[Đến Mà Xem 70] Sau tất cả

02-06-2017
Bởi: Nguyễn Hoàng Bảo Có: 0 bình luận 1513 lượt xem

Nguyễn Khải Hoàn

Thoạt nghe tựa đề bài viết, có lẽ sẽ có nhiều người lầm tưởng rằng người viết đang nói về một ca khúc đang rất thịnh hành trong giới trẻ Việt Nam, bài hát “Sau tất cả” của nhạc sĩ Khắc Hưng. Nhưng… Không phải vậy!  

Trọn đời sống của người Kitô hữu là hành trình chu toàn Thánh ý Chúa Cha, rập theo khuôn mẫu của Chúa Giêsu khi xưa: vác thập giá đời mình, tiến bước lên “đồi Can-vê cuộc đời”, chết đi cho muôn vàn yếu đuối của phận người và rồi phục sinh vinh hiển với Thầy Chí Thánh. Đời sống của một người trẻ bước theo ơn gọi tu trì có lẽ cũng không ngoài khuôn mẫu trên. Thậm chí, với lý tưởng trở thành “bản sao” của Thầy mình, người trẻ ấy được đòi hỏi phải dấn thân cách đặc biệt hơn nữa. Lý tưởng là thế! Hy vọng cao vời như thế đấy! Nhưng với phận người đầy rẫy yếu đuối, lại còn bị nhuốm đầy ô nhơ của xã hội đương đại, người trẻ bước theo chân Thầy Giêsu hẳn sẽ không tránh khỏi những lần vấp váp quỵ ngã, những xung đột trong tương quan và cả những mâu thuẫn trong nội tâm. Nhưng, sau tất cả, một tâm hồn thành tâm thiện chí, đầy khao khát được trở nên “Chúa Kitô thứ hai” ấy sẽ trở nên thế nào?

… Ta lại trở về với Thiên Chúa

Hãy theo Thầy!” Tiếng gọi của 2000 năm trước vẫn từng ngày đánh thức biết bao người trẻ thoát ly khỏi gia đình để bước vào đời sống tu trì, tận hiến đời mình cho Thiên Chúa. Những năm tháng đầu đời tập tu khi mà “lời đáp trả” của bản thân còn rất mãnh liệt và cháy bỏng, người ta dễ dàng chìm đắm trong những giờ phút thinh lặng bên Chúa, dễ dàng có những sáng kiến đạo đức, dễ dàng có những suy tư trăn trở, những dự phóng cao đẹp cho đời sống tinh thần … Nhưng dần dà, khi đạt được những giai đoạn nhất định trong chuỗi đào tạo, khi mà thời gian càng trở nên hạn hẹp với “núi sứ vụ” đang chờ đón, khi việc bổn phận trở thành những cái ách vô hình đặt trên vai, ta như dần bị mất đi cảm xúc yêu đương thuở ban đầu. Những phút thinh lặng bên Thánh Thể sao trôi chậm quá! Những lễ nghi sao hình thức quá! Những lời giảng như chẳng còn chút sức lay động nào cả!… Cái sự khô khan ấy lại càng nguội lạnh hơn bởi sự trơ lì trước tội lỗi, tội lỗi lại càng được ngụy biện, rồi ngụy biện lại càng được tương trợ bởi những lý lẽ võ đoán – lý lẽ bao biện để rồi cái sai cứ dẫn đường…

Chính lúc này, hơn bao giờ hết, ta phải lên đường trở về, phải tiến bước trong niềm hy vọng và sự tin tưởng vào lòng thương xót của Đấng luôn hằng yêu thương ta dù là ta muôn phần bất xứng. “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.” (Is 1, 18) Ta bước trở lại để nhận ra rằng luôn có một vòng tay đón chờ “người tình bất hảo”. Ta lên đường trong niềm hy vọng rằng sau tất cả những buồn vui của bước đường sứ vụ, Thiên Chúa vẫn là chốn nghỉ ngơi an bình nhất, hạnh phúc nhất. Sau tất cả, ta lại trở về với Thiên Chúa – Nguồn mạch tình yêu.

