Đi Thật Xa Để Trở Về

26-07-2018
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2082 lượt xem

“Tuổi trẻ là những chuyến đi dài
Đi để nối dài thế giới của những người trẻ bằng những trải nghiệm.”

Đó là lời động viên đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ trong thời gian qua. Quả vậy, Thiên Chúa luôn ban tặng cho mỗi người chúng ta một quãng thời gian gọi là tuổi trẻ để khám phá, để học hỏi, để sống và để yêu. Những năm được sống và học tập tại môi trường Thỉnh viện đã giúp cho mỗi thỉnh sinh có nhiều trải nghiệm quý giá. Nhưng ở đâu đó trong trái tim mỗi người thỉnh sinh trẻ, vẫn luôn thao thức, vẫn luôn ước muốn được xách balo lên và đi. Đi để trải nghiệm, đi để trưởng thành và hiểu biết thêm về sứ vụ của Dòng mà anh em đang theo đuổi. Đi để hiểu và từ đó có thể trân trọng hơn những món quà mà Đấng Tạo Hóa đã ban tặng. Và thật là may mắn khi vào dịp hè năm nay, anh em chúng tôi có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống với đồng bào dân tộc Bahnar, tại giáo xứ Kon Rơbang.

Đến với giáo xứ Kon Rơbang, bạn sẽ bắt gặp được những hình ảnh sống động và thật đậm chất “Tây Nguyên”: Những ngôi nhà thờ được thiết kế và trang trí theo lối văn hóa kiến trúc đặc trưng của người bản địa, những điệu múa xoang, những âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng. Hay những chiếc đầu trần, những đôi chân trần chạy quanh sân bóng của các em thiếu nhi và còn rất nhiều thứ khác nữa. Có vẻ như ở đây, các em chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều với những thú vui giải trí như các trẻ em ở thành phố nên các em đã chọn cho mình cung cách sống khá đặc biệt là luôn sống vui vẻ với những gì mình đang có.

Nhạc cụ truyền thống được sử dụng trong Thánh Lễ

Ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã cảm nhận được một không khí đầy ấm cúng và sốt sắng nơi giáo xứ. Đó là một ngày cuối tháng năm, tháng Hoa kính Đức Mẹ. Hơn chục đội múa, có thiếu nhi lớn nhỏ, có giới trẻ nam nữ, có cụ già tóc đen trắng, tất cả đều một lòng cung kính dâng lên Đức Mẹ những điệu múa đơn sơ đậm bản sắc của bà con. Rồi cuối cùng, chúng tôi như được hòa nhịp với bà con dâng lên Đức Mẹ những nhành hoa nhỏ bé. Bất chợt, chúng tôi có cảm giác như mình được trở về với gia đình của mình.

Lớp học văn hóa hè tại Giáo xứ

Đa số bà con giáo dân ở đây là người đồng bào dân tộc Bahnar nên họ cũng sử dụng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình trong giao tiếp hàng ngày. Ngay cả thánh lễ, các nghi thức phụng vụ cũng được cử hành bằng tiếng địa phương nên đó là một trở ngại khá khó khăn đối với anh em chúng tôi. Những câu chữ bập bẹ không rõ chữ nghĩa được chúng tôi nói như những đứa bé chưa đầy năm. Thời gian đã kết thúc mà chúng tôi chỉ học được rất ít tiếng Bahnar, một bài hát chưa tròn, một lời kinh chưa trọn. Những gì là tiếng Bahnar chúng tôi học được vỏn vẹn chỉ có: Bơnê, Hmach kơ, Inh krao măt…, Ơ Bă nhôn…, Inh hmach kơ Ih Maria…, và Thui de jâp teh… Tuy vậy, anh em chúng tôi hiểu được rằng, tuy có khó khăn về ngôn ngữ, nhưng mình vẫn có thể giao tiếp với bà con bằng những cái bắt tay, những nụ cười. Dù khác nhau về dân tộc, về ngôn ngữ hay thậm chí là về tuổi tác nhưng nụ cười vẫn luôn phát huy một sức mạnh phi thường kết nối mọi người lại với nhau.

