[CN28TN-B/Thứ 2 Tuần 08TN] Được Mời Gọi Để Trở Nên Hoàn Thiện

26-02-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3882 lượt xem
THỨ HAI TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN
(Năm lẻ: Hc 17,24-29; Năm chẵn: 1Pr 1,3-9; Mc 10,17-27)
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN − NĂM B
(Kn 7,7-11; Hr 4,12-13; Mc 10,17-27 [bài ngắn])

SUY NIỆM

Tự bản tính, con người khát khao tìm kiếm lẽ sống cho mình. Tôi sống ở đời này để làm gì? Phải chăng để làm lụng? để nghỉ ngơi? để ăn uống? để vui chơi? hay để hưởng thụ? v.v.. Dù tôi có làm tất cả những điều đó, thì ngày mỗi ngày rồi cũng sẽ trôi đi thật nhanh! Tác giả Thánh Vịnh thốt lên:

“Ðứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở
thấp thoáng trên đường tựa bóng câu.”

Điều gì sẽ ở mãi với tôi? Điều gì ở đời này mang lại hạnh phúc thật cho tôi? Giàu sang và phú quý có làm cho tôi thoả mãn không? Sự danh giá, địa vị, kể cả trong Giáo hội, có làm cho tôi hạnh phúc không? Nếu sống ở đời, tôi lo lắng làm lụng để tạo lập gia đình, có nhà cửa, của cải, địa vị, v.v.. Còn nếu dấn thân vào đời sống tu trì, tôi sẽ tìm kiếm điều gì để trả lời cho ý nghĩa sống của đời tôi? Thế giới này được Thiên Chúa tạo dựng với những giá trị của nó. Nhưng chỉ cố xoay sở với những thực tại trần gian, thì liệu người ta có tự bảo đảm cho cuộc sống của mình không? “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20). Dù có sống ở đời hay đi tu, mỗi người đều phải đối diện với một quy luật nghiệt ngã của cuộc sống – cái chết. Người ta nói rằng chết là sự công bằng cho tất cả mọi người, không trừ một ai! Chết rồi thì tôi sẽ đi về đâu? Còn có hy vọng nào cho con người hay không? “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7,24). Đó chính là niềm khắc khoải của con người đi tìm sự giải thoát.

“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”

Người thanh niên đến tìm gặp Đức Giêsu. Anh là một người giàu có. Anh sở hữu nhiều của cải vật chất. Anh giàu có cả về tinh thần. Anh hơn rất nhiều người vì có khả năng giữ Lề luật từ nhỏ: không trộm cắp, không làm chứng gian. Anh cũng hãnh diện vì nhiều việc tốt đã làm: thờ kính cha mẹ, yêu thương đồng loại, v.v.. Ấy vậy mà anh vẫn khắc khoải, anh chưa thể thoả mãn, anh đi tìm kiếm một ý nghĩa tối hậu, một câu trả lời rốt ráo cho phận người: “sự sống đời đời”. Anh hỏi Đức Giêsu cần phải làm gì nữa để có được sự sống ấy.

“Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”

Câu trả lời của Đức Giêsu cho người thanh niên nêu ra ba yêu cầu phải làm:

1. Hành động thứ nhất hướng đến bản thân, nhận biết những giới hạn của mình.
2. Hành động thứ hai hướng đến tha nhân, thực thi lòng quảng đại với người nghèo.
3. Hành động thứ ba, quan trọng nhất hướng đến chính Đấng là lời giải đáp cho vấn nạn “nên hoàn thiện.”

…hãy đi bán những gì anh có…

Người thanh niên đã không thể đáp ứng được yêu cầu của lời mời gọi này. Anh muốn đạt đến hạnh phúc bằng chính sức lực của anh, bằng chính sự giàu có vật chất. Anh không thể bán đi tài sản của mình.

Anh cũng giàu có cả về tinh thần nữa vì anh là người hiểu biết Lề Luật và tuân giữ Lề Luật tốt như một Pharisêu: không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian, không làm hại ai, thờ cha kính mẹ, v.v.. “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Người thanh niên tự thấy mình đã sống tốt, đã hoàn hảo, không có gì đáng trách, không thiếu xót điều gì trong đời sống luân lý.

