Totus Tuus Ego Sum

21-10-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2812 lượt xem

Đức Quỳnh

Thánh Gioan Phaolô II đã phó thác triều đại giáo hoàng của ngài cho Đức Maria bằng những lời này: “Totus tuus ego sum!” – “Mọi sự của con là của Mẹ”. Ngày 17/10/1978, trong thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô, Đức Gioan Phaolô II đã khẳng định điều này: “Trong giờ phút này, chúng ta không thể không hướng lòng trí chúng ta, với tình con thảo, về Mẹ Maria, lập lại những lời ngọt ngào Totus tuus mà chúng ta đã ghi khắc trong tim chúng ta trong ngày tấn phong Giám mục.”[1] Do đó, thật đẹp khi ta nhắc lại những lời trên trong ngày lễ kính thánh nhân 22/10 và trong tháng Mân Côi này, bởi vì lời ấy nhắc chúng ta nhớ đến tình thân giữa Đức Maria và thánh nhân.

Tuổi thơ của ngài là một giai đoạn đầy sóng gió. Nhiều người không khỏi xót xa khi biết rằng, lúc mới 20 tuổi, ngài không còn một người thân nào theo nghĩa ruột thịt. Ngài phải sống giữa một thế giới ngập chìm trong đau khổ do Đệ Nhị Thế Chiến gây ra, biến cố mà làm đảo lộn tận gốc rễ cuộc sống của ngài[2]. Ngài phải ngừng chương trình học Triết học tại trường Đại Học Jagellon, khởi đầu cho thời kì quê hương Ba Lan bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Ngài phải đi làm công nhân trong một công trường đá. Với hoàn cảnh như thế, không ai có thể nghĩ cậu Karol Józef Wojtyła sẽ có được một tương lai tươi sáng. Nhưng thời gian đã trả lời chúng ta về điều gì đã thực sự xảy ra sau đó. Ngài đã làm được những điều lẫy lừng, và những việc đó vẫn để lại nhiều ảnh hưởng cho đến nay. Có lẽ, một trong những người luôn ở bên, chở che, nâng đỡ ngài, đó là Đức Maria. Khi tôi đọc lại tiểu sử của ngài, mối tình mẫu tử giữa thánh nhân và Mẹ Maria như được gợi lại trong tâm trí. Mối tình ấy thể hiện rất rõ dấu ấn của Mẹ Maria trong cuộc đời, cách riêng trong triều giáo hoàng, của thánh Gioan Phaolô II. Từ đây, người tín hữu có thể học biết cách nhận ra dấu ấn của Đức Mẹ trong cuộc đời mình, để như thánh Gioan Phaolô II đã noi gương Mẹ thế nào, thì ta cũng noi gương Mẹ như thế trong hành trình tiến về Quê Trời.

Sự táo bạo của Đức Maria

Cầm trên tay tác phẩm “Đức Maria – niềm hy vọng của Thiên Chúa”[3], tôi đọc thấy ý tưởng này về Thiên Chúa: Thiên Chúa mang những đặc điểm “như nhân” khi “táo bạo” tự phó mình cho con người, khi “núp mình” trong lòng Đức Maria để muốn được sinh ra trong kiếp phàm nhân. Thiên Chúa, Đấng dù biết những yếu đuối của chúng ta, vẫn coi con người có khả năng hành động và hiện diện thay cho Người. Tuy nhiên, sự táo bạo của Thiên Chúa không phải là việc bất chấp mọi nguy hiểm và không biết kết quả thế nào, nhưng là sự táo bạo mà Người biết chắc hoa trái sẽ là gì. Biến cố truyền tin cho Đức Maria chính là kiểu táo bạo như vậy. Chúng ta nên hiểu điều đó như thế nào? Có nhiều cách giải thích về tên gọi “Maria”, nhưng cách lý giải dựa trên nguyên ngữ Ai Cập lại có sức hút đặc biệt với tôi. Theo đó, “Maria” gần với từ “Myriam”, nghĩa là “Người yêu dấu của Thiên Chúa” (“Myr” – Người dấu yêu, “Yam” – của Thiên Chúa). Phải chăng, Đức Maria đã được Thiên Chúa nhận làm “người tình” để qua “mối tình” táo bạo ấy, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Mặt khác, nếu chỉ một mình Thiên Chúa táo bạo thì công trình cứu độ sẽ không được thực hiện. Người cần sự cộng tác của con người. Chính Đức Maria là người tiên phong cộng tác vào công trình cứu độ đó. Nếu Thiên Chúa táo bạo “tỏ tình” với nhân loại qua Đức Maria, thì Mẹ cũng táo bạo đón nhận lời “tỏ tình” ấy, để tình yêu của Chúa được lan tỏa.

