Văn Mai – Đức Minh
Vậy là đã một tháng kể từ khi chúng tôi đặt chân lên miền đất Kon Tum này. Một tháng tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại cho chúng tôi những kỉ niệm khó phai, những trải nghiệm quý giá và những tình cảm thân thương. Một tháng đó đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về hoạt động của Tỉnh dòng nơi miền đất của những người dân tộc Tây Nguyên và làm phong phú hơn cho hành trang của chúng tôi trên những bước đường tương lai.Có lẽ điểm chung của chúng tôi khi mới đặt chân lên miền đất này là sự bỡ ngỡ, bỡ ngỡ về nhiều thứ: cảnh vật, con người, thời tiết…Tất cả đều không giống như những gì chúng tôi tưởng tượng qua những gì đã học trong sách vở. Chúng tôi vẫn tưởng sẽ bắt gặp những ngôi làng với nhà rông và nhà sàn nằm trong rừng núi nguyên sinh, còn người dân thì mặc trang phục truyền thống trong những sinh hoạt thường ngày, cùng với những sinh vật của rừng núi như voi, ngựa, lợn rừng…Nhưng khung cảnh đó giờ chỉ còn tồn tại trong những bức tranh. Những cánh rừng nguyên sinh đã được thay thế bằng rừng cao su, nhà sàn chỉ còn lại rất ít còn phần lớn đã được thay thế bằng nhà ngói, trang phục truyền thống giờ là loại trang phục chỉ mặc trong những dịp lễ hội. Các loài sinh vật của núi rừng giờ cũng không còn chỗ mà sinh sống. Những tưởng bản sắc dân tộc của họ đã mai một nhưng rồi chúng tôi đã nhanh chóng nhận ra những nét truyền thống của họ vẫn được giữ gìn và phát triển giữa thời đại hội nhập và hiện đại hóa, và chúng tôi nghĩ rằng nhà thờ cùng những sinh hoạt giáo xứ đã đóng góp một phần quan trọng trong việc gìn giữ truyền thống của người dân tộc.
Nơi chúng tôi đến đầu tiên là giáo xứ Kon Rơbang, một giáo xứ nằm ở ngoại ô thành phố Kon Tum. Mặc dù thuộc thành phố và chịu ảnh hưởng nhiều của lối sống hiện đại nhưng có lẽ làng Kon Rơbang là một trong những làng gìn giữ được truyền thống dân tộc vùng Kon Tum một cách tốt nhất, nhờ vào sự phát triển của sinh hoạt giáo xứ.
Ở Kon Rơbang, các em thiếu nhi được học giáo lý bằng chữ Bahnar, nhờ vậy mà chữ Bahnar vẫn được lưu truyền, các em còn được học hát, học múa, học chơi các nhạc cụ dân tộc và vũ điệu cồng chiêng nổi tiếng trong trang phục truyền thống được phô diễn hàng ngày, hàng tuần qua các buổi cử hành phụng vụ, đặc biệt là những dịp lễ trọng. Đó là sự kết hợp tuyệt vời giữa phụng vụ Công giáo và văn hóa truyền thống Tây Nguyên. Ngoài ra, trong kiến trúc và trang trí nhà thờ Kon Rơbang cũng như tất cả các nhà thờ của người dân tộc vùng Kon Tum vẫn luôn phảng phất những nét kiến trúc, hoa văn của người bản địa.
Được tham gia vào các buổi phụng vụ và sinh hoạt mang bản sắc Tây Nguyên là một trải nghiệm tuyệt vời trong đời, nhưng điều làm chúng tôi lưu luyến và xúc động nhất là sự thân thiện và tình cảm mà người dân nơi đây, đặc biệt là các em thiếu nhi, thiếu niên, dành cho chúng tôi. Chỉ một tháng ngắn ngủi thôi nhưng chúng tôi đã nhanh chóng trở nên thân quen với các em, chúng tôi vẫn luôn nhận được lời chào cùng nụ cười tươi mỗi khi gặp các em. Chúng tôi đã cùng chơi, cùng sinh hoạt với các em suốt một tháng hè mà tôi thiết nghĩ rằng nếu thiếu điều đó thì một tháng của chúng tôi đã không còn nhiều ý nghĩa. Hình ảnh các em vui chơi, ca hát, học hành trong khuôn viên giáo xứ có lẽ sẽ còn đọng mãi trong kí ức chúng tôi.
