[Chia Sẻ Tĩnh Tâm] 3. Thách Đố Trong Lời Đáp Trả

30-10-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 4052 lượt xem

Thầy coi, phần chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy,
chúng con sẽ được gì?  
(Mc 10,28)

Mc 10,17- 22.28-31

17Khi ấy, Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 18 Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” 20 Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” 21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” 22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.{…}

28Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” 29 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng,30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.31 Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”

 

Thưa Anh Em,

Bình thường con người ta làm gì cũng ít nhiều nghĩ đến cái lợi cho mình. Không lợi vật chất thì cũng lợi tinh thần. Không lợi đời này thì cũng lợi đời sau. Không lợi cho cá nhân mình, thì cũng lợi cho gia đình mình, dòng tộc mình, tôn giáo của mình, quê hương của mình…  Con người dám hy sinh bỏ cái này để được cái kia lớn hơn. Nếu biết giữ cho đúng mực, khuynh hướng này cũng không phải là xấu.

Người thanh niên giàu có trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, đã không dám bán và cho tất cả tài sản để nhẹ nhàng thanh thản bước theo Thầy Giêsu. Đối với anh ta, cái mất ở đời này lớn quá so với cái được ở tương lai. Ngược lại, các môn đệ đã bỏ gia đình và nghề nghiệp ổn định để đi theo một vị Thầy không chỗ tựa đầu, sống cuộc sống bấp bênh, vất vả, thiếu thốn.

Khi nghĩ về cuộc sống hiện tại của cả nhóm đang theo Thầy, ông Phêrô đại diện anh em đặt câu hỏi: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!”[1] Chắc hẳn là ý ông Phêrô muốn hỏi là khi bỏ mọi sự mà theo Thầy như thế, thì ông và cả nhóm sẽ được điều gì ???[2]

Thầy Giêsu không coi thường hay gạt bỏ câu hỏi này của ông Phêrô. Thầy còn muốn long trọng trả lời câu hỏi này cho cả những người ở thế hệ kế tiếp. Bất cứ ai vì Thầy và vì Tin Mừng mà bỏ những điều được coi là thiết yếu đối với cuộc sống như tương quan máu mủ: cha mẹ, anh chị em, con cái, như phương tiện để sống và sống còn: nhà cửa, ruộng đất;[3] những người ấy, ngay bây giờ, ở đời này, sẽ được gấp trăm về những điều đã mất. Hơn nữa, họ còn được sự sống vĩnh cửu ở đời sau[4], điều mà anh thanh niên giàu có mơ ước. Nhưng, Thầy cũng không giấu những bách hại đang chờ đợi họ.

Hẳn các môn đệ sau khi theo Chúa đã chẳng có thêm nhà đất, vợ con. Nhưng họ đã thuộc về một cộng đoàn rộng lớn hơn gia đình xưa của họ. Nơi cộng đoàn Kitô này, gia đình nào cũng là nhà của họ, mảnh đất nào cũng là nơi họ gắn bó thân quen như của mình. Và rõ ràng họ có nhiều anh chị em và con cái hơn xưa.

Anh em chúng ta cũng vậy, khi “từ bỏ” gia đình nhỏ bé của mình để theo Chúa trong hành trình dâng hiến, chúng ta có một gia đình rộng lớn là Giáo hội, là Hội dòng, Tỉnh dòng, là gia đình Đa Minh Việt Nam. Khi đã trở thành tu sĩ Đa Minh Việt Nam, tất cả các Tu viện, Tu xá, Cộng đoàn thuộc Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam, đều là nhà của chúng ta. Bố mẹ Anh Em, đều được gọi là bố mẹ của mình, đặc biệt là bố mẹ, anh chị em trong lớp của mình, thì anh em mình đều thân thiện gần gủi như là chính bố mẹ, anh chị em ruột thịt của mình vậy. Điều này anh cảm nhận rõ nơi lớp anh…Thật vậy, hạnh phúc đến ngay từ đời này khi con tim và vòng tay rộng mở. Hạnh phúc này chỉ là hưởng trước chút hạnh phúc đời sau.

