“Tội Xã Hội” Là Gì ?

06-03-2018
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 3546 lượt xem

Trích từ : Phan Tấn Thành, Hiểu và Sống Đức Tin, Tập 2 (Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2009), tr. 318-323, trước đó đã được phát thanh trên Đài Vatican tiếng Việt, ngày 25-02-1990


Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có lần nói rằng thời đại chúng ta cần ý thức hơn đến “tội xã hội”. Tội xã hội là gì?

Thời đại chúng ta giống như bất cứ thời đại nào khác của lịch sử, cũng mang những dấu vết mâu thuẫn riêng của nó. Thí dụ ngày hôm nay chúng ta nhạy cảm hơn với thế giới đại đồng, coi tất cả nhân loại như một gia đình. Vì thế chúng ta cảm thấy cần phải vượt lên các biên cương quốc gia. Tuy nhiên, cùng lúc ấy hơn lúc nào hết, chúng ta thấy gắn bó với văn hoá của dân tộc, thậm chí của địa phương và cương quyết duy trì nó, mà không chịu trà trộn, đồng hoá với các nền văn hoá khác.

Trong phạm vi luân lý cũng xảy ra trường hợp tương tự. Một đàng xem ra thời đại chúng ta bớt nhạy cảm hơn với vấn đề luân lý: ví dụ, có biết bao bà mẹ giết chết con mình ngay từ trong trứng nước, có biết bao người bỏ quên lời thề nguyền khấn hứa với Chúa, Giáo Hội hay người bạn trăm năm. Tuy nhiên, dưới một khía cạnh khác, thời đại chúng ta tỏ ra nhạy cảm với một số vấn đề mà trước đây cha ông chúng ta coi là thường tình: ví dụ, bất bình đẳng giữa nam nữ, tính cách man rợ của cảnh tra tấn hay án tử hình, v.v… Trong khung cảnh ấy, chúng ta có thể thêm ý thức về cái gọi là “tội xã hội”. Cả hai hiện tượng về ý thức tội lỗi ấy được Đức Gioan Phaolô II đề cập đến trong Tông huấn “Hoà Giải và Thống Hối”, ban hành vào năm 1984.

Nhưng hình như người Việt chúng ta đã có ý thức về “tội xã hội” từ bao thế kỷ rồi. Có phải mình tiến bộ hơn người Âu Mỹ phải không?

Thực ra trong tiếng Việt, từ tội lỗi hơi hàm hồ. Bất cứ sự vi phạm luật lệ nào, dù là luật đi đường hay hình sự, đều bị coi là tội cho dù chính đương sự vô tình, bất cẩn. Đó là chưa nói đến tội của cha ông theo ảnh hưởng quả báo của Phật Giáo, theo đó thì một người có thể chịu hậu quả của một tội mà cha ông mình đã phạm, hoặc chính mình đã phạm từ kiếp trước. Thêm vào đó là tiếng than “tội nghiệp” mà chúng ta thốt lên khi muốn chia sẻ sự thông cảm với nỗi rủi ro của một số người vô tội mà lại gặp nạn. Bởi vậy, khó mà nói được chúng ta đã tiến bộ hơn người Âu Mỹ về quan niệm tội lỗi hay không.

Trong ngôn ngữ Tây phương, chỉ có một từ để chỉ các tội phạm hay lỗi lầm (faute, délit) về hình luật, và một từ khác để chỉ tội lỗi (péché) theo nghĩa luân lý. Theo luân lý, chỉ có tội lỗi (péché) khi chúng ta chống lại Thiên Chúa bằng một hành vi có ý thức và tự do. Nói khác đi, trong luân lý chúng ta phạm tội khi chúng ta lỗi giới răn Chúa, và lỗi ấy do trách nhiệm của chúng ta.

Nhưng cha chưa giải thích thế nào là “tội xã hội”. Tội xã hội là gì?

Cụm từ “tội xã hội” mới ra đời trong các sách thần học từ Công đồng Vaticanô II, đặc biệt là tại Mỹ Châu Latinh. Các nhà thần học và các giám mục tại lục địa này nhận thấy rằng tội lỗi và sự dữ không những chỉ nằm trong thâm tâm của mỗi cá nhân, nhưng tội lỗi còn bám vào các cơ chế xã hội, và còn trong những cơ cấu tạo ra bất công xã hội nữa. Vì vậy, lời kêu gọi hoà giải thống hối cần phải nhắc đến các cơ cấu xã hội, chứ không phải chỉ đến cá nhân mà thôi.

Nói thế có nghĩa là ngoài tội của cá nhân còn có tội của xã hội nữa. Nói khác đi, xã hội chúng ta có thể phạm tội?

Có một phần đúng mà thôi. Đúng theo nghĩa là xã hội cũng có thể phạm tội. Điều này đã được Kinh Thánh nói, ví dụ như khi nói đến tội của nhân loại, tội của dân Israel. Tuy nhiên các nhà thần học Nam Mỹ còn muốn nhấn mạnh thêm ở chỗ mỗi cá nhân chúng ta đều có trách nhiệm đối với các cơ cấu bất công của xã hội nữa.

