[Thánh Giaxintô: Bước Chân Tin Mừng] Chương 13: Tiếng Sấm Ở Phương Đông

06-11-2017
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 3113 lượt xem

Lần này, Thiên Chúa không ban cho cha Ceslao được ơn quán triệt tương lai vì một lý do đặc biệt. Do đó, câu hỏi của cha Sadoc chỉ nhận được một nụ cười và một lời gợi ý của cha Ceslao rằng cha Sadoc phải tiếp tục cuộc sống đã được ủy thác ở Hungary. Nhưng giả như biết được những gì sắp xảy đến, hẳn cha Ceslao sẽ hết sức phấn khởi bởi vì một biến cố kỳ diệu đang chờ đợi cha Sadoc. Vâng, vào năm 1260, cha Sadoc sẽ đón nhận được phúc tử đạo dưới bàn tay của quân man di Tartars. Cha sẽ trở thành Bề trên tại Sandomierz, và sẽ nhận được triều thiên vinh hiển cùng với bốn mươi tám thành viên trong cộng đoàn. Phước tử đạo ấy sẽ được ban xuống vào giờ kinh tối khi anh em đang hát kinh Salve Regina. Và kể từ đó, bài thánh ca tuyệt đẹp này trở thành bài ca tử biệt đưa các linh hồn thẳng lên Thiên Đàng trong bàn tay từ mẫu của Đức Mẹ. Về sau truyền thống này được lưu giữ trong Dòng mỗi khi cộng đoàn quy tụ bên một anh em sắp sửa ly trần.

Dù vậy, cha Sadoc và các anh em của ngài trong cộng đoàn không phải là không có thời gian để chuẩn bị với cuộc bách hại gần kề. Nhiều giờ trước đó, sau khi đã hát kinh Sáng trong nhà nguyện, nhờ một ơn thiêng nhiệm mầu, họ đã học được cách đón nhận phúc tử đạo. Sự kiện này đã được ghi lại bằng những nét chữ vàng trong quyển “Tử đạo thư,” một quyển sách đồ sộ ghi chép những ngày lễ của các vị thánh. Như thế, được vinh dự ghi danh vào “Tử đạo thư,” cha Sadoc và anh em trong cộng đoàn sẽ còn sống mãi mỗi khi thánh lễ và kinh Thần vụ được cử hành.

Do Thiên Chúa quan phòng không cho cha Ceslao được biết những điều hiển hách kể trên, nên trong ánh mắt của ngài, cha Sadoc chỉ là một tu sĩ luôn vui vẻ hồn nhiên như những anh em khác. Vì thế, lòng ngưỡng mộ sâu xa của cha Ceslao chỉ dành cho cha Giaxintô, người đang trên đường đến dự Tỉnh hội tại Sandomierz với bao nhiêu tin vui chào đón.

Người đưa tin báo cho biết: “Tháng trước, cha Giaxintô đã dừng chân ở một nơi gần Cracow. Có một người đàn bà quý phái đã mời cha đến dự lễ kính thánh Magarita tại khu dinh thự tại thôn quê của bà và nhân đó sẽ giảng dạy cho các gia nhân và tá điền của bà.” “Thế cha Giaxintô có đồng ý không?” Cha Bề trên hỏi, vì cũng như mọi người khác tại Sandomierz, cha từng nghe nói về cung cách nhân ái khác thường của cha Giaxintô.

Người đưa tin gật đầu: “Có, thưa cha. Ai nấy đều hết sức vui mừng, trước hết vì họ được đón tiếp một vị thánh; thứ đến, vì ruộng đồng hứa hẹn sẽ có một mùa gặt bội thu. Tại sao? Bởi lẽ xưa nay chưa từng có những mảnh đất phì nhiêu tràn trề lúa và ngô!”

“Sau đó, một việc khủng khiếp xảy ra phải không?”

Giọng nói của người đưa tin trở nên nghiêm trọng: “Trước ngày lễ kính thánh Magarita, có một cơn mưa đá tồi tệ. Lúa và ngô đã trở nên hoang tàn. Mọi người, nhất là các nông dân hoàn toàn tuyệt vọng. Làm sao họ sống được qua mùa đông khắc nghiệt nếu như chẳng còn lấy một nhúm bột để làm bánh?”

