[Thánh Giaxintô: Bước Chân Tin Mừng] Chương 3: Hành Trình Về Phương Bắc

25-09-2017
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1435 lượt xem

Cùng ngày đó, cha Đa Minh đi tới một quyết định. Trong vòng một tuần, những người bạn đồng hành trẻ tuổi của Giám mục Ivo sẽ hoàn thành khoá tập và lên đường đến Cracow, Balan. Chính ngài sẽ đồng hành với họ trong những giai đoạn đầu của cuộc hành trình. Lúc này, Đức Giáo hoàng Honorius và giáo triều của ngài cũng đã rời Rôma để đi Viterbo, và cha Đa Minh được lệnh hộ tống với vai trò là vị giảng thuyết riêng cho Đức Giáo hoàng. Ngoài ra còn có một công việc cấp bách nữa ở Bologna: Tổng hội đầu tiên của Dòng sẽ được tổ chức tại đây vào ngày Lễ Ngũ Tuần.

Vào một buổi sáng đầy nắng đầu tháng Năm, nhóm người này đã lên đường tiến về phương Bắc. Trong tư cách là Giám mục Giáo phận Cracow, Đức cha Ivo ngồi trên một chiếc xe ngựa dành riêng. Đi phía trước và sau ngài là một vài người theo hầu, mỗi người cưỡi một con ngựa. Tuy vậy, các anh em tu sĩ vẫn đi bộ, vì theo tu luật, khi đi đường anh em phải sử dụng phương tiện đơn giản nhất có thể. Xét cho cùng, chẳng phải anh em là thành viên của một Dòng hành khất, một hội dòng không sở hữu tài sản riêng, một hội dòng mà các linh mục và anh em tu huynh phải đi đến từng nhà để khất thực từ các tín hữu đó sao?

Với tinh thần hăng say, bốn tu sĩ trẻ lên đường trong tu phục trắng và áo choàng đen, tay cầm gậy và lưng đeo túi. Công việc của Chúa cuối cùng sẽ tốt đẹp! Và kìa, dường như bàn chân họ mọc ra đôi cánh để có thể bay nhanh đến với dân ngoại ở vùng đất phương Bắc!

“Anh em nghĩ chúng ta sẽ mất bao lâu để tới Balan, ba hay bốn tháng?” Anh Henry hỏi một cách hăng hái.

Cha Ceslao cười. “Hai tháng là đủ, vì chắc chắn từ Rôma tới Cracow thì chưa đến 800 cây số. Hơn nữa, chúng ta còn trẻ và khoẻ mà.”

Bỗng một người khác lên tiếng: “Anh em ạ, chúng ta có thể tới Cracow trong vòng năm mươi ngày nếu chúng ta đi bộ được khoảng mười lăm cây số một ngày. Nhưng tôi nghĩ chúng ta không cần phải đi nhanh thế. Sẽ có nhiều nơi người ta muốn chúng ta lưu lại và rao giảng cho họ.”

Cha Ceslao ngước lên với vẻ thán phục. Chẳng lẽ người nhanh trí đưa ra một giải pháp mau lẹ với những con số phức tạp như thế lại là anh Herman sao?

Thấy mọi người tỏ vẻ ngạc nhiên, anh Herman đỏ mặt. Ồ, giá mà anh giữ im lặng! Chắc chắn đây không phải là thời điểm để anh kể với các bạn đồng hành rằng, mình vừa mới nhận ra là đọc sách và tính toán cũng chẳng khó lắm. Tất nhiên, cha Đa Minh biết được bí mật đó: hằng ngày anh cầu nguyện với Đức Mẹ, Toà Đấng Khôn Ngoan, để rồi Mẹ soi sáng cho anh và làm cho anh trở thành một người tu sĩ xứng đáng. Nhưng với những người khác thì…

“Tôi… Tôi chỉ nói ra những gì tôi nghĩ thôi,” anh nói lầm bầm với vẻ hối tiếc. “Tôi không có ý ngắt lời cha, cha Ceslao. Xin hãy tiếp tục đi.”

