Những Thách Đố Của Việc Đào Tạo Ơn Gọi

25-05-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 3188 lượt xem

__Fr. Nguyễn Thế Truyền, O.P.__

(Bài chia sẻ với Liên Tu Sĩ Gp. Xuân Lộc,
tại Tu viện Máctinô, Hố Nai, ngày 21/03/2019)

“Lựa chọn lối sống tu trì có nghĩa là đáp trả lời mời gọi bước vào trong tương quan với Thiên Chúa. Quy chiếu vào khuôn mẫu Đức Kitô, sự đáp trả tiếng gọi từ trên cao định hình căn tính của tôi, làm cho tôi mỗi ngày trở thành là chính tôi hơn.”

I. Sơ lược về tình hình ơn gọi và đào tạo ơn gọi tại Việt Nam

Đại hội lần thứ VI của Liên hiệp các Bề trên Thượng cấp Việt Nam diễn ra từ ngày 12 đến 15 tháng 11 năm 2018, tại Toà giám mục Xuân Lộc. Trong bản tin đúc kết, các bề trên đã đưa ra nhận xét về tình hình ơn gọi tại Việt Nam như sau:

“Đại hội tạ ơn Chúa vì Ngài đã thương ban cho Đất nước và Giáo Hội Việt Nam nhiều ơn gọi Tu sĩ, Linh mục. Đó là hồng ân đặc biệt Chúa thương ban cho Giáo Hội, cách riêng cho các Dòng tu, Tu hội, Tu đoàn tại Việt Nam. Số lượng các bạn trẻ quảng đại dấn thân cho Chúa trong đời sống tu trì vẫn còn phong phú. Đó là nhờ hạt giống đức tin đã được vun tưới bằng dòng máu tử đạo của các bậc tiền bối, nhờ truyền thống đạo đức của người tín hữu Việt Nam, nhờ môi trường giáo xứ và gia đình đã nuôi dưỡng ơn gọi sống đời Thánh hiến.”

Giáo hội Việt Nam hiện nay không chỉ dồi dào về số các bạn trẻ muốn dân thân cho ơn gọi tu trì, khoảng 20 năm đổ lại đây, chúng ta còn chứng sự hiện diện rất đa dạng của các dòng tu mới tại Việt Nam nữa. Giáo hội tại các nước Châu Âu vốn có truyền thống Kitô giáo lâu đời, đồng thời là cái nôi sản sinh ra các dòng tu, thì trong vài thập kỷ qua đang phải đối diện với tình trạng khan hiếm ơn gọi – thách đố đầu tiên Đức thánh cha Phanxicô đề cập đến trong Thư gửi gửi những người tận hiến năm 2013 (xem. I.3). Vấn đề đặt ra cho nhiều dòng tu là phải tìm kiếm ơn gọi và đào tạo thế hệ kế thừa, trong khi độ tuổi trung bình của các tu sĩ trong dòng ngày càng cao. Có ơn gọi thì dòng mới có thể duy trì sự tồn tại của mình, mới thoát khỏi cảnh các tu viện dần bị đóng cửa hay phải trao cho nhà nước quản lý vì không đủ chi phí bảo trì. Cha Timothy Radcliffe, cựu tổng quyền Dòng Đa Minh, đã nhận định một cách dí dỏm về tình trạng bi đát đát của các dòng tu tại Châu Âu như thế này: Tương lai không xa tu viện sẽ được mở cửa cho du khách tham quan, và người ta tò mò nhìn xem một vài tu sĩ còn sót lại như những động vật quý hiếm tại những nơi bảo tồn động vật!

