Mục Lục
__Giuse-Đỗ Yến Trần Huỳnh Đức__
“Thánh Đa Minh đã khéo léo kết hợp mối bận tâm huấn luyện môn đệ của Đức Giêsu vào việc huấn luyện nhà giảng thuyết Đa Minh để làm cho hạt giống Tin Mừng không ngừng triển nở trong mọi chiều kích nơi cộng đoàn những người tu sĩ Đa Minh, nhất là tạo sự đồng tâm nhất trí nơi anh em.”
72 và 16 là hai con số đã thật sự làm nên những điều kì diệu. 72 là số các môn đệ được Chúa sai đi đến với dân ngoại và chính lần sai đi này thể hiện rõ đặc tính sứ vụ của các môn đệ, là loan báo bình an và ơn cứu độ. Số 16 gợi lại giây phút cảm động khi thánh Đa Minh phân tán 16 anh em đầu tiên ra đi thi hành sứ vụ mang chân lý Tin Mừng đến mọi nơi.
Các môn đệ sau khi rao giảng trở về đã gặt hái được những gì? “Họ trở về trong hớn hở” (Lc 10,17). Chắc hẳn, nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa và trung thành làm theo những gì Chúa Giêsu đã căn dặn, 72 môn đệ ấy đã mang được nhiều ‘con chiên lạc’ trở về với Thiên Chúa. Và khi nhìn qua sự kiện “Lễ Hiện Xuống của Dòng,” ta cũng thấy được điều tương tự. 16 anh em tiên khởi được sai đi đến các thành phố lớn để “học tập, giảng thuyết và lập tu viện”, và chính họ cũng “trở về trong hớn hở”, vì đã gặt hái được hoa trái, là phần rỗi các linh hồn. Chắc hẳn các anh em tiên khởi đã đắm mình trong ân sủng Lời Chúa, đã để cho Lời thấm nhuần vào nếp sống và sứ vụ.
Khi sai 72 môn đệ ra đi, Đức Giêsu đã căn dặn các ông nhiều điều, ra như đây là những bài học cần thiết để các ông có thể hoàn thành sứ vụ của mình. Lời căn dặn ấy thể hiện rất rõ mối bận tâm huấn luyện môn đệ của Đức Giêsu. Cũng thế, khi sai 16 anh em tiên khởi ra đi, thánh Đa Minh cũng căn dặn anh em những điều thiết yếu để sứ vụ có thể mang lại nhiều hoa trái. Cũng thế, lời căn dặn này biểu lộ cách sinh động mối bận tâm của thánh nhân trong việc huấn luyện những người Đa Minh.
Đức Giêsu huấn luyện người môn đệ
Tin Mừng Luca được nhiều học giả xem như cẩm nang cho việc huấn luyện người tông đồ. Điều này được thể hiện cụ thể trong trình thuật Đức Giêsu sai 72 môn đệ đi truyền giáo. Sau khi sai 12 Tông đồ đến với dân Israel (x. Lc 9,1-6), Đức Giêsu đã sai một nhóm khác gồm 72 môn đệ để đến với dân ngoại (x. Lc 10,1-16).[1] Trong cả hai lần sai đi này, Đức Giêsu đều đòi hỏi nơi các ông những nhân đức cần có của một người tông đồ. Đó là đời sống cầu nguyện luôn hướng lòng lên Thiên Chúa, sẵn sàng từ bỏ mọi thứ, luôn lấy Lời Chúa làm trung tâm của đời sống và sứ vụ.
Cách riêng với lần sai 72 môn đệ, điều đầu tiên Đức Giêsu căn dặn là: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Đây là lời mời gọi khẩn thiết của Đức Giêsu trước thời cuộc. Người mời gọi các môn đệ tham dự vào công trình cứu chuộc của Người trước hết bằng việc cầu nguyện. Việc loan báo Tin Mừng chưa bao giờ dễ dàng, và trước mắt các môn đệ là bao nhiêu những khó khăn, thử thách. Chính Đức Giêsu cảnh báo các môn đệ: “Thầy sai anh em đi, như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3). Đó là sự thật mà người môn đệ phải chấp nhận. Là ‘chiên con’ nghĩa là không có sức chống lại thế gian bằng bạo lực, nhưng cũng có nghĩa là nên như Thầy là ‘Chiên Con’, có sức chống lại thế gian không phải bằng bạo lực, nhưng bằng ân sủng của Thiên Chúa. Cầu nguyện, cậy dựa vào Thiên Chúa là bài học đầu tiên người môn đệ cần xác tín.
