[CN 17TNC/ Thứ Tư 27 TN] Áp-ba – Cha Ơi!

11-10-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2049 lượt xem

Gn 1,1 – 2,1.11; Lc 11,1-4

Cầu nguyện là hành vi tôn giáo, một sự thờ kính con người dành cho Đấng mà họ tin và gọi Người với những tên khác nhau: Thiên Chúa, Đức Allah, Thượng Đế, Thần Linh, Con Tạo Xoay Vần, Sức Mạnh Vũ Trụ, v.v.. Tôn giáo giáo nào cũng có những hình thức, lời cầu nguyện căn bản dành cho các tín đồ của mình. Thế nhưng, tính chất và nội dung của cầu nguyện lại được quyết định bởi niềm tin: Đấng con người tin là đấng nào. Và vị thế của con người tương quan với Đấng ấy ra sao.

Các tôn giáo Hy Lạp cổ đại quan niệm thế giới thần linh cũng diễn ra như thế giới con người, các thần linh có đời sống như con người, có yêu, có ghét, có giận dữ, v.v..; các thần linh lại cũng có sức mạnh siêu việt và có thể can thiệp vào thế giới loài người. Con người nếu có lòng thành kính với thần linh, thì thần linh sẽ vui và bảo vệ, bằng không thần linh sẽ thịnh nộ và giáng tai hoạ cho con người. Với niềm tin như thế, người Hy Lạp tìm cách thiết lập mối tương quan với các thần linh bằng việc dâng lễ tế, cầu khẩn, v.v., mong thần linh đón nhận để rồi che chở, bảo vệ họ. Những hành vi tôn giáo mang đậm tính chất mặc cả, ‘hối lộ’ này đã biến các thần linh thành những vị thần đầy ích kỷ, tham vọng, tính toán.

Các triết gia Hy Lạp cổ đại đã đặt vấn về niềm tin tôn giáo mang tính đổi chác, vụ lợi của người Hy Lạp. Thượng đế theo quan điểm triết học là Uyên Nguyên (Nguyên lý Khởi Đầu, Tối Hậu) làm thành vũ trụ và thế giới con người với một trật tự định sẵn, và rồi Thượng đế ấy không tương quan gì với thế giới tạo thành và con người nữa.

Niềm tin của dân Híp-ri (Israel) vào Thiên Chúa hoàn toàn khác với niềm tin của thần thoại Hy Lạp và quan niệm Thượng đế của triết học Hy Lạp. Thiên Chúa của mạc khải Cựu Ước là Thiên Chúa của ngôi vị – Người vừa là Đấng sáng tạo, Đấng quan phòng và là Đấng cứu độ. Mọi hoạt động sáng tạo, quan phòng, cứu độ của Người đều phát xuất từ tình yêu. Con người được tạo dựng nhờ tình yêu có một ngôi vị độc lập, có tự do để đáp trả tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa của Israel đi bước trước trong việc thiết lập tương quan với con người bằng mạc khải chính mình cho con người. Cựu Ước diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa với con người là một sự đối thoại đầy sống động: có thương, có giận, có năn nỉ, có quyết liệt, v.v., để cuối cùng quy về một Thiên Chúa thương xót, thành tín, giàu lòng nhân nghĩa, như bài đọc I trích sách ngôn sứ Gio-na cho thấy.

Các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay xin Đức Giêsu dạy cho họ cầu nguyện. Kinh Lạy Cha Chúa Giêsu dạy các môn đệ vừa chứa đựng mạc khải về Thiên Chúa vừa diễn tả mối tương quan ngôi vị sống động giữa Thiên Chúa và con người.

Thiên Chúa của Kitô giáo không phải là một vị thần ở chốn trời cao, luôn cảm thấy vui sướng khi được con người chúc tụng, cảm thấy hả hê khi con người cầu xin ân huệ, cảm thấy thoả mãn khi ban phát ơn lành cho chúng sinh.

Thiên Chúa của Kitô giáo là Vì Thiên Chúa đã ‘đến với con người’ trong lịch sử Cựu Ước và nhất là ‘ở với con người’ trong Ngôi Lời làm người. Đức Giêsu – Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành xác phàm có thể hiểu thấu những nhu cầu của con người. Trong lời kinh Đức Giêsu dạy cho các môn đệ, Vì Thiên Chúa của Kitô giáo được gọi là: Áp-ba – Cha ơi! Quả thật, không còn danh hiệu nào diễn tả sự gần gũi thân mật giữa Thiên Chúa và con người như danh hiệu này.

Khi nhận biết Thiên Chúa là Cha, con người cũng ý thức phẩm giá của mình là con cái của Cha. Nhưng một điểm rất đặc biệt, trong Kinh Lạy Cha, Đức Giêsu không dạy các môn đệ xưng mình là con với tư cách là một cá nhân, nhưng là “chúng con”. Như vậy, bằng lời Kinh Lạy Cha, con người bước vào trong tương quan với Thiên Chúa không với tư cách là một cá nhân riêng biệt, nhưng nhưng là một tập thể – một cộng đoàn tin, cậy, mến.

Nội dung Kinh Lạy Cha, gồm 2 phần:

– Trước khi cầu xin cho nhu cầu của mình, lời cầu nguyện của chúng ta hướng về Cha bằng lời chúc tụng: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến.”

Thật ra, Thiên Chúa cũng không cần lời chúc tụng của con người, nhưng khi con người chúc tụng Thiên Chúa thì hiệu quả của ơn cứu rỗi được thành toàn. Trong kinh tiền tụng chung IV, Giáo hội đã nói lên như sau:

“Lạy Chúa là cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con cảm tạ Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, công bình và hữu ích cho phần rổi chúng con. Vì khi Chúa không cần chúng con ca tụng Chúa, nhưng việc chúng con phải cảm tạ Chúa là một hồng ân Chúa ban, bởi vì những lời ca tụng của chúng con không thêm gì cho Chúa, nhưng mang lại ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.”

– Sau khi đã chúc tụng Cha, chúng ta mới xin cho những nhu cầu của con người:

“Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy”. Chúng ta cầu xin cho hiện tại của mình được lương thực đủ dùng. Lời cầu nguyện hướng về Chúa Cha, Đấng quan phòng mọi sự.

“Xin tha tội chúng con…” Chúng ta hướng đến quá khứ của cuộc đời mình, đặc biệt những điều lầm lỗi chúng ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa và anh chị em. Lời cầu nguyện dâng lên Chúa Con, Đấng đã chết và đã sống lại để mang lại sự hoà giải và ơn thứ con cho người.

“Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” Chúng ta hướng đến tương lai của cuộc đời mình. Lời cầu nguyện dâng lên Chúa Thánh Thần, Đấng bảo trợ và chở che chúng ta trong mọi cơn thử thách.




Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com