Đức Maria, Ngôn Sứ Của Niềm Hy Vọng

18-10-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1821 lượt xem

Suy niệm lời kinh Magnificat của Đức Maria

1. Bài ca của muôn người

Bài ca Magnificat vọng lại nhiều bài ca vãn và Thánh Vịnh, cũng như nhiều đoạn Sách Thánh nói về người nghèo, người hèn mọn được Thiên Chúa đáp cứu và bênh vực. Bài ca này cũng diễn tả tâm tình của một người  dân Israel, hoà nhập niềm vui của mình với vận mạng của Dân và ca tụng những ân huệ Thiên Chúa ban cho Dân Israel. Đồng thời bài ca này cũng vọng lại những lời của cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi, những người bé mọn được Chúa đoái thương kêu gọi và ban cho hồng ân được sống trong dòng lịch sử ơn cứu độ của Ngài.

 Chúng ta nhận ra nơi đây tâm tình của Mẹ Maria, Người chìm đắm trong thế giới của Chúa chứ không có một chút vinh vang của thế gian; Người chìm ngập trong dòng lịch sử ơn cứu độ chứ không phải chỉ là chuyện đơn lẻ cá nhân; và Ngài cũng chìm đắm trong lòng Dân mới của Chúa, vì thật ra Đức Maria cũng chính là Hội Thánh, là hình ảnh tiên trưng của Hội Thánh, và là hình ảnh tiên trưng của mỗi người Kitô hữu được sống trong thực tại Nước Trời của Chúa. Do đó, mỗi người chúng ta cũng được quyền hát lên bài ca Magnificat (Lc 1,46-55) như lời của chính mình, như lời ca tụng Chúa từ bản thân và từ hoàn cảnh của mình như chính Đức Maria vậy.

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”

2. Niềm vui của Đức Maria:

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng.”

Niềm vui của Mẹ Maria gắn liền với niềm vui của ơn cứu độ được loan báo trong Cựu Ước:

Is 61,10 :

“Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ ĐỨC CHÚA,
nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao!

Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ,
choàng cho tôi đức chính trực công minh,
như chú rể chỉnh tề khăn áo,
tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang.”

Kb 3,18 :

“Nhưng phần tôi, tôi nhảy mừng vì ĐỨC CHÚA,
hỷ hoan vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.”

Đó là một niềm vui sâu xa phát xuất từ “thần trí”, bộc lộ ra thành lời ngợi khen của “linh hồn”. Đó là một niềm vui của một con người toàn diện, lay động toàn diện một con người, trong thân xác, trong linh hồn và trong hành trình lịch sử của một đời người.

Khi ta được ăn ngon, thân xác ta được thoả mãn; khi ta được khen ngợi, tâm trí ta cũng được thoả mãn, nhưng khi ta nhận được ơn cứu độ, thì thần trí, tức là tinh thần, tức là nguyên lý sống, tức là lý do hiện hữu của cuộc đời ta, tất cả những điều đó tìm được “căn tính” của mình trong sự hoàn thành chính vận mạng của mình. Thật ra, niềm vui trọn vẹn của một con người chỉ có thể có được trong một sự hoàn thành vận mạng, nghĩa là toàn thể con người, và toàn thể cuộc đời con người. Niềm vui đó chỉ có thể có được trong ơn cứu độ toàn vẹn của Thiên Chúa. Tiếng reo vui của Mẹ Maria cho ta thấy cuộc đời con người không phải chỉ là sự thoả mãn thân xác, không phải chỉ là thoả mãn tâm trí, không phải chỉ là niềm vui lúc này, nhưng là một sự thành đạt trọn vẹn đời sống, trọn vẹn thân phận một con người; sự thành đạt chỉ có thể phát xuất từ ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Chính vì thế, ta hiểu được niềm vui sâu xa và chân chính nhất của con người không thể ra ngoài, không thể đứng ngoài được vận hành ơn cứu độ của Thiên Chúa. Như thế, điều có thể mang lại niềm hy vọng cho con người được đặt vào trong bình diện “khó mà dễ”, nghĩa là trong niềm tin mà nếu ai không dám tin thì không đón nhận được; còn những ai dám tin thì sẽ nhận được.

3. Lòng khiêm tốn của người được cứu độ

“Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.”