Bài học thứ hai chính là thái độ sẵn sàng từ bỏ mọi sự. Đức Giêsu dặn các ông: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (Lc 10,4). Người cho thấy rằng, việc thanh thoát với vật chất sẽ giúp các môn đệ có được tự do thực sự để sống cho điều cao cả hơn, là dấn thân vì Tin Mừng. Đức Giêsu còn muốn các môn đệ sống đời hành khất, vì chỉ có như thế các ông mới có thể từ bỏ hết mọi sự, không màng đến thế sự mà sống một cuộc sống của một chứng nhân cho Tin Mừng. Các ông không chỉ đối mặt với những ‘con sói’, là những người chống lại các ông, mà còn phải đối mặt với những ‘con sói’ ở trong chính con người mình, đó là sự tham lam, ích kỉ và hướng chiều theo sự xấu của thế gian.
Luôn sống đời cầu nguyện và sẵn sàng từ bỏ thế gian là hai bài học thiết yếu cho việc trở nên một người môn đệ đích thực Chúa Giêsu. Nhờ học thấu được những điều này, người môn đệ sẽ nhận ra rằng, thứ duy nhất các ông phải luôn mang theo trong mình đó chính là Tin Mừng và sự bình an của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã trao ban bình an cho các ông để các ông được tràn đầy bình an của Thiên Chúa và can đảm ra đi và trao ban bình an đó cho người khác. Sự bình an phải là lời đi trước, cũng như là lời đi sau cho lời loan báo “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,9).
Thánh Đa Minh huấn luyện nhà giảng thuyết
Sau khi Dòng được châu phê, thánh Đa Minh đã muốn truyền giáo cho nhiều nơi nằm ngoài biên cương Tây Ban Nha hay Pháp, nhưng ngài lại không biết thực hiện thế nào. Tu sĩ Constantin d’Orvieto, O.P. đã thuật lại một thị kiến của thánh Tổ phụ như sau:
Khi đang cầu nguyện, Thánh Đa Minh đã gặp Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô. Thánh Phê-rô trao cho người một cây gậy, còn Thánh Phao-lô trao cho người một quyển sách, kèm theo lời căn dặn: “Con hãy đi rao giảng vì Thiên Chúa đã chọn con làm việc này”. Và trong một khoảnh khắc, Thánh Đa Minh nhìn thấy con cái của mình, từng hai người một chia tay nhau đi khắp thế gian để loan báo Tin Mừng.[2]
Nhờ sự soi sáng này, ngài quyết định phân tán 16 anh em theo đúng cách thức như đã thị kiến, tức phân tán từng hai người một. Giám mục Toulouse và bá tước Simon de Montfort cho rằng, quyết định của cha Đa Minh không có cơ may thành công, vì lúc đó số lượng anh em còn quá ít, hơn nữa chưa được chuẩn bị kỹ càng. Bằng trực cảm thiêng liêng, cha Đa Minh vẫn quyết định phân tán anh em. Nếu như xưa kia, vì biết thế gian như sói dữ, Đức Giêsu đã trấn an các môn đệ bằng lời dặn, hãy cầu nguyện luôn; thì giờ đây, vì biết anh em hoang mang, thánh Đa Minh cũng trấn an: “Anh em hãy tin tưởng lên đường, vì Chúa sẽ ban cho anh em lời giảng thuyết và ở với anh em, và anh em sẽ không thiếu thốn điều gì.”[3] Thánh Đa Minh muốn anh em ý thức, nhà giảng thuyết chỉ là người thợ gặt, và Thiên Chúa mới là chủ mùa gặt. Do đó, chủ mùa sẽ biết người thợ cần gì để làm việc, và sẽ chuẩn bị mọi thứ cho người thợ.
