[Ngày 08 tháng 6] Chân Phước Diana D’andalo, O.P. – Một Rọi Chiếu Cho Thỉnh Sinh Đa Minh

07-06-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 4240 lượt xem

__Máctinô Quách Đình Quốc Trọng__
Thiên Chúa đã dùng một thiếu nữ say mê Cái Đẹp như một khí cụ để bảo vệ Cái Đẹp. Người thiếu nữ ấy góp một phần rất khiêm tốn trong việc hình thành đời sống đan tu Đa Minh ở buổi đầu của Dòng. Thiếu nữ ấy không thực hiện các cuộc giảng thuyết, nhưng đã chuyên cần cầu nguyện và chiêm niệm. Người nữ ấy, vì ý thức rằng mình là hôn thê của Cái Đẹp, nên lúc nào cũng tưởng nhớ đến Cái Đẹp. Chính tình yêu phu thê này đã làm cho nàng nên đẹp.

Chúa nhật, ngày 09/6/2019, là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong biến cố này, Giáo hội kỷ niệm việc mình được sinh ra trong lịch sử nhân loại, nghĩa là biến cố Hiện Xuống là mốc điểm đánh dấu Giáo hội của Đức Kitô chính thức mang lịch sử tính. Kể từ ngày này, cộng đoàn các Tông đồ sẽ được phân tán và được sai đi khắp nơi, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Do đó, biến cố Chúa Thánh Thần được ban tặng cho Giáo hội phải gắn liền với sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Ý nghĩa phổ quát này có một dáng dấp riêng đối với Dòng Đa Minh. Dòng Đa Minh có một ngày Hiện Xuống “riêng”, đó là biến cố cha Đa Minh sai 16 anh em đầu tiên đến các thành phố lớn ở châu Âu để học tập, giảng thuyết, và lập tu viện. Ngày đó, ngày 15/8/1217, vì vậy, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Dòng.

Năm nay, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống được cử hành ngay sau ngày 08/6/2019, theo lịch Phụng vụ Dòng, ngày này được dành để mừng kính nữ chân phước Diana d’Andalo, OP. Ngài chính là một trong những hoa trái đầu mùa của biến cố Hiện Xuống năm 1217. Do đó, thật thích hợp, khi trong những ngày áp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ta cùng “nếm” lại những hoa trái đầu tiên của Dòng trong sự liên hệ với sứ mạng truyền giáo của toàn thể Giáo hội. Cách riêng, ngài còn là một rọi chiếu cho người Thỉnh sinh Đa Minh.

Một thiếu nữ được chọn để say mê Cái Đẹp

Diana d’Andalo là một ái nữ trẻ đẹp thuộc dòng dõi quý tộc ở thành Bologna. Nàng có tài hùng biện, thông minh, duyên dáng và có một đời sống quân bình. Trước khi gia nhập Dòng, nàng thiếu nữ này thường mê mẩn với những món đồ đắt tiền, cao quý. Tuy nhiên, những món đồ này phải thật sự đẹp, và chính cái đẹp, chứ không phải sự cao quý, đắt tiền, mới thu hút nàng. Cho đến khi gặp gỡ và được đánh động bởi những lời giảng thuyết của chân phước Reginald Orleans, nàng đã từ bỏ hết mọi điều xa xỉ và phù phiếm kia mà trở thành một người nữ chiêm niệm. Cái đẹp mà giờ đây nàng tìm kiếm không phải là cái đẹp của vật chất, nhưng là cái đẹp của Chân Lý. Cái đẹp của vật chất đến một ngày sẽ bị hư hoại, còn cái đẹp của Chân Lý thì trưởng cửu, vĩnh tồn. Cái đẹp vật chất là tô điểm thân xác, còn cái đẹp của Chân Lý thì mưu cầu lợi ích cho linh hồn. Cái đẹp của Chân Lý chính là bản thân Chân Lý, là chính Đức Giêsu. Giờ đây, người thiếu nữ thành Bologna này quyết định “kết hôn ước” với Đấng Toàn Mỹ của đời mình.

