_Cai Tả Vũ Văn Tính_
Gạt bỏ những sự khác biệt, chúng tôi song hành với nhau, để cùng khao khát, cùng dấn thân cho lý tưởng theo chân Chúa qua ơn gọi Dòng Đa Minh. Có thể nói, mỗi anh em chúng tôi có xuất phát điểm và nhiều chí hướng khác nhau, nhưng do thánh ý của Thiên Chúa, lại có thể được quy tụ với nhau làm thành cộng đoàn Thỉnh viện.
Khi còn nhỏ, chúng ta thường mong đợi ngày lớn lên để được vùng vẫy trên những miền đất đẹp như mơ; chúng ta ôm ước vọng rời khỏi gia đình để rong ruổi khắp các phương trời. Để rồi khi trưởng thành, đối mặt với những bận rộn của công việc, với những áp lực của cuộc sống, ta dễ dàng bị dòng đời cuốn trôi. Lúc này, ta mới kịp nhận ra chỉ còn gia đình là không bao giờ bỏ rơi ta cả. Dù con thuyền của bạn có lang thang phiêu bạt nơi đâu, gia đình vẫn sẽ luôn ở đó như một bến cảng bình yên chờ bạn trở về. Và dù con thuyền của bạn có bị những cơn sóng đánh dập cho tan tành thì gia đình vẫn sẽ đón nhận bạn như một ‘garage’ uy tín để sửa chữa cho bạn.
Mái nhà, hai chữ gợi lên những kí ức tươi đẹp nhất trong đời người. Nó gợi lên những nỗi nhớ thân thương, những nỗi khao khát bình dị. Có lẽ, đời người ta cứ thế mà mãi nhớ về những gì đã đi qua trong đời mình, cứ mải tìm về những thứ mình đã có ngày xưa. Những thứ đó càng quý giá hơn vì nó gắn liền với một thời mà ta không bao giờ có thể quay trở lại để gặp, để làm lại lần nữa. Nếu ta không bao giờ mở ngăn ký ức của đời mình ra để ôn lại, thì hẳn ta sẽ không biết mình đã đi qua những tháng ngày ấy như thế nào.
Dưới mái nhà gia đình
Hình ảnh mái nhà trong văn hóa Việt Nam đã quá đỗi thân thuộc và thiêng liêng. Mái nhà là nơi có cha có mẹ, là nơi những người con được bao bọc. Mái nhà là nơi êm đềm nhất với những giây phút sum vầy; đó còn là nơi gói ghém tất cả những gì là thân thương, là quý giá nhất trong trái tim của mỗi người.
Cuộc đời của mỗi người được sinh ra, lớn lên và được che chở dưới những mái nhà. Mái nhà chứng kiến những khoảnh khắc vui buồn của con người, chứng kiến sự lớn lên từng ngày của những người con, chứng kiến những tận tụy, những hi sinh thầm lặng của cha mẹ; và mái nhà cũng là những chứng nhân thấu hiểu và đồng cảm với những bất hòa hay những giọt nước mắt. Nhưng trên hết, dưới mái nhà ta tìm thấy sự bình yên, bởi đó là nơi ngập tràn tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ với chồng; nơi đó không có chỗ cho vụ lợi, ganh ghét hay nghi ngờ lẫn nhau; nơi đó ta tìm lại được chính mình, nơi mà cho phép ta luôn là những đứa trẻ; cũng nơi đó, ta cảm nhận được sự an toàn trước những giông tố của cuộc đời. Ta sẽ không bao giờ có thể cảm thấy bình yên và an toàn hơn khi bên ngoài là những cơn cuồng phong của thiên thiên, những bão tố của cuộc đời. Nhưng dưới mái nhà của chính mình, mọi thứ vẫn thật bình yên bởi những áp lực, hiểm nguy ngoài kia không thể nhấn chìm được ta vì có mái nhà đang che chở ta. Nhà có thể rộng rãi với đầy đủ những tiện nghi, cũng có thể chật hẹp với những đồ dùng sơ sài cũ kĩ nhưng chỉ cần có một nơi gọi là “nhà” để nhớ về, lòng sẽ thấy bình yên. Về với nơi đó ta luôn thấy mình thật nhỏ bé trong vòng tay siết chặt của ba mẹ, ngay cả khi ta đã trưởng thành.