…Ta lại trở về với anh em

Đời tu mở ra cho ta cánh cửa để bước vào một môi trường sống mới với biết bao con người từ khắp các nơi. Sự xung khắc giữa các cá nhân là điều không thể tránh khỏi hay thậm chí là lẽ tất yếu. Xung khắc giữa các thói quen, xung khắc giữa các quan điểm như là bước cần thiết để ta trở nên nhẵn bóng hơn, trở nên khéo léo hơn trong cách hành xử. Để rồi, điều đó sẽ giúp người ấy uyển chuyển hơn trong sứ vụ của mình, linh hoạt hơn trong sứ mạng Dòng trao.

Những năm tháng đầu đời ơn gọi, việc chung sống dường như dễ dàng hơn bao giờ hết bởi chính thiện chí ở nơi mỗi anh em là điểm then chốt giúp họ vượt qua được những xung khắc. Những lúc bất đồng, những trận cãi vã, những lời nói không đẹp cho nhau, … tất cả dường như chỉ là tương đối, bởi lẽ ai cũng sẽ thấy những điều tiêu cực đó chóng qua hơn bao giờ hết. Nhưng rồi năm tháng trôi đi, cái tôi mỗi người dần trở nên lớn mạnh bởi những thành tích trong việc học hay những thành quả trên đường sứ vụ. Mối dây liên kết huynh đệ trở nên lỏng lẻo bởi sự tương tác giữa anh em trong cộng đoàn ngày càng ít đi vì quỹ thời gian bị xâu xé cho công việc. Những “kinh nghiệm sứ vụ” có đôi lúc lại dẫn ta đến những phán đoán chưa chính xác về người anh em, để rồi ta tự giam mình trong cái bẫy định kiến ấy. v.v…

Chính lúc này, ta cần phải vượt lên trên tất cả các yếu đuối nơi những con người – là những người anh em – đang chung sống cùng mình. Nói thì dễ, làm mới khó. Cái dễ ở chỗ đó là ta vẫn có thể làm theo kiểu “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, song điều đó nguy hiểm ví tựa phần chìm của tảng băng nổi, vì chắc chắn nó sẽ kéo tất cả những gì còn nổi kia xuống vực sâu đại dương. Còn cái khó ở chỗ là những thành kiến về người này người kia đã trở thành những bức tường vô hình trong tâm khảm ta rồi, nó ngăn cản tâm hồn ta đến gần người khác. Do đó việc đứng dậy và đi đến với người anh em đã là một chuyện khó, việc chia sẻ cuộc sống cùng họ như những người anh em thực thụ lại càng khó hơn!

Giải pháp cho vấn nạn trên là gì? Hơn hết đó chính là sự tin tưởng. Tin tưởng vào nhau! Tin tưởng vào thiện chí của nhau! Và tin tưởng vào chính Thiên Chúa: Đấng là hình mẫu cho sự gắn kết, Đấng là hình mẫu cho các sáng kiến về đời sống cộng đoàn, Đấng là nguồn mạch kết nối mọi người. Có tin tưởng, ta mới cảm nghiệm được một điều rằng: Sau tất cả những cãi vã, bất đồng, xung khắc, ta vẫn còn anh em, anh em vẫn còn ta, anh em ta vẫn còn bên nhau để cùng viết tiếp thao thức của mỗi người, để chung tay xây dựng và phát triển Dòng.

…Ta lại trở về với chính mình

Nếu ai đó vào nhà Dòng để tìm cho mình một người hoàn hảo, người ấy đã nhầm! Nhưng nếu ai đó vào nhà Dòng để tìm cho mình cơ hội trở nên con người hoàn hảo, để tìm những con người khao khát nên trọn lành, người ấy đã đi đến đúng nơi cần phải đến!

