[CN Lễ Lá – A] Thập Giá – Niềm Hy Vọng Cứu Độ

07-04-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2046 lượt xem

Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14 -27,66

Với Chúa Nhật Lễ Lá, Giáo hội bước vào Tuần thánh, cao điểm của năm Phụng vụ mừng mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô. Hình ảnh Người Tôi Trung đau khổ của Giavê, được Isaia khắc hoạ trong bài đọc thứ nhất loan báo và làm sáng tỏ mầu nhiệp tử nạn của Đức Kitô được thánh Mátthêu thuật lại trong bài Tin Mừng. Đức Giêsu đã chết trên Thập giá, nhưng cái chết không phải là điểm kết thúc. Ngang qua Thập giá, Đức Kitô biểu lộ thiên tính và quyền năng cứu độ của Người, như thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai.

Sống kiếp nhân sinh, con người luôn phải đối diện với vấn nạn sự dữ, đau khổ và cái chết. Người ta cố gắng đi tìm lời giải đáp: Đau khổ từ đâu mà ra? Liệu có có cách nào thoát khỏi đau khổ không? Tại sao con người phải chết? Kết thúc cuộc sống trần gian này rồi, con người đi về đâu? Có những đau khổ do những tai ương bất ưng xảy đến khiến người ta không thể tránh được đành phải chấp nhận. Nhưng cũng có những đau khổ do chính con người gây ra cho bản thân và cho người khác. Hằng ngày trên những phương tiện truyền thông, ta đọc thấy những tin tức chiến sự, xem thấy những bạo lực xảy ra khắp nơi trên thế giới, hay những vụ giết người vì tiền, hãm hại lẫn nhau vì ghen tương, đưa nhau ra toà vì tranh chấp của cải, v.v.. Đối với những đau khổ loại này, con người có thể làm chủ bản thân để tránh gây ra cho nhau.

Đau khổ, sự chết luôn là một mầu nhiệm, con người không thể dùng lý trí để hiểu thấu. Chính Đức Giêsu cũng không đưa ra một giải thích rốt ráo cho vấn đề đau khổ. Bằng cách đón nhận những đau khổ, những bất công do con người gây ra vào chính bản thân mình, trên Thập giá Đức Giêsu thực hiện cuộc cách mạng hoá giải hận thù và mang đến cho con người ơn giải thoát.

Khi Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng, đông đảo dân chúng đi theo Người. Họ mong chờ Người mang đến sự giải thoát khỏi những khổ đau của kiếp người do bệnh tật, nghèo đói, bất công, v.v.. Thế rồi, chính Đức Giêsu xem ra đã để cho đau khổ đè bẹp, chấp nhận bị nộp vào tay người đời, bị kết án như một tử tội và chết trên Thập giá: “Người lại kêu lên một tiếng lớn, rồi trút linh hồn” (Mt 27,50). Vậy, niềm hy vọng của những môn đệ Đức Giêsu đặt ở chỗ nào?

Câu trả lời nằm ở cách thức Người đối diện với đau khổ, và nhất là cuộc chiến thắng sự chết của Người vào ngày Phục sinh. Trong cuộc xử án bất công đưa đến cái chết của Người, Đức Giêsu đã không dùng sức mạnh của Thiên Chúa ban, để khuất phục những kẻ làm điều ác. Trong vườn Cây Dầu, Đức Giêsu yêu cầu những kẻ đi theo “hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52). Dùng bạo lực để đáp trả bạo lực, đó là cách thức thông thường con người đối xử với nhau. Đó cũng là một trong những cám dỗ đối với Đức Giêsu khi bắt đầu sứ vụ, – cám dỗ vận dụng sức mạnh Thiên Chúa ban để thực hiện công trình cứu độ: “Nếu ông là con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi… ” (Mt 4, 5). Cũng chính những lời cám dỗ ấy của Xatan được lặp lại với Đức Giêsu khi Người chịu treo trên Thập giá: “Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!” (Mt 27,42).

