[Giới Thiệu Dòng Tu] Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm

12-01-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2593 lượt xem

Oblates of Mary Immaculate – O.M.I.

I. THÔNG TIN TỔNG QUÁT VỀ HỘI DÒNG

1. Đấng sáng lập : Cha Thánh Eugene de Mazenod

  • 01/08/1782   : Sinh tại Aix vùng Provence – Pháp
  • 02/08/1782   : Rửa tội tại nhà thờ Madeleine
  • 05/04/1792   : Rước lễ lần đầu
  • 03/06/1792   : Chịu Bí tích Thêm Sức
  • 21/12/1811   : Lãnh tác vụ Linh mục tại Amiens
  • 25/01/1816   : Lập hội “Anh Em Truyền Giáo Vùng Provence”
  • 06/07/1823   : Làm Tổng đại diện ở Marseille
  • 17/02/1826   : Đức Giáo Hoàng Leo XII chuẩn nhận hiến pháp & luật Dòng
  • 14/10/1832   : Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI phong GM hiệu toà Icosie
  • 25/02/1837   : Làm Giám mục Marseille
  • 24/06/1856   : Làm Thượng nghị sĩ Pháp
  • 21/05/1861   : Mất tại Marseille
  • 19/10/1975   : Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phong chân phước
  • 03/12/1995   : Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong hiển thánh

2. Hoàn cảnh gia đình và quá trình đáp trả tiếng Chúa của cha thánh

Sau cách mạng Pháp 1789, Hội đồng lập hiến quốc gia ra sắc chỉ quốc hữu hoá các tài sản của giới tu sĩ, tách Giáo Hội Pháp khỏi quyền bính Rôma, thay đổi ranh giới Giáo phận và đưa ra luật bổ nhiệm giáo sĩ dựa trên sự chấp thuận của nhà nước. Luật này buộc các Linh mục phải tuyên thệ qui phục nhà nước. Đã có sự chia rẽ sâu sắc trong hàng giáo sĩ, một số thì chấp nhận tuyên thệ theo nhà nước, còn số khác thì không đồng ý, dẫn đến bị trục xuất hoặc bị bỏ tù. Nhiều người trở lại lập gia đình, số khác bị tống giam hoặc chém đầu. Khoảng 1.900 người đã bị giết và 30.000 người bị lưu đày hoặc trục xuất. Cha Eugene de Mazenod sinh ra trong bối cảnh xã hội Pháp có nhiều biến đổi như vậy. Ngài thuộc tầng lớp quý tộc ở vùng Provence. Cha của ngài, Charles Antoine de Mazenod, là một luật sư danh giá, chủ tịch tòa án, một thành viên của giới quý tộc thượng lưu ở Aix. Còn mẹ ngài, Madame de Mazenod, sinh ra trong gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, có kỹ năng trong vấn đề kinh doanh. Cách mạng Pháp 1789 bùng nổ, cũng là thời điểm khởi đầu cho một sự kiện quan trọng đánh dấu tuổi trẻ của Eugene, đó là cuộc lưu đày trên đất Italia (trải qua các nơi như Nice, Turin, Venise, Naples, Palermo) từ lúc 8 tuổi đến khi 20 tuổi. Sau cuộc lưu đày 12 năm, Eugene trở về Pháp, ngài chẳng còn gì để bám víu lấy ngoài cái danh hiệu quý tộc trong quá khứ, bơ vơ, không tiền bạc, không bằng cấp và chẳng có ai quan tâm ra đón ngài. Eugene luôn bận tâm là làm sao để có thể đánh bóng lại huy hiệu của gia đình. Một cuộc hôn nhân kết hợp hấp dẫn đã được xếp sẵn đợi Eugene, một cô gái trẻ giàu có với của hồi môn đáng kể. Kế hoạch sắp thành hiện thực thì đột nhiên cô ta qua đời. Và từ đó ngài đã từ chối những kế hoạch kết hôn khác sau này.

Nhưng phải nói rằng, thời gian sống lưu đày tại Venise, Eugene có được sự đào tạo thiêng liêng tuyệt vời dưới sự hướng dẫn khôn ngoan của cha Don Bartolo, một Linh mục Dòng Tên. Sự hướng dẫn này thích hợp với tuổi của Eugene, kéo dài và sâu sắc, không chỉ bảo vệ khỏi lối sống chơi bời lêu lổng ở Venise mà còn in sâu vào Eugene những điều chính yếu làm nền tảng cho cuộc sống sau này. Eugene đã nhen nhóm ơn gọi theo Chúa từ đó. Thế nhưng cuộc sống cứ thay đổi cùng với môi trường xã hội đã làm ngài dần quên đi tiếng gọi thiêng liêng đó. Khi trở về Pháp, cuộc sống của Eugene cũng chẳng khá hơn. Cuộc đời ngài gắn liền với nhiều nỗi bất hạnh, ngài cảm thấy mình đã chạm tận đáy huyệt sâu rồi nhưng cũng chính nơi đó, Thiên Chúa của thời thơ ấu vẫn chờ đợi ngài. Một sự biến đổi mạnh mẽ trong tâm hồn mà ngài nhận được vào một ngày thứ Sáu Tuần Thánh khoảng năm 1807. Những gì đã xảy ra chỉ có mình Eugene biết. Nhưng chắc chắn một điều là ngài đã trải nghiệm được một sự hiện diện, đã thấy một ánh sáng chiếu toả đời ngài. Đời sống Eugene trở nên có ý nghĩa. Những lời sau đây của ngài cho thấy điều đó :

