[Đến Mà Xem 69] Có Một Con Đường…

07-09-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2187 lượt xem

Anrê Nguyễn Hoàng Bảo
…và trên con đường đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, tôi đã chọn cho mình con đường Giêsu, một con đường hạnh phúc thật của cuộc đời. 

Cuộc sống là một hành trình dài mà bất cứ ai sinh ra trên đời này đều phải trải qua. Hành trình ấy đi qua những con đường. Có những con đường ghồ ghề hay thẳng tắp, có những con đường mang đến hạnh phúc hay khổ sầu, có những con đường vinh quang hay tủi hổ… Con đường ấy bắt đầu từ đâu và kết thúc ở nơi đâu thì chưa ai có thể cảm nghiệm hết được. Con đường ấy ta chưa từng qua một lần, xa lạ và đáng sợ vì chẳng thể nào biết được ở phía trước là trải hoa hồng hay đầy chông gai? Và con đường ấy, ta chỉ qua một lần, chỉ tiến bước mà không bao giờ lùi lại được. Thế nhưng ta biết rằng, vẫn luôn có một con đường mà ta quyết định phải đi.

Tôi cũng đã chọn một lối đi của riêng mình mà tôi gọi nó một cách gần gũi đó là đi tu. Chập chững bước trên con đường ấy có nhiều thứ mà tôi chưa từng đi qua và cảm nhận nhưng giờ đây tôi đang từng bước tiến lại gần hơn với những thử thách đó. Trong những giây phút khoảng lặng của đời mình, tôi tạm dừng chân để suy nghĩ về cuộc đời mình với những gì đã qua, những gì mình đã chọn lựa.

Vần xoay cuộc sống

Mỗi người sinh ra đều có riêng cho mình một cuộc hành trình. Hành trình ấy được gói gọn trong một triết lý đơn giản mà nhà Phật hay dùng đó là: có “sinh”, có “bệnh”, có “lão” và có “tử”. Như tất cả, ta đón nhận hành trình ấy bằng tiếng khóc lúc chào đời. Tiếng khóc cơ bản chỉ là “tiếng kêu” sinh học, nhưng nó lại giống như một mầu nhiệm giúp ta có kinh nghiệm hơn về con đường phía trước. Và rồi ta trưởng thành hơn, ta bắt đầu nhận thức thế giới xung quanh và va chạm biết bao điều. Thế nhưng cái thời gian ấy thật ngắn ngủi để ta chiêm niệm về cuộc sống này. Chốc ấy thì mắt đã mờ, tóc đã bạc, răng đã rụng và da cũng đã nhăn hơn. Và rồi, cũng chẳng vui vẻ gì khi ta kết thúc cuộc hành trình dương thế ấy bằng một cái chết đau thương trên giường bệnh. Đó là cái guồng xoay nặng nề và quen thuộc mà ai cũng phải trải qua.

Thế nhưng có phải, là người, ta không thể đi khác con đường mà nhân loại đã đi? Sinh ra, lớn lên, đi học, đi làm, kiếm tiền, có vợ, có con, nuôi con, li dị (nếu có), rồi chờ chết…. Đời người phải chăng quá buồn khi các mối tương quan của ta chỉ dừng lại ở đó và không có định hướng? Ta chỉ cần âm thầm bước theo con đường mà nhân loại đã đi mà không chút suy nghĩ. Khi đó, ta không phải là tác giả của cuộc hành trình này. Con đường ấy có rất nhiều ngã rẻ. Kết thúc con đường này lại là khởi điểm của con đường khác, và cứ như thế, con người ta đi mãi không hết.

“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.”

