[D. J. Goergen, O.P., Chuyện Về Một Nhà Giảng Thuyết] Lời Giới Thiệu

02-06-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1666 lượt xem

Nguyên tác :
Donald J. Goergen, O.P.,
St. Dominic : The Story of a Preaching Friar
(New York : Paulist Press, 2016)

Chuyển ngữ :
Học viện Đa Minh, 2016

Di chúc của thánh Đa Minh :
“HÃY SỐNG BÁC ÁI, KHIÊM TỐN VÀ TUÂN GIỮ ĐỨC KHÓ NGHÈO TỰ NGUYỆN”

MỤC LỤC

Lời Giới Thiệu
Lời Tựa
Niên Biểu Tóm Tắt
Chương 1 – Tên Gọi Nói Lên Điều Gì ?
Chương 2 – Huấn Luyện Khởi Đầu
Chương 3 – Huấn Luyện Để Thi Hành Sứ Vụ
Chương 4 – Thiết Lập Một Gia Đình Mới
Chương 5 – Lời Cuối – Nhà Giảng Thuyết Ân Sủng
Nhận Định Về Cuốn Sách


 LỜI GIỚI THIỆU

Timothy Radcliffe, O.P.

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 800 năm ngày Dòng Giảng Thuyết được châu phê. Quả là một thời điểm tuyệt vời để chúng ta nói về đời sống của Đấng sáng lập – cha thánh Đa Minh. Nhưng tại sao không có nhiều bản tiểu sử của thánh Đa Minh ? Thánh Phanxicô, người cùng thời với cha thánh, là chủ đề của rất nhiều bản tiểu sử. Tại sao cha Đa Minh lại không được chú ý nhiều ?

Thánh Phanxicô mong ước noi theo đời sống của Chúa Kitô, và vì thế thật hợp lý khi chúng ta nhìn kỹ vào ngài và cách ngài nên giống Chúa. Ngài mang dấu thánh của Chúa Kitô trên mình. Thánh Đa Minh là một nhà giảng thuyết, vì thế ngài mời gọi chúng ta chú ý đến Tin mừng hơn là chính ngài. Nhà giảng thuyết phải giống như thánh Gioan Tẩy Giả, người đã nói : “Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại” (Ga 3,30). Nhà giảng thuyết phải theo cách này. Vì thế, hoàn toàn hợp lý khi Đấng sáng lập Dòng Giảng Thuyết không phải là chủ đề để người ta chú ý. Chúng ta tôn vinh ngài bằng cách học hỏi Lời Chúa. Thánh Đa Minh luôn mang bên mình Tin mừng Mátthêu và các thư thánh Phaolô, chắc phải là rất nặng bởi vì lúc đó chưa phát minh ra ngành in. Ngài mời gọi chúng ta cũng phải chú ý đến các sách ấy.

Vậy thì tại sao cần phải viết một bản tiểu sử cha Đa Minh ? Ngài không thu hút sự chú ý về mình không có nghĩa ngài là một nhân vật hư cấu, mờ nhạt, hoặc một sứ giả không có gì đặc sắc. Một nhà giảng thuyết chỉ có thể đem đến cho chúng ta sự sống sung mãn, nếu như người ấy sống động, nhân ái, đầy tình cảm, tâm linh. Người nào hoàn toàn không có gì đặc sắc thì khó có thể chỉ ra Chúa của sự sống. Thánh Đa Minh rõ ràng là một con người thu hút, là người mà anh em rất yêu thích. Chân phước Giođanô, bề trên Tổng quyền kế vị cha Đa Minh, viết rằng : vì cha yêu mến mọi người nên đã được mọi người mến yêu. Cha thích trò chuyện với các chị em, và trên giường bệnh, cha thú nhận rằng cha thích nói chuyện với các thiếu nữ hơn là với các chị lớn tuổi. Chắc chắn, cha cười khi nói điều này !

Các anh em tiên khởi rõ ràng là những người sôi nổi và nhân văn. Cha Giođanô viết về tình bạn của ngài với cha Henry, bề trên tu viện Cologne như thế này : “Người bạn rất thân mến của tôi trong Chúa Kitô, tôi yêu quý anh ấy hơn bất kỳ ai trên thế gian này. Anh ấy thực sự là một chiếc bình vinh dự và ân sủng. Nếu không lầm, tôi chưa từng gặp thụ tạo nào tuyệt vời hơn trên cõi đời này.” Cha Giođanô cũng đã viết một số lá thư cho chân phước Diana Andalò, được coi là hay nhất và xúc động nhất của thời Trung cổ. Chẳng có gì phải sợ “tình bạn riêng tư”.

Cha Đa Minh là một người khổ hạnh thích dùng rượu. Chẳng phải là ngẫu nhiên mà sứ vụ của cha bắt đầu từ một quán rượu ! Dụ ngôn Tin mừng chủ đạo trong các thế kỷ đầu của Dòng là “rượu mới”. Cha chỉ ra Chúa, một đàng bằng cách trở thành con người mà Thiên Chúa gọi cha trở thành, một đàng nên lời duy nhất mà Thiên Chúa nói trong và qua cha. Đó là những nhà giảng thuyết, những người không cảm thấy dễ dàng trong cơ thể, và không thoải mái nơi nhân tính mình, những người thu hút chúng ta chú ý tới họ mà sao nhãng Tin mừng.

