[CN08TN-C] Đức Kitô – Đấng Làm Người Và Dạy Chúng Ta Làm Người

03-03-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1168 lượt xem

(Hc 27,4-7; 1Cr 15,54-58; Lc 6,39-45)

Là một hữu thể có lý trí, con người không ngừng khám phá thế giới chung quanh mình và cũng muốn mỗi ngày hiểu rõ về chính mình hơn. Ở một đền thờ bên Hy Lạp, người ta có khắc câu nói nổi tiếng của nhà thông thái Hy Lạp cổ đại “Hãy biết mình”. Hiểu biết về chính mình như là một khắc khoải, đồng thời là một thách đố đối với con người.

Các triết gia đặt ra những vấn nạn siêu hình về con người và cố gắng tìm kiếm câu trả lời cho chúng. Các nhà tâm lý học đề ra những lý thuyết tâm lý nhằm giúp con người hiểu về chính mình. Các nhà sinh học giúp cho con người ngày càng hiểu biết hơn về sự sống thể lý của mình, v.v.. Nhưng dù có nhiều cố gắng suy tư và nhiều tiến bộ về khoa học, con người cho đến nay vẫn luôn là một ẩn số đối với chính mình, một huyền nhiệm chưa thể khám phá hết.

Trên bình diện cá nhân, những gì ta biết về chính mình thật nhỏ nhoi và giới hạn. Thử hỏi có ai tự biết về thời ấu nhi của mình! Điều mà ta biết được chẳng qua nhờ người thân kể lại, nhưng cũng chỉ là chút ít. Con người “biết mình” là một việc rất khó, đặc biệt là việc khám phá nội tâm của mình. Có lẽ điều khó khăn nhất đối với mỗi người là tự nhận biết về những giới hạn của mình. Nhưng có một điều rất lạ là: ta không dễ dàng nhận biết những giới hạn của mình, trong khi lại rất tinh ý để chỉ ra những khuyết điểm của người khác.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cho chúng ta hình ảnh “cái xà”“cái rác” để nói đến một sự tương phản, một khoảng cách rất lớn giữa việc ta nhận ra những tệ hại, xấu xa của bản thân mình, với việc ta nhận biết và phê phán lỗi lầm của người khác. Có lẽ không có gì làm thoả mãn tính ích kỷ của con người ta cho bằng vạch ra được sai lầm của người khác. Phê bình khuyết điểm của người khác rất thường được núp bóng dưới danh nghĩa xây dựng con người, củng cố tập thể, chấn chỉnh trật tự, phòng ngừa hậu quả, v.v..

Thật ra, việc phê phán khuyết điểm của người khác không phải là một cách thế hay để xây dựng con người hoàn thiện. Bởi vì, ta không thể nhìn thấy hết được mọi khía cạnh của vấn đề, mà thường chỉ phê phán từ một quan điểm đó, hay giới hạn vào một khía cạnh nhỏ nào của vấn đề mà thôi. Những nhận định của chúng ta về người khác, nhất là về những lỗi lầm, khuyết điểm của họ thường hay rất chủ quan và thiên kiến. Khuynh hướng tâm lý khi bản thân có một khuyết điểm nào, và thường xuyên bị ám ảnh về nó, thì người ta rất dễ nhận ra giới hạn đó nơi người khác. Rất nhiều khi những phê phán, chỉ trích khuyết điểm người khác phát xuất từ một vô thức sâu xa nào đó trong con người mình mà ta hoàn toàn không hay biết.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã đưa ra cho chúng ta một lời khuyên trong cách đối xử với anh chị em mình: “Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ để lấy cái rác trong con mắt người anh em.” Việc giúp tha nhân nhận ra khuyết điểm là điều cần làm, nhưng phải bắt đầu bằng việc tự nhận ra những giới hạn, khiếm khuyết của bản thân trước. Bằng cách đó, ta sẽ trở nên khiêm tốn hơn, và cư xử bác ái hơn, nhất là trong những phê bình, góp ý cho người khác.

Nhưng làm thế nào ta có thể biết mình, nhất là tự biết những giới hạn của mình, nhờ đó mà có bước tiếp theo là trợ giúp người khác nhận biết bản thân?

“Biết mình” là một tiến trình làm người mỗi ngày. Việc biết mình không thể tách rời với biết Thiên Chúa. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết về chính Người và biết về chính chúng ta. Con người có nguồn gốc từ Thiên Chúa và quy hướng về Người như cùng đích của mình. Chúng ta không thể tự biết mình đã “làm người” hay chưa, trừ phi có người dẫn đường và có một khuôn mẫu để chúng ta quy chiếu. Ta không thể là điểm quy chiếu cho chính mình và cũng không là khuôn mẫu quy chiếu cho người khác được. Chỉ có Đức Giêsu, Đấng vừa là con đường vừa là khuôn mẫu chung cho tất cả chúng ta trong tiến trình khám phá và hoàn thiện bản thân mình. Nếu chúng ta có noi gương các thánh, thì cũng là vì các thánh đã sống theo gương mẫu Đức Kitô. Thánh Phaolô nói các tín hữu Côrintô: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô” (1Cr 11,1).

Đức Kitô không chỉ là vị Thầy của quá khứ đã để lại giáo huấn và mẫu gương cho nhân loại trong “tiến trình thành nhân”, hơn nữa Người vẫn đang sống và đồng hành với những người tin. Lời của Đức Kitô trong Tin Mừng không chỉ là lời giáo huấn của một vị Thầy quá khứ được ghi chép lại, mà còn là lời của Đức Kitô sống động đang nói với các tín hữu. Và các bí tích Hội thánh cử hành là hành động của Đức Kitô Phục sinh ban ân sủng đang đồng hành với nhân loại.

Bằng Lời Chúa, Đức Kitô soi sáng cho chúng ta hiểu về chính mình, nhất là nhận ra những giới hạn của mình. Bằng ân sủng của các bí tích, Đức Kitô trợ giúp chúng ta chấp nhận thực tại của bản thân mình. Tiến trình hoàn thiện mỗi ngày để sống đích thực là mình hơn, không thuần tuý căn cứ vào những nỗ lực của bản thân để sửa mình, mà là một sự cộng tác với ân sủng của Chúa. Để cho tư tưởng, ước muốn và hành động của mình được hoà theo tư tưởng, ý chí và hành động của Đức Kitô, chúng ta sẽ trở nên hoàn thiện mỗi ngày. Tiến trình hoàn thiện bản thân với sự đồng hành của Đức Kitô, giúp chúng ta vượt qua được cái xà trong mắt mình, và cũng trở hữu ích với tha nhân bằng cách giúp họ bước theo Đức Kitô. Không phải chúng ta có khả năng giúp người khác nhận ra cái rác trong mắt họ, mà là chính Đức Kitô đồng hành và trợ giúp người anh em ấy.

Xin cho chúng ta mỗi ngày mỗi gắn bó với Đức Kitô để trở nên người hơn, và cùng đồng hành với anh chị em mình trong ơn gọi làm người.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com