Thế nhưng, như tâm tư của những người theo Chúa năm xưa, người môn đệ Chúa Kitô hôm nay cũng có lúc nghĩ về “cái mất”, “cái được” của việc một đời theo Thầy như thế! Phải chăng, trong số đó có tôi, có Anh Em, có chúng ta? Lắm khi chúng ta cũng giống như thánh Phêrô và các môn đệ của Chúa năm xưa: so đo tính toán, suy nghĩ được, mất, hơn, thua… khi theo Chúa.

Cũng như các môn đệ năm xưa, phần thưởng dành cho những người theo Chúa ngày hôm nay và có lẽ là mãi mãi về sau là đó là nhà cửa, ruộng đất gấp trăm, cùng với sự ngược đãi của thế gian, và sự sống đời đời.[5] Sự ngược đãi là nẻo đường thập giá mà Thầy Giêsu đã trải qua. Người môn đệ của Thầy thì phải đi con đường thầy đi, chứ không có con đường nào khác.[6] Như thế, nẻo đường thập giá và sự từ bỏ phải chăng là thách đố lớn cho những người dấn bước theo Thầy Giêsu hôm qua, hôm nay và mai ngày?

Thuở nào Ngài đã yêu tôi.
Còn yêu đến mãi muôn đời chưa xong.
Tim tôi nghe ngọt nắng hồng.
Tôi con chim sẻ nửa đồng xu teng.
Xa xưa tôi đó mọn hèn,
Mong manh mảy bụi nhỏ nhen chưa bằng.
Xưa tôi chẳng nói chẳng rằng,
Vô thanh vô sắc, lăng băng cõi nào.
Thương tôi Chúa đã gọi vào
Ô hay, hiện hữu, xiết bao lạ lùng !
Yêu từ vô thủy vô chung,
Chúa ơi nói mấy cho cùng tri ân.
Nợ thương tự nhúm vi trần,
Nợ thương đến cả bản thân tôi này.
Lấy chi đáp nghĩa cao dày,
Chúa ơi,
Gởi chút lễ gầy làm tin.[7]

1. Tình chỉ đẹp khi còn dang dở…

Đó là câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Hồ Dzếnh. Ở đây tác giả không nói đến một mối tình “tan vỡ !” mà chỉ “dang dở” thôi, nghĩa là tình vẫn còn đó, nhưng chưa đi đến hết con đường tình. Dang dở nghĩa là vẫn còn đang yêu… cuộc tình vẫn còn đó nhưng chưa trọn vẹn. Cái dang dở, cái chưa trọn vẹn nối kết những kỷ niệm đẹp, những cảm xúc với những mơ mộng làm sống lại cuộc tình trong tâm tưởng làm cho “người ấy” như đang yêu… như thuở nào. Cái thuở đẹp nhất của tình yêu!

Và ở đây, người thi sĩ vì sợ cái thực tế (có thể) phủ phàng…nếu “vẹn câu thề”, biết  “nó” còn đẹp như xưa, như thuở đang yêu đó hay không?

Nếu tình yêu trọn vẹn, người ta sẽ dễ dàng quên đi những kỷ niệm trong thời yêu đương. Còn khi tình dang dở, những kỷ niệm yêu đương sẽ day dứt khôn nguôi, người ta sẽ luôn nhớ nhau hoài, chính vì thế mà tình yêu ban đầu thường làm cho người ta lưu luyến và khó phai mờ theo năm tháng.

Có lẽ nẻo đường dấn bước theo Thầy Giêsu của các môn đệ, cách riêng của anh em chúng ta cũng thế!

Khi mới chập chững bước theo Chúa, mới khám ra hành trình đời tu, chúng ta thấy nó đẹp và lý tưởng. Chẳng hạn, ngày hôm nay Anh Em đang khao khát được trở thành người anh em Giảng thuyết, ước mong được gia nhập Tập viện, rồi mong mỏi đợi chờ ngày được Tuyên khấn Lần đầu trước sự hiện diện đầy yêu thương của cha mẹ và những người thân. Đó là nỗi phấn chấn khi được xúng xính trong bộ tu phục Đa Minh còn thơm mùi vải mới, là sự rạo rực trong bầu khí của lễ hội: nào là băng-rôn, biểu ngữ; nào là khách khứa, tiệc tùng; nào là quà cáp, thiệp mừng… Chỉ nghĩ đến là đã thấy “oai”, chỉ mượng tượng đến là đã thấy “đẹp”, là hạnh phúc, là thơ mộng, là đáng yêu rồi…