Yêu cầu của Đức Giêsu “hãy bán đi những gì anh có” cũng bao hàm một lời nhắc bảo cho người thanh niên rằng con người không thể tự nên thánh bằng chính sức lực của mình, không thể cậy dựa vào những điều tốt đã làm mà cho rằng mình là người công chính.

Thật ra, người thanh niên này đang cố tình né tránh, không dám nhìn nhận những giới hạn của mình Người ta thường sợ sự thật bản thân, che lấp những yếu kém của mình bằng cách đem những gì mình làm được so sánh với người khác, và rồi đánh giá người khác theo hướng tiêu cực. Một số Pharisêu đã hành động theo cách này, tự cho mình là công chính mà coi khinh người khác: “Lạy Chúa con không như bao kẻ khác, … hay như người thu thuế kia…” (x. Lc 18, 9-14).

Khởi đầu cho cho hành trình nên hoàn thiện là buông bỏ bản thân, khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa, một thái độ quy phục và sẵn sàng đón nhận ân sủng do Người ban tặng.

… mà cho người nghèo…

Phản ứng của thanh niên giàu có này thế nào? Xem ra anh không muốn có bất cứ một sự chia sẻ vật chất nào. Anh chỉ muốn thu tích làm giàu cho riêng mình, cho tham vọng đạt đến hạnh phúc của cá nhân anh, mà không quan tâm đến người khác.

Anh cũng không muốn giúp đỡ người khác về tinh thần, giúp người khác hiểu biết và tuân giữ Lề Luật đúng đắn như anh đã làm. Anh thuộc vào nhóm bị Đức Giêsu khiển trách “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào.”

Bước tiếp theo của hành trình nên hoàn thiện là ra khỏi chính mình, mở rộng trái tim với tha nhân, dám cho đi hơn là lo thu tích, dám mất mát, trở nên nghèo khó vì người khác. Chính Đức Giêsu đã trở nên khuôn mẫu cho lời mời gọi này, như lời thánh Phaolô đã nói: “Đức Giêsu vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” (2Cr 8,9).

… rồi hãy đến theo tôi.”

Con người dù có cố gắng làm điều tốt, nhưng không đón nhận ân sủng của Thiên Chúa trợ giúp, thì những cố gắng ấy cũng sẽ không mang lại hiệu quả là sự sống đời đời. Người thanh niên tin vào khả năng làm điều tốt của mình, anh từ chối lời mời gọi đón nhận ân sủng, từ chối bí quyết thật đưa anh đến sự sống vĩnh cửu.

Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 847 khẳng định: Những ai dù không biết đến lời mời gọi này của Đức Kitô, nhưng cố gắng sống tốt lành theo lương tâm, thì có thể đạt đến ơn cứu độ. Điều này chỉ áp dụng cho những ai không có cơ hội được nghe rao giảng Tin Mừng, không được biết Đức Kitô. Nhưng với những ai mà lời mời gọi “hãy đến theo tôi” đã được ngỏ rõ ràng, mà vẫn từ chối đón nhận hoặc không sống phù hợp với lời mời gọi ấy, thì sẽ phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn. “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,48).

Như thế, đáp ứng lời mời gọi đi theo Đức Kitô có ý nghĩa quyết định trên con đường nên hoàn thiện.

“Thế thì ai có thể được cứu?”

Thấy người thanh niên buồn rầu bỏ đi, các môn đệ tỏ ra lo lắng cho tương lai của mình. Nếu so sánh những gì các môn đệ đang có với những gì người thanh niên kia đang sở hữu, chắc hẳn là các ông thua kém rất nhiều. Sự lo lắng của các môn đệ quả là hữu lý. Các ông đa số là dân nghèo và ít học, cũng không có được sự thông thái Lề Luật hay tuân giữ Lề Luật tốt đẹp, kặn kẽ như người thanh niên kia. Trong Tin Mừng, ta gặp thấy nhiều lần các môn đệ bị các luật sĩ, Pharisêu chỉ trích vì không tuân giữ nghiêm chỉnh luật Sabát, không rửa tay trước khi ăn, đồng bàn ăn uống với những người thu thuế, tội lỗi, v.v.. Nhiều lần các ông cũng bị Đức Giêsu khiển trách là ngu muội, tối dạ, nhút nhát, kém tin, v.v..

“Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được”

Câu trả lời của Đức Giêsu khơi dậy niềm tin và hy vọng cho các môn đệ để các ông tiếp cuộc tục hành trình đi theo Người.

Điều vĩ đại nhất Thiên Chúa đã thực hiện là làm Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Và những ai tin Đức Kitô thì đón nhận sự sống đời đời, như lời Người nói với cô Mácta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26). Người thanh niên từ chối đáp ứng lời mời gọi bước theo Đức Kitô để có được “sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Trong công trình cứu độ của Thiên Chúa, Đức Kitô luôn đi bước trước mời gọi con người tin và bước đi theo Người, mặt khác Người cũng luôn tôn trọng sự tự do của người được mời gọi.

CẦU NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con,
Chúa mời gọi chúng con đi theo Con của Ngài là Đức Kitô trong ơn gọi tận hiến. Đó một hồng ân cao cả, đồng thời cũng là một lời mời gọi vượt quá sức đáp trả của con. Như các môn đệ xưa, con nhận thấy mình thật yếu đuối, giới hạn và hèn kém, con không có được sự giàu có về khả năng, con không làm được nhiều điều tốt đẹp như người thanh niên, để đáng được Ngài chọn; nhưng con tin Chúa có thể làm nơi con điều mà con đang khao khát kiếm tìm.

“Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được.”

Vâng, chính Chúa đã biến đều không thể thành có thể nơi cuộc đời của những chính nhân Cựu Ước: ông Ápraham, ông Giacóp, ông Môsê, ông Dacaria hay bà Êlisabét.

Vâng, chính Chúa đã làm nên điều kỳ diệu nhất nơi cuộc đời Mẹ Maria, là cho Con Chúa nhập thể nơi cung lòng trinh khiết của Mẹ và làm cho “phận nữ tì hèn mọn” trở nên cao cả, được mọi người muôn đời lên tiếng ngợi khen.

Vâng, chính Chúa cũng đã làm cho sự mỏng giòn, yếu đuối của con người lại trở nên kiên cường, vững mạnh nơi cuộc đời các chứng nhân tử đạo để làm chứng cho Tin Mừng.

Vâng, chính Thiên Chúa đã làm cho biết bao nhiêu vị thánh với tâm hồn nhỏ bé đơn sơ, với khả năng giới hạn, lại có thể khao khát và đạt đến những điều vĩ đại.

Vâng, chính Chúa đã làm cho xuất hiện trong Hội thánh một tông đồ nhiệt tâm truyền giảng chân lý là thánh Đa Minh, và đã mời gọi chúng con bước theo linh đạo giảng thuyết của người.

Vâng, chính Chúa cũng đang mời gọi và dẫn dắt chúng con để chính trong cuộc sống tận hiến này, chúng con cảm nghiệm sự sống đời đời đã được khơi nguồn ở trần gian này và sẽ tiến đến mức thành toàn ở đời sau.

Lạy Mẹ Maria, Đấng Bảo trợ của Dòng Giảng Thuyết,
Mẹ là người đầu tiên tận hiến cho Chúa, xin mẹ giúp chúng con biết học nơi tấm gương khiêm nhường, đơn sơ, tin tưởng, phó thác của Mẹ.

“Xưa Mẹ thi hành thánh ý Chúa Cha, luôn sẵn sàng trong vâng phục, can đảm trong khó nghèo và đón nhận trong trinh khiết. Xin Me hãy cầu cùng Con Chí Ái của Mẹ ban cho chúng con, là những kẻ nhận được hồng ân đi theo Chúa, biết lấy cuộc đời được ơn thánh biến đổi, đề làm chứng cho Người, trong khi hợp đoàn những người tận hiến tiến bước về quê hương thiên quốc, tới ánh sáng thật không bao giờ tàn lụi”1 là chính Đức Kitô. Amen.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com