Ở góc độ mỗi cá nhân, đời tu chính là cơ hội để cho ta hoàn thiện bản thân mình. Cũng giống như trong các tương quan với Thiên Chúa và anh em, thuở ban đầu ta thường luôn tâm niệm những điều trọn vẹn nhất, đẹp đẽ nhất là những thứ ta sẽ cố gắng đạt được cho bản thân. Hình mẫu của ta lúc đó là Thầy Giêsu. Lý tưởng lúc đó của ta là trở nên “Đức Kitô thứ hai”. Thật vậy, thao thức và khao khát sống đời tu trì của ta rất mãnh liệt – sự mãnh liệt ấy thể hiện rõ nét qua việc ta dám sẵn sàng dùng tuổi trẻ của mình cho quãng thời gian đào tạo bó buộc. Ta sẵn sàng đánh đổi cái tự do chóng qua của tuổi thanh xuân để đạt được cái tự do bền vững hơn, sâu thẳm hơn… Và rồi, đời tu dẫn ta đi tiếp những năm tháng sống, tập và học. Nó dìu ta đến cái đích tạm thời là những lần tuyên khấn, là các tác vụ nhất định trong tiến trình đào tạo.

Song, dường như lý tưởng họa lại hình ảnh Thầy Chí Thánh, những thành công trong đời tu mà ta đạt được, cộng thêm tính tự mãn vốn có sẵn trong ta khiến cho ta dễ ngộ nhận rằng mình đã đạt đến đích toàn thiện – nhất khi được bước vào hàng ngũ giáo sĩ. Ta quên đi lý tưởng thuở nào để vùi mình vào tìm kiếm những tiếng tăm, để có được sự trọng vọng của người đời. Ta khắc khoải những giá trị không phù hợp với tư cách của người được chọn… Ta mất dần năng lượng để cải thiện đời sống, trở nên bạc nhược, lạnh lẽo với khao khát tiến thân, thậm chí quên đi cả lời khấn hứa cùng Thiên Chúa. Thao thức nên trọn lành trong tâm khảm ta trở nên mục ruỗng, rữa nát dần. Viễn cảnh sẽ thê thảm biết chừng nào nếu ta cứ mãi chìm đắm và đánh mất mình như thế?

Chính lúc này, ta cần trở về với chính mình, cần tự vấn mình: đâu là nguyên nhân khiến tôi dấn bước vào hành trình này? Tình yêu Đức Kitô có đủ lớn, hình mẫu Thầy Giêsu có đủ mãnh liệt, lời dạy của Thầy có đủ sức lay động và ảnh hưởng đến tôi không?… Xa hơn, ta cần ý thức về căn tính của người đã được thánh hiến, ý thức về sự thánh thiêng của những tác vụ đã lãnh nhận. Sau tất cả những điều làm ta lạc bước, những ngã rẽ làm ta rời xa sứ mạng, những yếu tố làm biến chất… ta trở về, trở về với chính mình, trở về với lời mình đã khấn hứa, trở về để trở nên người như lòng Chúa mong muốn và lòng người đợi trông.

Người được chọn thân mến!

Tình tuyệt vời của Thiên Chúa đã tạo tác nên ta ngay từ khi ta còn trong cõi hư không, đã ân cần đưa ta vào khung trời tuyệt diệu – nơi đầy ắp những con người cùng chung một lý tưởng, đã nâng bước ta trên đường tin yêu và hy vọng. Chắc chắn Tình ấy sẽ không để ta chìm đắm trong vũng lầy tội lụy, sẽ chẳng để ta cô thế cô thân và lẽ nào để ta mãi lạc bước trên đường lầm nếu như ta thành tâm thiện chí dấn bước, quảng đại đáp trả và không ngừng canh tân đời sống mình theo lý tưởng mà ta đã xác tín.

Sau tất cả, ta lại trở về Nơi Ta Bắt Đầu.

 

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com