[Ngày 30 tháng 4] Thanh Gươm Của Thánh Micaen

30-04-2020
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1881 lượt xem
_Martin Quốc Trọng_
(Tóm lược theo Thánh Giáo hoàng Piô V – Tu sĩ Đa Minh thánh thiện & Mục tử tận tụy, Martin Quách Đình Quốc Trọng biên soạn, 2018)

 “Hài nhi hỡi, con sẽ là ngôn sứ của Đấng Tối Cao” (Lc 1,76)

Thánh Giáo hoàng Piô V sinh ngày 17 tháng Một, năm 1504, nhằm ngày kính thánh Antôn ẩn tu nên gia đình đã chọn tên thánh cho ngài là Antôn. Cuộc đời của Đức Piô V tính đến khi ngài mười bốn tuổi được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là lúc ngài còn ở với gia đình, với tên gọi là Antôn Ghislieri. Giai đoạn sau là khi ngài đổi tên thành Michele, tức Micaen, đánh dấu ngày nhập Dòng Đa Minh. Rất thường, những người được Thiên Chúa chọn và giao cho một sứ mạng trọng đại, bao giờ cũng có một cái tên mang tính tiên tri, chẳng hạn như Ápraham hay Phêrô. Ápram có thể chỉ là một cụ già, nhưng Ápraham lại là một mối phúc cho những kẻ đặt niềm tin nơi Thiên Chúa. Simon chỉ là một ngư phủ ít học, tính khí bộc trực. Nhưng Phêrô lại là người làm thay đổi thế giới. Antôn có thể chỉ là một câu bé chăn chiên nghèo, vô danh tiểu tốt ở vùng quê nhỏ của nước Ý, nhưng Micaen lại là một tu sĩ Đa Minh gương mẫu. Nhưng không thể có Micaen nếu như không có Antôn. Cũng như làm sao Thiên Chúa có thể đổi tên những kẻ người chọn thành Ápraham hay Phêrô, nếu như trước đó không có một Ápram hay một Simon. Kinh Thánh cho biết rằng, qua mỗi cái tên của những kẻ tôi tớ Chúa, Người đều muốn nói gì đó với nhân loại. Vậy, Thiên Chúa muốn nói gì với chúng ta qua Antôn và Micaen?

Thánh Pi-ô nổi tiếng về lòng sốt sắng ca tụng Thiên Chúa. Tâm tư người luôn hướng về Thiên Chúa, nên người trọng danh dự và vinh quang Thiên Chúa hơn hết mọi sự, và không ước mong gì hơn là hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa. Hầu như lúc nào người cũng kính cẩn tưởng nhớ đến những cực hình Chúa Ki-tô đã chịu vì chúng ta, nên người quen đặt tượng Chúa Cứu Chuộc trước mặt. (Trích tiểu sử thánh Giáo hoàng Pi-ô V của Gio-an An-tô-ni-ô Ga-bu-xi-ô)

Thánh Antôn sống trong giai đoạn năm 251-335, là mẫu gương sáng ngời về đời sống khó nghèo, và đời sống cầu nguyện. Chính nếp sống này, ta sẽ gặp lại ở cậu bé Ghislieri khi cậu trở thành một tu sĩ Đa Minh và một Giáo hoàng. Bên cạnh đó, Antôn, nguyên ngữ Latin Antonius có nghĩa là “xứng đáng ngợi khen”. Ý nghĩa này sinh ra hai điểm cần suy nghĩ. Thứ nhất, động từ ngợi khen phải có đối thể, tức là ngợi khen người nào hay điều gì. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta sẽ dễ dàng trả lời: Ngợi khen Thiên Chúa và những kì công Người đã thực hiện. Thứ hai, ai mới là người xứng đáng để ngợi khen Thiên Chúa? Theo Thánh vịnh gia, chỉ có những người khôn ngoan mới có thể nhận biết được sự nghiệp cao cả và vĩ đại của Thiên Chúa, và do đó, họ sẽ ca tụng và ngợi khen Người (x. Tv 92,2-8). Như thế, nếu tên gọi này là một lời tiên tri về thánh ý Thiên Chúa sẽ được tỏ bày nơi cuộc đời của người mang tên đó, thì Antôn Ghislieri rất có thể sẽ là một con người biết kính sợ Thiên Chúa, luôn biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người (x. Mt 5,33). Và các nhân đức của thánh Antôn ẩn tu sẽ như những gợi ý thiết thực cho cậu trên con đường truy tầm Chân Lý.