Niềm vui về sự thành đạt ấy, từ nay, trong một thời kỳ mới, một nhiệm cục mới, không còn tùy thuộc vào công đức của con người, nhưng là hồng ân tặng không của Thiên Chúa. Con người trong nhiệm cục mới là con người sống hết “khả năng lãnh nhận” của mình – theo thần học, con người có khả năng lãnh nhận tuyệt đối- và lãnh nhận một cách chân chính, đó là lãnh nhận trong lòng tri ân. Khẳng định điều đó hoàn toàn khác với một thứ “khiêm nhường” giả tạo của con người.

“Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh? (1 Cr 4,7)

Một khi nhận ra, khẳng định, “tuyên bố” với tất cả thần trí về hồng ân mình được lãnh nhận từ tình thương của Chúa, thì không còn phải bận tâm tới một thứ khiêm nhường khách sáo, lễ nghĩa, hoặc một thứ khiêm nhường của nhân đức luân lý. Khiêm nhường của người sống trong ơn cứu độ khác hẳn thứ khiêm nhường của một nỗ lực tập luyện nhận đức.

Đức Maria đã lãnh nhận chân chính và lãnh nhận trọn vẹn hồng ân của Chúa, để có thể thẳng thắn nói lên rằng: “Từ nay hết mọi đời sẽ tôi diễm phúc”. Điều này hoàn toàn không phải là một thứ kiêu ngạo, những là “làm chứng” cho tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Thật sự chỉ có người nghèo mới biết lãnh nhận, mới biết lãnh nhận trong lòng tri ân, và người nghèo mới có thể thực sự làm chứng cho Chúa. Đó mới thực là thứ mặn của “muối Tin Mừng”, thứ sáng của “đèn Tin Mừng”

Sau này thánh Phaolo cũng đã nói lên một sự khiêm tốn thực sự của ơn cứu độ: anh em hãy bắt chước tôi như tôi đã bắt chước đức Kitô.

Chính sự khiêm nhường trong dòng sống của ơn cứu độ mới làm sáng lên quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa chứ không phải thứ khiêm nhường luân lý của con người:

“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!”

4. Khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa

“Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.”

Từ một hồng ân của Thiên Chúa ban cho chính bản thân mình, đức Maria khám phá ra lòng thương xót của Chúa. Đó là thái độ chân chính của người nhận lãnh trong nhiệm cục cứu độ Kinh Thánh, đặc biệt là Kitô giáo. Nhận lãnh thực sự không phải là nhận lãnh hồng ân sự vật, nhưng là lãnh nhận chính bản thân; ở đây lại là Bản Thân của Chúa, hay lãnh nhận chính tình thương của Chúa. Đức Maria lãnh nhận hồng ân làm mẹ, những đó lại là lãnh nhận chính lòng thương xót của Chúa, nghĩa là nhận ra Chúa ở với mình và thương yêu mình.

Cũng thế, lòng trông cậy trong truyền thống ơn cứu độ, truyền thống Do Thái – Kitô giáo khác với niềm hy vọng của con người cũng ở chỗ: trông cậy không phải là một sự dựa dẫm, nhưng được kết dệt trong một hệ tin-cậy-mến; nghĩa là một mối tương quan sung mãn và phong phú; nghĩa là một lòng trông cậy gắn liền với tình yêu và tin tưởng một ngôi vị, một bản thân chứ không phải gắn liền với sự vật. Lãnh một sự vật, nghĩa là chiếm hữu, nghĩa là tiêu thụ sự vật; điều đó chẳng khác gì rút về phía mình sợi giây nối kết ngôi vị, chẳng khác gì cắt đứt mối liên kết hai bản thân. Ngược lại, lãnh nhận chính bản thân của ai khác tức là khám phá lòng yêu thương chân chính, khám phá ra bước đồng hành của ai khác trên cuộc đời mình.

Một khi việc lãnh nhận bộc lộ ra thành lời ca tụng lòng thương xót Chúa, thì ta có thể nhận ra được “bản chất” của việc lãnh nhận chân chính, của một lòng trông cậy chân chính. Chính khả năng lãnh nhận chân chính, lãnh nhận chính Chúa mới có thể mở ra niềm trông cậy chân chính, trông cậy của cả bản thân, trông cậy của cả vận mạng con người mình.

5. Vận hành của ơn cứu độ

“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.”