Nghĩ đến những giây phút hạnh phúc đó, chắn hẳn Anh Em sẽ thấy bao hồng ân kỳ diệu của Chúa, nhất là êm ái thay tiếng gọi của Ngài. Ngài đưa các bạn đến cổng Tu viện như người mẹ dắt con trèo lên Núi Thánh. Ôi, nẻo đường theo Chúa sao mà đẹp, sao mà lung linh sao mà rạng rỡ đến thế! Đẹp, lung linh và thơ mộng là thế!

Nhưng rồi, những cảm xúc đó cũng sẽ trôi qua; còn đó nỗi ưu tư sẽ theo chúng ta mãi trong hành trình ơn gọi. Đó là sự bấp bênh của hành trình dâng hiến, đó là những thách đố cho một lựa chọn dấn thân, đó là nỗi xuyến xao khi thấy mình yếu đuối, đó là vực thẳm cô đơn khi lao mình vào hành trình khám phá…

Khi những khát vọng ban đầu được thỏa mãn, rồi tuổi dòng tăng dần cùng với tuổi đời, nét mặt ngây thơ trong sáng, cuộc sống hồn nhiên của tuổi trẻ đã mất dần rạng rỡ, để nhường chỗ cho cách sống kỷ luật, khắc khổ chịu đựng và đương đầu với nhiều thử thách, đối diện với những áp lực của việc học hành, thi cử, sứ vụ… Khi đó, hành trinh theo Chúa sẽ không đẹp, không lý tưởng, không êm đềm như trong trí tưởng tượng của chúng ta nữa; khi đó con đường theo Chúa không còn là những thảm đỏ nhung lụa, đầy hoa thơm cỏ lạ, mà là con đường sỏi đá, gập gềnh khó qua…

Khi đó, nếu chúng ta không có niềm xác tín vào ơn gọi, không biết tin tường, cậy dựa vào tình thương của Chúa, không biết kết hiệp mật thiết với Chúa, và không gắn kết với Anh Em trong cộng đoàn, thì chúng ta dễ bị cám dỗ tháo lui, bỏ cuộc. Và khi đó, chúng ta sẽ thấy rằng, “đời không như mơ”! Có lẽ câu thơ của Hồ Dzếnh sẽ đúng với hoàn cảnh, tâm trạng của ta lúc bấy giờ.

“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã trọn câu thề”

2. … Đời mất vui khi đã trọn câu thề

Từ vế thứ hai của câu thơ nổi tiếng mà thi sĩ Hồ Dzếnh đã thốt lên:”Đời mất vui khi đã trọn câu thề,  anh nghĩ đến sự “bấp bênh” của hành trình dâng hiến.

Khi nói đến sự bấp bênh trong đời tu, anh nhớ lại những bài học “vỡ lòng” thuở mới tập tễnh bước chân vào Thỉnh viện trong môn học “Ơn gọi”. Một trong những câu từ “đắt giá” trong cuốn sách “ơn gọi” mà cha cha cố Đa Minh Chu Quang Đương, OP., biên soạn, còn vang vọng trong anh và làm anh nhớ mãi là: “Anh em phải xây dựng cái chắc chắn trên cái bấp bênh”; và cha cố rất thích thú với hình ảnh của một dàn khoan dầu, dẫu cho sự bấp bênh mênh mông của biển cả, vẫn sừng sững hiên ngang giữa biển và trơi như một lời thách thức với mưa sa, giông tố… Có lẽ Anh Em vẫn còn nhớ cuốn sách đó, nó có bìa màu đỏ…

Từ sự bấp bênh đó, ai dám chắc chắn là mình có ơn gọi? Ai biết được là mình có thể sống mãi trong nhà dòng? Sau những lần bỏ phiếu liệu mình có còn tồn tại hay không? Rồi khấn đơn, khấn lại, khấn trọng, phó tế, linh mục… mỗi lần mỗi bỏ phiếu, mỗi khảo hạch; sao mà qua nhiều cửa ải thế? Ai có thể dự đoán được gì cho tương lai phía trước hay không? .