“Tôi vượt qua được những cái gì là khó khăn nhất, hầu như những gì khó khăn nhất đã xảy đến với tôi, nhưng cuối cùng tôi đã tìm được ánh sáng của đời mình. Làm sao tôi có thể quên được Dòng nước mắt cay đắng dưới chân thập giá vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh hôm ấy… Người cha nhân lành ấy, cho dù sự bất xứng của tôi, Người đã tuôn xuống cho tôi tất cả ân huệ của Người… Còn tôi, tôi chỉ là một người tội lỗi được Thiên Chúa cứu chuộc… Đã bao lần trong quá khứ trái tim tôi bị tan nát, khổ đau, phải chăng tâm hồn tôi đã hướng về Thiên Chúa mà chính tôi đã từng quay lưng lại với Người… Tôi đã tìm hạnh phúc ngoài Thiên Chúa và tôi đã chỉ tìm thấy đau khổ và nước mắt.”

Xuất phát từ những cảm nhận đó để rồi thốt lên : “…mặc cho những đau khổ của tôi hay đúng hơn là qua đau khổ, linh hồn tôi hướng về mục đích tối hậu, hướng về Thiên Chúa, Đấng tốt lành duy nhất mà tôi thấy mất mát.” Đến 29/06/1808 cậu quý tộc trẻ sau khi được hướng dẫn thiêng liêng, cầu nguyện và suy ngẫm đã quyết định gia nhập Đại chủng viện Saint Sulpice. Sau đó, Eugene siêng năng trong các hoạt động tông đồ cách khác lạ đến nỗi mọi người phải chú ý : ngài dạy giáo lý cho những đứa trẻ trong xóm mà chẳng thầy nào muốn, những người nghèo nhất của giáo xứ, những đứa trẻ con của chủ quán rượu, ngài rất hoan hỷ được sống phục vụ giữa những người nghèo khổ. Trải qua thời gian ở Đại chủng viện, Eugene được thụ phong Linh mục ngày 21/12/1811 tại Amiens.

3. Thành lập Hội Dòng và hoạt động tông đồ

Cha Eugene rời đại chủng viện Saint Sulpice và trở về Aix ngày 23/10/1812, ngài lựa chọn dâng hiến mình cho người nghèo và giới trẻ. Cha Eugene đã xin đức Giám mục địa phận không đảm nhận vị trí cha xứ, thay vào đó được làm việc độc lập. Mùa Chay năm 1813, tại nhà thờ Madeleine, đã xảy ra một sự khuấy động mạnh mẽ, một việc làm táo bạo của vị Linh mục trẻ. Thường thì các Linh mục giảng thuyết bằng Pháp ngữ (tiếng mà những người dân bé mọn thấp hèn không hiểu được), vị Linh mục này lại giảng thuyết bằng tiếng bản địa của người miền Provence. Cả thành phố bàn tán về việc làm của ngài, đức Tổng Giám mục không hài lòng, giới quý tộc bị tổn thương và hơn hết, bà Gioanie mẹ ngài không còn biết trốn nơi nào. Còn ngài thì chẳng bận tâm đến những điều đó, ngài tiếp tục trên đường mục vụ thăm viếng những người tù của thành phố.

Sau bài giảng thuyết tại nhà thờ Madeleine, công việc của cha Eugene đã nhân lên gấp nhiều lần. Phong trào giới trẻ do ngài sáng lập phát triển mạnh mẽ. Ngài đã dành các chỗ danh dự nơi cung thánh của nhà thờ chánh toà cho những trẻ em nghèo nhận Bí tích Thêm Sức trước mặt những đứa trẻ có địa vị xã hội. Ngài đã nhân lên nhiều thêm những cuộc thăm viếng tù nhân. Và nhất là, ngài phải đáp lại lời mời nhu cầu mục vụ đến giảng thuyết theo cách đại chúng tại Aix cũng như trong khắp miền nông thôn vùng Provence. Các nhu cầu mục vụ đến quá lớn. Ngài bắt đầu tìm kiếm những người có nhiệt huyết và cùng chí hướng để hoạt động. Ngày 25/01/1816, ngày mà Giáo Hội mừng kính sự trở lại của thánh Phaolô, cha Eugene đặt nền móng cho cuộc cách mạng rao giảng Tin Mừng bằng cách thành lập hội “Những Anh Em Truyền Giáo Vùng Provence” với 6 anh em Linh mục triều. Khi thành lập hội này, cha nghĩ rằng, anh em phải hoàn toàn dấn thân cho việc truyền giáo, làm sao cho tất cả những người bị bỏ rơi nhìn thấy Đức Kitô và Vương Quốc của Người. Xung phong đi đến những chỗ mà hoạt động của Giáo Hội chưa vươn tới. Ưu tiên đến với người nghèo với nhiều dung mạo khác nhau, nghèo về vật chất, tinh thần cũng như sự hiểu biết Chúa Kitô. Hai năm sau, 1818, cha Eugene đã can đảm làm thêm một sự điên rồ mới. Đời sống tu Dòng. Làm sao một nhóm nhỏ 6 thành viên Linh mục triều chuyển sang đời sống tu Dòng ? Từ 2 – 16/09/1818, cha Eugene xây dựng luật Dòng, dựa theo thánh Anphongxô nhưng có bổ túc tinh thần của thánh Inhã và đường hướng thiêng liêng của các cha Sulpice (Xuân Bích), sau đó dành thời gian chỉnh sửa hoàn thiện thành bộ luật của hiến sĩ. Ngày 17/02/1826, Đức Giáo Hoàng Leo XII đã chuẩn nhận Hiến pháp và Luật Dòng của Hội Dòng với tên gọi chính thức “Dòng truyền giáo Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm.”

