Ngài kết hợp một cách hài hoà giữa đời sống tâm linh và đời sống trí thức, giữa khoa học và đức tin, giữa sự khôn ngoan của con người và lòng yêu mến Chúa. Chính thánh nhân đã góp phần rất lớn trong việc hoà giải đức tin và lý trí. Là một người con của đức tin và cầu nguyện, thánh Anbetô không ngừng cổ võ việc nghiên cứu các bộ môn khoa học. Việc nghiên cứu khoa học này được chuyển biến thành một bài thánh thi ca ngợi Đấng Sáng Tạo.

Chính thánh Anbetô đã du nhập triết học Hy Lạp – Ả rập vào trong thế giới văn hóa Kitô giáo phương Tây. Bằng khả năng truyền đạt những điều này một cách đơn giản và dễ hiểu, người con của thánh Đa Minh đã cố gắng hết sức mình để “giúp cho những người phương Tây có thể hiểu được” các tư tưởng triết học của Aristote. Ngài giúp chúng ta nhận biết rằng: không có sự xung đột giữa đức tin và lý trí, cả hai có thể cộng tác hài hòa với nhau để cùng khám phá ơn gọi đích thực của loài người là hướng đến niềm vui vĩnh cửu trong Đức Kitô. Sự hiểu biết của Ngài là vô cùng lớn, trải rộng đến rất nhiều lãnh vực, vì thế, ngoài danh hiệu “Cả” hay “Vĩ Đại” thì những người đương thời không ngần ngại quy gán nhiều danh hiệu xuất sắc khác. Đặc biệt, Đức giáo hoàng Piô XII đã đặt Ngài làm bổn mạng các nghiên cứu khoa học tự nhiên cũng như gọi Ngài là “Doctor universalis – Tiến sĩ bách khoa.”.

Cùng nhìn lại “khoảng lặng” của thánh Anbetô để thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện cá nhân, sự nuôi dưỡng của Lời Chúa, sự hướng dẫn của các vị thông thái cho con người trong việc khám phá và bước theo lời mời gọi của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu xin thánh nhân trợ giúp để chúng ta cũng biết sống “công thức thánh thiện” mà người đã theo đuổi suốt cả cuộc đời là luôn tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và rồi hãy làm tất cả mọi sự để vinh danh Người mà thôi.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com