Những ca từ trong bài hát “Một cõi đi về” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn luôn mang một ý nghĩ sâu sắc về thế giới nhân sinh quan, về cái sự tồn vong của đời người. Đồng hồ quay mãi rồi cũng có lúc dừng vì hết pin. Cũng vậy, con người ta đi mãi rồi cũng có lúc dừng lại vì mỏi mệt. Ta dừng chân bên vắng lặng và suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống, về cái hữu hạn của con người. Bao lần ta đã đặt ra câu hỏi: “Ta là ai? Tại sao ta được sinh ra? Ta sinh ra để làm gì? Chết có phải là hết? Sau khi chết ta về đâu?” Và trong cái thinh lặng của cuộc sống ấy, người ta bắt đầu đặt ra cái nhiệm vụ lớn lao đó là đi tìm ý nghĩa của cuộc sống…

Tìm kiếm…

Tôi thường hỏi nhiều người, có đạo cũng như không có đạo rằng: họ tìm gì trong cuộc sống này? Câu hỏi dường như ngắn gọn và đơn giản nhưng lại được rất nhiều câu trả lời khác nhau. Có những câu trả lời được nhận ngay lập tức và cũng có những câu trả lời được nhận sau những suy nghĩ dài lâu. Nó có thể là có nhiều tiền bạc, có công việc ổn định, có người yêu, được hạnh phúc, được bình yên, được vui vẻ,… Thế nhưng, dù là câu trả lời nào đi nữa thì nó cũng nằm trong hai giá trị đó là vật chất và tinh thần. Vật chất có thể nói đến là những giá trị có thể thỏa mãn thể xác của con người như tiền tài, sự nghiệp, của cải, cơm gạo,… Còn tinh thần ở đây là những giá trị có thể thỏa mãn một góc khuất nào đó trong tâm hồn con người như niềm hạnh phúc, sự yêu thương, sự an bình,… Và con người ta đang tìm kiếm những thứ đó.

Vật chất và tinh thần luôn có sự gắn bó và tương quan với nhau. Tuy nhiên, nếu giá trị của cuộc sống chỉ hệ tại ở giá trị vật chất mà quên đi những giá trị tinh thần thì thật là sai lầm. Một trường hợp cụ thể cho ta suy gẫm: Khi gia đình túng thiếu, người mẹ nhịn đói cho con mình ăn. Bởi lẽ, tình yêu thương của người mẹ lớn hơn bất cứ thứ cơm bánh nào. Cũng thế, giá trị vật chất không hơn được giá trị tinh thần. Vật chất cũng là thứ hữu hạn và dễ thay đổi. Nếu nó trở thành cùng đích của sự tìm kiếm của con người thì thật chẳng có ích chi. Tự bản chất, giá trị vật chất không thể nào thỏa mãn toàn bộ giá trị của cuộc sống này, nó chỉ là một công cụ để ta đạt đến một giá trị tinh thần. Tuy nhiên, nếu nói giá trị cuộc sống này hệ tại ở giá trị tinh thần thì tôi cho rằng điều đó là chưa thực sự vẹn hảo. Nó chỉ dừng lại ở việc là con người ta tự thân mình để cố gắng chinh phục cái chân, thiện, mỹ. Nó cũng giống như khi ta tìm thấy chai nước mát ở giữa một con đường nóng ran và đầy oi bức, và ta chỉ biết dừng lại ở đó để thưởng thức chai nước mà chưa đi đến được cuối con đường, nơi cho ta cả một dòng suối mát. Vậy đâu là ý nghĩa của cuộc sống?

Ý nghĩa của cuộc sống này, đó là những thứ cao quý hơn giá trị tinh thần và giá trị vật chất, là một điều gì đó hướng thượng hơn. Phải chăng đó là một Đấng tối cao, một sự vĩnh hằng hay một cõi vô thường nào đó hay một hạnh phúc quê trời mai sau? Đó không phải là mơ mộng hay điều gì đó hư ảo, nhưng tự trong tiềm thức cho ta có thể biết rõ về sự hiện diện đó. Bởi chúng ta có một công cụ lọc lựa và chỉ lối đó chính là niềm tin. Chúng ta không biết phía trước con đường là những gì nhưng chúng ta không đi trong vô vọng, nhưng là đi dưới ánh sáng của niềm tin. Đó là điều cần thiết trên con đường tìm kiếm của con người. Và con đường đi tìm kiếm lẽ sống ấy có lẽ được diễn tả cách sâu sắc nhất qua một hình thức tôn giáo nào đó: một con đường tìm về cội nguồn của chân, thiện, mỹ.