Noi theo Đức Giêsu xưa kia, thánh Đa Minh cũng muốn anh em sống khó nghèo vì sứ vụ, nên ngài mới nói: “Anh em sẽ không thiếu thốn điều gì”. Có thể nói đây là điều kiện khó khăn nhất đối với nhà giảng thuyết, vì từ bỏ vật chất là từ bỏ những gì gắn liền với bản tính con người. Nhưng khi sống khó nghèo triệt để, tâm hồn nhà giảng thuyết mới có chỗ trống cho Tin Mừng. Chính thánh Đa Minh đã dùng thứ vũ khí này để chiến thắng lạc giáo Cathar. Để rồi, khi nhà giảng thuyết đầy ắp trong mình ân sủng của Thiên Chúa, họ sẽ trở thành người rao truyền Tin Mừng bình an của Thiên Chúa cho mọi người.
Thái độ sẵn sàng phục vụ Lời qua việc cầu nguyện liên lỉ và lối sống khó nghèo chính là hai bài học thiết yếu giúp một tu sĩ Đa Minh trở nên nhà giảng thuyết ân sủng đích thực. Nhà giảng thuyết đích thực là người tu sĩ Đa Minh đích thực, họ là những người sống toàn tâm toàn ý với Lời và cho Lời, vì khi đó, họ đang “nói với Chúa và nói về Chúa”.
Môi trường huấn luyện
Việc huấn luyện các môn đệ của thánh Đa Minh, như cách thức Đức Giêsu đã làm, diễn ra trong khung cảnh cộng đoàn. Nếu Đức Giêsu sai các môn đệ thành hai người một để các ông cùng đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau, thì thánh Đa Minh cũng phân tán anh em theo cùng cách thức đó, tức là thi hành sứ vụ trong cộng đoàn. Hiến pháp Nền tảng §IV của Dòng nêu lên 6 yếu tố của đời sống Đa Minh: cộng đoàn, phụng vụ và cầu nguyện, các lời khấn, kỷ luật tu trì, học hành và giảng thuyết.” Chiều kích cộng đoàn huynh đệ được đề cập đầu tiên, và trong thực tế, hiện diện trong những kích khác của đời sống Đa Minh.
Theo gương Đức Giêsu, thánh Đa Minh nhắc nhở các anh em được sai đi tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Đối với Dòng Đa Minh, lời cầu nguyện chính là sợi dây liên kết anh chị em trong cộng đoàn với nhau, là nguồn kín múc ân sủng để thi hành sứ vụ. Cầu nguyện là linh hồn của sứ vụ và là trung tâm của đời sống tông đồ. Bên cạnh đó, như Đức Giêsu sai các môn đệ, thánh Đa Minh cũng chú trọng đến đời sống khó nghèo. Với các tu sĩ Đa Minh, đời sống khó nghèo vừa là chứng tá rất sống động vừa là phương tiện hữu hiệu phục vụ cho sứ vụ phục vụ Lời. Ngoài ra, khó nghèo trong Dòng, như được thánh Đa Minh làm cho nên mới, là khó nghèo tập thể. Các phần tử trong cộng đoàn cần san sẻ của cải vật chất cũng như tinh thần vì lợi ích chung của cộng đoàn.