Còn Micaen, tên gọi của một vị Tổng lãnh Thiên thần, được thánh Gioan nhắc đến trong thị kiến về cuộc chiến trên trời (x. Kh 12,7-12). Trong thị kiến của thánh Gioan, Tổng lãnh Micaen xuất hiện cùng với đoàn binh thiên tướng để bảo vệ người nữ đang sắp sinh con khỏi Con Mãng Xà. Đoàn thiên binh này đã đánh bại Satan. Trong phụng vụ, hình ảnh người phụ nữ này được gán cho Đức Maria, là Mẹ Giáo Hội. Khi Giáo hội, đoàn con rất yêu mến của bà, gặp phải cơn thử thách chông gai, và phải đối diện với nguy cơ bị Satan nuốt chửng, thì sứ thần Micaen đến và chiến đấu để bảo vệ Giáo hội. Nhưng không phải do bởi tài trí và sự thần thiêng của ngài mà Satan phải khiếp sợ, nhưng “họ đã thắng được nó nhờ máu Con Chiên” (Kh 12,11).Vì vậy, truyền thống Giáo hội mới giải thích rằng, Micaen có nghĩa là Ai bằng Thiên Chúa. Điều này rất có ý nghĩa khi chúng ta nhìn vào cuộc đời của Micaen Ghislieri. Tác giả cuốn The Sword of Saint Michael đã gọi vị thánh tương lai là thanh gươm của thánh Micaen. Thanh gươm của Tổng lãnh Micaen tượng trưng cho sự dũng mãnh, cho sự trừng phạt dành cho ma quỷ, là thứ vũ khí không thể thiếu để ngài bảo vệ Giáo hội. Tên gọi The Sword of Saint Michael như ám chỉ rằng, chính vị tu sĩ trẻ tuổi này sẽ trở nên thanh gươm mà sứ thần Micaen dùng để chiến đấu cho Giáo hội, để bảo vệ Giáo hội khỏi mọi sự dữ. Và cuộc đời của tu sĩ Ghislieri là một chứng tá không mệt mỏi của việc kiên nhẫn đương đầu với mọi hiểm nguy rình rập nhấn chìm con thuyền Giáo hội.

“Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con” (Gr 20,7)

Thánh Đa Minh và Thánh Piô V

Người thiết tha sùng kính Đức Nữ Trinh Ma-ri-a, Thiên Chúa Thánh Mẫu, đến độ không bỏ qua ngày nào mà không đọc kinh Mân Côi, cả khi làm Giáo hoàng, bận bịu với biết bao công việc. Hẳn không ngoài thánh ý Thiên Chúa, nên khi vị Giáo Hoàng hiển hách này qua đời, di hài người không được giữ ở đâu khác, ngoại trừ ở Rô-ma, trong đền thờ Đức Bà Cả, để gương mẫu của vị Giáo hoàng này dạy cho hậu thế biết tập luyện nhân đức. (Trích tiểu sử thánh Giáo hoàng Pi-ô V của Gio-an An-tô-ni-ô Ga-bu-xi-ô)