Bất kỳ trang sách mới nào trong đời một người, khi sang trang, đều mang lại ít nhiều khó khăn. Gia đình nàng vốn đã xếp đặt để nàng có thể kết hôn với một nhà quyền quý, nhưng chính nàng đã khước từ. Và vì Đấng Toàn Mỹ muốn dành riêng nàng cho đời sống chiêm niệm của các nữ đan sĩ Đa Minh, nàng đã vâng theo Thánh Thần mà can đảm tuyên khấn trọn đời đồng trinh trong tay cha thánh Đa Minh năm 1219 (như thế tính đến nay là tròn 800 năm ngày chị khấn đồng trinh). Vì lúc đó chưa có một nơi nào cho các đan sĩ sống, nên chị phải sống đời đan sĩ tại gia, nhưng gia đình lại gây nhiều khó khăn, cản trở không để chị chuyên tâm cầu nguyện và giữ chay tịnh. Để giải quyết tình trạng này, chị cùng với các thiếu nữ đồng bạn hành hương đến một nữ đan viện Biển Đức, và khi mọi người về với gia đình, thì chị lại giấu mình trong sau các bức tường của tu viện. Biết được chuyện này, thân nhân đã đến tu viện này và buộc chị phải trở về. Người nhà đã mạnh tay lôi chị đi, khiến chị bị gãy một xương sườn. Chị trở về nhà trong tình trạng chấn thương nặng, nhưng vẫn kiên trì cầu nguyện và tiếp tục theo đuổi ơn gọi Đa Minh. Chính trong hoàn cảnh khó khăn này, mà chị đã học được thế nào là niềm vui rời xa thế tục và hiến dâng trọn vẹn con người cho Đấng Toàn Mỹ.  Chính lòng yêu mến cháy bỏng Cái Đẹp đã giúp chị kiên tâm, can đảm tiến bước. Không có tu viện hay đan viện để sống thì không có nghĩa là không giữ được kỷ luật tu trì. Chị Diana là chứng nhân sống động cho một lối sống kỷ luật tu trì vượt qua mọi biên cương của không gian, vượt trên mọi gian lao và thách thức.

Một thiếu nữ được chọn để bảo vệ Cái Đẹp

Ngay sau khi nhận lời khấn đồng trinh của chị Diana, cha thánh Đa Minh đã nhanh chóng chuẩn bị cho việc thành lập một đan viện cho các chị em tại Bologna. Chính chị Diana đã thuyết phục cha thánh làm việc này. Chị nói rằng, có rất nhiều thiếu nữ như chị, muốn cùng chị sống đời dâng hiến cho Chúa. Tại Bologna, cha thánh đã trình bày vấn đề này cho anh em. Như Đức Giêsu vẫn cầu nguyện nhiều giờ trước mỗi biến cố quan trọng, cha Đa Minh đã dành cả đêm để cầu nguyện. Cuối cùng, ngài nói với anh em: “Anh em thân mến! Một đan viện cho các nữ đan sĩ phải được xây dựng tại đây, mặc cho phải bỏ dỡ việc xây dựng cộng đoàn của chúng ta”.

Trong bối cảnh bấy giờ, nhiều người nữ theo lạc giáo Albigense đã quy tụ lại với nhau, sống thành các tu viện, và thiết lập nên một kiểu sống tu trì. Họ sống khó nghèo cùng nhau và trở nên những nhà linh hướng cho các phụ nữ khác. Do đó, họ tạo ra rất nhiều ảnh hưởng. Thánh Đa Minh từ rất sớm đã nhận ra rằng, cách tốt nhất để chống lại sự ảnh hưởng của các tu viện lạc giáo này là thành lập các cộng đoàn nữ tu khác nhưng sống trong đức tin chân thật. Bằng đời sống thánh thiện, tinh tuyền, và bác ái, các nữ tu này sẽ là mẫu gương cho người khác trên con đường hoàn thiện Kitô giáo. Do đó, chẳng lạ gì mà thánh Đa Minh đã thành lập một nữ đan viện tại Prouilhe trước khi Dòng được thành lập. Tầm nhìn đó đã khiến cha Đa Minh quyết định phải ráo riết để thành lập một nữ đan viện tại Bologna.