Đức Giêsu đã không đáp ứng theo sự thách thức của những kẻ gây ra bất công, không minh chứng  quyền năng Thiên Chúa bằng một hành động biểu lộ sức mạnh phi thường – “xuống khỏi Thập giá.” Ngược lại, vâng phục thánh ý Chúa Cha, Đấng chịu đóng đinh trên thập giá cho thấy lời của ngôn sứ Isaia đã nên ứng nghiệm nơi bản thân Người:

“Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.”
(Is 50,6)

Nhờ liên đới với con người trong đau khổ, Đức Kitô đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ – “nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức” bởi những đau khổ nơi thể xác và trong tâm hồn. Nhập thể làm người, Con Thiên Chúa đã đón nhận cả những đau khổ của kiếp nhân sinh, kể cả chết như một con người. Tác giả Thư Hípri nói: “Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện… Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Hr 2,18).

Ngang qua Thập giá, Đức Giêsu chỉ cho con người cách thức đối diện với đau khổ, với bạo lực và hận thù. Người đã tha thứ cho kẻ làm hại mình: “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Người đã hành động đúng như giáo huấn Người đã từng giảng dạy: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6,27-28). Tuân theo gương mẫu và giáo huấn của Thầy Chí Thánh, thánh Phêrô đã đưa ra lời khuyên nhủ cho các Kitô hữu: “Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc.” (1Pr 3,8).

Ngang qua Thập giá, Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết và ban ơn công chính cho những ai đặt niềm tin vào Người. Thánh Phaolô nói về mầu nhiệm cứu độ này như sau: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,21). Ơn công chính trước hết là sự giải thoát con người khỏi tội lỗi, nhờ đó con người có khả năng xoá bỏ hận thù, biết tha thứ và sống yêu thương, như giáo huấn Đức Kitô đòi hỏi. Hơn nữa, ơn công chính là sự sống phục sinh của Chúa Kitô được ban tặng cho những người tin, để nhờ kết hiệp với Đức Kitô nhờ các bí tích ở đời này, chúng ta được đưa dẫn đến sự sống vinh hiển muôn đời nơi Thiên Chúa ở đời sau. Chiến thắng sự chết, đón nhận sự sống đời đời, đó là niềm hy vọng lớn lao nhất của những người tin vào Đức Kitô, những người đặt niềm hy vọng đời mình vào vào nhiệm Thập giá và Phục sinh của Người.

Những lời của thư thánh Phêrô dưới đây dẫn đưa chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm chết và phục sinh của Chúa Kitô trong suốt Tuần thánh này:

Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em,
để lại một gương mẫu
cho anh em dõi bước theo Người.

Người không hề phạm tội;
chẳng ai thấy miệng Người
nói một lời gian dối.

Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại,
chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe;
nhưng một bề phó thác
cho Đấng xét xử công bình.

Tội lỗi của chúng ta,
chính Người đã mang vào thân thể
mà đưa lên cây thập giá,
để một khi đã chết đối với tội,
chúng ta sống cuộc đời công chính.

Vì Người phải mang những vết thương
mà anh em đã được chữa lành.
(1Pr 2,21-24)

AP_7.4.2017


GLHTCG, số 654: “Trong mầu nhiệm Vượt Qua có hai khía cạnh: Đức Kitô, nhờ sự Chết của Người, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, nhờ sự Phục Sinh của Người, mở đường cho chúng ta tiến vào cuộc sống mới. Trước hết, đây là sự công chính hoá, phục hồi chúng ta trong ân sủng của Thiên Chúa, để “cũng như Đức Kitô đã được sống lại từ cõi chết…, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4). Đời sống mới này cốt tại việc chiến thắng cái chết của tội lỗi, và việc tham dự mới vào ân sủng. Đời sống mới hoàn thành ơn được làm nghĩa tử, bởi vì người ta trở thành anh em của Đức Kitô, như chính Chúa Giêsu gọi các môn đệ Người sau cuộc phục sinh của Người: “Về báo cho anh em của Thầy” (Mt 28,10). Anh em đây không phải do bản tính, nhưng do hồng ân của ân sủng, bởi vì ơn được làm nghĩa tử cho chúng ta thật sự thông phần vào sự sống của Người Con Một, sự sống đó đã được mạc khải trọn vẹn trong sự Phục Sinh của Người.”

Từ khóa: , , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com