Sau thời gian dùi mài kinh sử, học hỏi thánh khoa, chuyên tâm chiêm niệm, năm 1528, thầy Micaen được truyền chức Linh mục ở Genoa. Vì nổi trội về khả năng học vấn và cả trong đàng nhân đức, vị Linh mục trẻ này đã nhanh chóng được Dòng tin tưởng, và cắt cử để đảm trách nhiều chức vụ khác nhau, như Giám sư Tập sinh, Bề trên nhiều tu viện. Dù trong cương vị nào, cha đều quan tâm đến việc giữ luật dòng nghiêm túc. Ở cha, nổi bật lên hai điểm sáng, đó chính là vâng phục và bác ái. Chính hai nhân đức đó đã giúp cha, cùng với cha Battista Crema, O.P., trở thành những người quan trọng trong việc cải cách đời sống tu trì trong Dòng. Tình trạng suy thoái cuối thời Trung Cổ của Giáo hội lan rộng và ăn sâu trong Giáo hội. Thêm vào đó là sự bành trướng của phong trào Cải cách của Luther. Vì thế, hai cha đã ra sức củng cố Dòng và canh tân đời sống của anh em. Tác giả cuốn The Life of St. Pius the Fifth cho biết, mỗi ngày ngài đều đọc hạnh tích thánh Đa Minh, để ngài rập đời mình theo khuôn mẫu của Đấng Sáng lập. Nơi cha Đa Minh có nhân đức nào, chúng ta cũng sẽ dễ dàng tìm thấy nơi cha Micaen Ghislieri.

Dấu ấn đặc biệt nhất là giai đoạn ngài giữ chức Cao ủy Tòa án Dị giáo, hay Tòa Truy tà. Với những gì còn được kể lại, chúng ta dễ dàng nhận thấy cha Micaen là một Cao ủy rất có trách nhiệm, nhưng không ác độc như người ta vẫn thường nghĩ về mọi thứ liên quan đến Tòa Dị giáo Trung cổ. Ngài còn là một Cao ủy đầy kiên nhẫn và thương cảm. Truyện kể lại rằng, một tu sĩ dòng Anh Em Hèn Mọn tên là Felix Peretti, có tài hùng biện và giảng thuyết xuất chúng, một ngày kia, khi vị tu sĩ này đang chuẩn bị cho buổi giảng thuyết của mình tại Nhà thờ Các Thánh Tông đồ ở Rôma (năm 1551), thì một người lạ mặt đến dúi vào tay cha một mảnh giấy nhỏ. Bình thường, vẫn có những người viết những thắc mắc vào giấy, rồi đưa cho cha, để sau bài giảng, cha sẽ giải đáp thắc mắc. Nhưng hôm đó, khi đến nửa bài giảng, không biết điều gì đã xui khiến cha mở mảnh giấy kia ra. Lập tức cha trở nên sửng sốt vì những gì được ghi trong đó: “Kẻ nói dối! Ông rao giảng những điều mà chính ông cũng không tin!” Những lời này khiến vị tu sĩ cảm thấy hoang mang, và không thể hoàn thành bài giảng như mọi khi. Sự việc này ngay lập tức được truyền đến Bộ Thánh Vụ. Và dĩ nhiên, cha Micaen Ghislieri được giao trách nhiệm điều tra. Sau khi đã tra xét và thẩm định đức tin của đương sự, cha Micaen quả quyết vị tu sĩ không có điều gì đáng lo ngại cả. Cha Micaen cũng sẵn sàng trở thành người bào chữa cho cha Felix trước Tòa Truy tà. Kết quả sau đó như thế nào? C.M. Antony đã nhận xét đắt giá như sau: “Hai vị giáo hoàng tương lai, Piô V và Sixtô V đã ôm hôn nhau!”

“Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại” (Tv 125,3)

Hữu xạ tự nhiên hương. Việc làm của ngài đã tạo được thiện cảm với Đức Hồng y Giovanni Pietro Caraffa, lúc đó là Tổng trưởng Bộ Thánh vụ, sau trở thành Đức Giáo hoàng Phaolô IV. Thông qua sự giới thiệu của Đức Hồng y, năm 1550, cha Micaen Ghislieri được Tông tòa bổ nhiệm làm thành viên của Văn phòng Cao ủy Tòa án Dị giáo thuộc Bộ Thánh vụ. Một năm sau đó, tức vào năm 1551, cha được Đức Giáo hoàng Jullius III triệu tập về Rôma và bổ nhiệm làm Tổng Cao ủy Tòa án Dị giáo. Trong suốt thời gian ở Rôma, cha Micaen luôn hăng say và hoàn thành cách tốt đẹp tất cả những trách nhiệm được trao phó. Vì thế, cha không những được Đức Juliô III tin tưởng, mà sự tin tưởng này còn được gặp thấy nơi các triều Giáo hoàng Phaolô IV và Piô IV. Năm 1555, Đức Juliô III qua đời, Đức Hồng y Caraffa, sau khi được bầu làm Giáo hoàng với tông hiệu Phaolô IV, đã bổ nhiệm người thân tín của mình, là cha Micaen Ghislieri, thành vị kế nhiệm mình trong vai trò Tổng trưởng Bộ Thánh vụ. Đến năm 1557, ngài được trao mũ đỏ Hồng y, đẳng Linh mục, hiệu tòa Santa Maria sopra Minerva, nơi chôn cất thánh Catarina Xienna. Khi trở thành Hồng y, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Thẩm tra cho toàn Kitô giới.