Cha Đa Minh mỉm cười khi thấy khung cảnh thân tình của anh em. Nhưng trong sâu thẳm trái tim ngài, có một nỗi buồn thực sự. Ngài biết rõ việc từ biệt sắp tới với những người con dấu yêu này sẽ là cuộc chia ly kéo dài. Trong vòng hơn kém một năm, những nỗ lực nơi trần thế của ngài sẽ chấm dứt. Gia đình nhỏ của ngài sẽ phải tìm ra một người lãnh đạo khác sau ngày 6 tháng 8 năm 1221.

“Rồi đây, khi đến lúc ra đi, mình sẽ ngoài năm mươi,” ngài tự nhủ.

“Ôi, lạy Cha Toàn Năng, xin ban cho con ân sủng để con sống hoàn toàn kết hợp với thánh ý Ngài cho đến cùng! Con biết rõ chỉ có như vậy con mới có thể thực sự làm vui lòng Cha!”

Thời gian dần trôi, mặt trời đã lên cao hơn. Lúc này, thành Rôma đã bị bỏ lại phía sau xa lắm rồi, các anh em dần tỏ ra dấu hiệu mỏi mệt trên những dặm đường họ đã đi qua. Bất ngờ, cha Đa Minh nhận ra các bạn đồng hành trẻ tuổi của ngài không còn trò chuyện với nhau nữa, bước chân chậm lại và bây giờ họ nhìn vào ngài với vẻ lo lắng.

“Thưa Cha, dường như cha không được khoẻ,” cha Giaxintô nói với vẻ lo âu. “Đi như thế chắc là quá nhanh.”

“Đúng vậy, chúng ta thật vô ý quá!” anh Henry thêm vào. “Thưa Cha, nhìn kìa, có một cây sồi lớn trên ngọn đồi đàng kia. Chúng ta sẽ dừng chân một chút dưới bóng cây đó chứ ạ?” Cha Đa Minh lắc đầu, quả quyết với các môn đệ trẻ rằng ngài vẫn cảm thấy khoẻ mạnh. Tuy nhiên, khi anh Herman nhắc đã sắp tới giờ nguyện Kinh Thần vụ thì mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Bấy giờ, tất cả dừng lại dưới bóng cây sồi với tâm hồn thanh thản.

Rồi mọi người bắt đầu đọc kinh, trong khoảng 30 phút, vùng quê yên lặng đã vang lên những điệu hát Thánh vịnh du dương.

Hai anh Henry và Herman xướng lên “Lạy Chúa, xin lắng tai và đáp lời con, vì thân con nghèo hèn túng quẫn.”

Các anh em khác đáp lại: “Xin Chúa bảo toàn sinh mạng con, bởi vì con trung hiếu. Xin cứu độ tôi tớ Ngài đây hằng tin tưởng nơi Ngài. “Xin rủ lòng thương con, lạy Chúa, con kêu con gọi Chúa suốt ngày.”

“Lạy Chúa, xin làm cho con được vui thoả, vì con nâng tâm hồn lên tới Chúa.”

Các anh em cầu nguyện không những bằng ngôn từ của chính mình nhưng còn bằng lời kinh Thần vụ của Giáo hội. Đây là phụng vụ, hay nghi thức thánh, mà họ hứa thực hành mọi ngày trong suốt cuộc đời mình. Qua những bài Thánh vịnh, họ tôn vinh Thiên Chúa, Đấng tạo dựng họ từ hư vô. Họ tạ ơn Người vì biết bao ân sủng Người đã ban cho; khẩn cầu sự tha thứ vì những xúc phạm đến Người; cầu xin Chúa chúc lành cho họ và cho công việc của họ.