Toàn thể cộng đoàn xôn xao háo hức. Thế cha Giaxintô có đến ra tay cứu nguy không? Tất nhiên là có. Nhưng khi nào? Và như thế nào?

Người đưa tin nói tiếp: “Đấng thánh cũng buồn nẫu ruột như mọi người thôi.” Đêm ấy, ngài truyền cho tất cả dân chúng trong vùng phải cầu nguyện. Như một đứa trẻ nài xin ông bố, họ cần cầu xin Thiên Chúa giúp họ trong cơn túng quẫn này. Về phần cha Giaxintô, cha đến ngôi nhà thờ trong làng và ở lại đấy suốt đêm. Thỉnh thoảng có người bước vào thánh đường, họ không cầm được nước mắt khi chứng kiến ngài quỳ trước Nhà Tạm, dang rộng đôi tay, gương mặt toả sáng nét yêu thương và tín thác. Cảnh tượng này còn giá trị hơn muôn ngàn bài giảng thuyết.

“Được rồi, nhưng sao nữa?”

“Sáng hôm sau, mọi sự xảy ra như một phép lạ. Lúa và ngô đã bị hoang tàn trước đó nay đều đứng thẳng mạnh mẽ như trước khi có trận bão. Thật vậy, nhờ bàn tay của cha Giaxintô, chưa bao giờ lễ kính thánh Magarita được tổ chức vui tươi như thế. Thế là thêm một phép lạ nữa được thực hiện nhờ lời cầu nguyện của cha Giaxintô.” Tuy thế, khi đến Sandomierz, cha chỉ mỉm cười khi người ta hỏi cha về phép lạ ấy. Giả như cha có nói gì về ngày xảy ra biến cố lừng lẫy hôm đó, thì cha chỉ dành vinh dự đó cho vị thánh Magarita thành Antiokhia, trinh nữ tử đạo vào thế kỷ III, người mà Giáo hội nhớ đến vào ngày 20 tháng 07 hàng năm.

Ngài nói một cách dịu dàng: “Vị thánh yêu dấu sẽ giúp chúng ta nếu chúng ta cầu nguyện cùng thánh nữ. Chúng ta hãy luôn nhớ điều đó.”

Đến ngày quy định, các Bề trên từ khắp nơi quy tụ về Tu viện Sandomierz và Tỉnh hội khai mạc. Mỗi sáng anh em cùng nhau dâng thánh lễ do cha Ceslao chủ sự. Sau khi đã đọc một phần kinh Thần vụ, họ chuẩn bị vào phòng họp để trao đổi về đường hướng và phương án triển khai sứ vụ của Dòng.

“Chúng ta có nên triển khai công cuộc truyền giáo đầy hứa hẹn tại Lithuania hay không?” Vài anh em đặt vấn đề.

“Vâng, và cả Latvia nữa,” một ý kiến khác.

“Còn về Phần Lan thì sao?” một gợi ý thứ ba.

Cha Giaxintô đứng lên, nhìn anh em và nói: “Trong một hoặc hai năm nữa, tôi hy vọng có thể đi đến Lithuania được. Thủ đô Vilna hiện đang phát triển vượt bậc. Dù vậy, tôi e là sẽ có lúc bị khựng lại…”

Giọng nói ngập ngừng của cha khiến các nghị phụ nhìn nhau đầy lo lắng. Sao lại trì hoãn việc truyền bá đức tin chân chính ở phương Bắc? Trong lúc anh em đang thắc mắc muốn biết lý do, thì cha Giaxintô giải thích ý nghĩ của mình. Với vai trò là Bề trên ở Kiev, cha còn phục vụ thêm hai năm nữa. Nếu Chúa muốn, cha sẽ lập tức đi Lithuania và Latvia ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Nhưng liệu có chắc là mọi người hiện diện ở đây có nhận ra rằng Balan đang đối diện với thời kỳ đầy thách đố? Rằng cần phải dành ưu tiên cho công cuộc củng cố đức tin của người Balan đã, đặc biệt trong lĩnh vực cầu nguyện và hy sinh, hơn là lo phát triển rộng ra những cánh đồng truyền giáo mới?

“Có phải cha muốn nói rằng chúng ta nên làm gì đó cho người Mông Cổ?” Bề trên ở Poznan hỏi.

