“Tội” Với “Lỗi” Khác Nhau Thế Nào ?

27-02-2018
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1684 lượt xem

Trích từ : Phan Tấn Thành, Hiểu Để Sống Đức Tin, Tập 2 (Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2009), tr. 312318, trước đó đã được phát thanh trên Đài Vatican tiếng Việt, ngày 29-3-1998.


Trong mùa Chay, các tín hữu được mời gọi ăn năn thống hối, chừa bỏ tội lỗi, trở về với Chúa. Nhưng mà “tội” với “lỗi” giống nhau hay không? Hay là “tội” thì khác và “lỗi” thì khác?

Nói cách tổng quát, thì tộilỗi là hai điều khác nhau, theo nghĩa là có thể mình có lỗi mà không có tội; và ngược lại, có thể là có tội mà không có lỗi. Nhưng nếu muốn phân biệt chính xác hơn, thế nào là tội thế nào là lỗi, thì chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì lối sử dụng ngôn ngữ thường ngày hiểu theo một nghĩa; ngôn ngữ của pháp luật hiểu theo một nghĩa khác; còn ngôn ngữ của thần học lại theo một nghĩa khác nữa.

Trong tiếng Việt, chúng ta thấy từ tội được dùng theo nhiều nghĩa khác nhau. Nói chung, tội có nghĩa là điều gì ngang trái, nó bao hàm một sự vi phạm luật lệ nào đó. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, tội cũng có lúc không bao hàm ý tưởng phạm pháp, mà chỉ nói lên cảnh xót xa đáng thương. Chẳng hạn như khi nói “bỏ thì thương, vương thì tội”, hay là khi buộc miệng than “tội nghiệp thay!” Có thể lối nói này chịu ảnh hưởng thuyết nhân quả của Phật giáo, theo đó, nhiều thảm cảnh mà ta chịu bây giờ là một cái “nghiệp” do tội đã phạm ở kiếp trước!

Dù sao, trong ngôn ngữ thông thường, nhiều khi sự phân biệt giữa tội và lỗi nhằm nêu bật mức độ nghiêm trọng của chúng. Lỗi ám chỉ sự sai nhẹ, còn tội thì nặng hơn. Chẳng hạn như khi đá banh, một cầu thủ đụng bàn tay vào quả bóng chỉ là một lỗi, chứ không phải là một tội. Một học sinh viết sai chính tả, thì gọi là lỗi văn phạm, chứ không gọi là tội; nhưng mà nếu cậu ta trốn học đi chơi thì không còn phải là lỗi nữa, nhưng là tội.

Từ khi dân tộc ta tiếp xúc với văn hóa Tây phương, người ta cũng du nhập tư tưởng pháp lý của nước Pháp, đặc biệt là sự phân biệt giữa phạm vi hình sự và hình sự. Từ đó mà có sự phân biệt giữa tộilỗi. Lỗi thuộc về ngành luật dân sự, quy định việc bồi thường thiệt hại gây ra cho người khác. Tội thì thuộc về lĩnh vực hình sự, nhằm trừng phạt sự bất tuân luật pháp quốc gia. Có khi hai lãnh vực có liên hệ với nhau, thí dụ khi tôi lấy hòn đá ném vào đầu ông hàng xóm khiến ông bị thương, thì tôi vừa có tội vừa có lỗi. Tôi sẽ bị truy tố về hình sự bởi vì “phạm tội” đả thương; và ông hàng xóm kiện tôi ra toà dân sự để đòi bồi thường về những hậu quả do thương tích gây ra. Tuy vậy, có nhiều lần hai lãnh vực có thể tách rời. Có trường hợp có lỗi mà không có tội. Chẳng hạn như con chó nhà tôi tuột xích, chạy ra đường cắn người hàng xóm: tôi phải bồi thường sự thiệt hại gây ra cho nạn nhân bởi vì tôi là chủ của con chó. Ngược lại, có thể là có tội mà không có lỗi, thí dụ như tội vi phạm đến an ninh quốc gia: tội nhân bị giam tù nhưng chẳng phải bồi thường gì cả.

Đó là những khái niệm về tội lỗi theo ngôn ngữ thường ngày hay là theo ngôn ngữ pháp luật. Thế còn trong thần học, thì sao: tội với lỗi có khác nhau hay không?

Trong lãnh vực thần học, chúng ta thấy hai từ “tội lỗi” thường đi chung với nhau, và vì thế coi như là đồng nghĩa. Tuy nhiên đó là nói đến ngôn ngữ thần học trong các tiếng của châu Âu, chứ còn ở Việt Nam, chúng ta chưa có đạt được sự chính xác đó. Một thí dụ cụ thể: trong tiếng Việt, chúng ta dùng tiếng tội cho cả lãnh vực hình luật lẫn lãnh vực luân lý. Nhưng mà trong các tiếng Tây phương, có hai danh từ khác biệt nhau. Tội về hình luật (tạm gọi là tội phạm) được kêu là delictum trong tiếng Latin, délit tiếng Pháp, offence hay trespass tiếng Anh. Còn tội về luân lý (tạm gọi là tội lỗi) thì được kêu là peccatum tiếng Latin, péché tiếng Pháp, sin tiếng Anh.