Nhiều dòng tu mới đổ vào Việt Nam trong những năm gần đây, mà một trong những mục đích chính của các dòng này là tìm kiếm ơn gọi. Mặc dù còn gặp phải nhiều trở ngại pháp lý đối với nhà nước để có thể chính thức hiện diện và hoạt động, các dòng tu mới đến xem ra gặt hái nhiều thành quả trong việc tìm kiếm ơn kêu gọi. Các dòng này nhận được sự giới thiệu ơn gọi từ các giáo xứ ở khắp các giáo phận ở Việt Nam. Cách riêng, Giáo phận Sài Gòn trở thành nơi tập trung ơn gọi của các dòng để đào tạo sơ khởi và chuẩn bị cho việc ra nước ngoài. Vào những năm đầu thập niên trước, Học viện Liên dòng Nam tại Sài Gòn có không quá 10 hội dòng gửi người đến học, còn con số hiện nay là trên 40 hội dòng, sinh viên hầu hết thuộc các dòng tu mới. Theo tôi được biết, Học viện Liên dòng Nữ cũng có sự hiện diện đáng kể của các tu sĩ thuộc các dòng mới đến Việt Nam những năm gần đây. Việt Nam ra như một thị trường sôi động cung cấp ơn gọi cho những dòng tu nước ngoài vốn đang khát ơn kêu gọi!

Còn đối với các Dòng quốc tế đã hiện diện trước năm 1975 tại Việt Nam hay các Dòng thuộc giáo phận thì sao? Số ơn gọi gia tăng đáng kể bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Sau 30 năm, tình hình ơn gọi của một số dòng thủ cựu và dòng giáo phận bắt đầu có dấu hiệu suy giảm nhưng không đáng kể. Ít là trong vòng 10 năm chúng ta vẫn còn có thể lạc quan với nhận định của các Bề trên Thượng cấp: ơn gọi tại Việt Nam vẫn còn dồi dào, chưa phải là điều đáng lo đối với các dòng tu.

Số ơn gọi gia tăng cũng đặt ra vấn đề đào tạo đối với các dòng tu. Những năm gần đây, hội dòng nào cũng phải mở rộng cơ sở để đáp ứng cho việc đào tạo. Đối với các dòng nữ, việc tiếp nhận và chuẩn bị ơn gọi kéo dài nhiều năm trước khi vào nhà tập. Ngoài những môn học trong dòng, các em được tạo điều kiện cho việc học hành ở bên ngoài, nhất là những lãnh vực chuyên môn nhằm cho sứ vụ tông đồ của dòng sau này. Ở trong nhà dòng, các em tuy phải giữ kỷ luật hơn ở ngoài, nhưng lại có một môi trường tốt để học tập, nhất là đối với các em vốn có hoàn cảnh khó khăn.

Về việc đào tạo giai đoạn học viện: Những năm gần đây ta cũng thấy có sự hợp tác rộng rãi hơn giữa các hội dòng để mở ra học viện liên dòng, đáp ứng việc đào tạo triết học và thần học cho các tu sĩ trẻ. Các Dòng lớn và thủ cựu, như Phanxicô, Đa Minh, Chúa Cứu Thế, Don Bosco, Dòng Tên đều có học viện riêng, và cũng sẵn sàng đón tiếp nhiều sinh viên của các dòng tu khác đến học tập. Đơn cử Trung tâm Học Vấn Đa Minh tại Gò Vấp của chúng tôi có khoảng 40 hội dòng gửi sinh viên đến học. Các đan sĩ Xitô cũng có học viện đào tạo riêng. Gần đây hơn, Học viện Công giáo đi vào hoạt động cung cấp việc đào tạo cử nhân và trên cử nhân, cả nam tu lẫn nữ tu đều có thể tham gia. Về việc đào tạo tri thức thánh khoa cho tu sĩ, ta có thể tạm an tâm với những điều kiện mà các hội dòng đang có tại Việt Nam. Hơn nữa, hiện nay các hội dòng cũng thể dễ dàng gửi người du học nước ngoài, việc đi lại thuận tiện không còn gặp phải trở ngại gì về chuyện xuất cảnh như trước đây nữa.

Cha đặc trách liên tu sĩ giáo phận đề nghị tôi trình bày về “những thách đố trong việc đào tạo ơn gọi”, nhưng từ nãy đến giờ xem ra tôi lại chỉ đề cập đến những thuận lợi của việc đạo tạo ơn gọi thôi. Liệu có khó khăn gì không đối với việc đạo ơn gọi tại Việt Nam hôm nay? Tôi muốn bước sang điểm thứ hai.