“Đúng! Ý tôi là vậy đấy!” cha Giaxintô nói. Và sau đó cha cặn kẽ giải thích về quân Mông Cổ, những chiến binh da vàng dữ tợn sống cách xa chúng ta hàng ngàn cây số ở Á Châu. Những con người vóc dáng nhỏ thó, mắt xếch và tóc dài ấy, trải qua bao thế hệ, đã từng làm mưa làm gió trên khắp lục địa Trung Hoa, khuất phục những bộ lạc nhược tiểu trong lửa và rừng gươm. Chắc hẳn chưa từng có giống người nào tàn nhẫn trong chiến trận như dân Mông Cổ. Dường như họ muốn tìm vinh quang trong xương máu các dân tộc khác. Do đó, thật khó mà nói đâu là số phận bi đát: đối với một nam nhi chấp nhận hy sinh trong chiến trận hoặc chịu cực hình trong tay họ, hay đối với một phụ nữ bị quân đội Mông Cổ bắt làm nô lệ như súc vật. Họ còn bắt trẻ con làm nô lệ nữa. Tôn giáo của họ ư? Họ chỉ thờ một vị thần, đó là thần chiến tranh.

Bức tranh ảm đạm được cha Giaxintô phác hoạ, chỉ còn leo lét một tia hy vọng mong manh. Đúng thế, quân Mông Cổ chuẩn bị xâm chiếm Châu Âu. Sẽ có vô số những cuộc thảm sát trong các làng mạc và thành thị. Các nhà thờ và các đan viện, những công trình từng được các tu sĩ Dòng Xitô, các anh em Dòng Giảng Thuyết và các nhóm tu sĩ khác dày công xây dựng sẽ hoàn toàn bị phá hủy. Thế nhưng, đám người man di sẽ bị chặn đứng trên đường tiến quân hãi hùng về Tây Âu. Một quốc gia của một dân tộc dũng cảm đoàn kết lại với nhau không do sức mạnh chính trị mà còn do đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa, sẽ đứng lên như tường thành chặng bước tiến của họ.

Cha Giaxintô tự hào tuyên bố: “Balan chính là quốc gia đó. Nhờ họ dám hy sinh tính mạng, những đứa con của Balan sẽ cứu cả Châu Âu. Ôi, các con của ta! Hãy cố gắng hết sức để chuẩn bị cho đồng bào chúng ta. Sẵn sàng đối diện với thảm kịch ấy nhưng cũng sẽ rất vinh quang.”

Khi Tỉnh hội kết thúc, cha Ceslao gia nhập nhóm của cha Giaxintô. Về phương diện nhân loại, lòng cha trĩu nặng. Ngài như linh cảm được đây là lần cuối cùng được ngỏ lời với anh em. Tự nó, điều này đủ khiến cha ưu sầu, nhưng thêm vào đó là tình hình quân Mông Cổ đang kéo đến, và hàng trăm thánh đường cũng như Tu viện ở Balan bị tàn phá.

“Phải mất rất nhiều năm để xây dựng!” ngài khẽ nói. “Ôi, cha Giaxintô! Tại sao mọi công lao khó nhọc của chúng ta giờ đây lại bị phá hủy?”

Vị tu sĩ trẻ thinh lặng trong giây lát và rồi một truyền thuyết Balan quen thuộc chợt loé lên trong tâm trí ngài. Từ thời thơ ấu, ngài đã rất thích truyền thuyết đó mặc dù đã từ lâu lắm ngài không còn nhớ đến. Tuy nhiên, lúc này…

“Hãy nói về vị tử đạo đầu tiên của đất nước chúng ta,” ngài phấn khởi đề nghị.

Cha Ceslao ngước lên trong sự ngạc nhiên thật thà: “Giám mục Stanislao có phải không? Nhưng tại sao chúng ta nên nói về ngài nhỉ?” “Bởi vì câu chuyện của Đức Giám mục chẳng những giúp ích cho cả hai chúng ta khi giảng dạy, mà còn giúp ích cho những người khác nữa.” Ngay lúc đó, cha Giaxintô bắt đầu thuật lại mẩu chuyện quen thuộc. Trở lại năm 1079, vua Boleslaus II đã sát hại Đức Giám mục trong khi ngài đang dâng thánh lễ. Sau đó, lo sợ rằng thi hài ngài sẽ được tôn kính như một thánh tử đạo, nhà vua ta đã ra lệnh băm nhỏ ra, còn tứ chi thì vứt ra ngoài đồng.