Dĩ nhiên, dù cho linh mục hay giáo dân thì thánh lễ là phương thế cầu nguyện cao trọng nhất trong ngày. Tuy vậy, kinh Thần vụ cũng rất quan trọng. Kinh Thần vụ chuẩn bị cho thánh lễ – bắt đầu vào lúc sáng sớm với giờ kinh Sách và kinh Sáng, rồi kết thúc cuối ngày với những lời kinh tuyệt vời của giờ Kinh tối. Chỉ khi anh em có lý do thật sự nghiêm trọng thì mới được chuẩn chước việc tham dự phụng vụ, tức là việc thờ phượng Thiên Chúa.

Khi đọc kinh xong, cha Giaxintô vờ đưa ra một ý kiến: liệu có nên xin cha Đa Minh ban cho anh em một vài lời huấn dụ trước khi tiếp tục lên đường không? Không phải là một bài giảng, nhưng chỉ là đôi lời về đời sống Kitô giáo.

Đôi mắt cha Đa Minh long lanh. Ngài không dễ bị đánh lừa với lời đề nghị đó chút nào. Vấn đề chỉ đơn giản là: cha Giaxintô sợ rằng nếu tiếp tục đi bộ vào giữa trưa nắng như vậy sẽ quá sức đối với độ tuổi năm mươi của cha Đa Minh. Do đó, bất cứ điều gì có thể đưa ra để biện minh cho việc nghỉ ngơi thì đều rất được tán thành. Và dĩ nhiên, theo một cách nào đó thì cha Giaxintô đã đúng. Tuy nhiên, Đấng sáng lập Dòng Anh em Giảng thuyết lại không dễ để cho mình bị mắc mưu.

“Sao con không nói một vài điều gì đó đi?” cha Đa Minh nói lại. “Này con, hãy kể lại cho cha về đất nước Balan, để cha có thể lắng nghe và thực sự nắm bắt mọi điều cách dễ dàng.”

Cha Giaxintô nhìn vị Bề trên đáng kính của mình cách trìu mến, rồi nhún vai vui lòng thú nhận thất bại. Có lẽ cha đã biết rằng cha Đa Minh quá khôn ngoan, vì thế chẳng ai hay việc gì có thể qua mặt được ngài. Ngài là một trong những người nổi trội nhất ở Châu Âu lúc bấy giờ – mà với khả năng đó, ba năm trước, Đức Giáo hoàng Honorius đã đặt ngài làm Nghiêm sư Thánh điện – tức là làm cố vấn riêng cho Giáo hoàng, làm nhà giảng thuyết và thần học gia tại điện Vatican.

Con rất vui để kể cho cha về đất nước Balan, cha Giaxintô trả lời cách nhiệt tình. “Con xin phép được bắt đầu nhé!” Cha Đa Minh gật đầu ưng thuận: “Được, bắt đầu từ năm 965, nếu con nhớ không lầm, đó là lúc mà Kitô giáo được truyền bá vào đất nước của con.”

Rồi cha Giaxintô đứng dậy và nhìn các anh em còn đang ngồi trên đám cỏ dưới cây sồi cổ thụ. Trong con người vị tu sĩ người Tây Ban Nha chợt dâng lên một niềm tự hào khi ngài ngồi nghe cha Giaxintô kể. Bộ áo dòng trắng và áo choàng đen làm cho thân hình vạm vỡ của cha Giaxintô lộ vẻ thanh nhã, và ánh nắng xuyên qua các nhánh cây sồi làm cha thêm phần cuốn hút – với mái tóc hoe, đôi mắt xanh lúc thì sáng rực với nhiệt huyết, lúc thì tối lại với nỗi buồn khi vị linh mục trẻ Balan tâm sự về tình cảnh quê hương của mình.

Cha bắt đầu kể: “Con không biết nhiều về đất nước chúng con trước thế kỷ X. Bởi vì nước Balan chỉ có một phần hướng ra biển – biển Baltic phía Bắc – nên chẳng bao giờ có giao thương gì với thế giới văn minh của miền Nam. Cả hai nước Ý và Hy Lạp đều được nghe biết sứ điệp Tin Mừng qua các Tông đồ và các môn đệ từ rất sớm, nhưng Balan lại bị bỏ quên trong đêm tối nhiều thế kỷ. Kết quả là người ta vẫn còn thô lỗ, hung dữ, mê muội, và những cuộc chiến dai dẳng giữa các bộ tộc.”

