[Đến Mà Xem 71] Vinh Sơn Phêriê: Nên Thánh Trong Ơn Gọi Giảng Thuyết

04-05-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2160 lượt xem
Phanxicô Maria Nguyễn Khôi Nguyên

Thánh Vinh Sơn Phêriê có một tình yêu nồng nhiệt, 
một đức tin vững vàng dành cho Đấng Chí Thánh 
và một tình thương, đồng cảm với những tội nhân.

Dòng Anh Em Giảng Thuyết, do thánh Đa Minh sáng lập, là nơi xuất thân của nhiều vị thánh. Một trong những vị thánh nổi tiếng nhờ tài giảng thuyết và một đời sống khổ hạnh, khiêm nhường chính là thánh Vinh Sơn Phêriê.

Thánh Vinh Sơn Phêriê sinh năm 1350 tại Tây Ban Nha. Ngài gia nhập Dòng Anh Em Giảng Thuyết vào năm 17 tuổi, người tỏ ra xuất sắc trong học tập và thiệt thành trong đơi sống tu trì. Năm 32 tuổi, Thánh nhân đã lãnh tác vụ linh mục, sau đó Ngài dành hết tâm trí để tận tụy với sứ vụ giảng thuyết. Hai mươi năm cuối đời, được ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần, vị Tông đồ Giảng thuyết rảo khắp Tây Âu đem Tin Mừng đến cho lương dân, kêu gọi các Kitô hữu hoán cải, thúc đẩy sự hòa giải trong Giáo hội. Không chỉ là một nhà giảng thuyết xuất sắc, thánh nhân còn nổi tiếng vì làm nhiều phép lạ. Người qua đời ngày 5 tháng 4 năm 1419 tại Van, nước Pháp. Ngày 29 tháng 6 năm 1455, Đức Giáo Hoàng Callisto III ghi tên Ngài sổ bộ các thánh. Thánh nhân được ví như sứ mạng của các Thiên thần thổi loa loan báo “giờ Người phán xét” trong sách Khải huyền. Thánh Vinh Sơn đến Việt Nam theo chân các nhà truyền giáo Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI và được các tín hữu sùng kính một cách đặc biệt. Vị thánh trở nên nổi tiếng và dễ gần với người Công giáo Việt Nam nhờ danh hiệu “Vị thánh hay làm phép lạ”.[1]

Như ta đã biết, bốn trụ cột tạo nên đời sống của một tu sĩ Đa Minh là: cầu nguyện, cộng đoàn, học hànhgiảng thuyết. Thánh nhân đã sống một cách trọn hảo đời sống của một tu sĩ Dòng Giảng Thuyết theo bốt cột trụ này.

Đời sống cầu nguyện

Nơi tu viện Ngài ở, có rất nhiều tu sĩ tốt lành. Cùng với anh em, Ngài hướng đời sống tận hiến của mình theo mẫu gương của vị Tổ phụ. Ngay từ năm tập, theo tinh thần của hiến pháp, Ngài chuyên chăm thực hành đời sống nội tâm, không bỏ sót phận vụ cầu nguyện hay khổ chế nào. Ngài đã sống triệt để đời sống chiêm niệm trong đời sống Đa Minh. Châm ngôn của Dòng là “Nói với Chúa và nói về Chúa” như thánh Đa Minh đã truyền ghi trong Hiến pháp. Theo lời của vị Tổ phụ, Thánh nhân đã dành đa phần thời gian của mình để suy niệm Lời Chúa, và rồi Ngài đã kín múc được nguồn ân sủng dồi dào giúp cho Ngài thành công trong việc giảng thuyết. Vì nếu không có đời sống cầu nguyện và lãnh nhận bí tích, người ta không thể thánh hóa chính mình và thánh hóa người khác được. Ngoài những việc khổ chế thi hành trong phòng riêng, ngài còn dành phần lớn thời gian ban đêm trong nhà thờ để cầu nguyện. Và chính một đời sống cầu nguyện như vậy, Thánh nhân đã tạo cho lời giảng của mình có một chiều sâu chiêm niệm, dễ đánh động vào tâm hồn của người nghe.

Đời sống cộng đoàn

Thánh nhân là một con người khiêm tốn hết mực. Khi còn ở Tập viện Valencia, Ngài đã là một tập sinh gương mẫu. Ngài được các anh em trong Dòng yêu mến bởi sự khiêm nhường và hòa đồng. Ngài tuân giữ các điều lệ trong tu viện một cách vâng phục, giúp đỡ anh em trong công việc đặc biệt là việc học. Anh em trong tu viện phải nhìn nhận rằng nếu thánh nhân qua đời trong năm tập hoặc ngay sau khi tuyên khấn, chắc chắn ngài đáng được tôn kính trên bàn thờ như Chân phước Phêrô Luxemburg. Nhưng Chúa Quan Phòng lại muốn làm tăng thêm vẻ đẹp nơi triều thiên vinh quang dành cho thánh Vinh Sơn ở một cấp độ cao hơn qua một cuộc đời kéo dài đầy công trạng. Bất cứ khi nào cha được chuyển tới một tu viện khác, cha đều vâng phục bề trên và sống hết mình với anh em trong tu viện đó. Với những công việc được giao, Cha luôn làm với một lòng yêu mến Chúa, với sự khiêm nhường, đơn sơ. Cha luôn là một người anh đi trước, khích lệ các em sống đức mến với Chúa và huynh đệ với nhau.