II. Những cơ hội và những thách đố

1. Đâu là những động lực của ơn gọi?

Những điều tôi vừa trình bày ở trên vừa là cơ hội mở ra cho các bạn trẻ theo đuổi ơn gọi, nhưng cũng chính những cơ hội ấy có thể gây nên những ngộ nhận khiến người trẻ có những động lực theo đuổi ơn gọi không phù hợp. Những hoàn cảnh thuận tiện tạo ra những cơ hội chọn lựa, và nhu cầu tìm kiếm của bản thân được đáp ứng, những ứng sinh trẻ cảm thấy đời tu như thế là yên ổn, và không cần phải đặt lại vấn nạn về động lực ơn gọi của mình. Trong khi đó Huấn thị “Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các hội dòng” do Bộ tu sĩ ban hành năm 1990, đặc biệt chú trọng đến sự phân định những động lực ơn gọi của ứng sinh, và nếu cầu thiết phải có những thanh lọc và uốn nắn.

“Có lẽ, nhất là tại một số nước, các ứng sinh nam nữ xin vào đời tu là để, một cách có ý thức không nhiều thì ít, tìm được sự thăng tiến về mặt xã hội và có được một tương lai bảo đảm; một số khác lại coi đời tu như là nơi lý tưởng cho việc dấn thân có tính cách ý thức hệ để hoạt động cho công bằng. Sau cùng, một số khác với đầu óc khá bảo thủ, lại tìm ở đời tu một nơi để gìn giữ đức tin của mình một cách an toàn, giữa một thế giới bị coi là thù địch và hư hỏng. Những động lực trên cho thấy mặt trái của một số giá trị, và đòi phải được thanh lọc và uốn nắn lại.”

Những động lực ơn chưa đúng đắn Bộ tu sĩ đề cập trên đây có thể xem là một sự tìm kiếm những đáp ứng cho nhu cầu của bản thân:

  1. tìm kiếm sự bảo đảm cơ bản về vật chất;
  2. tìm kiếm sự yên ổn cho bản thân;
  3. tìm kiếm địa vị xã hội;
  4. cuối cùng, tìm kiếm cơ hội để thể hiện khả năng.

Cả 4 điểm này ta thấy không nhiều thì ít có nơi những người trẻ khi họ chọn lựa ơn gọi. Theo tôi một trong những khó khăn nhất hiện nay của việc đào tạo ơn gọi là đồng hành để giúp các ứng sinh trẻ thành thật nhận diện những động lực sâu xa thúc đẩy họ theo đuổi ơn gọi. Thông qua đào tạo và huấn luyện, ứng sinh sẽ phải có những định hướng phù hợp và đúng đắn hơn trong việc chọn lựa ơn gọi của mình. Một động lực ơn gọi đúng đắn hoặc được uốn nắn cho đúng đắn là điều kiện thiết yếu và trước hết để ứng sinh dần dần định hình căn tính của mình bằng việc tuần tự và tự nguyện đáp ứng những đòi hỏi căn bản của đời tu.

2. Người trẻ tìm đến với ơn gọi

Nếu trước đây, ít là 30 năm trước vào đầu thập niên 90, theo kinh nghiệm riêng và cũng là quan sát của tôi, những người trẻ thường biết đến ơn gọi thường thông qua các chứng tá, tức là các tu sĩ sống và làm việc trong các môi trường giáo xứ. Việc tiếp xúc với các tu sĩ có cơ hội cho các bạn trẻ trực tiếp đưa ra những thắc mắc: Thầy đi tu dòng nào? Tại sao thầy đi tu? Tại sao thầy đẹp trai vậy mà lại không ai yêu!? v.v.. Có thể câu trả lời sẽ không thoả đáng, nhưng chính lối sống và công việc phục vụ của tu sĩ ấy như một chứng tá thôi thúc người trẻ muốn dấn thân tìm hiểu sâu hơn về ơn gọi. Hoặc một cách khác, các bạn trẻ trước đây biết đến các dòng tu thông qua các tu sĩ có gốc ở giáo xứ của mình. Ở giáo xứ có người đi tu, rồi kéo theo nhiều bạn trẻ nữa đi tu cùng một dòng. Việc nhận biết ơn kêu gọi của mình thường sẽ phải nhờ đến những người đi trước dẫn dắt, và thông qua sự khích lệ của gia đình, của người thân và với những dấu chỉ khác nữa, bạn trẻ ấy sẽ quyết định theo đuổi ơn gọi.