Thánh Gioan Phaolô II xác tín: “Totus tuus ego sum”. Điều này có nghĩa, nếu Đức Maria là “người tình” của Thiên Chúa, thì thánh nhân cũng muốn được táo bạo bước vào nơi thẳm sâu con người Đức Maria, trở nên như một Đức Maria khác, trở nên “người tình” của Thiên Chúa. Ngài đã táo bạo và vui vẻ sống với những người đau khổ, nghèo túng, bất công – đây là những người mà ngài gọi là nạn nhân của “văn hóa sự chết”[4]. Ngài đã táo bạo đối mặt với nhiều thứ chủ nghĩa, chủ thuyết để bảo vệ phẩm giá con người. Ngài đã táo bạo ngồi xuống, và tha thứ cho Ali Agca.

“Rosarium Virginis Mariae”

Ngày 16/10/2002, ÐTC Gioan Phaolô II công bố Tông thư Rosarium Virginis Mariae về Kinh Mân Côi. Trong Tông thư này, ÐTC thêm vào 15 Mầu nhiệm (Vui, Thương, Mừng) 5 Mầu nhiệm Sự Sáng, gồm các chặng chính của cuộc đời công khai Chúa Giêsu: Phép Rửa tại sông Giođan, Tiệc cưới Cana, Hành trình loan báo Nước Thiên Chúa, Biến cố hiển dung, và Việc thiết lập Bí tích Thánh Thể. Lời kinh Mân Côi, được người tín hữu đọc mỗi ngày, chất chứa toàn bộ chiều sâu của Tin Mừng. Qua kinh Mân Côi, lời của Đức Maria được vang vọng lại, qua đó, mỗi Kitô hữu như được dẫn đến chiêm ngưỡng và cảm nhận cách sâu sắc vẻ đẹp tình yêu Thiên Chúa.

Thánh Gioan Phaolô II chia sẻ:

“Từ thuở niên thiếu, lời kinh này đã có chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi. Tôi đã được gợi nhớ cách mãnh liệt về điều đó qua chuyến công du mới đây về Ba Lan, nhất là tại Đền thánh Kalwaria. Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng, cũng như trong những giai đoạn khó khăn. Tôi đã giao phó cho lời kinh ấy biết bao lo âu; nơi lời kinh ấy, tôi đã tìm được sự nâng đỡ.”[5]

ĐTC Gioan Phaolô II, qua Tông thư này, còn khuyên nhủ người tín hữu hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Trong hành trình “chiến đấu” tiến về Thiên Quốc, người tín hữu không thể thiếu một vũ khí quan trọng, là kinh Mân Côi. Đây là vũ khí mang lại sức mạnh cho những người yếu đuối, mang lại bình an cho những người đang đau buồn và đem lại lòng mến cho những người đang sống trong lãnh đạm. Nhờ lời kinh Mân Côi, người Kitô hữu được sống chiều kích chiêm niệm mỗi ngày, nghĩa là đặt đời sống mình, “được ẩn giấu nơi Đức Kitô” (Cl 3,3), vào sự quan phòng của Thiên Chúa, trở nên hình ảnh của tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, như chính Đức Kitô, người chiêm niệm đầu tiên. Trong sự chiêm niệm, chúng ta thấy được vẻ đẹp chói lọi của Đức Kitô, “giữa thế nhân, Ngài vô song tuyệt mỹ” (Tv 45,3), và vẻ đẹp ấy hiện diện ở trung tâm thế giới và Giáo hội.