Như Thiên Chúa đã ban cho Adam một trợ tá tương xứng (x. St 2,18), thì Người cũng ban cho cha Đa Minh và anh em những trợ tá tương xứng. Các nữ đan sĩ là những trợ tá đích thực, cùng với anh em gánh vác và thi hành sứ vụ giảng thuyết, một cách riêng biệt bằng đời sống đan tu. Được quy tụ nơi các thành phố lớn, các nữ đan sĩ Đa Minh là hình ảnh sống động của cha thánh mà một người có thể học được ở đó điều bí nhiệm của việc cầu nguyện, và chia sẻ điều bí nhiệm đó cho tha nhân. Đây chính là trách nhiệm chị Diana lãnh nhận khi được gia nhập cộng đoàn đan viện thánh Agnes, nơi nàng chính thức sống cuộc đời chiêm ngắm Đấng Toàn Mỹ theo kỷ luật tu trì Đa Minh.

Chân phước Diana biết rất rõ nhu cầu của việc huấn luyện đời sống tâm linh cho bản thân chị và các chị em. Và tiến trình ấy không thể có được nếu đương sự chỉ cậy dựa vào bản thân mình. Mặt khác, mỗi người, khi tiến bước trên hành trình tu trì, đều cần một vị linh hướng. Chị Diana cũng vậy. Đời tu của chị có ba vị linh hướng. Trước hết là cha Reginald Orleans. Vị chân phước này đã giúp chị rời xa sự cao sang của thế gian, để tìm kiếm sự cao sang của linh hồn. Không được bao lâu, theo ý muốn của cha thánh Đa Minh, cha Reginald phải rời Bologna để đến Paris. Chị Diana đã chọn vị linh hướng thứ hai cho mình là cha thánh Đa Minh. Trong thời gian cha Đa Minh ở Bologna để tham dự hai Tổng hội đầu tiên của Dòng, chị Diana được dịp tiếp xúc và học được nơi cha Đa Minh nhiều đức tính cần thiết cho đời tu của chị sau này. Kể ra cũng nên nhắc đến, chính cha Đa Minh là người đã động viên chị rất nhiều khi chị bị thân nhân bắt giam tại nhà, không cho sống tại đan viện các nữ đan sĩ Biển Đức. Nhưng rồi Chúa cũng gọi cha Đa Minh về với Người. Ngày 06/8/1221 đối với cha Đa Minh là một ngày tràn ngập niềm vui, nhưng đối với chị lại là một ngày đau khổ. Nhiều tài liệu mô tả rằng, chị thật sự bị suy sụp. Không phải việc thân nhân ngăn cấm làm chị nản lòng, nhưng chính việc mất đi những vị linh hướng mới khiến chị cảm thấy đời tu thật u tối. Chị đã khóc nhiều, và cầu xin Chúa ban cho chị một tia sáng. Và Chúa đã ban cho chị một tia sáng: chân phước Giođannô Saxônia.

Sự linh hướng cha dành cho chị đã làm thỏa được những khao khát say mê Cái Đẹp của người thiếu nữ này. Một điều chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, sở dĩ hai linh hồn này trở nên đồng điệu vì giữa họ có những điểm chung. Tất cả đều được “sinh ra” nhờ cha Reginald Orleans, và qua cha Reginald, mà hai người được tuyên khấn trong tay cha Đa Minh. Họ yêu mến cha Reginald cũng như cha Đa Minh. Và họ cũng yêu mến Thiên Chúa. Tình yêu ấy, cha Giođannô dùng để liên tục an ủi chị Diana: “Đừng sợ! Với chị, tôi là cha; còn với tôi, chị là con, và là vị hôn phu của Đức Giêsu Kitô”, và “tâm hồn hôn thê phải luôn năng tưởng nhớ hôn phu.”1 Được khích lệ, chị tha thiết, chuyên chăm cầu nguyện và chiêm niệm. Khi đời sống tâm linh của chị đã trưởng thành, Thiên Chúa đã gọi chị về với Người vào ngày 11/6/1236, lúc đó chị được 35 tuổi. Hơn nửa năm sau, tức vào ngày 13/02/1237, Chúa cũng gọi cha Giođannô về thiên quốc, khi cha đang trên đường đến Palestine. Cái chết giờ đây đã kết hợp họ trong Chúa.