Dĩ nhiên, giữa tội hình sự (tội) và tội luân lý (tội lỗi), có một vài điểm chung, chẳng hạn như trong cả đôi bên đều có yếu tố vi phạm một điều luật cấm, (từ đó mà tội bị coi là hành vi xấu, trái luật), và kèm theo những chế tài. Nhưng sự khác biệt ở chỗ: hình luật dựa theo luật do quốc gia ấn định, còn luân lý thì dựa theo luật của Thiên Chúa. Có những trường hợp mà ta thấy có sự trùng hợp giữa hai bên, thí dụ như việc giết người vừa là một tội hình sự vừa là một tội luân lý. Nhưng mà có những trường hợp không trùng nhau. Thí dụ tại Việt Nam, việc phá thai không phải là tội hình sự, tuy là tội luân lý. Ngược lại việc rước kiệu ở ngoài nhà thờ mà không xin phép công an là một tội hình sự chứ không phải là tội luân lý.

Như vậy, hình luật xét tới những sự vi phạm luật của nhà nước, còn luân lý thì xét tới những sự vi phạm luật của Thiên Chúa, có phải như vậy không?

Nói cách tổng quát, thì có thể chấp nhận sự phân biệt như vậy. Nhưng khi đi vào chi tiết thì vấn đề phức tạp hơn nhiều. Trong các nước dân chủ ngày nay, không phải bất cứ lúc nào sự vi phạm hình luật cũng cấu thành tội phạm. Các bộ hình luật đều dự trù những trường hợp giảm miễn hình phạt tùy theo mức độ ý chí của đương sự trong đó. Ngoài ra, có những trường hợp cố tình vi phạm luật nhà nước mà không phải là tội phạm, khi mà những luật đó đi ngược với hiến pháp, với luật quốc tế, và thậm chí ngược với luật luân lý. Nhiều nền pháp chế dân chủ hiện đại chấp nhận trường hợp “vấn nạn lương tâm”, thí dụ đối với các quân nhân, các bác sĩ: họ có quyền khước từ không chấp hành mệnh lệnh của cấp trên khi thấy trái ngược với lương tâm. Nhưng tôi không muốn đi sâu vào vấn đề này. Ở đây tôi chỉ xin nói qua về luật luân lý. Như đã nói trên đây, ta tạm gọi “tội phạm” là sự vi phạm hình luật của quốc gia, còn “tội lỗi” là sự vi phạm luật Thiên Chúa. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự vi phạm luật Thiên Chúa cũng là “tội lỗi”. Chúng ta nhận thấy có sự tiến triển trong Kinh thánh cũng như trong lịch sử của Giáo hội về khái niệm tội lỗi, nhằm nêu bật yếu tố tự do trách nhiệm khi phạm tội.

Nói như vậy, có nghĩa là trong ý niệm về “tội lỗi”, ngoài sự vi phạm luật Chúa, còn phải có yếu tố khác nữa phải không?

Đúng thế. Khi giở lại Kinh thánh, chúng ta thấy trong những chặng đầu tiên của Cựu ước, quan niệm về “tội lỗi” không khác gì với quan niệm về tội phạm của hình sự: ai vi phạm một điều luật cấm sẽ bị trừng phạt tức khắc, không cần xét đến chủ ý của đương sự. Chúng ta có thể thấy một trường hợp điển hình nói ở 2 Sm 6,8: khi vua Đavít rước hòm bia thánh về Giêrusalem, thì trên đường đi, chiếc xe bị lắc lư, và hòm bia sắp bị đổ, ông Uzzia đưa tay ra đỡ, thế là ông bị phạt chết tươi, bởi vì đã có luật cấm không ai được phép chạm đến hòm bia thánh.