Đột nhiên, cha Ceslao nhận ra lý do vì sao cha Giaxintô nhắc lại câu chuyện nổi tiếng này. Trải qua bao thế hệ, người Balan đã thấy mối tương đồng giữa các phần thân thể của vị Giám mục với những cuộc chiến đã tàn phá đất nước của họ và ngăn cản không cho nó được hiệp nhất về mặt chính trị. Họ tin rằng những thử thách này xảy ra như để trừng phạt cho tội ác dã man vua Boleslaus II đã phạm, và còn phải đến nhiều năm sau nữa thì mới hy vọng đền trả đầy đủ để tái lập lại hoà bình trên đất nước.

Đọc những suy nghĩ của người anh em, cha Giaxintô khẽ mỉm cười. “Cha có biết phần còn lại của câu chuyện?” ngài nói “Cha có đồng ý rằng trong những ngày này, điều đó cần được nhấn mạnh không?” Cha Ceslao ngẫm nghĩ: “Vâng, nhưng nhất là phần kết có hậu của câu chuyện. Ngay giữa đêm khuya, các kinh sĩ nhà thờ chính toà thu nhặt các mảnh cơ thể, sắp xếp lại và đem cất giấu trong một nơi bí mật…”

“Và rồi, trước khi họ cử hành lễ an táng, các mảnh cơ thể ấy tự dính kết lại với nhau và thi hài của Giám mục trở nên nguyên vẹn không để lại một dấu vết bị cắt chặt nào.”

“Đúng thế cha Giaxintô ạ. Đây quả là một câu chuyện kỳ diệu.” Cha Giaxintô gật đầu: “Tôi tin những gì chúng ta thường được người lớn kể lại trong thời thơ ấu sẽ trở thành hiện thực, vì một ngày không xa, các thương tích của nước Balan sẽ được chữa lành, và sau những năm dài đau khổ, đất nước này sẽ được vinh hiển và thống nhất.”

Như được khích lệ, hai anh em từ biệt nhau, mang theo một niềm vui lớn lao quá mức mong đợi. Lúc này, xuyên qua những cơn thử thách và cảnh máu đổ đầu rơi trên đất nước thân yêu của họ, họ nhìn thấy cây thánh giá trên bầu trời Balan cùng với một triều thiên. Tương tự như phép lạ Thiên Chúa đã chữa lành các vết thương của Giám mục Stanislao, cuối cùng rồi, Chúa cũng chữa lành những vết thương trên quê hương của vị Giám mục này, một cách ân cần và tuyệt đối.

Chẳng bao lâu cha Giaxintô cùng với anh Florian lên đường trở về Kiev. Cuối cùng, hai người nhìn thấy thành phố mà họ đã sống những năm gần đây, người tu sĩ trẻ quay sang cha Bề trên nói với giọng đầy hy vọng.

“Kiev quá đẹp, cha à! Không thể tưởng tượng được rằng quân Mông Cổ lại bỏ qua không phá hủy nó.” Cha Giaxintô vẫn giữ thinh lặng, mắt ngài chăm chú nhìn những mái vòm và các tháp nhọn dát vàng. Vâng, thủ đô của nước Nga này quá quý giá, nên quân man di vẫn cứ để nó nguyên trạng. Nhưng liệu có người nào ở Kiev này đã ngu xuẩn đến độ thoả hiệp với quân Mông Cổ chăng? Mà giả như để đạt được một cuộc hưu chiến tạm thời đi nữa thì làm gì có an ninh thật sự cho kẻ chịu triều cống đám quân man rợ của đại đế Batu.

Cuối cùng cha Giaxintô nói: “Cha không tin là Kiev sẽ được tha mạng. Cuối cùng nó cũng sẽ phải chịu chung số phận với các thành phố của Balan chúng ta.”

Vào đầu mùa thu năm 1240, một đội quân dưới sự chỉ huy của tướng Mangu Khan, người anh em họ của đại đế Batu nổi tiếng, đã tiến đến bờ sông Dnieper. Đúng như lời nhận nhận xét của anh Florian, quân Mông Cổ đã sững sờ trước vẻ đẹp của Kiev và thoạt đầu họ cố gắng tiến chiếm mà không dùng đến sức mạnh. Họ âm thầm dựng trại ở bên kia sông, rồi gửi một thông điệp hoà bình đến. Nếu người Nga chấp nhận giao nộp thành phố, thì sẽ không có thiệt hại nào về người và của. Tất cả những ai sống trong khu vực nội vi phải nộp thuế thân. Bù lại, quân Mông Cổ sẽ bảo vệ Kiev chống lại mọi kẻ thù.