Thưa Anh Em,

Có lẽ chúng ta không thể liệt kê hết được những nỗi bấp bênh hoài nghi như thế. Vậy chẳng lẽ trong Năm Tập này, hay nhưng tháng ngày dài của Học viện sắp tới, ta chỉ sống cầm hơi, sống cho qua, sống thử; hay dùng thủ đoạn là “nín thở qua cầu”; hoặc bi đát hơn là kéo lê cuộc sống của mình trong sự chán nản, khép kín, phòng vệ? Chúng ta được mời gọi sống hết mình trong giây phút hiện tại này. Chúa Giêsu đã đem lại cho chúng ta một liều thuốc đơn giản nhưng hữu hiệu: “Ngày nào có cái khổ của ngày đó.”[8]

Qua lời nhắc nhở trên, Chúa muốn nói với chúng ta rằng, hãy sống giây phút hiện tại, hãy sống hết mình cuộc sống chúng ta đang có. Liều thuốc tuy đơn giản, nhưng để sử dụng liều thuốc ấy cần phải luôn thức tỉnh. Bởi lẽ theo tính tự nhiên chúng ta thích sống cho tương lai và cho quá khứ hơn là hiện tại. Người ta lo lắng và sợ hãi là bởi vì người ta quá bám víu vào dĩ vãng hoặc quá hướng chiều về tương lai. Dĩ vãng có thể là một ảo ảnh, ai trong chúng ta cũng dễ dàng hướng về quá khứ để rồi hối tiếc. Dĩ nhiên quá khứ có thể giúp soi sáng cho hiện tại. Thánh Augustinô, trong cuốn Tự Thuật đã hối tiếc quá khứ khi ngài thưa với Chúa: “Quá uổng, vì đã bao năm tháng con không biết Chúa, con yêu Chúa quá muộn màn!”

Nếu cứ bám víu vào quá khứ để hối tiếc mà quên hiện tại, thì quá khứ ấy chỉ là một ảo ảnh, một thứ thuốc độc mà thôi. Nếu chỉ hướng về tương lại, thì tương lai chưa đến; rốt cuộc ta trở thành kẻ sống trên mây trên gió

Dẫu nói thế nào đi nữa thì đời sống sao tránh khỏi bấp bênh? Đứng trước sự bấp bênh của đời tu như thế, và bên cạnh là sự mời chào của một cuộc sống dường như dễ dãi hơn, tự do hơn, hấp dẫn hơn, có lẽ mỗi chúng ta không khỏi có những phút trầm tư, đắn đo hơn thiệt về việc chọn lựa của mình. Chọn lựa một công việc, hay chọn lựa một món hàng, điều ấy tương đối dễ; nhưng chọn lựa cả một hướng đi, chọn lựa cho cả một đời người, điều ấy không phải lúc nào, và không phải với ai cũng nhẹ nhàng êm thắm. Chọn lựa dấn thân trong đời tu là một cuộc chọn lựa mang tính đánh đoi, một chọn lựa đòi hỏi phải làm mới lại mỗi ngày, lột xác mỗi ngày.

Cái giá phải trả của người môn đệ đích thực của Chúa Kitô là: Từ bỏ – Vác thập giá – Bước theo Ngài. Đó chính là những thách đố cụ thể của chúng ta.

Từ sự bấp bênh của ơn gọi, chúng ta trở lại với lời thơ, tựa đề của mục chia sẻ này: “đời mất vui khi đã trọn câu thề”