Ngay hôm nay, các bạn trẻ tiếp cận thông tin về các dòng tu dễ dàng hơn rất nhiều. Vào Chúa Nhật IV Phục sinh, Lễ Chúa Chiên Lành, hầu như các giáo xứ đều có giới thiệu ơn gọi, thậm chí rất rầm rộ và hoành tráng. Các dòng tu được mời về giáo xứ, lễ thiếu nhi có cả “thời trang” áo dòng để giới thiệu ơn gọi. Ơn gọi cũng được giới thiệu bằng việc in ấn và phát hành tờ rơi hoặc qua phương tiện internet. Riêng đối với dòng tu mới đến Việt Nam, các cha xứ thường tạo điều kiện để các tu sĩ có thể giới thiệu ơn gọi và phổ biến các thông tin về dòng đến với các bạn trẻ ở giáo xứ bất cứ lúc nào. Ta không thể phủ nhận mặt tích cực của việc phổ biến rộng rãi thông tin về các dòng tu, cũng như tạo nhiều cơ hội cho các bạn trẻ tìm hiểu ơn gọi và chọn lựa linh đạo.

Nhưng sự thuận tiện của việc tìm kiếm thông tin ấy có thể dẫn đến nguy cơ là các ứng sinh xác định ơn gọi có thể giống như người ta đi vào siêu thị để chọn lựa cho mình những món hàng. Biết được thương hiệu của món hàng mình cần, hoặc nghĩ là sẽ cần, thông qua quảng cáo, tiếp đến người tiêu dùng vào siêu thị để trực tiếp cầm món hàng ấy trên tay, xem xét các thông tin được in ấn trên bao bì, ướm thử khả năng tài chính và quyết định mua hay không mua món hàng ấy. Và nếu có mua, cũng chỉ để dùng thử, thấy ưng ý, dùng được thì sẽ tiếp tục mua sản phẩm với thương hiệu ấy, bằng không thì chọn một thương hiệu khác. Việc tìm kiếm ơn gọi của người trẻ có thể diễn ra một tiến trình tương tự như sau:

  1. xác định nhu cầu bản thân,
  2. và rồi tìm kiếm những dòng tu khả dĩ thoả mãn những nhu cầu mà người trẻ ấy hướng đến.

Có nhiều cơ hội chọn lựa ơn gọi hơn cũng có thể khiến cho việc quyết định theo đuổi đời tu sẽ trở nên như cách người ta chọn lấy một nghề nghiệp để kiếm sống hay chọn một môi trường để thăng tiến địa vị xã hội, chứ không còn là sự đáp trả tiếng Chúa, sống ơn gọi Kitô hữu với những đòi hỏi của đời tu theo một linh đạo riêng biệt. Việc theo gia nhập các dòng tu thủ cựu cho ứng sinh có những cơ hội hoạt động tốt tại Việt Nam, theo đuổi ơn gọi các dòng tu mới cho ứng sinh nhanh chóng có những cơ hội mang tầm vóc quốc tế. Ta cũng biết Việt Nam hiện đang là thị trường xuất khẩu lao động đầy sôi động và điều ấy cũng sẽ tác động không nhỏ đến việc người trẻ chọn lựa ơn gọi để có những cơ hội sống ở nước ngoài.