Người Nga đâu dễ bị đánh lừa vì những lời lẽ có vẻ hào phóng như thế hay ai mà tin quân Mông Cổ được? Chúng nó đã từng dối gạt quá nhiều người trước đây.

“Chúng ta cứ giả vờ chấp nhận đề nghị đó để kéo dài thời gian mà tìm cách đánh úp quân thù,” người Nga bàn với nhau.

Vì thế, mặc cho phái đoàn Mông Cổ cực nhọc và điên tiết, người Nga cứ bình thản tiến hành trưng cầu dân ý. Nhưng người dân đều biết ẩn ý của việc làm này. Việc trì hoãn đó nhằm xây dựng hệ thống phòng thủ của thành phố, vì một khi mùa đông đến và sông Dnieper đóng băng, thì sẽ quá muộn để thực hiện điều này. Lúc ấy, quân Mông Cổ có thể tập hợp trên những tảng băng dày và tấn công vào thành phố từ nhiều điểm.

Vào cuối thu, cha Giaxintô và cộng đoàn của ngài đã được chuẩn bị sẵn sàng bằng việc cầu nguyện và thánh lễ để đón nhận “cơn bão” sắp đến. Tâm hồn của vị Bề trên thường xuyên trĩu nặng vì nhiệm kỳ của ngài sắp kết thúc, và điều này có nghĩa là chẳng bao lâu nữa ngài sẽ phải rời bỏ Kiev mà không biết lúc nào quân Mông Cổ sẽ tấn công. Tất nhiên cha Godinus sẽ có thể kế vị ngài trong vai trò Tu viện trưởng, nhưng làm sao cha nỡ bỏ mặc người con yêu quý này trong bàn tay độc ác này của kẻ man di và còn cả những tu sĩ tuyệt vời nữa chứ.

Một ngày nọ, một tu sĩ trẻ cầu xin: “Xin cha hãy mau trở về Balan khi vẫn còn kịp thời gian, nếu không cha có thể bị sát hại ở đây.”

Cha Giaxintô mỉm cười nhớ lại những ngày cùng với cha Godinus lên đường thực hiện sứ vụ truyền giáo đầu tiên ở phương Bắc. Lúc bấy giờ, chàng trai Godinus đã tỏ ra vô cùng hoảng sợ khi băng qua những vùng đầm lầy và rừng rậm ở vùng Masovia, rồi khi băng qua sông Vistula trên chiếc áo choàng của cha Giaxintô, kế đó là cuộc bệ kiến với công tước Swientopelk. Thế nhưng lúc này, hẳn Chúa Thánh Thần đã chấp thuận lời van xin liên tục của cha để xin được ơn sức mạnh.

Cha nhẹ nhàng nói: “Con quên là cha chỉ mới 55 tuổi hay sao? Có nghĩa là cha chưa đến lúc được diễm phúc tử đạo đâu. Không, cha phải ở lại Kiev cho đến khi giông bão ập đến. Khi ấy, Thiên Chúa sẽ truyền cho cha biết sẽ phải làm những việc gì.”

Một buổi sáng giữa tháng mười một năm 1240, lúc cha Giaxintô vừa mới dâng lễ xong, thì một tập sinh hớt hải xông vào nhà nguyện.

“Cha ơi, quân Mông Cổ đến rồi.”

Lập tức, một cú rùng mình truyền nhanh khắp cộng đoàn và trăm con mắt đổ dồn về phía gương mặt tái nhợt của người tập sinh. Chắc chàng trai đã trông gà hoá cuốc. Mùa đông vừa mới bắt đầu thôi, và sông Dnieper vẫn chưa đóng băng thì làm cách nào bọn Mông Cổ có thể đến tấn công thành phố được? Tuy nhiên, ngay lúc anh em đang đặt những câu hỏi như thế, thì từ xa đã vọng đến những tiếng gào hét đầy sắc máu.

