5. Sức Mạnh Của Lòng Cảm Thông

29-10-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3150 lượt xem
Thông thường, mỗi khi đề cập đến việc hoán cải, thì dường như ai cũng nghĩ phải phạm một lỗi lầm nào đó rồi mới cần hoán cải, cần đổi mới và sửa mình. Tuy nhiên, trong hành trình ơn gọi Ki-tô hữu, việc hoán cải là lời mời gọi mỗi ngày dành cho những người tin. Tại sao vậy? Bởi vì, khi nhìn vào vận mệnh của mình, con người thấy có sự nối kết và gắn chặt với vận mệnh của những người khác. Nghĩa là khi bước vào cuộc đời, con người phải sống tương quan và liên đới với những người khác khi hạnh phúc cũng như lúc khổ đau; khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan; khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ… Tình liên đới này bao hàm ý tưởng hiệp thông, chia sẻ cảnh ngộ, cảm thương những phận đời hẩm hiu và tự cảm thấy có một trách nhiệm nào đó trước những nỗi bất hạnh xảy đến cho đồng loại. Hơn nữa, tình liên đới này mời gọi con người ngước nhìn lên cao để nhận ra cuộc đời mình được Thiên Chúa yêu thương, và cuộc đời mình cũng cần được biến đổi để sống tình thương mà Thiên Chúa đã ban tặng mỗi ngày.

Lời Mời Gọi Trở Nên Đồng Hình Đồng Dạng Với Đức Ki-tô

Có dịp đi thăm các bệnh nhân, tôi bắt gặp trong khoa truyền nhiễm HIV/AIDS tại một bệnh viện nọ ở Sài Gòn có cây thập giá được treo trong phòng bệnh nhân. Thập giá trông rất giản dị và không có gì đặc biệt cả nhưng lại là một lời mời gọi trở về. Trở về sự trần trụi và tình yêu trong Đức Ki-tô. Quả thật, thập giá là một dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa nghèo khó và yêu thương con người vô điều kiện ngay khi con người đang sống trong thực tại trần gian này. Chính trong sự nghèo hèn của thập giá mà mọi người có thể liên kết lại cùng nhau, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô Giê-su, hầu được hưởng vinh quang với Người. Vì thế, trong mỗi bước đi của cuộc đời, dù có khập khễnh chăng nữa, mọi người đều có thể hoán cải để quay về với đường ngay nẻo chính của Thiên Chúa. Ngay cả những kẻ tội lỗi cứng lòng nhất cũng có thể được biến đổi bởi tình thương của Thiên Chúa. Đó là bài học ta đọc thấy trong câu chuyện Đức Giê-su gặp gỡ người thu thuế Lê-vi (Mt 9,9). Đức Giê-su đã cùng ăn uống với ông và những bạn bè tội lỗi của ông. Đức Giê-su đã không chùn bước trước tội lỗi của ông (Mt 9,10-13). Thay vào đó, Người xô ngã những bức tường chia cách để đem đến cho cuộc đời ông sự tinh tuyền của Tin Mừng.

Do đó, hoán cải là để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, là đi theo Người. Đây là một hành trình thiêng liêng kéo dài suốt đời. Tin Mừng cho ta thấy sự hoán cải mà Đức Giê-su mời gọi là sự hoán cải nội tâm, hoán cải của con tim. Sự hoán cải ấy đòi hỏi một sự thay đổi sâu xa hướng đi của cả cuộc đời. Vì thế, hoán cải trước hết là công việc của ân sủng Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa nâng đỡ, trợ giúp để hối nhân có thể làm lại cuộc đời. Và trong hành trình hoán cải ấy, Chúa Thánh Thần là Đấng soi sáng giúp hối nhân nhận ra con người thật và tội lỗi của mình mà quyết tâm trở về. Như vậy, thái độ biết cảm thông, hoán cải, tha thứ và cầu nguyện là linh đạo cần thiết trong Giáo Hội và xã hội ngày nay. Đây là những thái độ xuất phát từ tinh thần Tin Mừng, tinh thần của Đức Ki-tô: tinh thần yêu thương, hiệp nhất và an bình.

Có Một Sức Mạnh Giúp Hoán Cải Tâm Hồn

Phải thú thật rằng, câu chuyện cảm động trong bài phóng sự đường xa ‘Hang Belem trên dốc Cùi Chỏ’ của tác giả Quốc Ngọc  đã giúp tôi đọc ra được tâm trạng khát mong được cảm thông, được thuộc về của một Ki-tô hữu bị nhiễm HIV/AIDS khẩn thiết đến dường nào. Tác giả viết “Hai mươi năm, đã hai mươi năm rồi em à, chị không đến Nhà Thờ, không xưng tội. Một lần xếp hàng vào toà ở Bình Triệu, đến lượt chị là người cuối cùng thì cha giải tội đứng ngay dậy… Chúa không chấp nhận chị đâu”. Trong giây phút ấy, tôi nghe rõ nhịp trái tim chị đã chờ đợi giây phút này từ lâu nên nói ngay: “Chị cứ việc vào nói thẳng với cha đang ngồi trong kia, con đã không xưng tội hai mươi năm nay… các cha ở đây rất cảm thông!” Dường như chỉ chờ có thế, chị ôm mặt, vỡ oà trong nước mắt. Chị khóc giòn giã, khóc tức tưởi giữa sân trại cải tạo – Trung Tâm Giáo dục Lao động Xã hội Phú Nghĩa – loang bóng nắng chiều. Bước ra từ toà giải tội, chị khóc nhiều hơn: “Chị vui quá em ơi! Chị không ngờ là mình có ngày hôm nay”. Chị xin một tràng chuỗi Mân Côi. Thầm thĩ nói câu “Tạ ơn Chúa” là chị lại không cầm được nước mắt. Câu chuyện trên đây đưa tôi đến với những mảnh đời khác, luôn khát khao hoán cải, mong mỏi được cảm thông, được đón nhận từ mọi người thân trong gia đình, xã hội và cả Giáo Hội nữa.