Như thế, đặt nền trên khuôn mẫu của Đức Giêsu, thánh Đa Minh yêu cầu những nhà giảng thuyết phải học cầu nguyện, học sống khó nghèo và học sống cộng đoàn. Bởi việc rao giảng Tin Mừng không thể thực hiện bởi một cá nhân, nhưng bởi một cộng đoàn để cùng chia sẻ, nâng đỡ lẫn nhau. Người Đa Minh muốn trở thành một người rao giảng Lời Chúa cho mọi người thì họ phải là những người phục vụ Lời nơi chính cộng đoàn. Nếu như nhà giảng thuyết không phải là người mang bình an của Tin Mừng đến cho những anh em xung quanh mình thì liệu sau này họ có là người mang bình an đó đến với tất cả mọi người được chăng? Đòi buộc thi hành sứ vụ theo cộng đoàn, chứ không theo cá nhân, nằm ở trung tâm ý định ban đầu của thánh Đa Minh. Thánh nhân muốn anh em đồng tâm nhất trí với nhau trong mọi việc. Điều đó được chứng minh bằng việc tất cả anh chị em trong Dòng đều hỗ trợ nhau để cùng thực hiện một sứ vụ giảng thuyết duy nhất: Công việc giảng thuyết của anh em được nâng đỡ bởi bởi cầu nguyện của các đan sĩ chiêm niệm, được hỗ trợ bởi những nữ tu hoạt động tông đồ, các huynh đoàn giáo sĩ, giáo dân, các tu hội đời, đồng thời tinh thần của Dòng luôn được đổi mới và bắt kịp với thời đại bởi các thành viên thuộc phong trào giới trẻ Đa Minh[4]. Tất cả làm nên một cộng đoàn duy nhất, một cộng đoàn theo đúng như mong muốn của thánh Đa Minh khi xưa. Khi thành lập cộng đoàn các anh em giảng thuyết, thánh Đa Minh đã gọi cộng đoàn đó là Sancta praedicatio (Thánh thuyết) vì cộng đoàn chính là nơi anh em sống cùng nhau, phụ thuộc vào nhau, đồng hành cùng nhau trong mọi công việc, cùng nhau lớn lên và trưởng thành trong đức mến.
Lời kết
Suy cho cùng, thánh Đa Minh đã thật sự sống đúng với tinh thần Đức Giêsu muốn nơi các môn đệ khi Người sai các ông đi. Thánh nhân đã khéo léo kết hợp mối bận tâm huấn luyện môn đệ của Đức Giêsu vào việc huấn luyện nhà giảng thuyết Đa Minh để làm cho hạt giống Tin Mừng không ngừng triển nở trong mọi chiều kích nơi cộng đoàn những người tu sĩ Đa Minh, nhất là tạo sự đồng tâm nhất trí nơi anh em. Tinh thần đồng tâm nhất trí chính là lời giảng hùng hồn nhất bởi vì nó mang tính khả tín cho sứ vụ: “Làm sao anh em có thể rao giảng tình yêu của Thiên Chúa mà lại không cùng với anh em kiến tạo cộng đoàn?”[5] Thánh Đa Minh luôn có nỗi bận tâm đối với tính đặc thù này vì Người biết mọi công việc của Dòng đều tùy thuộc vào sự đồng tâm nhất trí của tất cả anh em. Người biết rằng, không có gì tốt hơn đời sống hiệp nhất, và nhờ đời sống này, anh em sẽ có thể “cùng nhau bảo vệ niềm tin, cùng nhau thi hành bổn phận của đức tin, cùng nhau kiên trì cầu nguyện, cùng nhau dấn thân phục vụ Lời, cùng nhau giảng, cùng nhau chiêm niệm, cùng nhau thực thi những công việc bác ái và cùng nhau làm việc”[6].
[1] Tuy Tin Mừng Luca không nêu rõ, 72 người này được sai đến với dân ngoại, nhưng theo các nhà chú giải, con số 70/72 có liên hệ với Cựu Ước, do đó, tượng trưng cho việc các ông được sai đến với dân ngoại (đối lại với 12 Tông đồ được sai đến với con cái Israel). X. Tanila Hoàng Đắc Ánh, Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca: Dẫn vào và chú giải Chúa Nhật và Đại Lễ (Tu viện Mai Khôi, 2011), tr. 225.
[2] Guy Bedouelle, Thánh Đa Minh – Ân sủng Lời Chúa (Tủ sách Đại Kết, 1992), tr.135.
[3] Chân dung cha Đa Minh theo các nhân chứng (Học viện Đa Minh, 2013), tr.72
[4] X. Công vụ Tổng hội Bolonia 2016, số 69.
[5] Công vụ Tổng hội Bolonia 2016, số 67.
[6] Guy Bedouelle & Alain Quilici, Anh em giảng thuyết hay Anh em Đa Minh (Học viện Đa Minh, 2005), tr. 209.