“Mẹ”

Trong tư cách là người kế vị thánh Phêrô, thánh nhân không chỉ chăm sóc và hướng dẫn đời sống đức tin của các tín hữu, mà còn muốn mọi người, đặc biệt là hàng giáo sĩ, nên duy trì tương quan tốt đẹp với giới khoa học gia. Đồng thời, sự quan tâm này còn là một lời nhắc nhở giới trí thức về bổn phận phục vụ chân lý và thiện ích cộng đồng[6].

Bên cạnh việc tận tụy với Mẹ Giáo hội trong tư cách người kế vị thánh Phêrô, ngài còn là một thi sĩ, và một kịch tác gia. Một trong những công việc mà ngài rất yêu thích là sáng tác thơ. Chủ đề nổi bật các tác phẩm thơ của ngài là tình yêu. Trong đó, bài thơ “Mẹ” (viết năm 1939)[7] là một tác phẩm đặc sắc.

Trên nấm mộ trắng của người
Những bông hoa cuộc đời nở trắng
Ôi, bao năm đã qua mẹ ơi
Vắng mẹ, con mất đi đôi cánh!

[…]

Trên nấm mộ trắng của người
Sự yên lặng sáng bừng chiếu rọi
Như có cái gì đó luôn bay lên cao
Như củng cố một niềm hi vọng.

[…]

Trên nấm mộ trắng của người
Mẹ ơi! Còn đâu tình yêu bao la ngày ấy
– Mẹ hãy yên nghỉ ngàn đời
Đôi môi con tháng ngày cầu nguyện.

Với nhan đề bằng một từ “Mẹ” ngắn gọn, bài thơ là tấm lòng của người con dành cho người mẹ đã qua đời khi cậu chỉ mới lên 9 tuổi. Nếu đánh giá tác phẩm này dưới góc nhìn của Kitô giáo, chúng ta dễ nhận ra rằng, người mẹ trong tác phẩm còn là Đức Maria. Sau khi mẹ Emilia qua đời, ngài nhận Đức Maria làm mẹ mình. Ngài để cho Mẹ dìu dắt, để cho Mẹ chiếm trọn trái tim. Chính trong tình yêu này mà cậu bé Karol sẽ được ở mới mẹ Emilia mãi mãi. Mỗi lần nhớ đến mẹ Emilia, mỗi lần ở cạnh ngôi mộ trắng, ngài lại thấy “Sự yên lặng sáng bừng chiếu rọi – Như có cái gì đó luôn bay lên cao – Như củng cố một niềm hi vọng…” Đó là sự bình yên thực sự của cậu, vì cậu đã phó dâng “ngôi mộ trắng”, “đôi cánh” bị mất cho Chúa. Chính vì thế, lời “Totus tuus ego sum” mà thánh nhân tuyên bố sau này như là sự tái cam kết sống trọn tình mẫu tử với Mẹ. “Sống cũng như chết, totus tuus, trọn cả con thuộc về Mẹ, trọn cả con nhờ qua Ðấng Vô Nhiễm”[8].

Fiat

Trong các bản văn Kinh Thánh, đặc biệt là trong Tân Ước, chữ “fiat” xuất hiện khá nhiều lần. Nhìn chung, dù ở trong những hoàn cảnh khác nhau, chúng ta đều nhận thấy tâm tình được diễn tả nơi chữ “fiat” có vẻ giống nhau: Đầu tiên là Đức Maria thốt lên đó để đáp lại lời của sứ thần Gabriel: “Ecce ancilla domini, FIAT mihi secundum verbum tuum” (Lc 1,38). Trong lời kinh Lạy Cha, chúng ta thấy có: “FIAT voluntas tua, sicut in caelo et in terra” (Mt 6,10). Tại vườn cây dầu, Đức Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Non mea voluntas sed tua FIAT” (Lc 22,42)