3. Một cách hiểu hàm hồ về sứ vụ

Trước đây, đời sống tu trì, theo tu đức cổ truyền, nhấn mạnh đến tính chất nội vi, đặt nặng việc khổ chế, hy sinh, từ bỏ, kinh nguyện, vâng phục, v.v.. Đời tu được gọi là bậc trọn lành, theo chiều hướng “tu thân tích đức.” Đời tu bao hàm một sự từ bỏ một cách anh hùng nhiều thứ của một đời sống bình thường, và vì lẽ đó những người sống đời tu thường được người ta xem trọng, nể vì. Việc đi tu, do đó, rất có thể do sự định hướng của cha cha mẹ, nhằm đến danh giá của gia đình, của dòng tộc. Có thể ta cho rằng động lực đời tu như thế là chưa thực sự đúng đắn. Nhưng ta cũng phải thừa nhận rằng, sự danh giá bản thân tu sĩ hay gia đình của họ có được luôn phải đánh đổi bằng một sự hy sinh, từ bỏ nhiều thứ. Một tu sĩ phải sống nghiêm túc đời tu, phải tuân giữ kỷ luật, thì mới được dân chúng kính trọng. Nếu tu sĩ có lỗi phạm nào, nhất là lỗi lời khấn khiết tịnh, thì không chỉ bản thân tu sĩ ấy, mà cả người nhân của đương sự cũng bị đàm tiếu, chê bai.

Đời tu theo quan niệm cổ truyền, dù là của những dòng hoạt động, vẫn mang tính chất xa cách đời. Các tu sĩ các dòng hoạt động, trừ phi vì sứ vụ, hạn chế việc gặp gỡ tiếp xúc với người đời. Ra ngoài tu sĩ vẫn phải mặc áo dòng, hoặc ít là phải ăn mặc nghiêm túc. Trước đây, việc các tu sĩ ra ngoài gặp gỡ, cà phê, thuốc lá, hay uống rượu bia với dân chúng thì chắc là không thể được chấp nhận. Nếu các tu sĩ, linh mục được mời dự tiệc thì cũng sẽ có bàn riêng và ăn riêng, chứ không thể cầm ly chạy khắp nơi trong phòng tiệc.

Ngày hôm nay, đời sống tu trì có vẻ nhấn mạnh đến chiều kích sứ vụ nhiều hơn là chiều kích tu trì. Kỷ luật đời tu, nhất là với những dòng hoạt động, ngày càng nới lỏng, ít đòi hỏi như trước đây. Thậm chí các tu sĩ vào trong dòng tìm thấy được một nơi chốn để sống an nhàn hơn, thoải mái hơn, tự do hơn so với đời sống bên ngoài. Những gì tu sĩ tuyên hứa từ bỏ, thậm chí vẫn có thể thử nếu muốn, vì đời sống nội vi không còn chặt chẽ như trước đây, trong khi các hoạt động tông đồ cho họ những cơ hội thuận tiện.

Các dòng tu hôm nay khi giới thiệu ơn gọi cũng thường nhấn mạnh đến các hoạt động sứ vụ của dòng, và như thế những điều kiện đáp ứng sứ vụ cũng được đặt nổi hơn so với những đòi hỏi chung cho một đời sống tu trì toàn diện. Và dường như vô tình tạo ra nơi người trẻ động lực tìm kiếm ơn gọi nhằm đến một công tác tông đồ phù hợp với khả năng, một cơ hội để thể hiện bản thân với những hoạt động. Sự dấn thân cho sứ vụ có nguy cơ không con là sự dấn thân đúng nghĩa, theo Đức Kitô để phục vụ ơn cứu độ tha nhân.

Ta cũng thấy các bản văn gần đây của huấn quyền về đời tu thường làm nổi bật tính chất ngôn sứ của đời tu. Đức thánh cha Phanxicô cũng thường hay nhấn mạnh đến việc các Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ phải lên đường cho sứ vụ, chứ không thể khép kín với những sinh hoạt nội bộ. Ta có thể đơn cử những lời của Đức thánh cha trong thư gửi những người sống đời thánh hiến nhân dịp Năm thánh 2013 như sau:

