Nội dung bài này biên dịch chủ yếu từ Catholic Encyclopedia: “Anathema”, và tham khảo hai tài liệu quan trọng khác:
- Heinrich Denzinger, Các Tín Biểu, Định Tín Và Tuyên Bố, về Công Đồng Nicea và Công Đồng Constantinople I (Hà Nội: Tôn Giáo, 2019).
- Phan Tấn Thành, O.P., Giải Thích Giáo Luật: Tài sản, chế tài, tố tụng, Tập 5 (Hà Nội: Tôn Giáo, 2017)
Đa Minh Máctinô Nguyễn Ngọc Huy
Giáo hội ngay từ thuở sơ khai luôn phải đối mặt với nhiều giáo thuyết lầm lạc. Sự loan truyền rộng rãi các lạc thuyết này đã ảnh hưởng đến đức tin của nhiều Kitô hữu và sự hiệp nhất của Giáo hội. Đứng trước những ảnh hưởng nguy hại của các lạc thuyết, các Công đồng đã được triệu tập để đưa ra những công thức tuyên tín. Đó là những định nghĩa quan trọng về đức tin được long trọng tuyên bố cho các tín hữu vì ơn cứu độ của họ và để chống lại những lạc thuyết đang tồn tại. Qua các Công đồng, Huấn quyền Giáo hội xác định những công thức đức tin, những quy tắc hướng dẫn thực hành, xác định phẩm trật, v.v., đồng thời kết án các lạc thuyết và ra vạ – anathema cho những tín hữu chủ trương lạc thuyết. Công đồng Nicea I (325) đã ra vạ anathema đối với ông Ariô và những người ủng hộ ông vì chủ trương rằng, Ngôi Lời “đến từ hư vô”, rằng “trước khi được sinh ra, Người không hiện hữu”, rằng “có một thời Người không hiện hữu”. Qua việc ra vạ anathema, Giáo hội mong muốn hình phạt này ngoài mục đích là để giúp phạm nhân hối cải nhưng còn để bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo hội trước những trước lạc thuyết và tư tưởng ngoại giáo.
Tiếng Hy Lạp – Anathema theo nghĩa đen là được đặt trên cao, trong trạng thái lơ lửng, hoặc được đặt qua một bên.
Anathema còn là một thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ ra những vật hiến cho các vị thần được treo trên mái hoặc các bức tường của đền thờ với mục đích là để trưng bày, để nhiều người có thể nhìn ngắm. Vì vậy, anathema theo như từ nguyên của nó biểu thị một điều được dâng hiến cho Thiên Chúa. Từ anathema thường được sử dụng với nghĩa trên trong cả Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước: “Tất cả những gì trong thành, anh em phải gom vào giữa quảng trường, rồi phóng hỏa thành ấy với mọi thứ chiếm được, tất cả để dâng kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em (Đnl 13,17). Trong sách Giu-đi-tha có đoạn chép: “Bà Giu-đi-tha đã hiến dâng mọi đồ đạc của tướng Hô-lô-phéc-nê mà dân đã tặng bà; cả cái mùng đã lấy ở phòng ngủ của ông ta, bà cũng dâng làm lễ vật tru hiến kính Thiên Chúa” (Gđt 16,19). Hay trong Tin Mừng Luca thuật lại lời Chúa nói: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng sẽ bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” khi có vài người nói về đền thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng.