Với trách nhiệm của mình, Đức Hồng y Ghislieri luôn hết lòng cho việc canh tân Giáo hội, nhất là chấn chỉnh tinh thần tông đồ của hàng giáo sĩ. Vốn là một tu sĩ hành khất, ngài luôn sống nhiệm nhặt, đề cao sự khó nghèo và thúc đẩy việc thực hành các nhân đức. Ngài thường ăn chay để tỏ lòng ăn năn sám hối. Ngoài ra, noi gương thánh tổ phụ Đa Minh, ngài còn dành nhiều thời gian vào ban đêm để cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa. Ngài giữ đức khó nghèo triệt để đến mức dường như lúc nào cũng đi chân trần, và rất ít khi nói chuyện. Không phải là ngài kiệm lời, nhưng một khi đã nói, thì lời nói đó phải về Thiên Chúa, phải khởi đi từ đức ái. Theo gương thánh tổ phụ và các vị tiền bối, Đức Ghislieri cũng là một con người của Tin Mừng, sống khó nghèo, luôn “nói với Chúa và nói về Chúa.”

Danh thơm của ngài ngày càng được tỏa lan. Cuối cùng, với sự ủng hộ của thánh Carôlô Bôrômêô, Hồng y Tổng giám mục Milan, trong Mật nghị Hồng y ngày 07 tháng Một, năm 1566, Hồng y Ghislieri được bầu lên ngôi Giáo hoàng, trở thành Đấng kế vị thứ 224 của thánh Phêrô. Và triều đại Piô V chính thức bắt đầu vào ngày 17 tháng Một, năm 1566.

“Ta sẽ sửa lại lều xiêu vẹo của Đavít” (Am 9, 11)

Thánh Piô V và Thánh Bôrômêô

Thánh Pi-ô quả quyết : nhiệm vụ chính yếu của vị Giáo hoàng Rô-ma là tận lực bảo toàn nguyên vẹn việc thờ phượng Thiên Chúa, kỷ luật Hội Thánh và thuần phong mỹ tục của dân thành Rô-ma. Vì thế, Người đã cố gắng vãn hồi vẻ huy hoàng cổ kính cho việc phụng tự ở những nơi đã bị suy giảm, và tái lập nếp sống cùng phong tục cho mọi tầng lớp phù hợp với nền đạo đức chân chính. (Trích tiểu sử thánh Giáo hoàng Pi-ô V của Gio-an An-tô-ni-ô Ga-bu-xi-ô)

Ngay từ những ngày đầu trong cương vị Giáo hoàng, Đức Piô V đã tỏ ra mình thực sự là thanh gươm của Tổng lãnh Thiên thần Micaen, được Thiên Chúa dùng để canh tân Giáo hội, bắt đầu từ việc cải tổ hàng giáo sĩ. Ngài yêu cầu các giáo sĩ sống khó nghèo theo tinh thần Tin Mừng. “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Chính bản thân ngài, trở thành Giáo hoàng, nhưng vẫn giữ một đời sống nhiệm nhặt của một tu sĩ Đa Minh. Không những thế ngài cũng dành thời gian tiếp xúc với dân nghèo. Trong cương vị của mình, khi nỗ lực canh tân hàng giáo sĩ, ngài vừa tỏ lòng thương cảm nhưng cũng rất cương quyết với những giáo sĩ xa rời nếp sống khó nghèo và tinh thần mục vụ. Đồng thời, ngài khích lệ và đỡ nâng những mục tử nhiệt thành dấn thân cho vườn nho của Chúa. Ngài vừa là nhà giảng thuyết chiêm niệm, khiêm tốn, vừa là mục tử đầy khôn ngoan và quyết đoán. Ngài cũng đã cho tổ chức lại các Bộ nhằm giúp cho việc canh tân hàng giáo sĩ. Bên cạnh đó, ngài đã khước từ khoác trên người mình những bộ áo lộng lẫy vốn được dành cho Giáo hoàng. Ngài vẫn mặc trên mình chiếc áo dòng màu trắng thô sơ trong mọi lúc. Sử gia đã cho rằng, có lẽ từ ngài, mà các Giáo hoàng sau này có thói quen mặc áo chùng trắng như chúng ta vẫn thấy như hiện nay. 