Tôi là một người Kitô hữu. Tôi không kể về con đường mà mình đã trở thành Kitô hữu thế nào, bởi mỗi người có một cách chọn con đường khác nhau.Tôi muốn nói một chút ít cảm nghiệm về con đường mà mình đã chọn Chúa và theo Chúa như thế nào. Tôi bước trên con đường mà tôi đã không nghĩ mình sẽ bước. Với tôi, đó chính là một ngã rẽ của cuộc đời, ngã rẽ mà làm cho tôi đi lệch với chính con đường mà nhân loại đã đi. Và, trên con đường đi tìm ý nghĩa của cuộc sống ấy, tôi đã chọn cho mình “cõi phúc” của đời tu.

“Tu là cõi phúc” !?

Mỗi tôn giáo đều có riêng cho mình một cách hiểu và một đường hướng cho đời tu của họ. Đa số đều quy hướng đời tu về chính con người. Tu là “sửa” nên người ta chọn cho mình nhiều phương thế khác nhau như ăn chay, đọc kinh, thiền, khổ chế,… nhằm giải thoát chính con người mình. Thế nhưng, thật không dễ khi chọn cho mình con đường “đi tu” ấy. Nhất là một lối sống khép kín và trọng hiếu như những quốc gia phương Đông thì điều đó lại càng không dễ.

Xót xa trước cuộc sống trăm bề đau khổ, trong tác phẩm Truyện Kiều, mượn lời nhân vật Kiều, Nguyễn Du đã phải thốt lên rằng: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Nếu đặt mình vào hoàn cảnh của Kiều, cùng đồng cảm với số kiếp long đong của nàng thì tu quả là cõi phúc và tình chắc chắn là dây oan, là nghiệt ngã. Thế nhưng, nếu đứng trên bình diện khách quan với hoàn cảnh sống hôm nay thì không hẳn vậy. Nếu tu là cõi phúc sao càng ngày càng ít ỏi thay những con người dám bước vào cõi phúc ấy và đây đó vẫn biết bao lời than thở: “tu làm gì cho khổ”, “tu là chôn vùi cuộc đời”, “tu là bất hiếu”… Và nếu tình là dây oan, là đau khổ, bất hạnh sao người ta chẳng lo tránh né, ngược lại, cứ muốn vấn vít với sợi dây tình ái và sẵn sàng tròng cái dây oan đó vào mình. Đời tu là “cõi phúc”, “dây oan” hay khoác lên mình một ý nghĩa nào đó thì cũng đều được quyết định bởi chính do sự tự do, sự trưởng thành trong suy nghĩ và trong cách mà ta phản ứng với hoàn cảnh.

Cùng một công việc nhưng mọi người có thể có cách làm khác nhau, cùng một hoàn cảnh nhưng mỗi người có thể có thái độ khác nhau, cùng đi trên một con đường nhưng đích đến của mỗi người có thể khác nhau. Sự khác nhau ấy bắt nguồn từ chính sự tự do lựa chọn của mỗi người. Với những người không sẵn sàng để trưởng thành thì đây quả là một viễn cảnh đáng sợ, bởi sự tự do này đòi hỏi rất nhiều ở người thực hiện nó, một trong số đó là trách nhiệm. Bởi thế, tôi không cho rằng người đi tu là người bất hiếu theo nghĩa là từ bỏ hay trốn tránh trách nhiệm đối với gia đình. Nhưng với cái nhìn khách quan, điều đó thể hiện một sự lựa chọn khôn ngoan trong các mối tương quan với gia đình và cuộc sống. Bởi lẽ, không ai gọi một người từ bỏ gia đình để đi tìm cái đẹp là bất hiếu ; không ai gọi một người từ bỏ gia đình để dấn thân vì đất nước là bất hiếu; không ai gọi một người từ bỏ gia đình để theo cái lý tưởng sống cao đẹp là bất hiếu bao giờ cả. Mọi thứ không dừng lại ở đó nhưng còn phụ thuộc vào cái gì đó cao cả hơn là trách nhiệm.