Và một lần khác, trong một chuyến đi công tác ở trung tâm Mai Hoà – Củ Chi, tôi đã gặp anh, một người trẻ đầy sức sống, tình yêu và danh vọng, nhưng anh đã để cho sự sung mãn của tuổi trẻ ấy đi sai đường. Theo lời anh chia sẻ; một ngày nọ, chỉ vì vài lời khiêu khích của đám bạn mà anh đã thử ma-tuý. Rồi kể từ ngày đó, anh không thể ra khỏi và càng ngày cơn nghiện càng kéo ghì anh, biến anh thành nô lệ cho “nàng tiên trắng”. Anh trở thành vấn nạn của xã hội, gánh nặng cho gia đình và sự thất vọng cho chính bản thân mình. Giờ đây trong thân thể cường tráng của anh năm nào đã mang vi-rút HIV và dấu hiệu của căn bệnh thế kỷ. Gia đình chối từ anh. Mọi người xa lánh anh. Xã hội xem anh là một vấn nạn của phân biệt và kỳ thị. Trong lúc bế tắc ấy, anh được nhóm Thiện Chí đưa vào trung tâm này để sống những ngày còn lại xứng với nhân phẩm mà an bình chào đón sự chết đang ngày càng tiến gần anh hơn bao giờ hết.

Trong quá trình trao đổi với anh, điều làm tôi chú ý không phải là thân hình còm cõi hốc hác của những bệnh nhân giai đoạn cuối, nhưng là trên tay anh lúc nào cũng có tràng chuỗi Mân Côi và ảnh thánh Mác-ti-nô đeo trên cổ. Thật vậy, bàn tay anh ngày xưa đã từng hành động bao điều không tốt thì nay đã được biến đổi, để từ nay, bàn tay của anh sẽ cầm mãi tràng chuỗi Mân Côi, một khí giới tạo tác an bình và hoan lạc trong mỗi tâm hồn, để ca tụng Thiên Chúa. Anh thều thào tâm sự: “Từ khi được tặng bức ảnh ông thánh da đen này và tràng chuỗi Mân Côi bởi một Ma-Sơ, mình đã âm thầm từng ngày đọc kinh, nói chuyện với ông thánh, nhờ vậy mà hôm nay mình thấy bình an lắm, không còn khủng hoảng, hoang mang và muốn chết nữa, mặc dù sự chết đã cận kề”.

Vâng, anh đã đón nhận được bình an đích thực khi anh quyết định lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày. Anh cảm thấy đời mình đón nhận được sức mạnh hoán cải cuộc đời bởi đã có một người bạn lắng nghe cuộc đời anh. Đó là những kinh nghiệm về sức mạnh hoán cải mà Thiên Chúa, qua kinh Mân Côi và sự chuyển cầu của thánh Mác-ti-nô ban cho anh. Kinh nghiệm đó anh dành chia sẻ cho tôi, cho mọi người đến thăm anh, để mỗi người cũng đón nhận được tình thương, sự cảm thông mà hoán cải cuộc đời.

Tóm lại, thập giá Đức Ki-tô vẫn giương cao giữa đất trời mời gọi con người sám hối trở về. Vẫn còn đó những tâm hồn đau khổ, những tâm hồn khô khan nguội lạnh, những người nghèo ngày đêm kêu khấn. Vẫn còn đó những tràng chuỗi Mân Côi được vang lên không ngừng… và vẫn còn đó tấm lòng vàng Mác-ti-nô luôn sẵn sàng ra tay cứu giúp những con người bệnh tật và bị bỏ rơi; luôn tha thiết lắng nghe những tiếng nức nở của bao người cô độc và khó nghèo; luôn âm thầm nhắc nhở hối nhân thành tâm sám hối, hoán cải cuộc đời… Ước mong sao tất cả họ gặp được nơi sự cảm thông của thánh Mác-ti-nô một sức mạnh có sức hoán cải là chọn cho cuộc đời mình một hành trình mới. Nếu không được như thế, thì ít nhất, họ cũng ủ ấp khát vọng chờ mong được biến đổi, hoán cải vì họ đã nghiệm được sự cảm thông gần gũi của thánh nhân và trên hết là nhận được lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa qua sự chuyển cầu của tấm lòng vàng Mác-ti-nô.




Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com