Tháng 11: Tháng Tri Ân

05-11-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1601 lượt xem

Nguyễn Thiện Chí – Là con người, chúng ta chỉ có một lần để được sinh ra, có một cuộc đời để sống và một cùng đích để trở về – về với nguồn gốc của chính mình.

 

Tiết trời cuối thu mây mù có chút se lạnh và ảm đảm. Thời gian như chậm lại trong không gian trầm lắng, cảnh vật mang nét trầm buồn. Trong những ngày này, cảm nhận đó phần nào được tô đậm thêm với tâm tình của tháng tri ân, hướng về những người đã ra đi trước về cõi vĩnh hằng.

“Biết ơn, tri ân” – đó là nét đẹp nhân bản, là đạo lí ngàn đời mà chúng ta phải sống để làm người trước khi được nên thánh. Nó càng trở nên đẹp và cao quí hơn khi đặt vào trong chiều kích tâm linh. Truyền thống Công Giáo dành trọn tháng 11 để đặc biệt cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời, những linh hồn đang phải chịu sự thanh luyện. Những ngày đầu tháng 11 này, người Ki-tô hữu được sống sự hiệp thông của mầu nhiệm “các thánh thông công” một cách rõ nét, sống động và cụ thể hơn. Ngày 01 tháng 11, Giáo hội hướng lòng các Ki-tô hữu về Thiên Quốc, ngưỡng vọng chiêm ngắm vẻ đẹp huy hoàng, vinh hiển của các thánh trên trời, để cùng hợp hoan, ca mừng các thánh đã được hưởng phúc vinh quang và cùng các ngài dâng lời tạ ơn chúc tụng Thiên Chúa. Các ngài là những mẫu gương tuyệt vời, niềm khích lệ lớn lao và là trợ thủ đắc lực cho chúng ta trên cuộc lữ hành trần gian với niềm hi vọng tiến về hợp đoàn trên thiên đàng. Sau đó, ngày 2 tháng 11, Mẹ Giáo Hội lại mời gọi con cái mình – những người người còn đang sống trên trần thế này, cũng hướng tâm tình xuống những anh chị em của chúng ta thuộc Giáo hội đau khổ để lắng nghe và thông hiệp với những tiếng thở than của các linh hồn nơi thanh luyện vì những vướng mắc do hậu quả của tội, có thể cả tội lỗi của chính chúng ta mà các linh hồn phải gánh chịu. Giờ đây họ phải chịu thanh luyện, không còn cơ hội thực hành đức ái để xoá bỏ hình phạt tạm, chỉ còn cậy nhờ vào lời cầu bầu của các thánh, sự giúp sức của chúng ta bằng những việc lành.

Các Kitô hữu tại thế được mời gọi hiệp thông với các linh hồn đau khổ bằng những hi sinh và bái ái, tích cực chia sẻ lời cầu nguyện, đặc biệt là hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn. Mối dây hiệp thông này liên kết chúng ta lại với nhau trong đại gia đình của một Đức tin và một Thần Khí. Đó không chỉ là hành động của đức ái mà còn là trách nhiệm của đức công bình. Chúng ta được lãnh nhận vô vàn ơn lành nhờ được thông hiệp với công nghiệp Chúa Kitô, được thông phần ân phúc và cầu bầu của các thánh, thì chúng ta cũng phải thông hiệp, chia sẻ với sự đau khổ của các linh hồn. Các ngài chính là bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn hữu, ân nhân… của chúng ta đã ra đi trước mà cách này hay cách khác chúng ta đã mang ơn của họ. Giờ đây họ “lực bất tòng tâm” trong sự thanh luyện, không còn có khả năng để thực hành những đòi hỏi của đời sống Kitô hữu nữa. Vì thế, đây là cơ hội để chúng ta đền đáp công ơn của họ bằng những việc làm cụ thể: dâng thánh lễ; đọc kinh cầu nguyện; làm việc bác ái, hi sinh, v.v..

Tháng 11 cũng là cơ hội tốt để mỗi người sống chậm lại, lắng đọng tâm hồn để suy nghĩ nhiều hơn về ý nghĩa của cuộc đời này qua việc suy gẫm mầu nhiệm đau khổ và sự chết. Những ngày này, các nghĩa trang như mang một màu áo mới với nghi ngút khói hương, những bông hoa tươi được đặt ngay ngắn trên những nấm mồ lặng lẽ, thi thoảng lại có những tiếng hát cầu kinh vang lên hòa trong một khoảng trời thanh vắng. Ở một số nơi thuận tiện, thánh lễ được tổ chức tại nghĩa trang tạo nên một bầu khí linh thiêng sâu thẳm. Mọi người cảm thấy thật gần gũi, ấm áp hơn khi cùng hiệp dâng thánh lễ bên nấm mồ của người thân. Cảm giác linh hồn người chết cũng đang hiện diện để hiệp thông trong lời kinh tiếng nguyện tha thiết. Không còn cảm giác xa cách, buồn vắng trong sự lạnh lẽo, trống vắng vốn có.

