“TRI ÂN NGƯỜI LÁI ĐÒ THẦM LẶNG.”
Nguyễn Băng Sông
Từ những miền sông nước, hình ảnh người lái đò trở nên quen thuộc trong tâm trí nhiều người dân Việt. Dần dần, hình ảnh này được mượn để diễn tả nghĩa tình của quý Thầy Cô đối với bao thế hệ học trò. Bến đò – cây đa đã từng là điểm hẹn của biết bao lữ khách đón đò qua sông, nay trở nên hình ảnh và biểu tượng của điểm hẹn văn hóa giáo dục trong tâm thức người Việt Nam.
Như những chuyến đò theo thời gian đã đưa nhiều người cập bến, quý Thầy Cô chính là những người lái đò, và các thế hệ học trò là những thụ nhân, ngồi trên chuyến đò hướng về tương lai của thành công, thành đạt và lập nghiệp. Từ cổ chí kim, ai cũng phải nhìn nhận chân lý là hành trình nên người không thể tự thân mỗi người bước đi, nhưng cần đến sự giúp đỡ của người khác; trong sự trưởng thành tri thức cũng vậy, môn sinh không thể thành đạt nếu không có thầy.
Quá trình đào tạo nên một con người thành toàn quả vất vả, đòi hỏi hy sinh, kiên trì sửa dạy của người Thầy. Là những anh em Thỉnh sinh, những người đang được thụ huấn dưới mái nhà Thỉnh viện Đa Minh Tam Hà, Nhà giáo Việt Nam 20/11 là thời điểm để chúng con bày tỏ tâm tình tri ân sâu sắc đến quý Cha, quý Thầy trong Ban Giám đốc, quý Cha giáo, quý Sơ và quý Thầy Cô đã yêu thương dạy dỗ, ân cần sửa dạy chúng con trong những bước tiến của đời người theo năm tháng.
- Người Thầy cho đi nhưng không mong nhận lại
Nữ thi sĩ Quỳnh Dao từng nói: “Không ai từ không mà có, không ai từ đá mà ra, tôi là những người đi qua tôi hình thành nên tôi”. Đối với các thế hệ học trò, người Thầy đóng vai trò quan trọng trong hành trình nên người của mỗi môn sinh. Thầy truyền đạt kiến thức, dạy các bài học làm người, mong học trò mỗi ngày một thăng tiến. Như ngọn nến tự tiêu hao để thắp sáng những nơi tối tăm, người Thầy cũng chấp nhận hao mòn chính mình để cho học trò có một tương lai tươi sáng. Trên hành trình đời ta, người Thầy đầu tiên chính là Mẹ Cha, vì những bài học đầu đời mà Mẹ Cha dạy ta thật đáng trân quý. Qua dòng thời gian, ta lớn lên, và lúc ấy người Thầy của ta là quý Thầy Cô trên giảng đường, những đấng bậc đã giúp ta viết nên những nét chữ đầu tiên trong đời, giúp ta biết những điều hay lẽ phải. Khi rời ghế nhà trường, mỗi người một hướng đi, lúc đó ta lại có những vị ân sư khác nhau. Cách riêng, đối với anh em Thỉnh sinh Đa minh, các vị ân sư là quý Cha, quý Thầy trong Ban giám đốc, quý Cha giáo, quý Sơ và quý Thầy Cô. Các ngài đã ân cần chỉ bảo, đồng hành thiêng liêng, kiên trì sửa dạy và truyền đạt kiến thức cho anh em. Theo lẽ đời, người ta phải nhận được “thù lao” xứng đáng cho công sức đã bỏ ra; nhưng ở đây thì không phải vậy, sự hy sinh của các vị ân sư không mong được đáp đền, các ngài mong mỏi anh em đền đáp theo cách khác: mong các em thành nhân, thành tài, hoàn thiện nhân đức, …
- Nỗi ưu tư của người Thầy
Việt thăng tiến trong đời sống và học tập là thế. Nỗi niềm mong đợi là thế. Nhưng thử hỏi mấy ai hiểu trọn vẹn nỗi niềm của người Thầy? Bởi lẽ người trẻ hôm nay, với những suy nghĩ chưa thấu đáo, lắm khi chưa biết chú tâm vào lời dạy của Thầy, chưa thấu hiểu để thực hiện những lời Thầy nhắc nhở.
Ngoài việc mong mỏi ta trưởng thành trong đời sống, người Thầy còn muốn mỗi anh em đào sâu sự hiểu biết để tiếp cận với kho tàng tri thức nhân loại. Người Thầy thấu hiểu rằng “rễ” của học tập thì đắng, nhưng “quả” thì ngọt; nên mới động viên anh em học hành chăm chỉ đến độ đôi khi Thầy trở nên nghiêm khắc. Tuy nhiên, có khi học trọ lại chưa hiểu rõ tâm ý của Thầy, đôi khi không bằng lòng bởi một điều trái ý bản thân. Lúc đó, người Thầy lại phải kiên nhẫn sửa dạy để mong “hạt giống” đã được gieo nơi mỗi anh em sẽ “nảy mầm” một ngày nào đó, mong mỗi anh em ngày càng trưởng thành hơn.
- Tri ân Thầy
Có một câu nói mà tôi tâm đắc đó là: “Thầy chỉ là “bác lái đò” đưa các em qua một chặng đường, còn ở những chẳng đường khác sẽ có người khác hướng dẫn các em.” Biển học mênh mông vô bờ bến, và chúng ta cứ thế mỗi ngày mỗi lớn lên. Người Thầy Cô ngày xưa dạy ta con chữ, nay đã già đi theo năm tháng; và có lẽ cũng đã lu mờ dần trong ký ức của ta. Dòng chảy thời gian cứ thế trôi đi và đâu đó ta chỉ nhớ về người Thầy ngày xưa trong dòng suy nghĩ vội vã rồi chóng qua đi như thế này. May thay, ngày Nhà Giáo Việt Nam là dịp thuận tiện để ta bày tỏ tâm tình biết ơn đến các ân sư. Cám ơn quý Thầy Cô trên khắp mọi miền tổ quốc đã yêu thương dạy dỗ chúng em. Cám ơn quý Cha, quý Thầy trong Ban Giám đốc đã đồng hành, linh hướng và chỉ dạy trong yêu thương và kiễn nhẫn với anh em chúng con. Cám ơn quý Cha giáo, quý Giáo sư đã ân cần chỉ dạy chúng con, không chỉ kiến thức trong sách vở, mà còn cả những bài học làm người.
Tiết trời vào những ngày cuối tháng 11 trở nên se lạnh và mưa nhiều. Trong tiết trời như vậy, ta lại dễ dàng nhớ lại những dòng ký ức dường như đã bị quên lãng bấy lâu nay. Ký ức về thời học sinh, sinh viên chúng ta được Thầy Cô chỉ dạy tận tình. Và giây phút hiện tại chúng ta được những “Người Thầy” yêu thương dạy dỗ, khổ công đào tạo chúng ta. Quả thật, chúng ta luôn là người nhận ơn mà chưa có cơ hội đề đáp đền. Ước mong rằng:
Mai sau lớn nên người,
Làm sao có thể nào quên ?
Ngày xưa thầy dạy dỗ,
Khi em tuổi còn thơ…
(Bài hát: Bụi Phấn)