Trong tháng ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có chút ít thời gian để dạy học cho các em, có chút ít thời gian để tiếp xúc và sinh hoạt với bà con. Được đi đến thăm và trao quà cho từng gia đình khó khăn trong giáo xứ. Đến với mỗi gia đình, được nghe những lời tâm sự của các cụ già, được tận tay trao những phần quà nhỏ bé, được nghe, được thấy những nụ cười vô tư của các em nhỏ, những ánh mắt muốn nói lên lời cảm ơn thay cho môi miệng của các gia đình, chúng tôi cảm thấy ấm áp vô cùng. Bất chợt, chúng tôi có cảm giác như chính mình cũng đã nhận được nhiều bài học từ họ. Đó là những bài học về sức sống mạnh mẽ vượt khó khăn, đói khổ. Đó là những bài học về ngôn ngữ, cách ứng xử và cách sống trước nhiều sự khác biệt, lạ lẫm… và còn nhiều bài học ý nghĩa nữa. Những điều mà bạn rất khó có thể học được qua trường lớp, sách vở. Quả thật, khi đến với người nghèo, ta luôn có cảm giác dường như mình luôn được nhận nhiều hơn là mình cho đi.

Thăm và trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn

“Những ai đến với dân tộc khác, phải học biết cặn kẽ, không những tiếng nói mà cả tính cách tâm lý xã hội của người bản địa nữa” (Sắc lệnh tác vụ và đời sống linh mục, số 10). Đó không chỉ là kim chỉ nam, mà còn là động lực nâng đỡ cho các tu sĩ Đa Minh đang làm việc tại miền đất Tây Nguyên. Thật vậy, khi đến với đồng bào dân tộc thiểu số, các ngài luôn cố gắng học biết lấy ngôn ngữ để có thể giao tiếp với người dân tộc bằng chính tiếng nói của họ, cùng làm việc, sống với bà con, cùng ăn uống, sinh hoạt và hội nhập vào văn hóa của họ. Đến với cộng đoàn, anh em được Cha chánh xứ Antôn Phạm Minh Châu chia sẻ về những khó khăn trong những ngày đầu thành lập cộng đoàn cũng như những khó khăn vẫn còn tồn tại trong quá trình hoạt động. Được Tỉnh Dòng giao cho sứ vụ tại Kon Tum, một vùng đất truyền giáo rộng lớn, các cha, các thầy làm việc ở đây khá vất vả. Cha luôn mong mỏi sẽ có thêm nhiều anh em dấn thân “gieo mầm Đức Tin” cho mảnh đất còn thiếu thốn ánh sáng của Tin Mừng này. Cha cũng nhờ mọi người cầu nguyện nhiều hơn cho các dự định tương lai của anh em tại Kon Tum nói riêng và cho miền đất Tây Nguyên nói chung. Chúng tôi thấy được rằng, tuy sứ vụ còn nhiều vất vả nhưng nơi các Cha, các Thầy luôn hăng say và nhiệt huyết trong các công việc. Những chia sẻ của các cha về sứ vụ truyền giáo cũng như về đời sống dâng hiến thật quý giá. Chúng tôi thầm nhớ lại câu nói từng được nghe tại Thỉnh viện: “Nơi nào có cộng đoàn của Dòng Đa Minh thì nơi đó là nhà mình”.

Rồi một tháng kết thúc, chúng tôi chia tay Giáo xứ với những phận vụ còn dang dở, những thiếu xót còn vấn vương và cả những điều làm phiền lòng với các cha, các thầy, giáo dân ở đây. Tất cả những buồn vui trong một tháng đều sẽ trở thành những trải nghiệm hữu ích cho chúng tôi. Và biết đâu, một ngày nào đó chúng tôi lại được trở về với gia đình thân thương này. Xin tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một tháng đầy ý nghĩa này, đã cho chúng con có cơ hội được đi đến nhưng nơi xa xôi để khi trở về, chúng con thêm trân trọng những giá trị mà mình đang có và có thêm động lực để bước tiếp trên con đường ơn gọi mà mỗi anh em chúng con đang theo đuổi.

Nhật Tuyến – Văn Tuế – Trần Hùng
Nhóm sứ vụ tháng 6 tại Gx. Kon Rơbang – Gp. Kon Tum

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com