“Anh chị em đừng khép lại trong chính mình, đừng để mình bị ngột ngạt với những chuyện lẩm cẩm trong nhà, đừng bị giam hãm trong những vấn đề nội bộ. Những vấn đề này sẽ được giải quyết nếu anh chị em đi ra ngoài để giúp những người khác giải quyết những vấn đề của họ và loan báo Tin Mừng. Anh chị em sẽ tìm thấy sự sống khi ban phát sự sống, tìm thấy hy vọng khi ban phát hy vọng, tìm thấy tình thương bằng cách yêu thương.” (II.4)

Thật ra, tính chất ngôn sứ của đời tu mà các bản văn huấn quyền hay Đức thánh cha đề cập tới luôn bao hàm cả ba chiều kích: lời rao giảng, hoạt động tông đồchứng tá đời sống. Có một nguy cơ lớn là tính ngôn sứ của đời tu thường được đồng hoá với các hoạt động tông đồ. Chứng tá của đời sống không được nhấn mạnh nữa, và vì thế những đòi hỏi của một đời tu theo lối cổ truyền như kỷ luật, khổ chế, kinh nguyện, v.v., cũng giảm thiểu, thậm chí bị xem nhẹ. Như một tâm thức chung, người ta đánh giá tu sĩ theo tiêu chuẩn hiệu quả tông đồ, hơn là lưu tâm đến một đời sống tu trì thánh thiện và đạo hạnh. Ngày hôm nay, người giáo dân cũng dễ dàng bỏ qua những lỗi phạm cho các tu sĩ, thậm chí cả những “bê bối”, miễn sao tu sĩ ấy có thể làm việc tông đồ hiệu quả. Hoạt động tông đồ mà không song hành với sự tăng trưởng của một đời sống tu trì toàn diện, hoạt động tông đồ ấy có nguy cơ biến thành một công việc thuần tuý. Một nhân viên thậm chí vẫn có thể làm tốt những công việc của công ty, trong khi người ấy đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng của cá nhân hay gia đình. Cuộc sống của anh ta và nhiệm vụ trong công ty có sự tách biệt. Nhưng một người sống đời tu thì không thể như thế, chứng tá của đời sống không thể tách ra khỏi hoạt động sứ vụ.

III. Xây dựng căn tính đời tu

(Điểm cuối cùng này xin nói vắn tắt)

“Mục đích đầu tiên của việc huấn luyện là giúp các thỉnh sinh cũng như các khấn sinh trẻ trước tiên khám phá, rồi thủ đắc và đào sâu căn tính của tu sĩ. Chỉ trong những điều kiện đó, người hiến dâng mình cho Thiên Chúa mới hội nhập vào thế giới như một chứng nhân đầy ý nghĩa, hữu ích và trung thành.” (Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các hội dòng, số 6).

Cha Timothy Radcliffe từng đề cập đến một sự khủng khoảng căn tính của con người hôm nay, và nó đang xảy ra ở mức độ toàn toàn cầu. Ta có thể đọc thấy những cảnh báo này của cha tuy đã khá lâu trước đây nhưng vẫn còn mang tính thời sự, trong các bài nói chuyện về đời tu như: “Ơn gọi tu trì: Từ bỏ những dấu chỉ căn tính quen thuộc” (1996) “Con gấu và chị đan sĩ” (1998). Đâu là chỗ đứng của tôi trong thế giới toàn cầu hôm nay? Theo đuổi sự nghiệp, xây dựng gia đình, có địa vị xã hội, có tiền của để hưởng thụ cuộc sống, v.v.. có thể xác định cho tôi một căn tính: Tôi là ai? Thông thường có hai khuynh hướng: 1/ “cái tôi” đòi hỏi một sự độc lập, duy nhất và khác biệt; 2/ “cái tôi” mặc nhiên tuân theo một lối sống được xã hội thừa nhận.