Như đã nói, từ sau cách mạng Pháp, đời sống đạo của giáo dân sa sút trầm trọng do họ bị bỏ rơi một thời gian quá lâu. Ngay từ khi thành lập hội “Những Anh Em Truyền Giáo Vùng Provence,” các anh em đã phải phụ trách giảng dạy ở 40 giáo xứ. Các công việc mục vụ như dạy giáo lý, phụng vụ, rước kiệu, ngồi toà giải tội chiếm hầu hết thời gian của mọi người trong hội. Các anh em cũng siêng năng thăm viếng và tìm hiểu hoàn cảnh sống của người dân lao động nghèo, chính điều này giúp chiếm được con tim họ và đưa họ trở lại cùng Chúa. Thời gian làm Giám mục Giáo phận Marseille, mặc dù bận rộn với công việc nhưng cha Eugene vẫn luôn quan tâm và chú ý điều hành công việc của Hội Dòng. Mở thêm cộng đoàn mới ở Notre Dame de Laus và ở Marseille, giao thêm cho anh em phụ trách giáo dục ở Đại Chủng viện và các trung tâm hành hương. Cha còn chăm lo cho đời sống xã hội : thúc đẩy tổ chức phụ trách y tế xây dựng bể nước chung cho người dân trong khu vực sử dụng ; thuyết phục nhà vua cho xây dựng ga xe lửa đi ngang qua Marseille ; xây dựng các bệnh viện công cho dân chúng ; tác động đến các chủ nhà máy để họ dành nhiều phúc lợi hơn cho công nhân ; các hoạt động bác ái từ thiện cũng được Ngài quan tâm cách đặc biệt…

Hoạt động của Hội Dòng đang tiến triển mạnh mẽ và ngày càng lan rộng khắp nước Pháp. Năm 1841, các Hiến sĩ đầu tiên được ngài gửi đến vùng cực Bắc Canada, vượt qua khỏi phạm vi Pháp quốc, một nơi mới mẻ và khắc nghiệt. Ngài nói : “Tôi mong muốn có thể cung cấp những nhà truyền giáo cho toàn thế giới.” Năm 1847, các Hiến sĩ đặt chân đến Châu Á (Sri Lanka), đến năm 1849 đặt chân lên Phi Châu (Angiêri). Khi một Giám mục nào đó cần người truyền giáo phục vụ trong Giáo phận, các vị thường nói với nhau rằng : “Hãy đến Marseille, tại đó có một vị Giám mục với con tim vĩ đại như của thánh Phaolô, như cả thế giới. Nhưng nhất thiết phải nói với ngài mục đích là phục vụ cho người nghèo.” Sau đó, anh em Hiến sĩ còn đến nhiều nơi khác như Mỹ, Nam Phi, Ireland, Mexico và Scotland. Tính đến nay Hội Dòng đã hiện diện ở 76 quốc gia trên thế giới.

II. THÔNG TIN HỘI DÒNG TẠI VIỆT NAM

Tại Việt Nam, Hội Dòng bắt đầu hiện diện từ năm 2002, đăng ký trụ sở chính tại A149C, khu phố Bình Đức 2, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Hội Dòng bắt đầu gửi anh em học tại Trung tâm Học vấn Đa Minh từ năm 2004 và hiện tại đang có 9 anh em đang theo học các lớp triết học, thần học tại đây. Ngoài nhà chính tại Bình Dương, Hội Dòng có một số nơi để đáp ứng các nhu cầu tuyển sinh và huấn luyện… Các Hiến sĩ đã hoàn thành giai đoạn huấn luyện đang công tác tại các giáo xứ, giáo điểm vùng sâu vùng xa dưới quyền các cha xứ thuộc Giáo phận Ban Mê Thuột và Giáo phận Hưng Hóa.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com