HỘI THẢO TRUYỀN THÔNG KỸ THUẬT SỐ – TRUNG TÂM HỌC VẤN ĐA MINH 29/10/2022

06-11-2022
Bởi: Jos Nguyen OP Có: 0 bình luận 617 lượt xem

“Tu Sĩ Trước Những Thách Đố Của Nền Văn Hóa Kĩ Thuật Số”

Giuse Nguyễn Hoàng Nhật

Sáng ngày thứ 7 cuối cùng của tháng Mân Côi, 29/10/2022, Trung tâm học vấn Đa Minh đã tổ chức buổi Hội Thảo với đề tài liên quan đến lãnh vực Truyền Thông trên nhiều phương diện. Buổi học hỏi này nhằm mục đích hướng dẫn sinh viên, phần lớn là tu sĩ nam nữ đến từ các Hội Dòng, có cái nhìn tổng quan cũng như định hướng về phương cách tiếp cận với truyền thông sao cho an toàn và hiệu quả. Buổi hội thảo đã thu hút được rất nhiều thành viên, Quý Giáo sư và hơn 500 tu sĩ nam, nữ đến từ các Hội Dòng. Có thể nói, buổi hội thảo không những thu hút được một lượng đông tham dự viên, nhưng đặc biệt là sức lôi cuốn của hai thuyết trình viên: cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Minh Thiệu, SDB và cha Giuse Đinh Trọng Chính, O.P.

Như thường lệ, buổi hội thảo diễn ra trong buổi sáng và được chia làm hai phần: thuyết trình và giải đáp thắc mắc. Ở phần đầu, Cha Giuse phụ trách chia sẻ về chức năng, đạo đức truyền thông và vấn nạn của truyền thông; song song đó, Cha Phanxicô Xaviê chia sẻ cho các tham dự viên về định hướng sử dụng truyền thông kỹ thuật số trong đời tu. Có thể nói, hai nội dung nay song hành và thu hút được rất nhiều chú ý của quý tu sĩ tham dự buổi học hỏi này.

I. Chức năng và đạo đức của truyền thông

Để khởi đầu cho buổi thuyết trình, hai thuyết trình viên chia sẻ ngắn gọn với mọi người một ý chung: Giáo Hội đã quan tâm tới việc dùng truyền thông để rao truyền Tin Mừng của Chúa đến cho nhân loại. Tuy nhiên, dù truyền thông có những mặt tích cực, nó cũng hàm chứa trong đó những mặt trái vốn có thể là nguyên cớ cho chúng ta trở thành nạn nhân của những nền tảng kỹ thuật hiện đại này mà ta vô tình không hay biết. Do đó, có thể nhìn nhận rằng việc sử dụng kĩ thuật số trong việc “rao truyền” và “thông tin” Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa là điều cần thiết, và ta cũng không còn phải đắn đo trước câu hỏi nên hay không nên sử dụng chúng, nhưng vấn đề được đặt ra là làm sao ta biết sử dụng chúng hợp lý và hiệu quả, như một phương thế để loan báo Tin Mừng tình thương của Thiên Chúa cho thế giới hôm nay. Ý thức được vấn đề lưỡng diện này, ta có thể tránh được “vết xe đổ” mà nhiều người đương đại dễ dàng vướng vào, khi chịu tác động của mặt trái do truyền thông mang lại.

1. Các chức năng truyền thông mang lại có thể tóm tắt trong ba cặp từ: thông tin, giáo dục và thẩm mỹ

a. Chức năng thông tin liên quan đến sáu dạng câu hỏi theo truyền thống của việc đặt vấn đề, mà ta thường biết đến với cách gọi “Wh-question?” (who/ when/ where/ why/ what happened/ how). Với sáu dạng thức đặt vấn nạn này, câu hỏi “tại sao” là quan trọng nhất; nó quan trọng vì thực tế cho thấy có những thông tin dù mặt nổi của vấn đề được trình bày nhưng trên chữ viết, nhưng thực ra chân lý hoặc sự thật liệu có đúng là đã được diễn đặt đúng như vậy hay không? Có thể là đúng, có thể là chỉ đúng mảnh phần, có thể chưa được rõ, và thậm chí có thể là sai. Do vậy, dạng thức đặt câu hỏi “tại sao” luôn cần thiết.

b. Chức năng giáo dục nhắm cung cấp kiến thức bổ ích cho người nghe, hoặc độc giả. Có thể nói, đây chính là đối tượng mà truyền thông nhằm đến trong cách đặc biệt trong lãnh vực giáo dục và huấn luyện. Nội dung giáo dục cần phải đúng chuẩn mực, chân lý, mô phạm, … và hữu ích cho con người.

c. Chức năng thẩm mỹ liên quan đến thiện ích. Người ta thường nói truyền thông đích thực phải có tính hướng thiện (qua các bài viết, bài giảng, bài chia sẻ, …với tính chuẩn xác, hài hước và với vài lãnh vực chuyên biệt thì còn cần đến chiều sâu tâm linh).