“Fiat” được dịch là “vâng” trong ba trường hợp đó: “Xin vâng như lời thánh thiên thần truyền…”, “Vâng ý cha dưới đất cũng như trên trời…”, “Xin đừng theo ý con, một vâng theo ý Cha!” Thế nhưng tiếng “vâng” ấy vẫn còn tiềm ẩn một thái độ ít nhiều thụ động, trong khi đó chữ “Fiat” mang một thái độ chủ động nhiều hơn. Trong trình thuật sáng tạo, Thiên Chúa đã tạo nên ánh sáng với lời “FIAT lux” – “Hãy có ánh sáng!” (St 1,3). Vì thế, tiếng “Fiat” của Đức Maria không chỉ đơn thuần là một tiếng “Xin vâng” mà còn là lời “Hãy trở thành hiện thực”. “Hiện thực” nơi lời “Fiat” của Mẹ là gì? Chính là việc Mẹ đón nhận ý muốn của Thiên Chúa như ý muốn của Mẹ; là việc Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Với tiếng “Fiat”, Mẹ được cộng tác vào việc thành toàn kế hoạch của Thiên Chúa, mà dưới cái nhìn của nhân loại xem ra là không thể được.

Như thế, hai nét nghĩa của tiếng “Fiat” còn thể hiện điều này: Thiên Chúa ngỏ lời, và con người đáp lời thì kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mới có thể được thực hiện. Ông Abraham đã bỏ lại gia đình và ra đi như Chúa đã phán với ông (x. St 12). Nhờ đức tin của ông mà một dân riêng được Thiên Chúa quy tụ, và qua dân ấy, Người bắt đầu thực hiện ý định cứu độ. Cũng thế, nhờ tiếng “Fiat” của Đức Mẹ mà công cuộc làm cho nhân loại “trở nên tinh tuyền và thánh thiện nhờ tình thương của Thiên Chúa, trong Đức Kitô” (Ep 1,4b) được khởi sự.

Noi gương Mẹ, thánh Gioan Phaolô II, suốt cuộc đời của ngài, đặc biệt trong triều đại Giáo hoàng kéo dài hơn 26 năm (16/10/1978 – 2/4/2005), đã thưa “Fiat” bằng “sự vâng phục của đức tin”[9] trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Ngài thưa “Fiat”, khi sẵn sàng mang Đức Giêsu và tình yêu của Thiên Chúa đến viếng thăm hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ; khi lên tiếng phản đối chiến tranh và kêu gọi hòa bình; khi miệt mài trong công việc đào sâu khoa học cũng như tri thức thánh khoa; khi phản đối các chế độ độc tài, nhiều loại chủ nghĩa và chủ thuyết, các phương pháp phá thai và cho chết êm dịu; khi tha thứ cho Ali Agca, kẻ ám sát mình… Với những lời “Fiat” này, thánh nhân còn tuyên bố: “Hãy trở thành hiện thực”. Chiến tranh hãy chấm dứt! Sự phân biệt hãy chấm dứt! Hãy loại bỏ các chủ thuyết! Và hãy để cho tình yêu Thiên Chúa được loan tỏa. Chính nhờ như thế mà Giáo hội, Nhiệm thể Chúa Kitô, gặt hái được biết bao hoa trái. Điều quan trọng hơn, nhờ lời “Fiat”, rất nhiều người trong cộng đồng nhân loại này đã noi theo, thưa lên tiếng “Fiat” của riêng mình trước lời mời gọi của Thiên Chúa.

“Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19,26)

Ðây là lời Chúa Giêsu đã nói khi trao phó Gioan cho Ðức Mẹ. Trong ngày truyền tin, Chúa nói với ông Giuse: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về” (Mt 1,20). Giờ đây, trên đỉnh đồi Calvario, Thiên Chúa lại yêu cầu Gioan đem người nữ Sion ấy về nhà mình. Từ khi thưa “Fiat”, Đức Maria nương tựa vào Thiên Chúa, và luôn để Thiên Chúa quyết định cuộc đời mình. Đối với thánh Gioan Phaolô II, từng giây từng phút trong hành trình lữ thứ trần gian của ngài là những phút giây nương tựa trọn vẹn vào Chúa, và cuộc đời Ngài là một bài ca trọn vẹn trong bản giao hưởng bất tận về tình yêu Thiên Chúa.

