Caritas và Cupiditas

04-11-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2118 lượt xem

Đa Minh Martin Nguyễn Ngọc Huy

Bước vào tháng 11 đối với tôi cũng là bước vào một kỳ lễ hội kéo dài. Bắt đầu là lễ các Thánh (1/11), lễ cầu cho ông bà tổ tiên (2/11), lễ thánh Martinô (3/11), lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam (24/11), lễ Giáng Sinh (25/11) và tết. Vì được lớn lên trong bầu không khí của Dòng, sinh hoạt trong giáo xứ do các cha Đa Minh coi sóc mà tôi may mắn có cơ hội được chìm nổi trong cảm xúc hân hoan vui mừng khi đến những ngày lễ mừng kính các Thánh Dòng mà đặc biệt cách riêng là đại lễ mừng kính thánh Martino được cử hành trọng thể hàng năm tại tu viện thánh Martino – Hố Nai. Nói về tu sĩ Martino de Porres, O.P. (1579 – 1639) hẳn chúng ta không thể không nhắc đến “tấm lòng vàng” của người. Martino không những yêu thương “anh em khó nghèo” mà cả những “thú vật ngoài đồng” vì vậy mà dương thế ca ngợi người là “tấm gương huy hoàng của đức bác ái”.

Cũng trong dịp chuẩn bị mừng đại lễ kính thánh Martino, tập Thời sự Thần học số 56 (tháng 5, 2012) nhân kỷ niệm 50 người Anh Em Hèn Mọn được đức Thánh cha Gioan XXIII phong hiển thánh (06/05/1962) đã họa lên những nét chính yếu trong cuộc đời của thánh nhân, qua đó tác giả phân tích và đóng góp thêm những thông tin hữu ích về đề tài caritas. Dựa trên những phân tích đã hoàn chỉnh và cụ về chủ đề này, cùng với sự góp nhặt của bản thân mà tôi lại có thêm được vài suy tư nhỏ với ước mong được giãi bày dưới đây.

Bản dịch Tân Ước đã sử dụng Caritas thay cho từ Agape trong nguyên bản Hy Lạp. Tuy nhiên chúng ta cũng cần biết rằng trong tiếng Hy Lạp cũng có nhiều từ dùng để diễn tả “yêu” như:

  • Philia: nói đến tình cảm thân thiết như tình bạn.
  • Storge: tình yêu bao gồm sự quan tâm theo nghĩa nghĩ đến lợi ích và hạnh phúc của người mình yêu thương nhưng không phải là không tương thích với ước muốn tính dục.
  • Eros: thường được gắn với sự hấp dẫn tính dục mạnh mẽ.[1]

Agape hay caritas là tình yêu đặc trưng của Kitô giáo và có những đức hạnh như được mô tả trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô: Tình yêu là kiên nhẫn, là nhân từ, tình yêu chẳng ghen tị, chẳng khoe khoang, chẳng kiêu ngạo. Tình yêu không khiếm nhã, không tìm kiếm tư lợi, không nóng giận, không chấp điều xấu ác. Tình yêu che chở mọi sự, tin cậy mọi sự, hy vọng mọi sự và chịu đựng mọi sự (Cr 13, 4-7).

Theo nguyên nghĩa Latinh, caritas có gốc bởi tính từ carus (thân yêu, quý giá), nhưng cũng có ý kiến cho rằng nguồn gốc của nó là charis trong tiếng Hy Lạp (ân huệ, quà tặng, duyên dáng). Ta không thể phủ nhận những khó khăn trong việc chuyển nghĩa danh từ caritas sang tiếng Việt. Tuy nhiên các tổ chức Caritas được thiết lập tại mỗi giáo phận gợi lên ý tưởng caritas là “bác ái”. Ý nghĩa tương đương với charité (tiếng Pháp) hoặc charity (tiếng Anh). Đối với nhân đức đối thần, caritas được dịch là đức mến, hay đức ái (Cr 13, 4-7) hoặc đó là tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu (Deus caritas est) và bản chất của Thiên Chúa là tình yêu. Như vậy cũng tùy thuộc vào mạch văn mà caritas được hiểu như là: bác ái, đức mến, đức ái, tình yêu.[2]

Nhận xét trên cho thấy caritas được thể hiện trên nhiều góc độ, và từ đó “thần học về caritas cũng mang nhiều khía cạnh khác nhau.” Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra không chỉ trong nội bộ Kitô giáo mà còn trong tương quan giữa các triết học và tôn giáo ngoài Kitô giáo về đề tài này.