Xin nói thêm rằng khuôn viên nhà thờ được thiết kế và mở cửa cho người dân sinh hoạt không chỉ tôn giáo mà còn văn hóa, thể thao…Mỗi buổi sáng, sau thánh lễ là lúc các em thiếu nhi đi học giáo lý, sau đó là học văn hóa. Chiều đến, các em thiếu nhi và thanh thiếu niên vào nhà xứ chơi thể thao hoặc lấy nước lọc. Buổi tối, nếu bạn ở đây thì sẽ được nghe tiếng hát tuyệt vời của các ca đoàn tập hát. Như vậy, khuôn viên nhà thờ luôn sống động và nhộn nhịp. Thiết nghĩ rằng, khuôn viên mở như vậy sẽ giúp người dân, đặc biệt là thiếu nhi và giới trẻ, yêu mến và gắn bó hơn với nhà thờ.
Một em đang đi lấy nước lọc ở Nhà xứ, phía sau các thanh niên đang chơi thể thao
Trên đây là những cảm nghiệm ít ỏi của chúng tôi về giáo xứ Kon Rơbang, một trong những xứ đạo dân tộc có điều kiện sinh hoạt văn hóa cũng như tôn giáo tốt nhất trên miền cao nguyên Kon Tum này. Nhưng ngoài giáo xứ Kon Rơbang, còn rất nhiều làng dân tộc nằm rải rác trong đồi núi mà đường xá xa xôi cách trở và điều kiện sinh hoạt rất thiếu thốn. Giúp đỡ và gieo mầm, củng cố đức tin cho những người dân trong các làng này chính là thao thức của những người có tinh thần truyền giáo và có lòng yêu thương những anh em đồng bào dân tộc. Đó cũng là nỗi niềm của cha trưởng cộng đoàn Kon Rơbang muốn gửi gắm cho những tu sĩ của dòng muốn dấn thân lên miền đất này.
Chúng tôi cũng đã có dịp theo chân cha trưởng cộng đoàn đi thăm các làng xa. Chúng tôi phải đi 6-7 chục cây số, vào sâu trong núi rừng. Người dân ở đó còn rất nghèo khổ, cuộc sống chủ yếu là tự cung tự cấp. Những làng có đạo thường chỉ có một cái nhà nguyện nhỏ thô sơ để người dân tụ họp đọc kinh hằng ngày. Họ không có điều kiện tham dự thánh lễ thường xuyên, thường thì mỗi tháng cha xứ chỉ vào làng làm lễ một lần. Tuy cuộc sống nghèo khổ, nhưng chúng tôi cảm nhận được sự hiền hòa và lòng mộ đạo của họ mặc dù họ không có người dẫn dắt. Họ là những người thiệt thòi, đáng được yêu thương, đáng nhận được sự quan tâm hướng dẫn của những người có tinh thần dấn thân phục vụ. Đến với họ cũng là sứ vụ của những tu sĩ Đa Minh Việt Nam hiện nay, để tiếp nối bước chân truyền giáo hào hùng của những người đi trước.
Phần chúng tôi, sau một tháng ở với những anh em dân tộc Bahnar, chúng tôi cảm thấy mình nhận được nhiều hơn là cho, chúng tôi cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn và chúng tôi có thêm nhiều thứ để yêu thương và trân trọng. Giờ đây, chúng tôi cũng có thể nói như nhà văn Nguyên Ngọc đã đặt tên cho một tác phẩm của ông: “Các bạn tôi ở trên ấy”.
Xem thêm các hình ảnh:
1. Các em thiếu nhi rước lễ lần đầu
2. Sinh hoạt văn hóa tại khuôn viên nhà Xứ
3. Các em thiếu nhi vui chơi và học hè
4. Theo chân cha Phan Tự Cường đến thăm bà con giáo dân tại các làng xa
5. Giáo dân một làng xa tham dự Thánh lễ và một số các nhà nguyện tại các bản làng