Với chúng ta, chúng ta có dám để Thiên Chúa hành động như thế trên cuộc đời mình chăng? Quả thật không dễ để thưa với Chúa lời “Fiat” trong thời đại này. Nhiều khi mỗi chúng ta, bất kể đang sống trong bậc sống nào, cũng mang trong mình nỗi băn khoăn như người thanh niên giàu có: “Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời” (Mc 10,17). Ta băn khoăn bởi lẽ trong lời mời gọi ấy, Chúa muốn ta bỏ những điều mà với nhãn quan nhân loại lại không thể thiếu. Tuy nhiên, nhờ ánh sáng Tin Mừng, cách riêng, nhờ hoa trái của việc chiêm niệm nơi lời kinh Mân Côi, chúng ta sẽ khám phá ra một cách sâu sắc sự táo bạo của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Người, từ đó, ta đủ can đảm để như Mẹ Maria thưa lên tiếng “Fiat”. Nhờ “Fiat” với trọn tâm tình, chúng ta dám táo bạo để lên đường loan báo Tin Mừng trong tư thế “ba không”: không “túi tiền, bao bị, giày dép” (x. Lc 10,4b). Mặt khác, khi lên đường bằng hành trang “ba không”, ta hiểu được sự từ bỏ ấy không làm mất đi bản ngã, mà nhờ ân sủng, ta được giải thoát khỏi chính mình, được gắn bó với Đức Kitô. Nhờ đó, ta nhận ra được cái “lợi gấp trăm” trong tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa tới mức “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27,10). Mỗi tín hữu được mời gọi noi gương Đức Mẹ, luôn sống nhẫn nại và bền đỗ trong mọi thử thách của cuộc sống, và hằng tin tưởng Thiên Chúa: Một lần Xin Vâng, Xin Vâng trọn vẹn, Xin Vâng mãi mãi.

Nữ Vương ban sự bằng an, cầu cho chúng con!
Chúng con hết lòng cảm kích hướng mắt về Mẹ,
Chúng con hết lòng tin tưởng chạy đến với Mẹ
vào những lúc đầy những bất ổn và sợ hãi lo âu
bao trùm số phận hiện tại và tương lai của trái đất chúng con đây.
Chúng con dâng lên Mẹ là con người đầu tiên được Chúa Kitô cứu chuộc,
được thực sự giải thoát khỏi bị làm tôi cho sự dữ và tội lỗi,
những lời khẩn nguyện chân thành và tin tưởng của chúng con đây:

Xin Mẹ hãy lắng nghe tiếng kêu than đau đớn của những nạn nhân chiến tranh
cũng như của rất nhiều hình thức bạo lực
làm nhuốm máu trái đất này.
Xin Mẹ hãy đánh tan tối tăm buồn đau và cô độc,
hận thù và trả đũa,
Xin Mẹ hãy mở lòng trí của tất cả mọi người ra để họ biết tin tưởng nhau và thứ tha cho nhau![10]


[1] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Ii Và Lòng Sùng Kính Của Ba Lan Với Đức Maria

[2] X. Gioan Phaolô II, Ơn gọi của tôi – Ơn ban và nhiệm mầu, NXB Tôn giáo, 2016, tr. 13.

[3] Bernard Bro, Đức Maria – niềm hi vọng của Thiên Chúa, Vân Thúy chuyển ngữ.

[4] Thuật ngữ ĐGH Gioan Phaolô II đề cập trong thông điệp Evangelium Vitae ở các số 12, 21, 24, 26, 28, 50.

[5] Rosarium Virginis Mariae, số 2.

[6] X. Gioan Phaolô II, “Hãy đứng dậy! Chúng ta đi!” – Hồi ký Đức Gioan Phaolô II (1958 – 2004), Đức tin & Văn hóa, 2004, tr. 76.

[7] Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Chí Thuật, in trong tạp chí Viết & Đọc – Chuyên đề mùa đông 2018 của Hội Nhà văn Việt Nam, tr.217. Trong Viết & Đọc – Chuyên đề mùa đông 2018, Ban Biên tập giới thiệu một chùm thơ gồm 19 tác phẩm của Đức Gioan Phaolô II.

[8] Di chúc Thánh Gioan Phaolô II

[9] x. GLHTCG số 144.

[10] Lời hiến dâng nhân loại ở Tháp Piazza di Spagna Rôma của ĐGH Gioan Phaolô II dịp Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2003

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com