Khi tình còn “dang dở” ta thấy nó đẹp, lung ling và thơ mộng làm sao, thì khi “đã trọn câu thề” rồi, chúng ta mới thấy “đời không như là mơ”. Khi những khát vọng ban đầu của ta đã đạt được, chẳng hạn, khi được mặc áo dòng, được khấn dòng, được lãnh tác vụ  phó tế, được thụ phong linh mục… có lẽ khi đó “câu thề” trong ta đã trọn. Ước vọng được “làm thầy, làm cha thiên hạ” đã thành hiện thực. Khi đó có lẽ, chúng ta hết khát vọng; cũng không cần phải cố gắng nữa, vì coi như mình đã “đạt tới đích” của ước vọng, của lý tưởng, của sự chờ mong. Một khi đã đạt được điều mình mong muốn rồi, thì rất dễ tự cao, tự phụ; hơn nữa, khi đạt được mục đích, người ta thường dễ chán nản. Vả lại, sau khi đã hoàn thành chương trình huấn luyện, chúng ta “ra trường”, thự thi sứ vụ. Trong việc thực thi sứ vụ, chúng ta sữ gặp nhiều thành phần, nhiều đụng chạm, nhiều hiểu lầm, rồi có sự khác nhau về tuổi tác, khác nhau về kiến thức, làm lắm phen sóng gió nổi lên. Rồi vì những bất hòa đó mà mỗi người cảm thấy mình lạc lõng như bị bỏ rơi, không có ai thông cảm.

Qua đó, chúng ta sẽ thấy được những thách đố trong đời sống thánh hiến:

  • Trước hết là đánh mất căn tính đời tu, không cảm thấy hứng thú với ơn gọi.
  • Tiếp đến là cảm thấy mệt mỏi và nặng nề khi phải sống và tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm.

Khi khấn vâng phục, người tu sĩ từ bỏ tự do cá nhân và ý riêng của mình để chỉ vâng lời Chúa và các bề trên mà thôi. Qua lời khấn khiết tịnh, người tu sĩ khước từ tình yêu hôn nhân và những tình cảm lứa đôi, để được hoàn toàn thuộc về Chúa, cả trong tâm hồn lẫn thể xác. Với lời khấn khó nghèo, người tu sĩ tử bỏ quyền làm chủ tài sản, từ bỏ cả quyến sử dụng những tài sản đó, sống thanh đạm khó nghèo theo gương Chúa Kitô.[9]

Trong khi người đời đề cao lối sống tự do, tự chủ, người sống đời thánh hiến Tuyên khấn và tuân giữ đức vâng phục Bề trên hợp pháp; khi mà người đời tự khẳng định mình qua danh vọng của cải vật chất: nhà lầu, xe hơi…,những người theo Chúa Kitô tự nguyện cam kết sống nghèo khó; trong khi người đời đề cao chủ nghĩa tự do luyến ái, phóng túng trong quan hệ nam nữ, người tu sĩ tự nguyện cam kết sống khiết tịnh vì Nước Trời. Tất cả dường như là đi ngược với con người thời đại. Đó chính là những thách đố trong đời sống thánh hiến. Quả thế, “Đời sống thánh hiến là một hiện hữu ở ngay giao điểm của sự đảo ngược Tin Mừng. Do đó, người sống đời sống thánh hiến luôn phải chiến đấu, một cuộc chiến đấu gay gắt, đụng chạm đến những thực tại thiết thân nhất của đời sống con người.”[10]

Một thách đố không nhỏ đối với đời sống tu dòng mà không ít người cảm thấy mệt mỏi. Đó là đời sống huynh đệ cộng đoàn. Nếu có tình huynh đệ thì:”ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau.”[11], nhưng thiếu tình huynh đệ thì đời sống tu trì, đời sống cộng đoàn thật nặng nề đau khổ, khùng khiếp. Thánh vịnh gia mô tả sự khủng hoảng tình huynh đệ như sau:

“Giả như tên địch thù phỉ báng, thì tôi cũng cam lòng,
hay kẻ ghét ghen lên mày lên mặt, tôi có thể lánh đi.
Nhưng đây lại là bạn, người đồng vai đồng vế,
chỗ thân tình tâm phúc với tôi,
đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi trong đền Thiên Chúa,
giữa hội vui cùng sánh bước.”[12]

Hoặc:

“Tên phản phúc ra tay hại người thân nghĩa,
lại lỗi ước quên thề; miệng nói năng ngọt xớt,
lòng chỉ muốn chiến tranh,
lời trơn tru hơn mỡ, mà bén nhọn như gươm!”[13];

“Kẻ đến thăm, miệng nói lời giả dối,
nhưng chủ ý thâu tin độc địa,
vừa ra khỏi nhà, đã vội rêu rao.
Cả người bạn thân con hằng tin cậy,
đã cùng con chia cơm sẻ bánh,
mà nay cũng giơ gót đạp con!”[14].