Sự vẹn hảo nhất của đời sống con người được đo lường bằng tình yêu chứ không bằng những gì bạn có. Người ta cũng vì yêu thương nhau mới cưới nhau, vì yêu thương nhau mới chia cơm sẻ bánh cho nhau. Tình yêu đó xuất phát từ chính thẳm sâu trong con người ta chứ không ai có thể cho ta được. Không ai cưới người mình không yêu, cũng không ai đem cái mình có mà ban phát cho người mình không thương, … Thế nhưng, với người Kitô hữu, đời tu không chỉ dừng lại ở cái thực tại của con người, hay một sự thể hiện tình cảm, nhưng tình yêu ấy còn thể hiện ở trách nhiệm, sự lựa chọn và cả thái độ khiêm nhường. Đời tu là một hành trình ngược dòng nhân loại để tìm về cội nguồn của tình yêu – nơi mà sự ban phát tình yêu không hề bị hao mòn. Nói cách đơn giản, đời tu là dấu chỉ, là hành trình bảo vệ sự vĩnh hằng. Tu có nghĩa rộng hơn trong một mối tương quan với Đấng Tối Cao, một sự dâng hiến cách trọn vẹn cho Đấng Tối Cao. Mọi thứ đều quy hướng về Chúa trong một mối tương quan khắn khít: với Chúa, cho Chúa và vì Chúa. Và, quả không sai khi nói đời tu là một tiếng gọi. Bởi lẽ, tự thẳm sâu, nó đã trở thành một phương thế để đáp trả ước muốn đi tìm lẽ sống. Và câu hỏi luôn đặt ra trong tôi đó là: Làm sao để bước đi trên con đường đó bây giờ?

Con đường Giêsu

Dưới nhãn quan Kitô giáo, con đường theo Chúa cũng chính là bước theo con đường mà Chúa Giêsu đã đi. Con đường ấy được gọi cách đơn giản là con đường hẹp. Con đường hẹp không phải vì tự bản chất nó là hẹp không thể đi nhưng là vì đó là con đường mà Chúa Giêsu đã lên Giêrusalem để chịu khổ hình – con đường của sự chấp nhận và từ bỏ. Chúa Giêsu đã dạy những ai bước theo con đường đó rằng: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).

Chúa Giêsu bảo ta, ai muốn theo Ngài thì phải biết vác thập giá, chấp nhận đau khổ mà theo Ngài. Thuở đời nào, theo Chúa lại không được sung sướng mà phải chịu thêm đau khổ? Nhưng không, như Chúa đã chịu đau khổ, cái chết để rồi vinh quang Phục sinh, thì Ngài luôn muốn chúng ta vượt qua thử thách, đau khổ để hoàn thiện chính mình hơn. Và để làm được điều đó và để thập giá trở nên nhẹ nhàng, chúng ta phải biết từ bỏ chính mình. Sở dĩ nhiều người trong chúng ta vẫn còn sống trong đau khổ, mệt mỏi, chán nản và thất vọng là bởi vì chúng ta “buông không dứt”, nghĩa là chưa “từ bỏ” được. Sao anh đứng núi này mà trông núi nọ? Sao anh có vợ rồi, lại nghĩ đến người phụ nữ khác? Sao anh có ý định đi tu, lại vương vấn chuyện lập gia đình? Nhiều câu hỏi thật khó trả lời, có thể nó rất quan trọng với ta, nhưng chúng ta cần phải có thái độ dứt khoát với nó. Cũng ví như một người bị đau ruột thừa, ruột thừa có thể là từ một phần thân thể của anh, nhưng nếu anh không dứt khoát mà bỏ nó thì anh sẽ phải đau đớn dài dài.

