Gioan Tồng Đồ Cùng Những Chứng Nhân

16-05-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1323 lượt xem

__Đa Minh Máctinô Nguyễn Ngọc Huy__
<<Cuộc đời của Gioan Tông đồ là hành trình “thấy-tin-làm chứng”. Khởi đi từ niềm tin cá vị, Gioan đã trở nên một chứng nhân sống động trên hành trình rao giảng Tin Mừng và là người nâng đỡ niềm tin cho anh em.
>>

Chiều thứ sáu, ngọn đồi buồn – Canvê loang máu và lòng ai còn cô quạnh trong thứ bảy tịch liêu. Sáng tinh sương đầu tuần hôm ấy, Giêsu Thánh Tử đã sống lại. Người đã đổ đầy vui mừng, hoan hỷ vào cõi lòng “các bà”. Người xuất hiện và củng cố niềm tin cho các Tông Đồ để các ông trở nên những chứng nhân Tin Mừng kiên trung. Gioan – một ngư phủ miền Galilê, là người môn đệ đã tựa đầu vào ngực Chúa để nghe từng nhịp vang vọng nơi trái tim chất chứa tình thương. Ông là người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến và cũng là một chứng nhân Tin Mừng sống động.

Cuộc đời của Gioan Tông đồ là hành trình “thấy-tin-làm chứng”. Khởi đi từ niềm tin cá vị, Gioan đã trở nên một chứng nhân sống động trên hành trình rao giảng Tin Mừng (Cv 8,14-17), và là một người nâng đỡ niềm tin cho anh em khi nhiều lần thể hiện sự xác tín mạnh mẽ trong Tin Mừng mà mình viết ra.

Khởi đầu Tin Mừng, Gioan đã “đến xem” chỗ ở của Chúa, vị Tông đồ trẻ tuổi đã ở lại với Người ngày hôm ấy và trở thành môn đệ của Người. Ngay từ đầu, Gioan đã sớm có được những gắn kết sâu xa và thân mật với Chúa Giêsu. Ông theo sát Chúa, lắng nghe Lời Chúa dạy như những bài giảng đầu tiên về đức tin và ơn cứu độ:

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án” (Ga 3, 16-18).

Niềm tin cá vị của Gioan có thể còn được nuôi dưỡng hay được làm mạnh thêm trong niềm tin đã được tuyên xưng trực tiếp nơi những người ông gặp gỡ. Anrê đã tuyên xưng niềm tin của mình khi thấy Phêrô: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”. Ông Philípphê làm chứng: “Đấng mà sách luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu”. Rồi đến lượt ông Nathanaen làm chứng: “Chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Ítraen!”…

Từ một xác tín cá vị, Gioan được tình yêu Chúa thôi thúc để trở thành một chứng nhân Tin Mừng. Lúc đứng dưới chân thập giá, Gioan đã chứng kiến một người lính dùng ngọn giáo đâm vào cạnh sườn Chúa, “tức thì máu và nước chảy ra.” Ông đã mạnh dạn: “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực”.

Tin Mừng Phục Sinh cũng nhắc lại một biến cố. Vào ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mácđala ra viếng mộ Chúa để khóc lóc, để nhớ thương và quay trở về loan tin: “Người ta đã lấy mất xác Chúa”. Người ta là ai? – chắc bà không biết. Nhưng vì tảng lá đã lăn qua một bên thì chắc phải có người, lại thêm nỗi lo lắng về nạn đào mồ cướp của lúc bấy giờ mà bà đâu nghĩ rằng chính Đức Giêsu đã sống lại và ra khỏi mồ. Phêrô và Gioan nghe thấy thế liền đi ra mộ. Gioan đến sau, nhưng khi quan sát khăn niệm đã được bài trí, sắp xếp gọn gàng như một dấu chỉ của một con người đang hiện diện một cách có chủ đích, đang làm chủ được tình hình thì ông đã tin, dẫu chưa hiểu: Theo Kinh Thánh, Đức Kitô phải trỗi dậy từ cõi chết. Với niềm xác tín mạnh mẽ ấy, Gioan đã nói sự thật để cho cả những anh em khác cũng tin.

Từ niềm tin cá vị, các Tông Đồ được mời gọi để trở nên những chứng nhân Tin Mừng. Việc làm chứng cho Tin Mừng trong cộng đoàn cũng được thể hiện một cách rõ nét, sinh động. Chúa Giêsu đã hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau. Họ nhận ra Chúa và trở về gặp nhóm Mười Một cùng các bạn hữu đang quy tụ tại đó. Những người này cũng đã làm chứng: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn” (Lc 24,34). Về phần mình, hai ông cũng thể hiện niềm tin của mình bằng việc thuật lại những gì xảy ra dọc đường và việc họ đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Cũng vậy, những gì Gioan đã viết là để chúng ta tin: “Đức Giêsu là Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống, và nhờ tin như vậy, chúng ta được sống nhờ Danh Người” (Ga 20,31). Đó là câu kết của Tin Mừng thứ tư. Câu kết này không gì hơn là việc nói lên một mục đích rõ ràng khi viết Tin Mừng của Gioan – người môn đệ đã làm chứng một cách xác thực, đã viết ra để mọi người tin và được cứu rỗi.

Sau khi hiện ra và trao bình an cho các Tông Đồ, Đức Giêsu nói cùng các môn đệ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì bây giờ Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Chính Chúa Giêsu cũng đã cầu nguyện với Chúa Cha cho các môn đệ rằng: “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17,18). Đức Giêsu đã truyền đạt cho các Tông Đồ lời giáo huấn của Đấng đã sai Người: “Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy” (Ga 8,28). Các môn đệ được sai đi để truyền đạt giáo huấn của Đức Kitô, để làm chứng cho Tin Mừng. Qua đó, chúng ta cũng ý thức rằng mình cũng được Chúa sai đi để làm chứng tá đức tin trong đời sống hằng ngày.

Toàn thể Giáo hội được chính Đức Kitô trao cho trọng trách tiếp tục sứ mệnh của Người là làm chứng cho Tin Mừng, như Tông đồ Gioan:

“Chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời, sự sống vẫn luôn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi: chúng tôi loan báo cho anh em điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, phần chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô” (1Ga 1,2-3).

Qua việc làm chứng, rao giảng ơn cứu độ, toàn thể thế giới nhờ nghe mà tin, nhờ tin mà trông cậy, nhờ trông cậy mà yêu mến. (Thánh Augustinô)

Đối với cá nhân, khởi đi từ lòng tín thác và mến yêu Thiên Chúa, mỗi người đều có thể làm chứng cho Tin Mừng bằng nhiều cách khác nhau, được thể hiện một cách cụ thể trong đời sống hằng ngày dù âm thầm hay công khai. Trên hành trình lữ thứ trần gian, để thực hiện những bước tiến trong đời sống đức tin, chúng ta không chỉ truy tầm kiến thức bằng lý trí nhưng còn dựa vào lời chứng của người khác hay gương sáng đức tin của họ. Qua đó ta nhận ra những “thước đo” cụ thể của đức tin. Và niềm tin của chúng ta cũng cần gắn kết với cộng đoàn, vì đức tin vừa là hành vi của cá nhân vừa là hành vi của Giáo hội (x. Tóm lược GLCG, số 30). Khi ta cùng tuyên xưng đức tin trong cộng đoàn, trong Giáo hội; và qua đời sống chứng tá của người khác, niềm tin của chúng ta được tăng trưởng và chúng ta có thể chu toàn được sứ mệnh của mình.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com