Tuy nhiên, những vật dâng hiến này cũng có thể là những vật gây khó chịu cho người khác khi nhìn vào. Chẳng hạn đó là thủ cấp của tội phạm, của quân thù hay chiến lợi phẩm đem về từ chiến tranh. Anathema qua đó biểu thị một điều mà nhiều người cảm thấy đáng ghét, ghê tởm được bày ra để thể hiện sự khinh ghét hoặc để tiêu diệt. Nói về điều này, một ý kiến được đưa ra “đầu tiên chúng ta cần quay lại với ý nghĩa thực của từ “herem”, một từ có nghĩa tương tự với anathema. “Herem” xuất phát từ từ “haram” có nghĩa là cắt, chia tách ra, nguyền rủa và từ này biểu thị những thứ bị nguyền rủa và được coi là bị bỏ đi hay bị tiêu diệt, dù đó là một người hay một vật mà người ta bị cấm không được sử dụng đến. Trong sách Đệ Nhị Luật cũng đề cập đến anathema theo nghĩa này: “Anh em đừng đưa một vật ghê tởm vào nhà anh em, vì anh em sẽ trở thành của tru hiến như nó. Anh em phải kị nó và ghê tởm nó, vì nó là của tru hiến” (Đnl 7,26). Những quốc gia, những cá nhân, động vật và những vật vô tri giác sẽ là anathema (của tru hiến) sẽ bị ghê tởm và đưa ra để tiêu hủy. Do vậy, những người sinh sống nơi Đất Hứa như người Khết, Ghi-ga-si, E-mô-ri, Ca-na-an, Pơ-rít-đi, Khi-vi, Giơ-vút (7 dân tộc mạnh hơn dân Ít-ra-en) đều bị tru hiến. “Khi ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em trao chúng cho anh em và anh em đánh bại chúng, thì anh em phải tru hiến chúng, không được lập giao ước với chúng và không được thương xót chúng” (Đnl 7,2). Tuy nhiên, vua Sa-un khi đánh quân A-ma-lếch đã không dùng lưỡi gươm mà giết vua A-gác và những con tốt nhất trong đàn chiên dê và bò, các con mập, các chiên con và những gì tốt; họ đã không tru hiến chúng. Vì vậy mà ĐỨC CHÚA đã gạt bỏ ông và không cho ông cai trị Ít-ra-en nữa. Và những ai không thi hành án tru hiến thì cũng bị tru hiến. “Anh em phải đề phòng án tru hiến, kẻo anh em bị án tru hiến vì lấy đồ vật nào trong số những gì bị án biệt hiến. Bằng không, anh em sẽ làm cho trại Ít-ra-en phải bị án tru hiến, và như thế anh em gây tai họa cho trại” (Gs 6,17). Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ trong việc thi hành án tru hiến. Đó là những “con gái nhỏ tuổi” chưa biết đến đàn ông, sẽ được để cho sống và thuộc về dân Ít-ra-en (Ds 31,18). Mức độ quyết liệt của anathema trong Cựu Ước được giải thích bởi sự cần thiết phải bảo vệ người Do Thái và bảo vệ họ chống lại việc thờ ngẫu tượng của những người ngoại bang.
Trong Tân Ước, anathema không còn mang theo cái chết, nhưng là việc bị mất đi những thiện ích hay bị loại trừ khỏi cộng đoàn của những người tin. Thánh Phaolô đã thường xuyên sử dụng từ anathema theo nghĩa là việc bị “nguyền rủa, lìa xa, loại trừ”: “Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng” (Rm 9,3). Hoặc “… nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi” (Gl 1,9). Và những ai bị tách khỏi Thiên Chúa sẽ là người bị trao nộp cho Xa-tan như ngài đã viết trong thư thứ nhất gửi ông Ti-mô-thê: Một số người đã vứt bỏ lương tâm ngay thẳng, đức tin của họ bị chết chìm. Và họ bị trao nộp cho Xa-tan để được dạy cho biết đừng nói lộng ngôn nữa (1Tm 1,19-20). Anathema cũng biểu thị sự nguyền rủa nặng nề, như trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô: “Nếu ai không yêu mến Chúa thì thật là đồ khốn kiếp (anathema)! Maranatha” (1Cr 16,22).
Giáo hội sơ khai đã chấp nhận từ anathema để biểu thị việc loại trừ một người tội lỗi ra khỏi cộng đoàn những người tin, anathema được tuyên bố chủ yếu để chống lại những kẻ dị giáo. Công thức phát biểu như sau: ‘Nếu kẻ nào nói rằng…. thì sẽ bị anathema.” Công đồng Constantinople I (381) ra vạ anathema cho những người theo Ariô, các nhóm Eudoxiens, Pneumatomaques, Sabellius, Marcel, Photin Apollinaire, v.v.. (x. Lời dẫn của DZ 150 và các số DZ 152-177)
Trong suốt những thế kỷ đầu tiên vạ anathema dường như không khác biệt so với bị kết án tuyệt thông (excommunicatio), nhưng bắt đầu từ đầu thế kỷ thứ VI có một sự phân biệt trong ý nghĩa của từ này.
Excommunitio được dùng như một từ ám chỉ các thứ hình phạt trong Giáo hội một cách tổng quát. Trong số những hình phạt đó, đứng đầu là “anathema”.
Trong thư của giáo hoàng Gioan VIII (872-82) được tìm thấy trong Sắc lệnh của Gartian: “Biết rằng Engeltrude không chỉ bị phạt tuyệt thông (excommunicatio), là việc bị tách biệt ra khỏi cộng đoàn của anh em, nhưng còn bị “anathema”, tức là bị tách ra khỏi nhiệm thể Chúa, là Giáo Hội.”