Đức khó nghèo đòi hỏi con người phải hằng liên kết với Đức Kitô. Đức Piô V không sống nhân đức này chỉ ở vẻ bề ngoài, nhưng phát xuất từ chính nội tâm. Hằng đêm, ngài đều thức dậy để cầu nguyện. Thậm chí khi gặp phải những vấn đề khó khăn trong việc dẫn dắt Giáo hội, ngài còn thức suốt đêm cầu nguyện để nài xin Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn cho ngài. Ngài đặc biệt yêu mến mầu nhiệm Thập giá, như thánh tổ phụ đã từng. Người ta kể lại rằng, để mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu không khi nào vắng bóng trong tâm trí mình, cha đã đặt một cây thánh giá trên bàn mình, phía dưới, ngài ghi lời này: “Xin lấy khỏi con mọi thứ vinh quang, nhưng xin chỉ cho con một vinh quang duy nhất, đó là thập giá Chúa Giêsu Kitô.”

“Ta muốn tình yêu, chứ không cần hy lễ” (Hs 6,6)

Bên cạnh các cải tổ về kỷ luật và đời sống luân lý, ngài còn quyết liệt hơn trong các vấn đề Tín lý và Phụng vụ. Khi còn là một Hồng y, ngài đã đặc biệt quan tâm đến việc làm sao có thể đương đầu với lầm lạc về đạo lý. Ngài ý thức rất rõ được tầm quan trọng của việc đẩy lui sự ảnh hưởng của lạc thuyết. Trong vai trò của mình, ngài đã phát động nhiều phong trào ăn chay đền tội trong toàn Giáo hội. Không phải các sắc lệnh kết án, mà chính là việc hãm mình mới là phương thế hữu hiệu cứu Giáo hội khỏi lạc thuyết.

Ngài cũng cho soạn thảo và ban hành cuốn Kinh bổn Công đồng (1566). Cuốn sách này được dùng như tài liệu chính thức giúp cho Giáo hội, nhất là giáo dân hiểu biết kĩ càng mầu nhiệm đức tin của Giáo hội. Cũng cần nhắc lại, sở dĩ lạc giáo có điều kiện phát triển rộng khắp là do giáo dân còn quá mù mờ về đức tin Kitô giáo. Còn đối với hàng giáo sĩ, Đức Piô V cho xuất bản bộ Tổng luận thần học của thánh Tôma Aquinô để hàng giáo sĩ nghiên cứu. Ngài còn yêu cầu các Đại học, khi giảng dạy thánh khoa, phải sử dụng bộ sách đó như tài liệu chính thức. Để đề cao giá trị của bộ sách này, cũng như tôn vinh tác giả, ngài đã tôn phong thánh Tôma Aquinô lên bậc Tiến sĩ Hội thánh (1567). Nhận thấy sự cần thiết của việc giữ gìn di sản đức tin, và để củng cố xác quyết của Công đồng về tầm quan trọng của Thánh truyền đối với mạc khải, nên ngài đã yêu cầu tu sĩ Laurent Surius soạn thảo công trình Đời sống các thánh Tông phụ. Ngài cũng cho chỉnh lý lại Sách Kinh nguyện Phụng vụ (1568) và Sách Lễ (1570). Trong mọi nhà thờ, ngài truyền phải đọc kinh Thần Vụ hằng ngày. Vì với ngài, như trước đây đã từng yêu cầu anh em trong Tu viện phải giữ các giờ kinh Thần Vụ với cộng đoàn. Đối với Sách Lễ, theo quyết nghị của Công đồng, Đức Piô V đã thống nhất hình thức cử hành phụng vụ trong toàn Giáo hội. Ngài là người đầu tiên đưa ra những quy định rất rõ những gì buộc làm, được làm, không được làm trong các cử hành Phụng vụ – điều mà ngày nay chúng ta gọi là Luật chữ đỏ.