Còn sách Huấn Ca nhận định: “Có kẻ chỉ là bạn nhất thời, khi con gặp nạn, nó chẳng còn là bạn nữa. Có người bạn lại trở nên thù, tiết lộ chuyện khiến con phải xấu hổ. Có người là bạn khi bình an, lúc con gặp nạn, nó chẳng còn là bạn nữa. Lúc con sa cơ, nó liền chống lại và lánh mặt con luôn”[15].

Nếu gặp phải kẻ “lừa thầy phản bạn, đội trên đạp dưới”, luôn tìm cách hạ bệ và loại trừ thì còn đau biết bao! Khi đó, đời sống cộng đoàn không chỉ là thập giá, không chỉ là gánh nặng, mà có thể đó là sự khủng khiếp, một thách đố lớn cho ta. Lúc đó, chúng ta sẽ thấy “đời không như mơ”. Hai câu thơ trên lại đúng trong tâm trạng ta lúc này: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”.”

Ta có thể gọi đó là “hội chứng Phêrô.”  Sự so đó tính toán, hơn, thua, được, mất lại hiện về trong ta. Tình yêu ban đầu, lý tưởng cao đẹp của đời hiến dâng ít nhiều bị nhạt nhòa theo năm tháng; chúng ta dễ rơi vào những cạm bẩy của trần thế, với những cám dỗ ngọt ngào của danh vọng, tiền tài, chức quyền và địa vị. Khi đó lý tưởng đời tu của ta không phải là vì Chúa, không phải để làm vinh danh Chúa, nhưng là cho bản thân, và vì những lợi lộc thấp hèn. Như thế, đời tu chẳng còn giá trị và ý nghĩa. Nhưng để đời tu và lý tưởng dâng hiến của ta luôn cao đẹp và có ý nghĩa, mỗi chúng ta cần phải biết “hâm nóng tình yêu thuở ban đầu”, để cho tình mãi đẹp và đời mãi vui.

3. Để tình mãi đẹp và đời mãi vui!

Làm sao để tình yêu mãi bền đẹp, đó là khát mong không chỉ của những đôi lứa đã, đang và sẽ yêu, mà còn là ước vọng của những người đang sống đời sống hôn nhân gia đình. Đặc biệt trong xã hội hôm nay, khi mà những giá trị luân lý bị đảo ngược, các già trị đạo đức đang bị xuống cấp bởi trào lưu hưởng thụ, bởi những trào lưu tục hóa, thì tình yêu dường như đang mất dần tính thiêng liêng cao quý, con người dễ phản bội và xem nhẹ những gì đã giao ước, dẫn đến bao cuộc tình tan vỡ, bao gia đình ly tán… người ta lại càng khao khát có được một tình yêu đẹp và bền vững hơn biết bao!

Đối với những người sống đời thánh hiến tu trì như chúng ta, sự “bền đỗ” trong ơn gọi lại càng được đặt lên hàng đầu, không chỉ từ phía đương sự, nhưng còn từ phía rất đông những người thân yêu của đương sự. Chủ nghĩa thực dụng và trào lưu tục hóa của cảnh xã hội ngày nay đã và đang tác động đến đời sống Giáo hội Công giáo, cách riêng là đời tu. Điều đó Đức Thánh Cha Phanxicô đã phân tích như sau:

“Nguy cơ lớn nhất trong thế giới ngày nay, với những cung cấp tràn ngập và đa dạng của chủ nghĩa tiêu thụ, là một nỗi buồn cá nhân đến từ tâm hồn tự mãn và tham lam, từ cơn sốt tìm kiếm những thú vui phù phiếm, và một lương tâm bị cô lập. Khi đời sống nội tâm bị đóng kín với những tư lợi, thì không có chỗ cho người khác nữa, những người nghèo không thể vào được nữa, người ta không còn nghe được tiếng Chúa, không còn được hưởng niềm vui ngọt ngào của tình yêu Ngài, tim họ không còn đập những nhịp nhiệt thành để làm việc thiện nữa.”[16]