Một thời gian sau đó, Đức Giáo hoàng Grêgôriô IX (1227-41) đã phân biệt hình phạt excommunication thành hai cấp “major” và “minor”. Ý nghĩa của từ excommunication được dùng để ám chỉ một hình phạt cụ thể. Nếu là “minor excommunication ”, đương sự chỉ bị cấm không được dự phần nơi các bí tích và các bổng lộc của Giáo hội. Đối với “major” bị ngăn chặn không được tham gia vào cộng đồng của những người tin, không được giao lưu với các tín hữu khác kể cả trong những tương giao hằng ngày. Người chịu hình phạt sẽ bị ghẻ lạnh, xa cách. Kể từ đây, cũng không còn nhiều khác biệt giữa “major excommunication” và “anathema”; nhưng anathema được dùng để nhấn mạnh sự trang trọng trong nghi thức ra vạ tuyệt thông.
Hình phạt anathema cũng chính là hình phạt của “major excommunication” được tuyên bố một cách long trọng. Lễ nghi này đầu tiên được Giáo hoàng Zachary (741-52) soạn thảo nhưng sau này được soạn lại và ấn định trong Ordo excommunicandi et absolvendi, phân biệt rõ ràng ba cấp độ của hình phạt tuyệt thông: minor, major, anathema. Đối với anathema, trong việc ra hình phạt, giám mục cùng với mười hai linh mục khác trong lễ phục trang trọng, tay cầm nến sáng, ngồi trước bàn thờ hoặc một chỗ phù hợp, tuyên bố công thức của anathema và cuối cùng đọc những lời buộc tội […] và ra vạ tuyệt thông, sau đó những người cộng sự đáp lại: “fiat, fiat, fiat” (xin thực hiện như vậy), giám mục và mười hai linh mục sau đó ném những cây nến xuống đất, cùng thông báo bằng văn bản cho các linh mục và những giám mục khác về tên của người đã bị tuyệt thông và nguyên nhân của việc ra vạ tuyệt thông để họ tránh xa, không giao tiếp với y. Mặc dù người ấy đã bị giao cho Xa-tan và thần sứ của Xa-tan, nhưng y vẫn có thể hối cải. Giám mục sẽ đưa ra một cách thức để gỡ vạ và hòa giải y với Giáo hội. Sự tuyên vạ anathema là để chống lại những tội phạm và mang y đến trạng thái của sự hối cải, vạ anathema sẽ đặc biệt hơn nếu Giáo hội thêm nghi thức “Maranatha”.
Trong giáo hội phương Tây, Maranatha cũng trở thành một công thức rất long trọng, có nghĩa là “cho đến khi Chúa quang lâm”. Những nhà chú giải xem câu nói này như một công thức của việc ra va tuyệt thông một cách rất nghiêm khắc của những người Do Thái. Maranatha dành những tội phạm bị tuyệt thông, bị bỏ lại cho sự tuyên phán của Thiên chúa, và bị từ chối bỏ không cho tham dự vào đời sống của Giáo hội cho đến khi Chúa quang lâm. Một ví dụ điển hình của việc ra vạ anathema được thấy trong những lời của giáo hoàng Silverius (536-38): “Nếu bất cứ ai, từ bây giờ trở đi lừa dối một giám mục theo cách thức như vậy, chúng tôi gieo vạ anathema cho đến khi Chúa quang lâm.” (anathema maranatha). Giáo hoàng Biển Đức XIV (1740-58) (De Synodo dioecesana X, i) đã ra vạ anathema “cho đến khi Chúa quang lâm” cho những người làm phản: “Kẻ nào dám coi thường quyết định của chúng ta, hãy ra vạ anathema cho y đến khi Chúa quang lâm, có nghĩa là y sẽ bị nguyền rủa cho đến khi Chúa đến, y và đồng phạm của y cũng sẽ ở trong vị trí của Giuđa. Amen.” Mặc dù những kẻ bị vạ anathema đều bị nộp cho Xa-tan và sứ thần của nó; tuy nhiên Giáo hội do quyền hành mình nắm giữ có thể đón nhận người ấy một lần nữa vào sự hiệp thông của cộng đoàn những người tin.
Cuối cùng, mục đích của Giáo hội khi đưa ra những hình phạt nghiêm khắc cho kẻ lạc giáo là để nhờ những khổ chế thể xác, linh hồn người ấy sẽ được cứu vào ngày sau hết. Giáo hội, được Chúa Thánh Thần làm cho sinh động, không mong muốn những tội nhân phải chết, nhưng mong muốn y hoán cải và được sống. Chính vì vậy công thức vạ tuyệt thông nghiêm khắc nhất – anathema còn có mệnh đề maranatha kèm theo như sau: trừ phi y ăn năn, hối cải và sửa đổi.