[ĐMX 71] Hãy Theo Thầy

30-06-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1260 lượt xem

Vinh Sơn Trần Văn Lực

Cũng như Thiên Chúa đã tuyển chọn Đa-vít, một người lùa chiên ngoài đồng, để lên làm vua lãnh đạo Dân Ít-ra-en, thì Chúa Giê-su cũng đã gọi thánh Phê-rô, một ngư phủ quê mùa, ít học, để trở thành Tông đồ và làm đá tảng để xây dựng Giáo hội. 

“Mọi chuyện xảy đến với con, con hãy chấp nhận,
và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn.
Vì Vàng phải được tô luyện trong lửa,
còn người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục.”
(Hc 3,3-5)

“Chính ta đã cất nhắc ngươi lên, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân ta là Ít-ra-en” (2Sm 7,7).

Cũng như Thiên Chúa đã tuyển chọn Đa-vít, một người lùa chiên ngoài đồng, để lên làm vua lãnh đạo Dân Ít-ra-en, thì Chúa Giê-su cũng đã gọi thánh Phê-rô, một ngư phủ quê mùa, ít học, để trở thành Tông đồ và làm đá tảng để xây dựng Giáo hội. Nhờ sự giới thiệu của người anh An-rê, ông Phê-rô gặp được vị Thầy Giê-su với lời mời gọi “hãy theo Tôi”. Đáp lại lời mời gọi đó một cách dứt khoát, tuy không bằng lời nói, nhưng bằng hành động, ông Phê-rô bỏ mọi sự mà theo Người (x. Mt 4,20).

Cuộc hành trình theo Chúa của thánh nhân trải qua những biến đổi và giai đoạn khác nhau. Khởi đầu đáp lại lời mời gọi, thánh Phê-rô hào hứng, vui mừng để bước theo Chúa, nhiệt thành tham gia vào công việc rao giảng của Thầy Giê-su. Nhưng cũng có lúc ngài sợ hãi, yếu đuối, thiếu lòng tin vào Chúa, và thậm chí là còn chối Thầy nữa. Nhưng trước những yếu đuối, vấp phạm của người môn đệ, Chúa Giê-su đã không bỏ rơi Phê-rô, nhưng dùng tình thương để đánh thức ông. Tiếng gà gáy trong sân Thượng tế như dấu chỉ nhắc nhở, ông Phê-rô nhận ra lỗi lầm, sám hối quay trở lại cùng Chúa.

Một lần kia ở gần bờ Biền Hồ, đám đông chen lấn để đến gần Đức Giê-su để nghe Người giảng. Đức Giê-su lên thuyền của ông Phê-rô và bảo ông chèo thuyền ra xa bờ, và từ con thuyền Người giảng dạy dân chúng. Giảng xong, Chúa bảo ông “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” (x. Lc 5,4). Con thuyền là hình ảnh tượng trưng cho Giáo hội do Chúa Giê-su thiết lập. Người trao cho Phê-rô sứ vụ cầm lái đưa thuyền ra khơi, để mang ơn cứu độ đến cho toàn thể thế giới. Vâng theo ý Chúa, thánh nhân đã chèo thuyền ra khơi để thả lưới, và hầu như không thể kéo lưới lên được vì đầy những cá. Đó như là một dấu chỉ Đức Giê-su để củng cố lòng tin của ông Phê-rô vào điều Người đã nói kêu gọi ông: “Tôi sẽ làm cho các anh nên những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4, 19).

Ông Phê-rô, trước đây được gọi là Simon được Đức Giê-su đặt cho một tên mới là Phê-rô – nghĩa là Tảng Đá. Người nói với ông: “Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Chúa Giê-su đảm bảo phần thưởng ở đời này cũng như ở đời sau dành cho thánh nhân, cũng như những ai dám bỏ mọi sự để bước đi theo Người: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi con người ngự tòa vinh hiển, anh cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp.” (Mt 19, 28-29)

Về phần mình, thì thánh Phê-rô tin tưởng vào Đức Giê-su và tuyên xưng Người là “Đấng Ki-tô, con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16) và chỉ có Người mới có lời đem lại sự sống đời đời (x. Ga 6,68). Thầy Giê-su chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc đời, ngoài Người ra, thánh nhân không biết đến với ai nữa: “Thưa thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai?” (Ga 6,68). Trong bữa tiệc ly, khi Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Đêm nay, tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy” (Mt 26,31). Nghe vậy ông Phê-rô đã lên tiếng rằng: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26, 33). Lời khẳng định mạnh mẽ của ông nói lên lòng can đảm và tín trung vào Chúa Giê-su, đến nỗi “dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,35).