“Thân xác con nghỉ ngơi an toàn” (Tv 16,9)

Từ khi đang chuẩn bị cho trận chiến Lepanto, người ta đã trông thấy Đức Piô V yếu đi hẳn. Nhưng ngài vẫn cố gắng vượt qua những giới hạn của thể xác để gắng gượng chiến đấu bảo vệ Giáo hội. Chiến thắng Lepanto như là công việc cuối cùng mà ngài cần hoàn thành trước khi về với Thiên Chúa. Vì thế, sau trận chiến đó, sức khỏe của ngài sút giảm trầm trọng, nhất là từ tháng Một năm 1572. Tuy vậy, nhưng vào độ hai tháng cuối đời, ngài vẫn ráng sức làm việc và chu toàn các trách nhiệm của mình. Cho đến tháng Ba năm 1572, ngài không còn có thể ăn uống dễ dàng được nữa. Những đau đớn thể xác càng ngày càng tăng thêm. Và để chính mình không ngã lòng trông cậy, ngài thường quỳ gối trước Thánh giá và cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin tăng thêm sự đau đớn nơi con, nhưng cũng ban cho con sức chịu đựng những đau đớn đó”. Đây là một lời nguyện tuyệt vời. Bởi từ trong lời nguyện này, chúng ta thấy được Đức Piô V là một người luôn phó thác mọi sự cho Chúa. Sự phó thác này còn hàm chứa khao khát được trở nên một với Đức Giêsu thông qua việc gắn kết các đau đớn thể xác nơi bản thân với các vết thương chí thánh của Đức Giêsu. Đó là lý do vì sao người ta vẫn thường thấy Đức Piô V hôn kính năm dấu thánh của Thập giá Chúa Kitô. Hành vi thánh thiện ấy có thể được xem như là sự tỏ bày lòng thống hối của con người hèn mọn này trước Thiên Chúa là Đấng Thánh.

Ngày phải rời bỏ thế gian càng đến gần. Ngài không thể dâng lễ được nữa. Hằng ngày, ngài yêu cầu người khác đọc lớn tiếng và chậm rãi các Thánh vịnh sám hối, và nhất là Bài Thương khó của Đức Giêsu. Ngày 30 tháng Tư năm 1572, ngài lãnh Bí tích Xức dầu. Trong những giây phút sau cùng, ngài nói với những vị Hồng y đang hiện diện rằng:

“Nếu anh em yêu mến đời sống thánh thiện cùng với biết bao đau đớn tôi đang mang lấy, thì cần thiết hơn, anh em hãy yêu mến cuộc sống đầy ân sủng và không thể hư mất, cuộc sống mà với lòng từ tâm của Thiên Chúa, tôi hy vọng sẽ sớm được chung hưởng. Ước mong lớn nhất của tôi là được thấy sự thất bại của những ai chống lại Thiên Chúa, nhưng bởi do tội lỗi tôi phạm đã làm tôi nên bất xứng, khiến tôi không được hưởng lấy điều mong ước ngay tại đời này, nên tôi phó thác mọi sự trong Thánh Ý của Thiên Chúa. Điều duy nhất tôi có thể làm lúc này là với tâm hồn mình, tôi tha thiết xin anh em hãy bầu chọn một Giáo hoàng luôn nhiệt tâm vì vinh quang Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi thứ nơi trần thế này; và không tìm kiếm điều gì khác ngoài thiện ích của Giáo hội.”

