[Đến Mà Xem 69] Bình An Bước Theo Thầy

20-11-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1730 lượt xem

Đa Minh Nguyễn Công Thuấn – Chỉ có phó thác và tựa nương nơi Đức Kitô, con người mới có được bình an đích thực.

Bình an là gì? Làm thế nào để có được sự bình an? Theo định nghĩa trong từ điển Tiếng việt của Hoàng Phê biên soạn, “bình an” có nghĩa là: “yên lành, không gặp điều gì tai hại, rủ ro”. Nếu như vậy thì bình an chỉ có khi chúng ta tránh lánh mọi sự đau khổ, gian nan, thử thách, bất công ở cuộc đời này sao? Liệu một giải thích như vậy đã đáp ứng đầy đủ ý nghĩa chưa? Liệu đã có ai có được sự bình an theo nghĩa không gặp phải sự rủi ro nào trong cuộc sống? Nhiều người từ xưa đến nay vẫn luôn cho rằng muốn có bình an họ phải có thật nhiều của cải, tiền bạc và danh vọng. Đời chẳng có câu “có tiền mua tiên cũng được” đó sao? Nhưng trên thực tế, hỏi có ai sở hữu những thứ nói trên mà được bình an thật sự, khi ngày ngày họ phải để tâm tính toán sao cho “chiếc ghế” của mình không bị lung lay, lo nghĩ bảo vệ két sắt cho được an toàn bằng ổ khoá chắc chắn và tường rào xây cao? Ở đây người viết không muốn tiếp tục bàn sâu vê đề tài muôn thuở này, chỉ xin với khả năng và tầm hiểu biết hạn hẹp của mình để nói nên đôi chút suy tư và cảm nhận.

Làm thế nào để có được sự bình an khi bước theo chân Đức Kitô?

Mối liên hệ thâm sâu giữa Thiên Chúa và con người như một mối duyên tình không thể phai nhạt. Mối duyên tình đó như tình bằng hữu của hai người bạn thân, được xem là một yếu tố quan trọng của đời sống con người. Thiên Chúa từ ngàn xưa đã kêu gọi con người trở nên “bạn hữu” với Người” từ thời nguyên tổ Ađam, tới tổ phụ Ápraham, qua ông Nôê và Môsê, v.v., trong thời Cựu ước, đến các Tông đồ trong thời Tân ước, tiếp đến là những người kế vị các Ngài và toàn thể Giáo hội trong thời đại hôm nay. Để từ đó con người được chung hưởng niềm vui và bình an ngay cả khi con người bị thương tổn bởi tội lỗi, nhưng chính Thiên Chúa đã biến tội lỗi đó thành “tội hồng phúc”. Bởi vậy, từ khi trỗi dậy từ cõi chết cho đến ngày thăng thiên, Đức Giêsu luôn tha thiết khuyên nhủ các Tông Đồ rằng: “Anh em đừng sợ”. Mỗi khi hiện ra với các ông điều đầu tiên Người nói là: “Bình an cho anh em”. Người phục sinh trong vinh quang với quyền năng tuyệt đối của một ngôi vị Thiên Chúa vô biên. Điều đầu tiên Người ban cho các ông chính là sự bình an. Có lẽ ai đó sẽ tự hỏi tại sao không phải những thứ như của cải, tài năng, quyền lực hay một điều gì đó cao siêu hơn thế nữa. Vì sao vậy? Bởi vì “Thiên Chúa, Người luôn biết anh em cần gì”. Ngài hiểu rằng ngay vào thời điểm đó nỗi thất vọng và sự sợ hãi đang tràn ngập trong lòng các ông vì “các ông sợ người Do Thái”. Sự sợ hãi đã làm tâm hồn các ông ra mù tối; bằng chứng qua việc Người hiện ra với các ông thì các ông không tin và nghĩ Người là ma; Người chuyện trò với các ông các ông cũng không nhận ra Người. Vì vậy, lòng can đảm và sự bình an của Chúa sẽ kéo tất cả các ông ra khỏi hố sâu của sự nghi ngờ và thất vọng. Chỉ khi ra khỏi tăm tối của sợ hãi và thất vọng, các ông mới có đủ sức nhận lãnh và thi hành sứ mệnh loan báo nước Thiên Chúa cho muôn dân. Nhìn lại thân phận với những yếu tố làm nên căn tính của mình, con người của thời đại hôm nay đang trong tình trạng nào? Chúng ta có đang sống trong sợ hãi, nghi ngờ, lo lắng khi bước đi theo chân Ngài không? Nếu có thì đây là những lời của Đức Giêsu dành cho chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11, 28-30). Chỉ có phó thác và tựa nương nơi Đức Kitô con người mới có được bình an đích thực.