Tuy nhiên, trong những bước chân mạnh mẽ, nhiệt huyết trên con đường theo Chúa ấy, cũng có những lần thánh nhân tỏ ra yếu lòng tin, sợ hãi khi không thấy Chúa bên cạnh, và thậm chí là chối Chúa vì sợ sự bách hại của người đời. Lần kia trong đêm, khi các môn đệ chèo thuyền qua Biển Hồ thì bị sóng đánh dữ dội. Trên bờ nhìn thấy sự chèo chống vất vả của các môn đệ, Đức Giê-su đã đi trên mặt biển để đến với các ông. Khi các môn để sợ hãi tưởng là ma, thì Đức Giê-su nói: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27). Thánh Phê-rô thưa rằng: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài” (Mt 14,28). Đức Giê-su nói: “Cứ đến.” (Mt 14,29). Thế nhưng, sự hoài nghi vẫn bao trùm trong tâm trí của thánh nhân, vì vậy khi có một cơn gió thổi mạnh, thì thánh nhân đâm sợ và dần bị chìm xuống nước (x. Mt 14,30).

Sự yếu lòng tin của ông Phê-rô còn được thể hiện rõ qua việc ngài đã chối Chúa đến ba lần – một hình ảnh rất tương phản với những gì ngài tuyên bố trong bữa Tiệc ly. Tiếng gà gáy đã vang lên, không phải là để báo hiệu ánh mặt trời đã tỏa sáng và đã xua tan đi màn đêm đen tối. Nhưng là để đánh thức con người trước bóng tối bao phủ của tội lỗi, tử thần. Tiếng gà gáy như là tiếng gọi thân thương của Thiên Chúa đối với những con người đang dần lìa xa và từ bỏ Chúa. Người đã dùng tình yêu, sự tha thứ để kêu gọi người tội lỗi trở lại trong ân sủng của Người. Và tiếng gọi đó, đã đánh thức chính con người yếu đuối, sợ hãi khước từ Chúa nơi ông Phê-rô. Tiếng gà gáy vang lên, cũng là lúc thánh nhân thức tỉnh, nhớ lại lời Đức Giê-su đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối thầy đến ba lần rồi” (Mt 26,75). Chính giây phút đó đã làm thức tỉnh lòng trí của Phê-rô, và giúp thánh nhân nhận ra tình yêu của Chúa dành cho mình. Thánh nhân đã khóc (x. Mt 26,75) , và òa lên với những tiếng lòng ăn năn thảm thiết. Sự hối hận đó hòa theo những giọt nước mắt để bày tỏ lòng khao khát được trở lại cùng Chúa, và cũng là giọt nước mắt của một tội nhân ý thức thân phận yếu đuối của mình trước mặt Chúa.

Thánh Phê-rô đã lắng nghe và bước theo tiếng mời gọi của Thiên Chúa. Dù con đường đi theo Đức Giê-su có nhiều chông gai, thử thách, nhọc nhằn, và thậm chí vấp ngã, thế nhưng thánh nhân đã biết chạy đến bên lòng thương xót của Chúa với tấm lòng thống hối trong những giọt lệ khóc thương cho những lỗi phạm của mình.

* * *

Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa cũng bày tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng con, như với thánh Phê-rô. Chúa đã mời gọi chúng con đi theo Ngài, thì cũng xin tăng thêm lòng nhiệt thành, để chúng con can đảm tiến bước trong mọi thử thách. Chắc hẳn rằng chúng con cũng có những yếu đuối, nhút nhát, yếu lòng tin, thì xin Chúa bày tỏ lòng thương xót, thứ tha và nâng chúng con dậy, như Ngài đã làm với thánh Phê-rô. Amen.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com