Một rọi chiếu cho người Thỉnh sinh Đa Minh

Người Thỉnh sinh là người trẻ. Là một người trẻ, người Thỉnh sinh được thôi thúc đi tìm Cái Đẹp. Trước khi gia nhập Thỉnh viện, họ là ai? Họ là người trẻ đi tìm Cái Đẹp trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Có chàng thì say mê từng nốt nhạc trầm bổng. Có chàng thì say mê ma trận ngôn từ của văn chương. Chàng trai khác lại tìm kiếm Cái Đẹp trên con đường của triết học. Và nhiều những chàng trai khác nữa. Tất cả họ, tất cả chúng ta đều say mê Cái Đẹp và đi tìm nó giữa đời. Thế rồi đến một lúc, như chị Diana, họ, và ta cũng được đánh động bởi một làn gió Đa Minh nào đó. Đó có thể là hình ảnh chiếc áo dòng, là lời giảng hùng hồn hay đời sống thánh thiện của một tu sĩ,… Họ, và ta nhận ra rằng, Cái Đẹp thực sự không nằm ở nốt nhạc, ở con chữ, ở những suy tưởng nhưng sâu xa hơn, cao hơn, Cái Đẹp là Chân Lý, là chính Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã dùng một thiếu nữ say mê Cái Đẹp như một khí cụ để bảo vệ Cái Đẹp. Người thiếu nữ ấy góp một phần rất khiêm tốn trong việc hình thành đời sống đan tu Đa Minh ở buổi đầu của Dòng. Thiếu nữ ấy không thực hiện các cuộc giảng thuyết, nhưng đã chuyên cần cầu nguyện và chiêm niệm. Người nữ ấy, vì ý thức rằng mình là hôn thê của Cái Đẹp, nên lúc nào cũng tưởng nhớ đến Cái Đẹp. Chính tình yêu phu thê này đã làm cho nàng nên đẹp.

Thiên Chúa rồi cũng đã, đang, và sẽ dùng các chàng trai say mê Cái Đẹp như một khí cụ để bảo vệ Cái Đẹp. Những chàng trai này đến một ngày cũng sẽ phải đối diện với nhiều thử thách, và sẽ có những lúc gục ngã, suy sụp khi thấy việc đi tìm Cái Đẹp trong đời tu quá bấp bênh, như chị Diana vậy. Chị Diana khi mất đi cha Reginald và cha Đa Minh đã chỉ biết bám víu vào Đấng Hôn Phu của mình. Đời tu là một cuộc hôn nhân. Các chàng trai Thỉnh sinh Đa Minh cũng tự nguyện kết hôn ước với Đấng là Cái Đẹp Toàn Mỹ. Và đó, chính đó, chính từ đó, các chàng trai được gọi để say mê Cái Đẹp sẽ sẵn sàng theo đuổi Cái Đẹp, bất chấp mọi chông gai.

Người say mê đi tìm Cái Đẹp vốn là một nghệ sĩ. Là một nghệ sĩ, họ thấy Cái Đẹp ở mọi nơi. Là một nghệ sĩ đi tìm Cái Đẹp Toàn Mỹ trong đời tu, đối với họ, và ta, ngày nào cũng là một lễ Hiện Xuống. Lễ Hiện Xuống xưa khai sinh Giáo hội trong lịch sử nhân loại. Biến cố “Hiện Xuống” 1217 đánh dấu những bước chân thánh thuyết đầu tiên. Lễ Hiện Xuống ngày nay, biến cố “Hiện Xuống” hôm nay luôn được làm mới lại, để nghệ sĩ say mê Cái Đẹp luôn tỉnh táo, luôn được soi dẫn truy tầm được Đấng là Chân Thiện Mỹ.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com