Cho đến cuối đời, mối bận tâm duy nhất của ngài vẫn là vì vinh quang Thiên Chúa. Và vinh quang Thiên Chúa lại được tỏ bày nơi ơn cứu độ dành cho hết thảy mọi người, như thánh Irênê từng xác quyết: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống, và sự sống của con người là nhìn thấy Thiên Chúa.”

Giờ vượt qua của ngài đang đến gần, nhưng ngài vẫn rất minh mẫn và bình an. Phải chăng sự thanh thản và bình an trong giờ chết mà Đức Piô V có được chính là do ngài đã được phúc chiêm ngưỡng vẻ huy hoàng của ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho nhân loại cách nhưng không? Ngài ra đi, không một vướng bận, và hoàn toàn phó thác mọi sự trong tay Đấng đã chịu khổ nạn và phục sinh. Chỉ cần điều này thôi, chúng ta đã có lý khi gọi ngài là một đấng anh hùng của Giáo hội. Cuối cùng, sau những đau đớn thể xác, con người anh hùng ấy đã trút hơi thở, vào chiều ngày 01 tháng Năm năm 1572. Cuối cùng, sau 68 năm làm con Chúa, hơn 50 năm là một tu sĩ Giảng thuyết và 6 năm 3 tháng phục vụ Giáo hội trong cương vị Giáo hoàng, đang khi hát thánh thi kinh chiều, ngài đã được phúc “hiệp đoàn cùng các phúc nhân.”

“Hiệp đoàn cùng các phúc nhân” (Kinh O Lumen)

Từ giai đoạn đầu của Dòng Đa Minh, mỗi ngày, các tu sĩ luôn cùng nhau đọc lời kinh O Lumen do cha Constantine de Medici soạn. Lời kinh này như sau:

Ôi ánh sáng rạng soi Giáo hội
Thầy Chân lý mở lối soi đường
Hồng thiêng nhẫn nại tỏa hương
Ngọc ngà khiết tịnh nên gương tinh ròng
Nước khôn ngoan thác dòng tuôn chảy
Cha đã ban đầy rẫy nhưng không
Giảng truyền ơn Chúa chí công
Cho con hiệp với cộng đoàn phúc nhân

Lời kinh này thể hiện hai nét nổi bật nơi cha Đa Minh, đó là đời sống thánh thiện và lòng hăng say phục vụ Giáo hội. Lời kinh này được đọc đi đọc lại mỗi ngày vừa để vinh danh vị tổ phụ vừa để anh em noi theo gương nhân đức của ngài trong việc thi hành sứ mạng của Dòng. Là một tu sĩ Đa Minh, chắc hẳn Đức Piô V cũng nguyện lời kinh này mỗi ngày. Như thế, ngài cũng đang cố noi theo đời sống thánh thiện của đấng sáng lập. Thánh Đa Minh là một con người luôn say mê truy tìm Chân Lý, luôn kiên nhẫn trước những lầm lạc của người khác, luôn sống khiết tịnh và khó nghèo triệt để. Những điều này ta cũng gặp thấy nơi Đức Piô V. Vị Giáo hoàng của chúng ta đã luôn say mê việc học hỏi Thánh Khoa và khuyến khích mọi người, từ giáo sĩ đến giáo dân, luôn học hỏi Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội. Ngài đã kiên nhẫn trước những người lầm lạc và đưa nhiều người trở lại với Giáo hội. Sự khiết tịnh và đời sống khó nghèo của ngài là một nhân đức mà những ai từng ít nhất một lần tiếp xúc với ngài đều có thể chứng thực điều đó. Bên cạnh đó, nếu thánh Đa Minh luôn hăng say phục vụ Giáo hội thông qua việc rảo khắp nơi để giảng dạy Chân Lý, đưa nhiều linh hồn trở lại với Chúa thì thánh Piô V lại đắm mình vì ơn ích Giáo hội bằng việc áp dụng những canh tân và bảo vệ Giáo hội khỏi lạc giáo và sự xâm lấn của Đế quốc Islam bấy giờ. Cả cuộc đời của Đức Piô V là cả một hành trình ngài theo chân thánh tổ phụ. Giờ đây, khi đã lìa thế, cha xứng đáng được hiệp đoàn với các phúc nhân.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com