2. Khía cạnh đạo đức của truyền thông

Có lẽ ai đó không để ý hoặc quan tâm đến khía cạnh đạo đức trong truyền thông, nhưng thực ra, đây là một trong những vấn đề quan trọng mà cha thuyết trình viên đã nêu ra, với bốn nội dung chính:

a. Thông tin đưa ra phải đúng sự thật: Theo cách nhìn của Giáo hội Công giáo, sự thật chính là lẽ sống, “sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32). Tuy nhiên, trong truyền thông, không phải mọi sự kiện đều tất yếu phải nói ra, hoặc cần được phơi bày cách trần trụi (thông tin cá nhân, hình ảnh gây hoang mang lo sợ, …), nhưng cần khéo léo chọn lọc cho phù hợp và trình bày khéo léo, nhẹ nhàng sao cho phù hợp nhất có thể với nhiều đối tượng độc giả, thính giả.

b. Thông tin phải mang tính công bằng: Khái niệm công bằng ở đây hiểu là quyền sử dụng thông tin: Khi sử dụng hình ảnh của một ai đó chẳng hạn, điều hiển nhiên là cần phải có phép của người đó, để bảo vệ danh dự cá nhân cũng như tôn trọng tính riêng tư của người được ghi hình.

c. Bảo vệ quyền riêng tư: Đây là một điều rất quan trọng và mang tính xã hội cao. Thuyết trình viên nhấn mạnh đến việc bảo vệ thông tin cá nhân của người khác, cụ thể là tránh cung cấp cho tam đệ nhân thông tin của một ai đó nếu chưa được sự đồng ý của đương sự. Thuyết trình viên đã khéo léo hướng dẫn các tham dự viên cách thức tinh tế để từ chối cung cấp thông tin, cũng như cách thức thông báo cho người được xin thông tin trước đề nghị khai thác thông tin như vậy.

d. Chịu trách nhiệm về thông tin đã chia sẻ hoặc tiếp nhận: Người tiếp xúc với truyền thông phải có trách nhiệm về thông tin đã chia sẻ, đăng tải hoặc phổ biến cho người khác.

Từ những tiêu chí mang tính chung nhất cho mọi bối cảnh xã hội, cha thuyết trình viên sau đó đã trình bày về các chức năng mà Giáo Hội đã gặt hái được qua truyền thông: Thông tin, Loan Báo Tin Mừng, giảng dạy và nuôi dưỡng Đức Tin cho các Kitô Hữu.

II. Những vấn nạn của truyền thông

Bài thuyết trình được tiếp tục bằng nội dung mà cha thuyết trình viên đã cung cấp cho mọi người đang hiện diện trong Hội Trường, đó là các vấn nạn đang diễn ra hằng ngày trên truyền thông. Những vấn nạn này có thể liệt kê như sau:

1. Hiện tượng tin giả (ngụy thông tin): chủ yếu nhắm tới các yếu tố vĩ mô như kinh tế, chính trị và xã hội.

2. Nguyên nhân xuất hiện tin giả: nhận thức người viết còn hạn chế, sự ham thích “câu like”-”câu view”, hoặc định hướng cảm xúc của người đọc theo ý định của tác giả, … Không chỉ truyền thông đại chúng, mà trong Giáo hội cũng có những mẩu tin không được xác thực kiểu dạng như thế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc đào sâu Đức Tin của người tín hữu, cũng như gây khó khăn cho việc truyền tải những thông tin chính thống tới độc giả.

Song song đó, với những ví dụ khá hài hước và bắt kịp “trend” của giới trẻ ngày nay, Cha thuyết trình viên cũng giúp mọi người cách nhận diện tin giả. Chìa khóa để nhận diện có thể rất tinh vi, mang những ẩn ý như: tựa đề gây giật gân, nội dung mang động cơ chính trị, mẩu tin châm biếm nhằm mua vui, không trích rõ nguồn, hoặc được đăng trên các trang không đáng tin cậy, bài viết có tính kích động tôn giáo, giới tính, chủng tộc…

III. Định hướng sử dụng truyền thông kĩ thuật số trong đời tu

Phần này bắt đầu với màn khởi động cực chất vui tươi. Cha Phanxicô Xaviê cho mọi người trong hội trường nhảy cử điệu bài hát “Truyền thông yêu thương” nhằm tạo bầu khí năng động và vui tươi. Đúng là cung cách của bài khởi động này đã lan truyền một thông điệp lớn, không chỉ cho các tu sĩ, mà còn tác động cả đến những người chuyên dùng truyền thông: “Truyền thông trong yêu thương là hiệp thông trong Giêsu.” Có thể nói, đây là góc nhìn đặc trưng của Ki-tô giáo về truyền thông đại chúng. Truyền thông không chỉ là công việc đơn thuần bao gồm đầy đủ các quy trình cơ bản, và được thực hiện cách máy móc, nhưng truyền thông đòi hỏi người đang truyền tải một thông tin, sứ điệp nào đó, cần có cái nhìn công bằng khi muốn chuyển trao thông tin đến nhiều độc giả; đúng là cần số lượng độc giả càng đông càng tốt, nhưng vẫn cần phải đảm bảo nguồn tin có thể cung cấp kiến thức thiết thực, ở mức độ xác thực nhất có thể.