Lựa chọn lối sống tu trì cũng là một cách thức tìm kiếm và xây dựng căn tính: Tôi là ai? Nhưng có một sự khác biệt lớn, căn tính tu trì của tôi không phải do tôi quyết định, cũng không phải được định hình bằng hội dòng mà tôi chọn lựa. Lựa chọn lối sống tu trì có nghĩa là đáp trả lời mời gọi bước vào trong tương quan với Thiên Chúa. Quy chiếu vào khuôn mẫu Đức Kitô, sự đáp trả tiếng gọi từ trên cao định hình căn tính của tôi, làm cho tôi mỗi ngày trở thành là chính tôi hơn.

Cha Amadeo Cencini, một đan sĩ người Ý, là người có thâm niên trong lãnh vực đào tạo ơn gọi, đề xướng một tiến trình xây dựng căn tính đời tu với 3 bước. Ngài dùng 3 từ latinh: educare, formaretransformare để diễn tả một cách cô đọng ý nghĩa của 3 bước này:

– Thứ nhất, educare – giáo dục : nhấn mạnh đến sự soi sáng để ứng sinh nhận ra cái tôi thật của mình, đâu là những động lực ơn gọi, đâu là những điểm mạnh, điểm yếu của mình, đâu là những gì còn ẩn khuất, sâu kín trong nội tâm. Có nhiều phương pháp sư phạm để soi sáng cho ứng sinh biết chính mình, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là yếu tố Lời Chúa và đời sống cầu nguyện.

– Thứ hai, formare – huấn luyện : nhấn mạnh đế việc uốn nắn, định hình theo khuôn mẫu. Mà khuôn mẫu của đời tu là chính Đức Kitô. Người tu sĩ bắt chước, học theo Đức Kitô từ thái độ, lời nói, cách hành xử đối với tha nhân và sứ vụ. Sự bắt chước này đòi hòi những nỗ lực đáng kể, thậm chí ứng sinh chỉ cảm thấy bó buộc như một bổn phận phải làm, chứ chưa cảm nhận được ý nghĩa sâu xa.

– Thứ ba, transformare – biến đổi : tức là để cho tư tưởng, ước muốn và hành động của mình trở nên một, đồng nhất với tư tưởng, ý chí và hành động của Đức Kitô, như thánh Phaolô nói: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Ga 2,20). Một khi đã có sự hoà nhập này với Đức Kitô, mọi hành động của tu sĩ không còn phải là sự cố gắng nữa, mà đã trở thành nhân đức.

Xét về mặt sư phạm, nhất là ở giai đoạn đào tạo sơ khởi, tiến trình này phải diễn ra theo trật tự như trên. Nếu ứng sinh không có giáo dục để nhận biết, khám phá chính mình, thì sẽ không thể hoặc không có động lực huấn luyện – bắt chước Đức Kitô, và lại càng không thể biến đổi để trở nên một với Đức Kitô.

IV. Để kết : Đời tu – một hành trình phó thác

Việc đào tạo đời tu không chỉ dành cho các ứng viên ở giai đoạn đào tạo sơ khởi. Các văn kiện đời tu gần đây của Giáo hội nhấn mạnh đến việc thường huấn. Đào tạo tu trì là một tiến trình suốt đời đối với mỗi tu sĩ. Do đó khi nêu ra những khó khăn trong việc đào tạo các ứng sinh trẻ, có lẽ những tu sĩ trưởng thành cũng thấy ít nhiều đang phải đối diện với những khó khăn ấy: những động lực đời tu thiếu lành mạnh, tìm kiếm những cơ hội nhằm đáp ứng nhu cầu của bản thân, khuynh hướng muốn được thể hiện mình qua những hoạt động sứ vụ, v.v..

Cuối cùng, việc đào tạo trường kỳ và lý tưởng như cha Cencini đề ra: khám phá chính mình, bắt chước Đức Kitôbiến đổi nên giống Người quả là một thánh đố không nhỏ đối với chúng ta. Tác nhân chính yếu của công cuộc đào tạo này luôn là Chúa Thánh Thần. Các môn đệ ngỡ ngàng, sửng sốt khi Đức Giêsu nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Nhưng ngay lập tức Người trấn an các ông: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được.” Hành trình đời tu vẫn luôn là một hành trình phó thác trong bàn tay Thiên Chúa.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com