“Hãy kể cho chúng ta nghe về Hoàng tử Mieszko,” cha Ceslao đột nhiên thêm vào. “Đó là nơi câu chuyện thực sự bắt đầu.” Cha Giaxintô đồng ý. “Hoàng tử Mieszko là nhà cầm quyền người Balan đầu tiên, ông có ảnh hưởng trên chúng tôi, dù cho trước ông ấy còn có ít nhất ba người khác nữa. Tất cả họ dường như đều gặp khó khăn với những người Đức, người hàng xóm ở phía Tây, những người được cho là đã lấn đường ranh giới vào lãnh thổ Balan. Người Balan chỉ quả quyết là họ không nên làm như vậy. Sau hai lần bị một bá tước ngạo mạn người Đức đánh bại, Hoàng tử Mieszko nảy ra một ý tưởng. Để bảo vệ bản thân khỏi những rắc rối với người Đức, ông tìm cách liên minh với Bohemia, một quốc gia Kitô giáo ở phương Nam. Ông sẽ cưới công chúa Dubravka của nước Bohemia nhằm thực hiện kế hoạch này.”

Đối với cha Ceslao, dù câu chuyện về những ngày đầu của nước đất nước Balan thật sự rất quen thuộc, nhưng nó vẫn chưa bao giờ hết thú vị. Như những anh em khác, cha lắng nghe một cách chăm chú những giải thích rõ ràng của cha Giaxintô.

“Hoàng tử Mieszko là người ngoại giáo, nhưng khi cưới công chúa Dubravka vào năm 965, ngài đồng ý đón nhận đức tin Kitô giáo của vợ mình. Thực sự, ngài không mấy quan tâm đến tôn giáo. Khát khao chủ yếu của ngài là có được một đồng minh trong những cuộc xung đột trường kỳ với nước Đức. Dầu vậy, sau khi được Rửa Tội, ngài không giới hạn các hoạt động truyền giáo tại Balan. Chẳng bao lâu cả nước đón nhận đức tin mới, và các đan viện bắt đầu mọc lên ở nhiều vùng. Phần lớn là các đan viện thuộc dòng Xitô, những đan sĩ sống theo tu luật của thánh Biển Đức theo lối nhiệm nhặt.”

Tiếp đến, cha Giaxintô kể về những kết quả tốt đẹp mà các đan sĩ Xitô mang lại: họ lao động nơi những đầm lầy xa xôi và trong các khu rừng, khai hoang đất đai, hướng dẫn người dân Balan làm nông nghiệp theo những phương pháp mới, và còn dạy họ sứ điệp về đời sống Kitô giáo. Rồi sau đó, chẳng bao lâu sau khi tòng giáo, Hoàng tử Mieszko đã xin đặt toàn cõi nước Balan dưới quyền bảo trợ của Đức Giáo hoàng. Kết quả là quốc gia này từ nay thuộc về thế giới văn minh phương Tây, trái ngược với nước Nga và các vùng lãnh thổ khác ở phương Đông. Bất kỳ ai xâm phạm đất nước này dù với lý do nào, cũng đều mắc phải vạ của Toà Thánh.

Cha Giaxintô kể tiếp: “Hoàng tử Mieszko mất năm 992. Người con trai cả của ông là Boleslaus Đệ nhất còn được gọi là Người Dũng Cảm đã gia tăng sức mạnh và mở rộng ảnh hưởng của đất nước. Trong suốt triều đại của ông, nước Balan có vị Tổng Giám mục người bản xứ đầu tiên – tại thành phố Gniezno. Từ giờ phút này, người Balan không còn cần đến việc chăm sóc đời sống tinh thần của Toà Tổng Giám mục Magdeburg của nước Đức. Trước đây vài năm, họ vẫn là dân ngoại, bây giờ họ nhanh chóng có được sự độc lập đáng kinh ngạc và muốn có được quyền tự trị trong những vấn đề tinh thần cũng như vật chất.”