Một lý do khác giải thích tại sao không có nhiều bản tiểu sử của thánh Đa Minh là bởi vì, cha không bao giờ muốn được xem như là một Đấng sáng lập vĩ đại, nhưng chỉ như một người anh em. Nhiều thông tin về cuộc sống của cha đến với chúng ta từ một cuốn sách thời đầu của Dòng được gọi cách thích hợp là Vitae Fratrum – Đời sống anh em. Việc giảng thuyết Tin mừng được bén rễ trong đời sống anh em. Anh em Đa Minh được đào luyện để nói Lời Thiên Chúa bằng nguyên tắc sống cùng, yêu thương và tha thứ cho nhau. Làm sao người ta có thể nói về Thiên Chúa là Đấng yêu thương nếu như họ không thể yêu mến người ở phòng bên cạnh ?

Nhà giảng thuyết luôn bị cám dỗ trở thành sao. Một trong các anh em tiên khởi, người rất thành công trong việc giảng thuyết, đã giận điên lên, vì khi anh đi cắt tóc, chẳng thấy anh em đổ xô vào thu lượm những mẩu tóc rơi ! Cha Đa Minh muốn anh em được sai đi giảng thuyết từng hai người một, vượt qua bản thân để hướng tới Chúa.

Thật thích hợp khi việc thiết lập Dòng Giảng Thuyết không phải là dự án của một người duy nhất, rồi áp đặt lên những người đi theo. Trước tiên, cha Đa Minh khám phá ra sứ vụ khi cha đồng hành với Đức cha Diego, giám mục của cha. Không ai rõ cha Đa Minh hay Đức cha Diego là người đầu tiên có ý tưởng về một nhóm người giảng thuyết. Có thể ý tưởng này nảy sinh từ những cuộc trao đổi của các ngài trên đường đi. Từ bản tiểu sử này, tôi nhận thấy rằng việc chọn lựa tu luật thánh Âutinh có lẽ do anh em, hơn là chỉ do cha Đa Minh. Cũng thật thuyết phục khi cho rằng chính Đức Giáo hoàng Innocente III là người có ý tưởng về một Dòng Giảng Thuyết, với sứ vụ phổ quát, hơn là một cộng đoàn địa phương nhỏ bé tại miền Nam nước Pháp. Thế nên, Dòng được sinh ra từ nhiều cuộc đối thoại, trao đổi. Cha Đa Minh là tiêu điểm trong những cuộc đối thoại cùng với Đức Giáo hoàng, với Đức cha Diego – giám mục của cha, với các nữ đan sĩ ở Prouilhe, và với các anh em tiên khởi. Cha chăm chú lắng nghe ý kiến của người khác. Thiên tài của cha phải là “bà đỡ” của một lối sống mới trong đời tu, bởi đã mở ra với ý tưởng và trực giác của người khác.

Trước hết, nhà giảng thuyết là người biết lắng nghe : lắng nghe Thiên Chúa, Kinh thánh, Giáo hội, anh chị em, và bất kể ai muốn nói. Chúng ta chẳng có gì để nói cho tới khi đã lắng nghe. Nếu không lắng nghe, chúng ta sẽ áp đặt chương trình của mình lên người khác, hơn là đem đến cho họ sự khôn ngoan của Chúa.

Nguyên tắc quan tâm đến nhau này được thể hiện trong cách thức quản trị của cha Đa Minh. Theo đó, chúng ta quy tụ tại công hội để quyết định về đời sống chung và sứ vụ của chúng ta. Tinh thần của cha Đa Minh được hiện thân trong thể chế dân chủ này. Đây là điều làm cho nhiều người ngạc nhiên. Tất nhiên, cha Đa Minh sống trong thời đại khi mà nền dân chủ, trong nhiều hình thức, vẫn là điều viển vông. Năm 1215 là năm công bố Đại Hiến Chương (Magna Carta) tại Anh quốc. Tuy nhiên, tinh thần dân chủ Đa Minh là điều gì đó hơn là một cách quản trị hiệu quả. Nó vừa duy trì lại vừa dựa trên đời sống huynh đệ, vốn củng cố việc giảng thuyết của chúng ta. Mỗi anh chị em được trao một điều gì đó để nói nhờ Chúa.

Điểm cuối cùng : cha Don Goergen nhấn mạnh rằng, cha Đa Minh là một nhà giảng thuyết lữ hành chiêm niệm. Cha luôn ở trên đường, ngang dọc châu Âu, giảng thuyết Tin mừng, thăm viếng anh chị em. Nhưng, trung tâm đời sống của cha là thinh lặng chiêm niệm, mở lòng ra với Thiên Chúa và những người cha gặp trên đường. Cha cho thấy đời sống chiêm niệm không đòi chúng ta phải rút lui khỏi thế giới, ẩn trong đan viện kín cổng cao tường ; nhưng là giữa sự ồn ào náo nhiệt của châu Âu thế kỷ XIII, cùng với các thành phố và đại học mới lập, đời sống thương mại và tri thức mới nổi, sự tái khám phá ra việc học tiếng Hylạp cổ, và đối thoại với Hồi giáo.

Tám trăm năm sau, đây là một thách thức cho chúng ta. Thậm chí, chúng ta còn bận rộn hơn nữa, tất bật trong giao tiếp qua điện thoại, máy tính, vội vã chạy từ nơi này đến nơi khác bằng xe hơi hay máy bay. Cha Đa Minh mời gọi chúng ta khám phá ra cách thức nào đó để chúng ta vẫn là những nhà giảng thuyết, nhưng lại có thể chiêm niệm trong ngôi làng toàn cầu cuồng nhiệt này. Nếu không như thế, chúng ta sẽ chẳng thể trao tặng gì để nuôi dưỡng những người đương thời đang quá đói khát Lời ban sự sống.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com