Từ những ngày đầu tiên trong phụng vụ Kitô giáo, Lời của Thiên Chúa không chỉ được đọc mà thôi. Lời ấy kèm theo một bài giảng nhằm giải thích ý nghĩa của các bài đọc Kinh Thánh và rút ra những áp dụng cho đời sống cộng đoàn. Hạn từ Bài giảng, theo tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “việc giải thích”. Trong Giáo hội sơ khai, Giám mục thường là người cử hành Thánh lễ Chúa nhật và giảng lễ. Từ cách thực hành cổ xưa này, xuất hiện các bài giảng của thánh Âu Tinh, Ambrôsiô, Gioan Kim Khẩu và nhiều bản văn lừng danh khác của các Giáo phụ.
Nhưng Kitô giáo không phải là nơi khơi mào việc giải thích các bài đọc Kinh Thánh trong phụng vụ. Cách thực hành này bắt nguồn từ thói quen của người Do Thái xưa. Chẳng hạn, trong sách Étra, sách luật không chỉ đơn thuần được đọc cho dân chúng. Các thầy Lêvi “giải thích Lề Luật cho dân” (Nkm 8,7). Các ông đọc lề luật của Thiên Chúa “và giải thích, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc” (Nkm 8,8).
Các hội đường Do Thái cũng theo cách thực hành tương tự. Các bài đọc Sách Thánh được kèm theo những lời giải thích. Chính Chúa Giêsu cũng thực hành thói quen này. Người đã giải nghĩa một bài đọc Sách Thánh trong hội đường Nazarét, quê hương Người (x. Lc 4,18-30), và cũng thường giảng dạy trong các hội đường khắp miền Galilê (x. Mc 1,21; Lc 4,15).
Bài giảng có mục đích chủ yếu là hướng dẫn các tín hữu, để họ có thể hiểu các bài đọc và có thể áp dụng các bài đọc ấy vào đời sống. Bài giảng rất quan trọng để chuyển trao đức tin đến nỗi công đồng Vatican II dạy rằng bài giảng phụng vụ phải chiếm “một chỗ quan trọng” giữa nhiều hình thức huấn giáo.1
Ai giảng?
Cuối cùng, bài giảng phải được một thừa tác viên có chức thánh (phó tế, linh mục hoặc giám mục) thực hiện: Điều này cũng tương tự như việc đọc Tin Mừng trong Thánh lễ. Trong khi các bài đọc Kinh Thánh khác có thể được công bố do một giáo dân hay tu sĩ, thì chỉ phó tế, linh mục hoặc giám mục mới được đọc Tin Mừng. Là người kế vị các Tông đồ, đức giám mục – và các linh mục, phó tế là những người chia sẻ quyền bính với ngài – có trách nhiệm công bố Tin Mừng và chuyển trao tất cả những điều Chúa Giêsu đã dạy các Tông đồ (Mt 28,18-20). Bởi vì, Tin Mừng là trung tâm của Kinh Thánh, nên việc chỉ các thừa tác viên có chức thánh đọc Tin Mừng nhắc nhở chúng ta rằng tất cả các bài đọc Sách Thánh mà Tin Mừng hướng tới “phải được đọc và hiểu dưới thẩm quyền của đức tin Tông truyền.”2
Điều này còn cho thấy tại sao bài giảng cũng phải do một thừa tác viên có chức thánh thực hiện. Một giáo dân hay một tu sĩ nam nữ dĩ nhiên có thể có nhiều khả năng ăn nói hoặc nhiều quan điểm thần học, tâm linh để trình bày một đề tài hơn là một linh mục hay phó tế. Và có nhiều cách để những khả năng này được chia sẻ với cộng đoàn. Nhưng đó không phải là mục đích của bài giảng trong Thánh lễ. Trong khi một bài giảng lý tưởng thì sâu sắc, rõ ràng và lôi cuốn, nhưng rốt cuộc giảng không phải là vấn đề về hùng biện hay khả năng hiểu biết. Driscoll lưu ý rằng bài giảng do thừa tác viên có chức thánh thực hiện, có nghĩa là một dấu chỉ hoặc “sự bảo đảm” rằng việc giảng thuyết đang chuyển trao “đức tin tông truyền của Giáo hội và không chỉ là tư tưởng và kinh nghiệm riêng tư của cá nhân nào.”3 Mặc dù dân Chúa, như một toàn thể, phải làm chứng cho đức tin của Giáo hội, nhưng đó là trách nhiệm của đức giám mục, với tư cách là người kế vị các Tông đồ, giảng dạy đức tin tông truyền. Và sự hiệp nhất của ngài với Đức giáo hoàng và các giám mục khác trên khắp thế giới trở thành chứng tá hữu hình và cụ thể hơn nữa về đức tin tông truyền. Bởi vì các linh mục và phó tế, do việc truyền chức, chia sẻ trách nhiệm đặc biệt của đức giám mục, nên các ngài cũng có thể công bố Tin Mừng và giảng trong Thánh lễ.