Cha Giaxintô bỏ qua sự nghiệp khá thành công của Hoàng đế Boleslaus Đệ nhất (kéo dài mãi tới năm 1025) và đưa thính giả vào những giai đoạn đầy cam go và khó khăn dành cho hậu duệ của nhà vua. Cha không giấu giếm một điều gì cả. Dù đã được đón nhận đức tin Công giáo trong thời Hoàng tử Mieszko, nhưng Balan vẫn chưa bao giờ là một đất nước hoà bình. Một thực tế: người con trai cả không đương nhiên có quyền thừa kế đất đai và quyền lực của cha mình. Trái lại, gia tài đó phải được chia đều cho tất cả những người con trai. Đây chính là căn nguyên của những tranh chấp và bất hoà để đạt được việc phân chia làm sao cho công bằng.

“Vô số mối thù truyền kiếp và những cuộc chiến trường kỳ giữa các bộ tộc,” cha Giaxintô nói cách buồn bã. “Anh em sát hại nhau và chiếm đất lẫn nhau để giành uy thế quyền lực cho mình. Chẳng bao lâu sau đó, người này lại phải đương đầu với một người khác trong cùng một tình huống như thế. Họ đánh nhau, thu đặt thuế nặng để chu cấp cho quân đội của mình. Hàng ngàn thanh niên bị giết. Nhiều tội ác xuất hiện, nhà cửa bị tàn phá và con người không còn thời gian để nghĩ về Thiên Chúa, để lo liệu việc huấn luyện và giáo dục cho người nghèo nữa. Ôi, hỡi những người bạn của tôi! Chẳng lẽ bạn không biết tại sao các tông đồ lại phải nhanh chóng đến với phương Bắc đó ư? Các nhà quý tộc cần phải được chỉ dạy để nhận ra Chúa Kitô nơi tha nhân! Ngay cả những người nông dân, thay vì đánh nhau và bị giết vì những lí do điên rồ, thì cũng cần phải được dạy dỗ như thế.”

Ánh mắt của cha Đa Minh sáng lên. Cánh đồng ở Bắc Âu này thật rộng lớn! Và thật tốt biết bao nếu ngài có thể tới đó với những người môn đệ trẻ đầy nhiệt huyết này! Hành trình này sẽ sinh đầy hoa trái như hành trình mà thời trẻ ngài từng ao ước đến với vùng Châu Á. Nhưng ngay khi nghĩ về nó, một kỷ niệm buồn hiện lên trên khuôn mặt ngài. Cách đây 16 năm, vì mệnh lệnh dứt khoát của Đức Giáo hoàng Innocent III, Châu Á đã không được xem là cánh đồng truyền giáo. Ngài bị buộc phải từ bỏ những suy nghĩ cao cả về việc tử đạo dưới tay của những người Mông Cổ thô bạo đang sống ở đó, và thay vào đó buộc phải tập trung vào việc bài trừ lạc giáo Albigensê ở miền Nam nước Pháp. Dù vẫn luôn giữ lòng tuân phục thánh ý Thiên Chúa, nhưng cha đành gác qua một bên ý định đi Balan. Tình hình sức khoẻ hiện nay của cha cần phải tập trung vào việc huấn luyện anh em để gửi đi các miền truyền giáo hơn là tiêu phí cho một kế hoạch quá nhiều thách đố.

Cha Đa Minh tự nhủ: “Nhưng tâm hồn ta sẽ luôn đồng hành với Giaxintô và các anh em đồng hành. Ít ra Thiên Chúa sẽ ban ân huệ này, và Người cũng sẽ ban thêm nhiều ơn khác nữa. Một ngày nào đó, đất nước Balan sẽ trở thành một trong những quốc gia Kitô giáo thực sự. Nơi đó sẽ xuất hiện nhiều vị thánh và các chứng nhân tử đạo, họ sẽ mến yêu và chúc tụng Thánh Danh Thiên Chúa. Ta xác tín như thế!”

 

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com