Cũng từ một sự kiện, từ một hồng ân riêng lẻ mà Mẹ đón nhận được, Mẹ nhận ra được chiều hướng vận hành của ơn cứu độ, chiều hướng của một sự đảo ngược, và là một sự đảo ngược của tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa, tình yêu Agape, là một tình yêu cho đi chính bản thân, tình yêu làm cho người mình yêu được phong phú trọn vẹn. Trong tình thương Agape của Thiên Chúa, con người được đón nhận trọn vẹn nhất, đón nhận chính Thiên Chúa. Nếu tình thương của Chúa không phải là Agape thì con người, dù có muốn cũng không thể lãnh nhận được chính bản thân của Chúa.

Đối với tình yêu thương trọn vẹn của Chúa, kẻ được lãnh nhận trọn vẹn nhất chính là kẻ khiêm tốn, nghèo khó để lãnh nhận trọn vẹn bản thân của Thiên Chúa. Mầu nhiệm về con người được thành toàn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa; nơi đó, con người càng dám chấp nhận cái nghèo của mình đến đâu, thì lại càng được đón nhận hồng ân tặng không của Thiên Chúa đến đó. Trong nhiệm cục mới, con ngưòi được lãnh nhận, và lãnh nhận trọn vẹn nhất chính là lãnh nhận từ chính sự hèn mọn của bản thân.

Như thế, chương trình cứu độ kỳ diệu của Thiên Chúa thể hiện trong vận mạng kỳ lạ của con người được cứu độ; biểu lộ trong một cuộc đảo ngược hoàn toàn những giá trị và những não trạng quen thuộc của con người. Sách Gióp đã từng nói lên điều đó:

G 12,19 :

“Người bắt các tư tế phải đi chân đất
Người lật đổ những kẻ quyền uy.”

Chính điều này lại bộc lộ một khả năng sống lòng trông cậy cho mọi người, đặc biệt là những người nghèo.

6. Hội Nhập đời mình vào lịch sử ơn cứu độ

“Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”

Sau cùng, từ một sự kiện đơn lẻ độc nhất của mầu nhiệm nhập thể mà đức Maria lãnh nhận, Mẹ lại nhận ra được chính bản thân Mẹ được đưa vào hội nhập một cách sâu xa hơn vào lịch sử ơn cứu độ. Việc Mẹ nhận được hồng ân làm mẹ không là gì khác hơn việc Thiên Chúa đang thực hiện nhiệm cụ Cứu Độ kỳ lạ của Ngài ngang qua bản thân của Mẹ.

Thiên Chúa đã hứa với Dân, và giờ đây, Ngài cương quyết thực hiện lời hứa của Ngài trong bản thân của Mẹ. Đức Maria trở thành nơi quy tụ của tất cả khát mong, tất cả hy vọng của Dân Israen. Đức Maria là hiện thân của niềm hy vọng suốt bao đời của “cô gái Sion”. Và cũng chính nơi bản thân của Mẹ, niềm hy vọng của Dân tộc được Thiên Chúa đáp lại. Mẹ trở thành người trung gian về phía nhân loại để đón nhận trọn vẹn Đấng Trung Gian duy nhất mà Thiên Chúa ban cho là Đức Giêsu Kitô. Từ vị thế đó, Mẹ ca tụng Thiên Chúa như lời ca tụng của cả nhân loại, và bản thân Mẹ là lời chứng cho cả nhân loại về lòng trông cậy nơi Thiên Chúa.

Nơi đây không có ơn riêng, nhưng là một giòng lịch sử ơn cứu độ. Cái riêng trở thành cái chung và cái chung thể hiện nơi cái riêng. Nơi đây không phải là một sự phân chia đồng đều, nhưng là một sự đan xen của tình yêu thương, người được lãnh nhận cũng là người chia sẻ, vì lãnh nhận là lãnh nhận vì mọi người.

7. Bài ca của người Kitô hữu

Cuối cùng chúng ta có thể nhận ra bài ca của Mẹ Maria cũng là bài ca của mọi người Kitô hữu. Khởi đầu của nhiệm cục cứu độ mới không còn là một thế giới của những người “trả vay sòng phẳng” với Thiên Chúa, những là những người được lãnh nhận trong lòng tri ân. Thế giới mới của Chúa, trong Đức Maria, hình ảnh tiên trưng của Giáo Hội, là thế giới mọi thành viên đều “có quyền” hát lên bài ca của niềm vui được cứu độ; hát lên bài ca tình thân mật của chính bản thân mình với Chúa, và hát lên bài ca của sự hiệp nhất trong dòng lịch sử ơn cứu độ cho muôn người. Đó quả thật là bài ca của niềm tin, bài ca của lòng trông cậy, bài ca của lòng yêu mến.

Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com