Dĩ nhiên, luật cấm đó được đặt ra nhằm bảo vệ sự tôn kính dành cho đồ vật thánh; nhưng mà ông Uzzia chạm hòm bia đâu có phải vì ông ta khinh mạn đồ thánh, mà chỉ vì muốn bảo vệ cho nó khỏi bị rơi. Thế mà cũng bị coi là “tội trọng”! Dần dần, nhờ các ngôn sứ, ta thấy dân Israel được giáo dục để có một ý thức rõ rệt hơn về tội. Họ đừng nên coi luật của Chúa như đồ nguy hiểm tựa như trái mìn hay như dòng điện, ai mà đụng tới là toi mạng! Chúa không có ra luật để mà ra oai thị võ cho con người phải khiếp sợ. Luật của Chúa cần được lồng trong khung cảnh của giao ước tình yêu. Luật của Chúa nhằm duy trì tình nghĩa thiết giữa Thiên Chúa với con người, và chung quy cũng nhằm để bảo vệ con người mà thôi chứ Chúa chẳng được thêm lợi lộc gì hết! Vì thế, tội được nhìn không chỉ như là sự vi phạm luật Chúa nhưng như là sự bất tuân, cãi lệnh Chúa, phụ ơn bạc nghĩa, phản bội tình yêu, v.v.. Như vậy, các ngôn sứ đã giúp cho dân Do thái tiến triển thêm trong quan niệm về “tội lỗi”. Một đàng, họ đừng coi luật Chúa như đồ nguy hiểm chết người, phải cẩn thận kiêng lánh đừng đụng tới kẻo mang hoạ vào thân, song hãy coi đó như là món quà của giao ước. Đàng khác, chỉ có “tội lỗi” khi có ý thức làm trái ý của Chúa.

Như vậy, nếu vì vô tình mà vi phạm luật Chúa, thì không có “tội” phải không?

Đúng như vậy. Về điểm này, chúng ta thấy có sự tiến triển trong dân Do Thái. Vào lúc đầu, Kinh Thánh có nói tới những “tội phạm” vì vô tình, vô ý thức. Thí dụ như sách Lêvi chương 4 nói tới hy lễ dâng lên để xin xá các “tội phạm” vì vô tình. Và Thánh vịnh 19,13-14 xin Chúa thứ tha cho những tội “phạm mà chẳng hay”, nghĩa là phạm mà không có ý thức, không biết! Nhưng mà dần dần, thì vừa nói, các ngôn sứ đã dạy cho dân ý thức về yếu tố bất tuân, phản bội của “tội lỗi”. Nếu thiếu yếu tố ý chí bất tuân thì không phải là tội. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên cẩn thận khi nói đến “vô tình, không biết”. Có những tội do sự “vô tình không biết” gây ra, nghĩa là chính sự “không biết” là một tội. Chúng ta hãy lấy một thí dụ cụ thể một người kia có cha mẹ già: Anh ta có thể phạm tội bất kính đối với cha mẹ khi anh ta đã nói những lời thất lễ với các ngài; chuyện đó rõ rồi. Nhưng anh ta cũng có thể bất hiếu với cha mẹ khi không chịu trông nom cha mẹ già. Có thể là anh ta sẽ bào chữa rằng mình không biết, và mình cũng chẳng làm điều gì vô lễ với các ngài cả.

Tuy vậy, sự “không biết không làm” cũng là lỗi với bổn phận hiếu thảo. Chính vì thế mà các nhà luân lý cũng xét tới các trường hợp do sự không biết gây ra, khi mà sự không biết là hậu quả của sự lơ đãng biếng nhác. Thí dụ một linh mục không chịu học hỏi những điều thuộc về bổn phận của mình, đưa tới những quyết định sai lầm, hay là không chu toàn hết các bổn phận của một chủ chăn thì cũng có tội. Từ đó, chúng ta thấy trong kinh Cáo Mình ở đầu Thánh Lễ, Giáo hội xin Chúa thứ tha không những là các tội đã phạm “trong tư tưởng, lời nói, việc làm” mà cả các tội phạm vì đã “thiếu sót bổn phận”.

Trong thần học luân lý hiện đại, ta thấy có khuynh hướng: những tội phạm do sự thiếu sót bổn phận, đặc biệt là trong lãnh vực tình liên đới với tha nhân, khi chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước bao nhiêu cảnh lầm than đói khổ của tha nhân, trước bao nhiêu cảnh bất công xã hội. Thậm chí có nhà thần học còn muốn nói đến “tội xã hội”. Tuy nhiên, ý niệm này cần được giải thích rõ ràng hơn. Khi nói đến tội xã hội, thì không nên hiểu rằng trăm tội đều đổ cho xã hội, và chúng ta chỉ là nạn nhân. Nói đến tội xã hội, các nhà luân lý chỉ muốn nhấn mạnh rằng bất cứ hành vi nào của ta dù tốt dù xấu cũng đều có ảnh hưởng đến xã hội. Ta làm điều tốt thì xã hội được nhờ, ta làm bậy thì xã hội bị hư hỏng lây (“một con sâu làm rầu nồi canh”). Ngoài ra, khi nói đến tội xã hội, các nhà luân lý muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm của chúng ta đối với tình trạng xã hội, cách riêng những người lãnh đạo xã hội: sự lơ đãng bổn phận, sự nhút nhát của họ làm cho xã hội càng ngày càng thêm sa đoạ, thay vì phải được thăng tiến lên. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo nói đến yếu tố ý thức và vô tri trong khía cạnh tội lỗi ở số 1859 -1860, và trách nhiệm xã hội ở các số 1868-1869.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com