Bên cạnh đó là sự bấp bênh của đời tu, nên có lẽ chẳng ai dám khẳng khái nhận mình là trung thành với ơn gọi dâng hiến. Chẳng ai trong chúng ta dám tự hào là mình mạnh mẽ, mình không vấp ngã. Có lẽ hơn một lần chúng ta cảm nhận thế nào là sự yếu đuối của bản thân, chúng ta có thể thất trung với Chúa bất cứ lúc nào; thế mà, cũng chính con người yếu đuối ấy lại được Chúa kêu gọi, rồi lại khấn hứa… Liệu tôi có giữ nổi điều đã khấn hứa? Làm sao tôi dám can đảm tuyên hứa một điều mà dường như tôi không dám chắc mình có thể chu toàn lời hứa ấy? Đó cũng là một sự “liều lĩnh “trong đời tu, mà chúng ta đang “lao mình” dấn bước.

Vậy làm gì để ta có thể trung thành với lời Tuyên khấn, trung thành dấn bước theo Chúa đến cùng được? Làm sao để “Để tình mãi đẹp và đời mãi vui”?

Chúng ta cùng nghe và thực thi trải nghiệm của Thánh vương Đavit sau đây:

“Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng?
Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy.
Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài,
xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa.
Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ,
để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung.”[17]

Thánh Phaolô Tông đồ nhắc nhở chúng ta quy chiếu vào Chúa Kitô và lấy Chúa Kitô làm trung tâm[18], thì sẽ đạt tới vinh quang và hạnh phúc đích thực: Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mosê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô.”[19] 

Trên hết và hữu hiệu nhất chính lời mời gọi của Thầy Giêsu: “hãy ở lại trong tình thương của Thầy.”[20] Bởi vì, “ không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.”[21]

Như thế, để đời tu của chúng ta luôn có ý nghĩa, cho”tình mãi đẹp và đời mãi vui” thì chúng ta phải tuân giữ Lời Chúa, trung tín với những gì chúng ta cam kết, sống trong tình Chúa, tình người: kết hiệp mật thiết với Chúa và huynh đệ với anh em. Nhờ đó, đời tu ta sẽ được thăng tiến trong ân nghĩa với Chúa; khi có ơn nghĩa Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua những cám dỗ và thử thách trong đời tu.

Trong Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, Giáo hội nhắc nhở chúng ta rằng: “Xuất phát lại từ Đức Kitô có nghĩa tìm lại một lần nữa tình yêu ban đầu của ta, tia sáng lôi cuốn làm ta đứng lên đi theo Người. Bước đầu là tình yêu của Thiên Chúa. Bước tiếp mới là sự đáp trả đầy lòng yêu mến đối với tình yêu Thiên Chúa.”[22]

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khuyên bảo chúng ta rằng: “Đừng sợ hãi, đừng lừa dối cuộc sống, mà chấp nhận đời sống thực tại như đang xẩy ra và tìm biện pháp giải quyết; phải đương đầu ngay và Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta. Hãy đến với Chúa Giêsu, Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta, dù là những lúc khó khăn tăm tối nhất của cuộc sống… Chúng ta có thể lầm lẫn, nhưng Chúa mãi ở bên chúng ta và nói: Con đã nhầm lẫn, hãy trở lại bước đi cho đúng đường.”[23]

“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”[24] Đó là lời Thầy Giêsu trấn an các môn đệ năm xưa cũng là điều Chúa nói với chúng ta trong cơn thử thách, xao xuyến. Chúa mời ta vững tin vào tình yêu và lòng thương xót của Người, sống trong ơn nghĩa Chúa, biết nhìn lên Chúa (chứ không phải là tập trung vào mình), biết cậy trông và phó thác nơi Chúa, bởi vì  Chúa vẫn hiện diện với chúng ta trong mọi tình huống của cuộc đời.