Với phần thuyết trình kéo dài 45 phút, Cha giáo Phanxicô Xaviê đem lại những kiến thức bổ ích về kĩ thuật số đương thời như:

1. Khái niệm văn hóa kĩ thuật số (digital culture)

2. Đặc điểm của văn hóa kĩ thuật số: đó là một thức tại mới, xã hội mới, ngôn ngữ mới, nhận thức và tương giao mới. Do đó, người sử dụng hoàn toàn tự do trong việc chọn lựa “vùng hoạt động” phù hợp với mình.

3. Vai trò của phương tiện truyền thông xã hội: phải phục vụ con người trong việc đối thoại với thế giới, phục vụ cho các nền văn hóa…

4. Quan niệm của Giáo hội

5. Các thách đố: một trong những đòi hỏi lớn nhất cho Giáo hội đó là qua truyền thông, Giáo hội phải là môt Giáo hội ở với mọi người và có thể đồng hành với mọi người. Nhờ đó, Giáo hội toàn cầu luôn được liên kết với nhau cách liên tục và bền chặt.

Thay cho Lời Kết

Đúng là hai nội dung chính trong phần đầu của buổi thuyết trình đã để lại trong nhiều người mối quan tâm đích thực về truyền thông, ý thức trách nhiệm cần biết biện phân phải, trái, tốt, xấu, … trong lãnh vực được xem là hiện đại trong xã hội hôm nay. Phần thứ hai, chia sẻ và giải đáp thắc mắc, cũng lôi cuốn sự chú ý của mọi người theo những vấn đề, câu hỏi được đặt ra. Và đặc biệt, cha thuyết trình viên đã gợi ý cho mọi tham dự viên, đặc biệt là những ai đang dấn thân trong hành trình tu trì, hai thông điệp:

Thứ nhất, trên hệ thống mạng xã hội, chúng ta biết có những “bức tưởng lửa” giúp ngăn chặn các cuộc tấn công của virus vào máy chủ và vi tính của chúng ta. Từ ý tưởng này, câu hỏi đặt ra cho mỗi người là liệu bản thân chúng ta có đã được trang bị một bức tường lửa “vô hình” để ý thức và chủ động sử dụng truyền thông cách hiệu quả và bác ái chưa? Hay ta vẫn còn phải nhờ tới sự quản thúc của các vị hữu trách trong đào tạo, huấn luyện, và có thể mở rộng hơn nữa là sự kiểm soát của các bậc Bề trên? Thực ra, mỗi người đã đến tuổi trưởng thành cần biết trang bị cho mình một ý thức tự chủ và trách nhiệm trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại; và đây là một điều điều tối quan trọng, đặc biệt với các bạn trẻ ngày hôm nay. Hơn nữa, việc luôn biết cập nhật và học hỏi không ngừng để có kiến thức mới, bắt kịp nhịp sống của thời đại, cũng là điều cần thiết cho mỗi người hôm nay.

Một vấn đề khá tinh tế và không kém phần quan trọng, giúp kiến tạo nhân cách tốt đẹp của con người thời nay, đó chính là cách thức mỗi người tự rèn luyện và tự huấn luyện chính mình nên người tốt hơn, hoàn thiện hơn. Thực vậy, truyền thông theo cách thông thường nhất vẫn cần tới các thiết bị máy móc hoặc mạng xã hội. Tuy nhiên, với người tu sĩ, tất cả những gì thuộc truyền thông xã hội chỉ là những phương thế để đạt đến cứu cánh của sứ mạng Loan Báo Tin Mừng của Đức Ki-tô. Do đó, điều quan trọng là phẩm giá, nhân cách của người tu sĩ. Qua cách ăn nết ở, bằng chính cuộc đời làm chứng cho Đức Giê-su Ki-tô, người tu sĩ, trong bất cứ mối tương giao nào với tha nhân, thì hình ảnh Chúa Giêsu cần được được tỏ hiện nơi người tu sĩ. Họ chỉ sử dụng truyền thông như phương tiện đạt đến cứu cánh đó, bằng những gì chân thực nhất, mộc mạc nhất của người môn đệ Đức Giê-su Ki-tô.

Buổi hội thảo đã thực sự ghi đậm dấu ấn nơi các tu sĩ nam nữ, những người đang trên bước đường ơn gọi tu trì. Những kiến thức và kĩ năng bổ ích học được về việc sử dụng truyền thông kĩ thuật số sẽ giúp đem Lời Chúa tới gần với nhân loại hơn. Ước chi sẽ ngày càng có thêm nhiều người biết tới những kiến thức bổ ích này, và ứng dụng vào lĩnh vực truyền thông như công cụ đắc lực cho sứ vụ Truyền Giáo, bằng một phong cách có văn hóa, có “đạo đức nghề nghiệp”. Cũng vậy, những người hoạt động truyền thông cần có tâm huyết, trách nhiệm với công việc, và không ngừng trau dồi để làm mới bản thân, dũa rèn nhân cách, và với người Ki-tô hữu, mục tiêu chính là, qua truyền thông đại chúng, mang Lời Chúa và công bố tình thương của Chúa đến cho mọi người.

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com