“Love and Saint Augustine” bài luận văn của một triết gia chính trị gốc Do Thái sống tại Đức tên Hannah Arendt cũng đề cập đến caritas dựa theo những trải nghiệm về tình yêu của thánh Augustinô, được Joanna Vecchiarelli Scott và Judith Chelius Stark biên tập lại và xuất bản lần đầu tiên vào năm 1929. Lý do khiến bà lựa chọn đề tài này đơn giản vì “một chủ đề như vậy không phải là quá lạ thường trong các trường đại học tại Đức lúc bấy giờ.” Cũng trong thời gian này một số tác giả khác cũng chọn đề tài luận án về Augustinô nhưng khai thác những yếu tố khác. Jonas đã chọn thánh Augustinô và sự tự do để nhấn mạnh đến vấn đề gây tranh cãi của chủ thuyết Pelagian trong tác phẩm bằng tiếng Đức “Augustine und das paulinische Freiheitsproblem [Gottingen, 1930].” Và một lý do khác là, Arendt cũng chịu ảnh hưởng bởi hai triết gia hiện sinh có tên tuổi lúc bấy giờ là Heidegger và Jaspers, cả hai triết gia này đều mong muốn có những suy tư đáp lại “thông điệp hiện sinh của Agustinô.”[3] Trong tác phẩm “Love and Saint Saint Agustine”, Arendt tập trung khai thác trải nghiệm tình yêu của thánh Augustinô với hai khái niệm chủ đạo là caritascupiditas.

Cả caritascupiditas đều là sự khát khao (appetitus) thuật ngữ appetitus theo truyền thống Hy Lạp được sử dụng phổ biến từ thời đại của Aristotle kéo dài cho đến thời đại của Plotinus[4]. Tuy đều có gốc rễ là sự khát khao (appetinus) nhưng hai khái niệm về tình yêu này có sự khác biệt nếu không muốn nói là đối nghịch nhau. Sự khác biệt giữa caritascupiditas được thể hiện trong đối tượng mà nó hướng đến.

(Deus caritas est) Thiên Chúa là tình yêu, nên có thể nói đối tượng của caritas chính là Thiên Chúa hoặc những điều hướng chúng ta về Thiên Chúa.

Chúng ta thấy hạnh phúc khi cảm nhận được rằng giữa bản thân mình và điều ta khao khát không còn bất cứ một khoảng cách nào. Nói cách khác, hạnh phúc chỉ có thể cảm nhận khi khoảng cách giữa chủ thể là một người và đối tượng của chủ thể này là điều mà người ấy khát khao không còn nữa. Chính vì vậy mà thánh Augustinô đã sử dụng từ “inhaerere” mà trong bản dịch tiếng Anh thường là “cling to” tức “gắn liền với” khi nói về hạnh phúc đích thực của con người là được gắn liền với Thiên Chúa “inhaerere Deo”.

Trong tình yêu caritas, đối tượng của nó chính là Thiên Chúa, và là sự sống vĩnh cửu. Caritas đem con người đến với một cuộc sống mới vì caritas gắn liền chúng ta với Thiên Chúa. Trái ngược với caritas, đối tượng của tình yêu cupiditas là trần gian và những gì thuộc về nó. Yêu những điều trần thế dẫn con người đến chỗ phải tiêu vong. Con người nuôi khát khao và tìm kiếm những điều bên ngoài mình (extra me hoặc foris a me) sự tìm kiếm này hoàn toàn vô ích và thậm chí nó biến con người trở thành nô lệ khi con người không đạt được những gì mình khát vọng, hoặc giả có đạt được thì con người cũng trở nên lo lắng, sợ hãi vì một ngày nào đó những điều mình yêu, những điều mình khát vọng sẽ mất đi. Thêm vào đó, sự khao khát thế sự phù vân ấy làm thay đổi bản chất của con người và nó biến đổi con người thành một thực thể trần tục. Cupiditas mãnh liệt và khôn lường. Con người có thể yêu những điều mình không nên yêu nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc là vì họ được tận hưởng những điều mà họ khao khát có trong trần gian và đó không phải là hạnh phúc đích thực. Vì đối với thánh Augustinô, điều thiện hảo nhất của thụ tạo phải là Đấng Sáng Tạo. Cũng vậy, hạnh phúc đích thực của chúng ta chỉ xảy ra khi chúng ta kết hợp mật thiết với Thiên Chúa “inhaerere Deo”.