Có lẽ, nghĩa trang là nơi người ta cảm nhận được sự vĩnh hằng, nơi tâm hồn thấy nhẹ nhàng, thanh thoát nhất trên trần gian này. Hơn một lần, chúng ta đã ngậm ngùi với sự chia li tử biệt khi chứng kiến những người thân thuộc, bạn hữu của chúng ta ra đi. Một sự ra đi không hẹn ngày về nhưng đó lại là sự chia li có hẹn ngày gặp. Khi cầu nguyện cho các linh hồn chúng ta cũng thức tỉnh đời mình trong cơn mê của tội lỗi và thú vui xác thịt. Điều đó nhắc nhở cho chúng ta về số phận đời mình trong kiếp người tro bụi và hướng đến sự sống vĩnh cữu mai này. Rồi sẽ đến lượt chúng ta ra đi từ bỏ thế gian và những gì thuộc về nó. Liệu rằng chúng ta đã sẵn sàng cho tiếng gọi của Chúa bất cứ lúc nào chúng ta không biết? Chúng ta đã chuẩn bị hành trang được những gì để mang theo và trình diện trước tòa phán xét? Không ai trong chúng ta tự tin và dám chắc rằng mình đã chuẩn bị đủ để được lên hưởng vinh quang ngay sau khi chết! Hơn thế chúng ta lo lắng cho số phận đời mình nếu bị sa lầy và chịu thiêu đốt trong lửa đời đời.

Là con người, chúng ta chỉ có một lần để được sinh ra, có một cuộc đời để sống và một cùng đích để trở về – về với nguồn gốc của chính mình. Nghĩ về cuộc đời, cố nhạc sĩ họ Trịnh đã thổn thức tự hỏi: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về cát bụi..”. Ai trong chúng ta rồi cũng phải bước qua cánh cửa sự chết. Mỗi người đều phải kinh qua quy luật nghiệt ngã của kiếp nhân sinh: “sinh – lão – bệnh – tử”! Không ai được đặc ân thoát khỏi quy luật đó: dù là người giàu có, quyền cao chức trọng hay thường dân nghèo khổ; người gian manh độc ác cũng như người lành đức, v.v., mỗi người mỗi cách và mỗi thời điểm khác nhau, không ai giống ai. Và những gì sẽ xảy ra sau khi chết vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ… vì đó là một bí mật riêng mỗi người tự mình khám phá. Đó quả là một sự thật phũ phàng, một thực tế trần trụi sau tấm áo nhân sinh. Tác giả Sách Thánh Vịnh đã thốt lên những lời chân lí cho chúng ta những cảm nghĩ sâu sắc về kiếp người:

“Đời sống con người chóng qua như cỏ.
Như bông hoa nở trong cánh đồng.
Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi,
Nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích”. (Tv. 102:3)

Và :

“Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,
kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,
bỏ lại tài sản mình cho người khác.

Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,
nhưng ba tấc đất mới thật là nhà,
nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.

Dù sống trong danh vọng,
con người cũng không thể trường tồn ;
thật nó chẳng khác chi
con vật một ngày kia phải chết”. (Tv 49,11-13).

Quả thế, số phận con người thật mong manh, yếu đuối “vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu”, khác nào “vỏ trấu gió thổi bay”. Chúng ta cũng tự hỏi: Phải chăng thân phận con người thật bi đát và buồn thảm? Và đâu là ý nghĩa của cuộc đời này? Tại sao và từ đâu con người được sinh ra và chết rồi sẽ đi về đâu?.. Đối với nhiều người đó là những câu hỏi khó và bế tắc để tìm câu trả lời. Triết lí Phật giáo quan niệm “đời là bể khổ” và khổ là do lòng “tham, sân, si” mà không thành. Giáo lí nhà Phật tin vào luật nhân quả và sự luân hồi. Theo đó người sống tốt thì được an lạc, người sống gian ác sẽ bị báo ứng, bị đầu thai thành những loài vật.

Đối với những người Kitô hữu, giáo lí của Hội Thánh đưa chúng ta đi xa hơn, có cái nhìn sâu sắc và lạc quan hơn về sự đau khổ cũng như sự chết. Nhờ đó, chúng ta có thể tìm cho mình được lời giải đáp khác cho những vấn nạn trên dưới con mắt đức tin và lăng kính mặc khải. Quả thế, Giáo hội không cổ võ cũng không tôn thờ đau khổ, hay sự chết chóc. Đau khổ không đến từ Thiên Chúa, Ngài cũng không muốn chúng ta phải chết. Tác giả sách Khôn ngoan xác quyết: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.” (Kn 1,13). Tự bản chất đau khổ, cái chết là xấu vì phát xuất bởi sự dữ mà sự dữ không do Thiên Chúa làm nên nhưng do bởi hậu quả của tội lỗi. Đức tin Công Giáo cho chúng ta xác tín con người được dựng nên có nhân vị và sống mối tương quan nhân vị với Thiên Chúa và với tha nhân. Ngay từ đầu con người được dựng nên trong tình trạng đầy tràn ân sủng, thánh thiện và công chính nguyên thủy. Thiên Chúa đã ban cho con người được hưởng hạnh phúc trọn hảo, không biết đến đau khổ và cũng không phải chết.