Như vậy mỗi người chúng ta không những chỉ là nạn nhân của sự bất công xã hội, mà chúng ta còn có trách nhiệm đối với các bất công ấy?

Phải, và hậu nhiên trong việc thống hối cải thiện, không những chúng ta phải ăn năn đau đớn về tội đã phạm, nhưng còn phải cương quyết dấn thân bài trừ các bất công xã hội nữa. Nói khác đi, trong chương trình trở về với Thiên Chúa, chúng ta còn phải ghi thêm điểm thay đổi cơ cấu bất công xã hội, như: sự chênh lệch giữa người giàu với người nghèo, nạn tham nhũng, nạn khủng bố v.v…

Nhưng đó chỉ là ý kiến của một số thần học gia Mỹ Châu Latinh hay là của chính Đức Gioan Phaolô II trong Tông huấn “Hoà Giải và Thống Hối”?

Như chúng ta đã biết, Tông huấn này được ban hành để đúc kết các cuộc bàn thảo của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1983. Trong cuộc họp ấy, các nghị phụ không nhất trí về việc giải thích ý nghĩa của tội xã hội. Nó có thể gây hiểu lầm, ít là về hai điểm. Trước tiên người ta có thể hiểu là tội do xã hội phạm, và nói như vậy chỉ là một cách tránh né trút trách nhiệm, bởi vì xã hội đâu có ý thức, ý chí, lương tâm. Thứ đến, nếu nói rằng mỗi cá nhân có phần trách nhiệm trước những bất công xã hội, thì có lẽ là nói hơi quá. Nhiều lần chúng ta chỉ là nạn nhân của các cơ cấu ấy. Mặt khác, không ai có thể phủ nhận rằng các cơ cấu bất công xã hội là do con người tạo ra, chứ không phải tự nhiên mà có như là tai ương thiên nhiên. Thế thì ai mang trách nhiệm và ai có bổn phận phải sửa đổi chúng? Đó là các câu hỏi được đặt ra nhưng chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng.

Đức Thánh Cha nói gì về “tội xã hội” trong Tông huấn “Hoà Giải và Thống Hối”?

Ngài giải thích điều đó ở số 16. Đức Thánh Cha không chấp nhận việc giải thích tội xã hội theo nghĩa là tội do xã hội phạm, bởi vì xã hội không phải là một chủ thể có ý thức trách nhiệm. Nhưng “tội xã hội” có thể được hiểu theo ba nghĩa sau đây:

  1. Thứ nhất, bất cứ tội nào, dù thầm kín đến đâu cũng ảnh hưởng đến xã hội;
  2. Thứ hai, có một số tội khác gây xáo trộn đến xã hội, đó là những tội phạm đến tha nhân, như phạm đến tình yêu, công bằng, công ích, đặc biệt là khi chúng ta lơ là đối với các nghĩa vụ xã hội, v.v., nhất là nơi những người lãnh đạo;
  3. Sau cùng, tội xã hội có thể hiểu về các mối tương quan lệch lạc giữa các nhóm trong xã hội, như sự đấu tranh giữa các giai cấp, sự xung đột giữa các quốc gia hay các khối ý thức hệ.

Trong cả ba ý nghĩa trên, chủ thể trách nhiệm vẫn là cá nhân, nhưng mức độ trách nhiệm tuỳ theo vị trí của mỗi người. Đứng trước tình trạng bất công, dĩ nhiên các nhà lãnh đạo có trách nhiệm nặng hơn, tuy rằng các công dân khác cũng có thể có phần trách nhiệm trong đó, qua sự thông đồng, biếng nhác, lơ là.

Để kết luận, “tội xã hội” là một cuộc tranh luận giữa các nhà thần học hay có ảnh hưởng chi đến việc sống đạo?

Đây không phải chỉ là một cuộc tranh luạn thần học. Như đã nói trên, những bất công xã hội đang sờ sờ trước mắt, nhưng chúng không phải là thiên tai dịch tễ bỗng dưng rơi xuống, chúng là kết quả của tội lỗi con người, và vì vậy, con người phải có trách nhiệm sửa đổi chúng. Nhưng ai ra tay trước? Đó là vấn đề. Khái niệm “tội xã hội” nhằm lôi kéo sự chú ý đến trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là của các Kitô hữu trong việc cải tạo xã hội, cộng tác vào việc giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và sự dữ mà Đức Kitô đã bắt đầu. Mặt khác, ý niệm “tội xã hội” như Đức Thánh Cha nói, lưu ý chúng ta về chiều kích xã hội của các hành vi của chúng ta. Một hành vi tốt không những giúp chúng ta trở nên hoàn thiện hơn, nhưng còn giúp xã hội tiến triển nữa.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com