Ngài có đó, giữa những ký ức ngọt ngào thân thương nơi phòng tiệc.
Ngài có đó, bao dung, tha thứ và rất dịu hiền.
Ngài có đó, chẳng có vẻ gì chì chiết hay khiển trách.
Ngài có đó, chữa vết thương lòng, ban thêm sức mạnh.
Ngài có đó, biến tuyệt vọng thành hân hoan.
Ngài có đó, củng cố niềm tin, ban sức sống.
Ngài có đó, hồi sinh và ban sinh lực.
Ngài có đó, khi ta tưởng mình đang cô đơn.
Ngài nghe ta khi chẳng ai đáp lời.
Ngài yêu ta khi mọi người bỏ xa ta.
Khi tình đời là mối dây oan, ân tình Ngài hằng luôn luôn chan chứa.

Để kết thúc đoạn suy niệm này, xin được trích dẫn bài thơ “La Besace” – “Chiếc Bị”, do nữ tu Mai Thành dịch, đăng trong cuốn “Hiến dâng và phục vụ”:         .

“Nghe tiếng bạn mời tôi hôm ấy
lúc tôi còn mê mải với vần thơ
hoặc loay hoay tính lại số tiền nhà
tôi vội vã nghe theo và dấn bước.
Tôi mang theo một ống tiêu bằng trúc.
Nhiều áo quần và cả một tập thơ
Một bao đầy kỷ niệm thiết tha
Với nhiều vật quý nhét căng đầy bị.
Cùng bạn lên đường mặt trời vừa hé
Tôi bước sau với chiếc bị trên vai
Chân kéo lê trên một quãng đường dài
Bạn đi trước tay không ôi nhẹ nhõm.
Một ngày qua bên cánh đồng gió thoảng
Tôi mỏi vai xin ngừng lại giữa đường
Mở bị ra tôi quăng gói áo quần
Rồi cùng bạn dưới trời tôi rảo bước.
Vẫn tay không bạn nhẹ nhàng đi trước
Tôi đi sau mồ hôi đẫm áo choàng
Sắp lên cầu để vượt khỏi giòng sông
Tôi vất lại tập thơ và sáo trúc.
Rồi đi tiếp đường lên cao uốn khúc
Chẳng bao lâu cánh tay mỏi rã rời
Tôi nài xin: Dừng nghỉ một chút thôi”
Để tìm lại một tấm hình đã mất.
Hình mẹ tôi, người tôi yêu dấu nhất
Chụp vào ngày hôn lễ với cha tôi
Mất thật rồi, tay tôi bỗng buông xuôi
Mắt tối tăm giữa mặt trời đúng ngọ.
Rồi đêm về khi trăng vừa mới ló
Với màn sương nhè nhẹ phủ không gian
Tôi quăng luôn cả chiếc bị trên đường
Nắm tay bạn nhanh chân tôi đi tiếp.
Nhưng bỗng nhiên bạn bảo tôi ngừng bước
Dưới vòm trời trong suốt ánh trăng soi
Bạn tươi cười nhỏ nhẹ vỗ vai tôi:
“Hãy dừng chân vì ta đã đến đích”.

Ts. Phêrô Võ Tá Đương, O.P.


[1] Mc 10, 28.

[2] Xc.  Mt 19, 27.

[3] Xc. Mc 10, 29.

[4] Xc. Mc 10, 30.

[5] Xc. Mc 10, 30b.

[6] Xc. Mt 10, 40.

[7] Trăng Thập Tự, Ngài đã yêu tôi.

[8] Mt 6,34

[9] Xc. Lm. Nguyễn Đức Hòa, OP., Bài Giảng lễ Tuyên khấn Lần đầu, tại Hội dòng Nữ Đa Minh Bà Rịa, năm 2017.

[10] Lm. Nguyễn Trọng Viễn, OP., Đời sống thánh hiến, một hồng ân, trong Nội san Chia sẻ Liên tu sĩ số 77, tr.11.

[11] Tv 132. 1.

[12] Tv 55,13-15.

[13] Tv 55,21-22.

[14] Tv 41,7,10.

[15] Hc 6, 5-17.

[16] Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng – Evangelii Gaudium, số 02.

[17] Tv 118, 9 -11.

[18] Xc. 1 Cr 15, 42-49.

[19] Pl 3, 8-14.

[20] Ga 15, 9.

[21] Ga 15, 5-6.

[22] Bộ Đời sống Thánh hiến, Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 35-36

[23] Trích bài giảng lễ ngày 13/4/2013.

[24] Mt 14, 27.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com