Augustinô có thể đã trải qua tuổi trẻ với nhiều biến động. Tiên vàn, thánh nhân sôi nổi với tình yêu cupiditas và sau đó ngài quay trở lại lòng mình để tìm kiếm Thiên Chúa, hướng đối tượng khát vọng của mình đến Thiên Chúa trong tình yêu caritas.

Này, Ngài vốn ở trong con, mà con lại ở ngoài con và vì thế con tìm Ngài ở bên ngoài; là kẻ xấu xa, con đã lăn xả vào những vật xinh đẹp Ngài đã tạo dựng nên. Ngài đã ở với con mà con lại không ở với Ngài. Chính những vật, nếu không hiện hữu trong Ngài thì không bao giờ hiện hữu, đã cầm giữ con xa Ngài. Ngài đã kêu gọi, đã gào thét, đã thắng sự điếc lác của con. Ngài đã soi sáng, đã chiếu rọi, đã xua đuổi sự mù lòa của con. Ngài đã tỏa mùi thơm của Ngài ra và con đã được hít lấy và đâm ra say mê Ngài. Con đã được nếm Ngài, và đâm ra đói khát Ngài; Ngài đã đụng tới con và con ước ao sự bình an của Ngài.[5]

Mở đầu Bài Giảng Trên Núi, Đức Giêsu công bố Phúc thay ai khát khao nên người công chính (Mt 5,6). Sự khao khát ấy có đối tượng là Thiên Chúa, là sự khát khao được trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Bên cạnh đó, Đức Giêsu còn đưa ra yêu sách tuyệt đối: Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi(Mt 19,21) hoặc “anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa (Lc 16,13). Cuối cùng, thánh Augustinô cũng nhắn nhủ: Anh em hãy biết rằng mình ra khỏi Ai Cập khi dứt bỏ thế gian khi nói về thánh vịnh 113A (114): “Chúa giải thoát Ít-ra-en khỏi Ai Cập.”[6]

Tóm lại, qua tấm gương đời mình, thánh Martino đã cho thấy rằng chúng ta có thể đạt được sự thánh thiện bằng con đường tình yêu mà Chúa Kitô đã dạy: Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn hết trí khôn và yêu người thân cận như chính mình.[7] Đó là thứ tình yêu mà chúng ta nhắc đến – caritas, là điều ấp ủ, tràn lan trong tấm lòng của Martino. Tình yêu ấy hướng đến đối tượng là Thiên Chúa và cuộc sống vĩnh cửu. Cũng như vậy, thánh Catarina Siena cũng hướng tình yêu của mình đến Thiên Chúa khi nói rằng: “Ai lấy tình yêu đáp đền tình yêu thì có thể nói rằng là đã trao một ly nước cho Đấng Tạo Hóa.”[8]

Sống với tình yêu caritas trong thế gian có thể khiến chúng ta thành kẻ thù của thế gian. “Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15,19). Quả thật, điều ấy được xác nhận trong lịch sử của Giáo hội khi người Kitô hữu luôn bị thế gian thù ghét và hãm hại vì đời sống của họ không giống thế gian và không dành cho và hướng về thế gian. Mỗi vị thánh nên thánh bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng khi chiêm ngưỡng gương sáng của một vị thánh bất kỳ, ta thấy tất cả công việc các thánh làm đều vì đức ái. Noi gương các thánh, chúng ta học sống yêu thương, bác ái mà hướng tới Thiên Chúa, hướng về hạnh phúc Nước trời.

[1] Ronald de Sousa, Dẫn luận về Tình Yêu (Tp. HCM: Hồng Đức,2016), tr. 10.

[2] Phan Tấn Thành, “Caritas – Veritas”, Thời sự Thần học, số 56 (tháng 5,2012): tr.13.

[3] Joanna Vecchiarelli Scott và Judith Chelius Stark., “Lời Giới Thiệu”, Love and Saint Augustino.

[4] Triết gia Hy Lạp cổ đại (203 – 270).

[5] Tự thuật X, 27,38.

[6] Ca Vịnh Kinh chiều II, Chúa nhật I.

[7] Đức thánh cha Gioan XXIII, Bài giảng lễ tuyên phong Martinô Porét lên bậc hiển thánh., Thời sự Thần Học, số 56 (tháng 5,2012): tr. 8.

[8] Sđd.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com