Tội lỗi đã xâm nhập và phá vỡ các mối tương quan, con người tự mình đánh mất ân sủng cùng với những đặc ân đã được ban tặng. Tuy vậy, Thiên Chúa dù có quyền năng vô biên và yêu thương con người vô cùng, Ngài vẫn không cất đi sự dữ, đau khổ khỏi con người. Nhưng qua đó, Ngài lại dùng nó để huấn luyện và tạo ra những điều thiện hảo cho con người. “Thiên Chúa viết thẳng trên những đường cong”, tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn được rộng mở, bao trùm trong sự quan phòng của Ngài, ngay cả trong những sự dữ xấu xa. Nhìn một cách bao quát, cuộc sống trần gian này cũng chính là cuộc thanh luyện, một cuộc lữ hành gian nan thử thách để đạt đến phúc trường sinh.

Nhờ được mặc khải trong Sách Thánh, được chứng thực bởi lòng tin và lòng mến, chúng ta tin rằng con người được dựng nên có hồn với lí trí suy xét và chí ý tự do trong thân xác hư nát. Linh hồn bất tử đi vào sự sống vĩnh cữu ở đời sau, khi kinh qua cái chết thể xác. Chúng ta tin nhận rằng cuộc sống trần gian này chỉ là chốn tạm bợ, là quán trọ trên đường lữ hành về quê Trời! Vì thế thân xác con người cũng chỉ là tro bụi hư hao, đến một ngày sẽ chết đi và biến mất nhưng linh hồn thì vẫn sống bất diệt. Tuy vậy chúng ta không thất vọng hay buồn thảm khi mang thân phận con người yếu đuối sống trên trần gian này. Chúng ta đón nhận sự sống trong thân xác như một ân huệ vô biên của tình yêu. Chúng ta không đơn độc trên hành trình đầy gian lao thử thách này. Cuộc sống vẫn đẹp và đáng sống dù không ít lần làm chúng ta đau khổ, tuyệt vọng. Chúng ta yêu mến cuộc sống này trong niềm hi vọng về ơn cứu độ và phần thưởng sự sống vĩnh cữa đời sau.

Nếu đời người sinh ra chỉ để sống mà phần lớn chịu gian nan, đau khổ và rồi kết thúc qua cái chết buồn thảm, tiêu tan, chấm hết thì con người quả là một loài vật đáng thương nhất. Nếu chết là hết thì tội lỗi đâu còn quan trọng, ân nghĩa phúc đức cũng có nghĩa lí gì? Liệu ai còn muốn sống tốt, sống lương thiện hơn là sống buông thả thỏa mãn theo xác thịt, tìm an vui lạc thú cho riêng mình? Cuộc sống đầy những bất công và ai sẽ là vị quan tòa tối cao, công tâm để phân xử đúng sai, trắng đen rõ ràng, tội phúc rành mạch? Vậy nên chúng ta dám khẳng định chắc chắn về niềm tin vào sự sống đời sau. Nơi mà con người sẽ phải trả lẽ với những gì đã làm trong thân xác khi còn sống ở trần gian này. Chính Thiên Chúa sẽ là vị Quan Tòa tối thượng, công bằng vô cùng và rất mực khoan nhân sẽ phân xử tất cả mọi người theo lòng thương xót và những việc chúng ta làm.

Vì thế, sống như thế nào mới là điều quan trọng, đáng để chúng ta lưu tâm. Sống để chuẩn bị cho cái chết là một sự chuẩn bị khôn ngoan. Nhưng chúng chúng ta sẽ sống như thế nào? Và chuẩn bị những gì? Lời khôn ngoan của Vịnh gia đã khuyên dạy chúng ta:

Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
Ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.”
 (Tv 90,12).

Đếm tháng ngày sống không phải là thái độ bị động, bi quan về cuộc sống trần thế hiện tại, nhưng là thái độ chuẩn bị tích cực, suy gẫm về ý nghĩa của cuộc đời để tâm hồn luôn được an nhiên trong tâm thế sẵn sàng, lạc quan và vui mừng vì có niềm hi vọng. Tâm trí khôn ngoan luôn hướng lòng về Thiên Chúa vì “kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan.” (Tv 111,10) và “lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan, mang lại bình an và sức khoẻ dồi dào.” (Hc 1,18). Chúng ta hãy luôn tìm kiếm sự hiểu biết để nhận thấy bàn tay quyền năng Thiên Chúa trong các công trình vũ trụ càn khôn và Thiên ý của Ngài trong cuộc đời chúng ta. Có như thế chúng ta mới có thể đón nhận sự chết như một lối mở dẫn ta đến sự sống trường sinh như thánh Phaolô xác quyết: “Đối với tôi sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21) và sự chết chẳng còn là điều ghê gớm làm chúng ta sợ hãi.

Từ khóa: , , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com