Kế đến, một yếu tố cũng quan trọng để chúng ta có được nguồn bình an để bước theo chân Thầy chí thánh là lòng can đảm. “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian ban. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14, 27). Thật vậy, bình an bắt nguồn từ Thiên Chúa không giống sự bình an dễ dãi, chóng qua của thế gian. Chính Đức Kitô đã nói:”Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8, 34). Như vậy, Thiên Chúa muốn chúng ta hãy can đảm đối diện với sự thật, khó khăn, thử thách hay đau khổ chứ không phải lẩn tránh, sợ hãi. Chính vì thế, sự can đảm mà chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta vượt thắng mọi khó khăn, đau khổ, áp bức, bất công của thế gian này. Sự can đảm phải được thể hiện qua hành động. Nó sẽ giúp ta dám chấp nhận chân lý và sự thật; dám nhìn thẳng vào những nơi thâm sâu nhất của bản thân; dám chấp nhận thân phân tội lỗi, yếu đuối mỏng giòn. Để từ đó chính ánh sáng của chân lý và sự thậ sẽt chiếu soi trên cuộc đời chúng ta. Khi mà tưởng chừng như ta chỉ còn là hư vô là cát bụi thì chính khi đó Thiên Chúa, Người làm công việc của mình. Hãy trông cậy vào lòng Chúa xót thương và cản đảm vững bước.

Sau cùng, chính thái độ sống lạc quan, chia sẻ và cảm thông sẽ giúp hành trình bước theo chân Đức Kitô trở nên ý nghĩa và tròn đầy. “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1). Đời sống cộng đoàn trong đời tu tạo nên một ý nghĩa lớn lao khi chúng ta được Thiên Chúa quy tụ để trở thành anh em của nhau: sống với nhau, sống cùng nhau và sống cho nhau. Hằng ngày mỗi anh em đều cùng nhau chia sẻ chính Đức Kitô nguồn mạch bình an nơi bí tích Thánh thể. Từ chính mạch suối bình an đó chúng ta được mời gọi sẻ chia cho chính những người anh em mình. Đây chính là cái cho đi mà không mất nhưng phát sinh và kết thành hoa trái trong Thánh Thần. Chúng ta đừng để bình an của Đức Kitô bị giới hạn nơi nhà nguyện hay trong mỗi cá nhân nhưng cần được thể hiện qua đời sống chung. Những câu chuyện hài hước, những chia sẻ thành tâm, đôi mắt biết cười, lời động viên chân thành… Như Thánh Tôma Aquinô đã từng nói: “ta không thể trao cái ta không có”. Thí dụ ta không thể đến bên một người anh em nào đó đang buồn và nói với người ấy rằng anh đừng buồn trong khi ta đang mang trong mình bao nỗi phiền muộn mà khuôn mặt, ánh mắt của ta đang nói lên tất cả. Cho nên sự bình an của Đức Kitô sẽ chỉ thật sự ngự trị trong chúng ta khi chúng ta thật sự đón nhận nó và trân thành trao đi.

Tóm lại, Thiên Chúa là nguồn bình an vô tận của chúng ta nếu chúng ta biết tìm đến với Ngài, liên kết với Ngài trong tương giao tốt đẹp của người con thảo đối với Cha lành. Trong mối tương quan đó, tình yêu sẽ thôi thúc lòng can đảm để tuân giữ mọi điều giáo huấn và truyền dạy từ nơi Thiên Chúa, vì “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13, 10). Sau cùng, xin được trích lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thư gửi những người tận hiến: “Đâu có các tu sĩ thì có niềm vui”. Ước mong rằng nguồn bình an và hoan hỷ của Thiên Chúa được lan truyền đi khắp thế giới bằng dấu chân chứng tá của người tu sĩ.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com