Đời sống học hành

Từ khi nhận ra mình không thể tách rời khỏi dòng Giảng, ngài đã quyết tâm dấn thân không ngừng nghỉ vào việc nghiên cứu thánh khoa. Trong Hiếp pháp Dòng có ghi: “Việc học hành của chúng ta nhằm đến mục đích chính yếu là để chúng ta trở nên hữu ích cho linh hồn tha nhân”. Nếu tu sĩ Đa Minh không chuyên chăm nghiên cứu thần học và Thánh Kinh, thì sẽ không có đủ kiến thức cần thiết cho công việc đứng trên bục giảng và thi hành sứ vụ giảng thuyết. Đối với dòng Giảng, học hành được xem như một việc khổ chế. Vậy nên cha Vinh Sơn đã cố gắng chuyên chăm học hành để rồi Cha có thể đạt được hàm cấp học vấn cao nhất là Tôn sư thần học khi còn rất trẻ. Ngài đã được mời đến dạy học tại các trường đại học nổi tiếng tại Valencia, Lerida, Paris, v.v.. Học tập đối với Ngài là một sự tập luyện dấn thân liên tục. Không chỉ hướng về Thiên Chúa với ý hướng tinh tuyền, ngài còn hình dung như đang lắng nghe từ môi miệng của chính Đức Khôn Ngoan mọi điều ngài đang học. Thánh nhân không ngừng học hỏi những điều mới, những điều giúp Ngài trong việc soạn bài giảng. Ngài có thể giảng bằng nhiều thứ tiếng, ngoài tiếng bản xứ ngài còn biết tiếng Hípri, Hy lạp và Ả rập. Thánh nhân là một người anh giúp cho những người em sau này có động lực để thực hiện việc học hành bằng sự yêu mến chứ không phải bằng sự hiếu kì.

Đời sống giảng thuyết

Cha Vinh Sơn cống hiến hết sức mình cho sứ vụ giảng thuyết. Các bài giảng của Cha luôn đánh động tới những tâm hồn khô khan, lời giảng của cha như một cơn mưa lớn làm dịu mát những tâm hồn bị khô héo, nứt nẻ. Trước khi vào bất cứ thành nào để giảng thuyết, cha thường quỳ gối, ngước mắt lên trời và tuôn rơi đẫm lệ. Cha cầu nguyện cho những người nghe cha giảng về sự phán xét. Vào thời điểm đó ở Âu châu, đặc biệt ở Avignon, những người theo lạc giáo trở nên đông hơn, một cuộc ly giáo đã nổi lên vào năm 1738. Sự chia rẽ giữa các tín hữu xảy ra khi nhóm này thì ủng hộ cho giáo hoàng thật, nhóm khác lại ủng hộ cho các nguỵ giáo hoàng. Tội lỗi đã giành được ảnh hưởng quá mạnh trên thế giới, nhiệt tâm của những người tốt bị suy giảm, tội ác tăng quá giới hạn, đến nỗi sự kiên nhẫn của Thiên Chúa với các thụ tạo gần như bị hao mòn. Phương thuốc duy nhất có thể đẩy lùi dòng thác tội lỗi là sự thống hối ăn năn.

Thánh Vinh Sơn là một trong những người tôi tớ được Thiên Chúa sai đến để rảo quanh thế giới đưa các linh hồn tội lỗi trở về. Bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu, được bề trên sai đi, thánh nhân đã vâng lời tuyệt đối vì linh hồn của tha nhân. Và nhờ lòng nhiệt thành trong việc giảng thuyết, Thánh nhân đã đưa được biết bao nhiêu linh hồn trở về với đường ngay thẳng. Giống như Thánh tổ phụ, thánh nhân luôn ăn chay, khổ chế, cầu nguyện và đọc Kinh Thánh nhằm đền tội cho các tội nhân. Khi được hỏi về tài liệu tạo nên bài giảng tuyệt vời của thánh nhân, ngài đã chỉ vào cuốn Kinh Thánh. Ngài làm việc hết sức lực, hầu như không nghỉ ngơi chỉ vì các linh hồn tội lỗi đang chờ tới lời giảng của Ngài. Với lòng nhiệt thành, Ngài ao ước thúc đẩy họ quay về đường ngay nẻo chính.

Con đường nên thánh của thánh Vinh Sơn đặt nền trên lệnh truyền của Đức Kitô “Kính mến Thiên Chúa và yêu thươgn tha nhân.” Thánh nhân có một tình yêu nồng nhiệt, một đức tin vững vàng dành cho Đấng Chí Thánh và một tình thương, đồng cảm với những tội nhân. Thánh nhân chỉ làm tròn bổn phận của một người tu sĩ dòng Giảng, một tín hữu của Giáo hội Công Giáo, một thành viên của cộng đồng thế giới. Thánh Vinh Sơn là một trong những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa Hội thánh.

* * *

Lạy Thánh Vinh Sơn Phêriê, xin chuyển cầu cho chúng con trước mặt Thiên Chúa là Đấng tạo dựng mọi sự trên thế gian này. Cha đã giúp chúng con nhận ra việc nên thánh vừa đơn giản, nhưng cũng vừa khó khăn. Xin giúp chúng con nên thánh bằng chính con đường của ơn gọi giảng thuyết, vì cha chính là mẫu gương cho các thế hệ hậu bối noi theo.

Xin Cha luôn che chở cho đồng bào Việt Nam trước những thách đố ngày nay, để dân tộc Việt Nam có thể vững tin sống trọn cuộc đời là một Kitô hữu.

Lạy Thánh Vinh Sơn, xin cầu cho chúng con.

[1] Lấy lại từ Adrew Pradel, O.P., Thánh Vinh Sơn Phêriê: Thiên sứ ngày cánh chung, Dd. Học viện Đa Minh (Tp. HCM: Thời Đại, 2014) ở Lời ngỏ (tr. 5) và phần giới thiệu ở trang bìa.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com