Nhưng có một điều, “từ bỏ” ở đây không có nghĩa là bắt mình phải thay đổi mọi thứ, không ai bắt mình phải từ bỏ cái tôi của mình, để rồi trở thành một con người hoàn toàn khác, để rồi có khi lại phải đối mặt nhau trong sự giả dối. Đừng để mình phải sống trong một vòng lẩn quẩn của đau khổ đó là dối mình, dối người, và sau đó lại bị người dối lại. Nhưng, “từ bỏ” ở đây đơn giản là biết dứt khoát với mọi thứ và nhận thức được mình chính là loài thọ tạo trước mặt Thiên Chúa, phải biết đặt mình trước Ngài và lấy Ngài là trung tâm của mọi việc, cũng có khi ta phải “mất mạng sống mình vì Thầy”…

Không dừng lại ở đó, con đường hẹp đó là con đường về quê trời vĩnh phúc, thế nhưng, điều bắt buộc là phải về quê trời với tha nhân. Con đường hẹp bây giờ là con đường vừa song song lại vừa bắc cầu với nhân loại tạo nên một mối tương quan hữu thể giữa mọi người với nhau. Vì vậy, tinh thần hy sinh và phục vụ cũng là một điều cần thiết hơn hết. Đó là những hành trang cơ bản ta cần có để chuẩn bị cho cuộc hành trình tương lai.

Đời tu, cũng giống như bao con đường khác, có rất nhiều khó khăn và bó buộc để đời tu trở nên là một con đường hoàn hảo. Thế nhưng, không cần phải có quá nhiều kết luận: tu là phải thế này, thế nọ hay thế kia. Và hơn thế nữa, nếu chỉ nhìn đời tu bằng con mắt thực tại thì con người ta dễ bị sa phải thói đời. Đời tu phải là một sự chìm sâu và tỉnh thức trong cầu nguyện để có thể gặp gỡ và sống thân tình với Đấng mà ta đang dấn thân bước theo…

Lên đường…

Có một con đường trên lối bước tôi đi. Và thật khó có thể có một từ nào diễn tả hết được ý nghĩa của con đường ấy. Bởi mỗi người có một suy nghĩ, một cảm nhận, một thái độ, một nhân sinh quan và một sự tự do riêng để quyết định cho ý nghĩa của nó. Và trên con đường đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, tôi đã chọn cho mình con đường Giêsu, một con đường hạnh phúc thật của cuộc đời. Một chặng đường mới, một bước ngoặt mới sẽ không khỏi khiến ta phải ngỡ ngàng. Nhưng ta biết rằng, trên con đường đó vẫn còn đâu đó quanh đây dấu chân của người lữ khách đang dõi bước cùng ta.

Cuối cùng, tôi không chủ ý nói nhiều đến đời tu hay một sự cảm nghiệm về đời tu, và những điều tôi nói trên đây cũng chỉ là một kinh nghiệm khởi đầu, một nền tảng cho sự chọn lựa ấy. Nhưng, trước hết hãy nói về cuộc đời, vì phần nào ý nghĩa đời tu cũng được tạo nên từ những suy tư về cuộc đời. Xin kết thúc bằng những dòng tâm sự mà tôi đã trải lòng:




Dã tràng xe cát biển đông
Còn ta lẩn quẩn bên hông cuộc đời.
Lao công xây một góc trời
Bây giờ ngơ ngác giữa đời cô liêu.

Mơ hồng trên đỉnh phù vân
Tiền tài bạc khắp cho dâng đầy tràn.
Nhưng rồi sa phải thói đời
Lộc lừa, gian dối biết đời đục trong.

Mơ hồng trên đỉnh phù vân
Đề cao danh vọng, cao thân uy quyền.
Phồn hoa trót bước chân vào
Xa đàng nhân đức, chốn nào yên thân.

Mơ hồng trên đỉnh phù vân
Đào hoa một kiếp, phong vân tình trường.
Thú vui say đắm xác trần
Bùn nhơ quá nửa linh hồn ai hay.

Mơ chi những giấc mơ hồng
Đỉnh phù vân ấy có vui bao giờ.
Ngước lên trông tới mây trời
Ở nơi xa đó, mơ hồng thiên thu.

Cuộc đời thử gẫm mà suy,
Bao nhiêu công sức hư không trở về.
Xin cho tôi khúc kinh cầu
Để tôi không phải sống mình riêng tôi…

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com