“Chúng nó đến rồi” anh tập sinh hét lên một lần nữa, lao nhanh về phía bàn thờ lúc cha Giaxintô đang đọc bài Phúc âm cuối lễ.[1] “Ôi, cha ơi! Chúng con phải làm gì đây?”

Cha Giaxintô vừa mỉm cười động viên người tập sinh vừa tiếp tục đọc những lời của thánh Gioan. Chỉ đến lúc gấp sách lễ lại và đã đọc xong lời cầu nguyện ngắn trước Nhà Tạm, ngài mới quay lại nhìn anh em đang trong tâm trạng cực kỳ căng thẳng. Bằng một cung giọng rõ ràng và điềm tĩnh, cha ra lệnh: “Anh em đừng sợ. Chỉ trong giây lát thôi, tất cả chúng ta sẽ được thoát hiểm.”

Bất chợt chàng tập sinh trẻ khụy xuống khóc nức nở: “Chúng sắp giết mấy đứa em của con rồi. Chúng sẽ bắt mẹ con làm nô lệ. Ôi, cha ơi! Con phải về với gia đình ngay bây giờ. Con không thể ở lại đây.”

Cha Giaxintô nhìn anh tập sinh đang sợ hãi với lòng đầy thương cảm, một cậu bé người Nga từ thuở thơ ấu đã phải sống trong nỗi sợ hãi đối với quân Mông Cổ. Rồi ngài tiến lại và nhẹ nhàng đỡ cậu lên.

Ngài nói: “Thiên Chúa sẽ bảo vệ gia đình con. Chỉ cần con có lòng tin và chấp nhận ở lại đây với tất cả anh em. Con có hiểu không, hỡi con thân yêu?”

Với giọng nói ân cần và đôi bàn tay yêu thương của cha Bề trên, nỗi sợ hãi của chàng trai bắt đầu tan biến đi. Dù hãy còn run sợ, cậu cố gắng lắp bắp nói: “Vâng, thưa cha! Con…Con hiểu.” Trong thời gian anh tập sinh lấy lại bình tĩnh, cha Giaxintô thay phẩm phục, và khoác lên mình bộ áo choàng đen. Sau đó ngài cầm lấy bình vàng đựng Thánh Thể đã được truyền phép ra khỏi Nhà Chầu và một lần nữa ngỏ lời với cộng đoàn thân yêu của mình.

Ngài nói: “Mọi việc sẽ ổn thôi. Chỉ cần đi theo cha.”

Trong giây lát, một đoàn rước hết sức nghiêm trang đã diễn ra trong nhà nguyện. Cha Giaxintô dẫn đầu, theo sau là các tập sinh và cuối cùng là các thành viên lớn tuổi của cộng đoàn. Tất cả đều thinh lặng, vì thế càng nghe rõ tiếng hò hét kinh hoàng của quân Mông Cổ đang xông đến. Trong lúc hai hàng dài những chiếc áo trắng đen bắt đầu di chuyển ra phía cửa, thì nghe thấy có tiếng gọi.

“Giaxintô, con ơi! Chẳng lẽ con bỏ mặc mẹ cho quân Mông Cổ sao?”

Mọi người đều quay lại. Có bà nào đó đã lên tiếng! Mà một tiếng nói thật khẽ khàng và dễ thương. Bà ấy là ai vậy? Và ở đâu? Đột nhiên, tất cả mọi người đều quên bẵng đi quân Mông Cổ, các tu sĩ chỉ còn nhìn thấy cha Giaxintô đang đứng trước pho tượng Đức Mẹ làm bằng bạch ngọc do Thái tử Vladimir Rurikocitch dâng tặng cho cộng đoàn vài năm trước đây. Ngài đứng đó mà đôi mắt đầy lo âu.

 Ngài nói: “Mẹ à, con biết làm gì bây giờ đây? Pho tượng Mẹ quá nặng. Làm sao chúng con có thể mang theo được.”

Một giây thinh lặng, tiếng nói đáng yêu lại vang vọng một lần nữa trong cung nguyện: “Giaxintô ơi, đừng sợ! Con của Mẹ sẽ làm nhẹ đi sức nặng. Nhân danh Người, hãy đưa Mẹ cùng đi với con.

[1] Trong thánh lễ thời xưa, có đọc bài tự ngôn phúc âm thánh Gioan trước phép lành cuối lễ.

***

 

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com