Bài Học Từ Một Tảng Đá

09-12-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1390 lượt xem

Gioan B. Đỗ Tấn Nguyên Đình

Dưới tán cây xanh mát của Thỉnh viện, có một chiếc bàn đá phẳng lì như đang nằm ngủ. Mặt trên của nó được mài nhẵn đến mức bóng như một chiếc gương. Bàn tay của người nghệ nhân đã biến một tảng đá xù xì thành một chiếc bàn đẹp.

Nó nặng đến nửa tấn, có khi! Cũng phải thôi, nó là một tảng đá nguyên khối. Đường kính chiếc bàn đá ấy dài cả mét. Loại đá đen này rất được ưa chuộng trong giới trang trí nội thất ngày nay. Khi còn ở hình dạng tự nhiên, nó cũng chẳng khác những loại đá thông thường. Tuy vậy, khi được chế tác lại, nó trở nên đẹp đẽ đến lạ thường. Mặt được mài nhẵn bóng của nó trông y như một lớp men tráng trên những đồ sứ cao cấp. Những hạt nhỏ li ti nằm bên dưới lớp men đó ánh lên những tia sáng rất đẹp mỗi khi ánh nắng chiếu vào. Độ sâu khác nhau của các hạt này làm cho không gian bên dưới lớp men bề mặt hết sức sống động. Phải nói rằng, đó quả thật là một phiến đá quý.

Người xưa từng nói rất chí lý: “Ngọc không giũa không thành đồ vật, người không học không biết đạo lý”. Tảng đá quý trên kia nếu vẫn giữ tình trạng tự nhiên của nó, nó vẫn chỉ là một tảng đá. Tuy nhiên, khi nó chịu sự mài mòn, đục đẽo, vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong mới có dịp tỏ lộ ra bên ngoài. Hơn thế nữa, giờ đây nó còn là một chỗ thuận tiện cho sự gặp gỡ, giao lưu. Có thể một số người sẽ nhìn nhận giá trị nghệ thuật của nó. Hình dáng có phần thô sơ của phiến đá này nhiều khi mang đến một cảm xúc thẩm mĩ. Những chỗ xù xì còn lại trên thân của nó làm nó vẫn không mất đi vẻ tự nhiên. Thưởng thức cái vẻ đẹp lạ lùng ấy cũng là cả một khoảng thời gian thú vị.

Phải chăng, tự nhiên cũng dạy ta những bài học làm người?

Đúng như vậy, sự trưởng thành của một con người luôn luôn gắn liền với những “va chạm”, “đục đẽo”, giống như một tảng đá quý cần được mài giũa vậy. Mỗi người anh em trong Thỉnh viện đây cũng là những hòn đá quý đang rất cần được mài giũa hằng ngày. Người nghệ nhân đầu tiên nhận ra sự quí giá bên trong những tảng-đá-chưa-mài-bóng đó phải là chính bản thân mình. Điều ấy có nghĩa là mỗi người cần biết mình và học cho biết những gì có trong mình. Môi trường tu trì cũng có thể gọi là một xưởng rèn giũa đá quí, nơi mà những “viên đá quí” được mời gọi đến để tự rèn giũa và được rèn giũa. Điều đáng trân trọng ở đây là mỗi người cũng chính là một người nghệ nhân cho người bên cạnh mình. Dù vô tình hay hữu ý, những ưu khuyết điểm của người khác đều sẽ bộc lộ ít nhiều qua quá trình chung sống trong cùng một mái nhà.

Vậy, mỗi người sẽ là một “nghệ nhân đá” như thế nào?

Thật vậy, một nghệ nhân có tài sẽ nhận ra ngay những phẩm chất có trong những viên đá đặc biệt. Các thỉnh sinh cũng có thể học được kĩ năng nhìn “xuyên thấu” này nếu chịu khó mở lòng mình ra để cảm nhận, để hiểu. Biết nhìn ra những điều tốt của nhau cũng phải đồng nghĩa với việc giúp nhau nên thánh. Hi vọng rằng một ngày nào đó, nơi Thỉnh viện đây sẽ có thêm nhiều càng nhiều những phiến đá đẹp, làm nên những tác phẩm đẹp cho đời. Chiếc bàn đá kia tuy lặng lẽ nhưng những điều nó nói lên thật quan trọng cho quá trình mỗi anh em sống ở nơi đây. Một khi tâm hồn người thỉnh sinh trở nên nhẵn bóng và trong suốt như phiến đá ấy, những người sống chung quanh cũng sẽ có được cùng một cảm nhận về nét đẹp của người môn đệ Chúa. Hành trình rèn giũa của mỗi người sẽ trở nên thành tựu nếu mỗi người có sự kiên trì và quyết tâm, giống như một người thợ dốc hết sức cho ngọn lửa đam mê trong mình!

P/s: Mỗi buổi sớm, vẫn thấy cha cố ngồi cạnh chiếc bàn đá ấy để đón nắng mai. Tâm hồn cha với chiếc bàn đá giống như hai cố nhân đã lâu rồi chưa gặp vậy.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com