Dưới nhà Giáo hội
Mái nhà ngày xưa trong văn hóa Việt Nam thường được làm bằng những đụn rơm hay những tàu lá thô sơ, dần dà được thay thế bằng những lớp ngói đỏ mang một vẻ đẹp mộc mạc. Như những mái nhà vật lý đó nhờ những nguyên liệu của tự nhiên và qua bàn tay tài tình của con người được làm nên để che chở, bảo vệ con người thể lý. Dưới cái nhìn tâm linh, và cụ thể là dưới cái nhìn thiêng liêng của người Kitô hữu thì đời sống tâm hồn của con người được dưỡng nuôi, được chở che dưới một mái nhà chung là Giáo hội. Thật vậy, Giáo hội chính là mái nhà thiêng liêng của mọi tín hữu. Mái nhà đó mang lại sự bình an trong tâm hồn mỗi tín hữu. Dưới mái nhà đó, họ được lãnh nhận đức tin nhờ Giáo hội. Chính trong Giáo hội, trong sự hiệp thông với tất cả những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội mà người Kitô hữu chu toàn ơn gọi đời mình. Từ Giáo hội, họ đón nhận lời Thiên Chúa, họ lãnh nhận ân sủng của các bí tích nâng đỡ họ trên đường đời. Giáo hội vừa là con đường, đồng thời vừa là mục đích của kế hoạch của Thiên Chúa.
Trong Sứ điệp mới đây của Đức thánh cha Phanxicô gửi cho giới trẻ Việt Nam nhân dịp Đại hội giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần XVII, Đức thánh cha đã nhắn gửi đến các bạn trẻ một sứ điệp xoay quanh từ “Nhà”. Ngài nói: “Nhờ Bí tích Rửa Tội, các con được thừa hưởng một căn nhà khác lớn hơn, đó là Giáo hội. Giáo hội là một ngôi nhà. Là ngôi nhà của các con…” Quả thế, với Giáo hội là Nhà, là Mẹ và mỗi Kitô hữu là những người con trong đại gia đình của Đức Kitô, người Kitô hữu được mời gọi trở về nhà, sống trong căn nhà của mình và cảm nếm những giá trị thiêng liêng của tình gia đình. Giống như những người làm mẹ hằng mong đợi con cái mình trở về sau những ngày tháng cách xa để bươn chải, để khao khát chinh phục ước mơ. Giáo hội là Mẹ cũng hằng mong những người con của mình trờ về nhà sau những năm tháng lưu lạc đức tin. Đức thánh cha còn nói thêm: “Nơi đây các con luôn có thể đào luyện lương tâm và nhân phẩm của các con.” Người con dù có hư hỏng hay lầm lỡ thì người mẹ vẫn luôn dang tay chờ đón người con trong vòng tay mình. Và dù người tín hữu có tội lỗi, yếu đuối đến đâu vẫn được Mẹ Giáo hội mở rộng vòng tay yêu thương và tha thứ nhờ ơn Chúa. Như vậy, dưới mái nhà Giáo hội, ân sủng của Thiên Chúa hằng ấp ủ, hằng nuôi dưỡng và chở che từng tâm hồn tín hữu qua bàn tay của Giáo hội là người Mẹ hiền hậu và chan chứa tình yêu. Hơn nữa, người tín hữu luôn được mời gọi trở về nhà mình để kín múc nguồn ân sủng thiêng liêng đó.
Dưới mái nhà Giáo hội, người Kitô hữu được Thiên Chúa mời gọi để nên thánh vì “ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1Tx 4,3). Và vì Thiên Chúa là Đấng Thánh nên muốn gặp được Người, chúng ta cũng phải trở nên thánh thiện. Nghĩa là chúng ta phải từ bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới trong Chúa Kitô. Chúng ta phải mạnh mẽ dứt khoát từ bỏ ma quỷ, từ bỏ những quyến rũ sai trái của thế gian, từ bỏ tội lỗi vốn làm ta xa rời Thiên Chúa. Ơn gọi làm Kitô hữu là một hồng ân Thiên Chúa ban nhưng không. Và Thiên Chúa còn cất tiếng gọi một số người dâng mình cho Chúa trong đời sống thánh hiến. Tiếng gọi đó dành cho những người mà Thiên Chúa muốn. “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người.” (Mc 3,13).
Dưới mái nhà Thỉnh viện…
Tiếng gọi của Thiên Chúa là một huyền nhiệm, bởi đáp trả tiếng gọi này là đi vào cuộc dấn thân trên hành trình theo bước Đức Kitô. Bước theo Đức Kitô là một trong những lý tưởng mà người sống ơn gọi thánh hiến muốn thực hiện trong nếp sống của mình. Một nếp sống quyết liệt, nhằm thực hiện khát vọng giải thoát trọn vẹn, khám phá ý nghĩa sâu thẳm của hiện hữu, cố gắng vươn tới chiều kích thiêng liêng, và kết hợp với Đấng Siêu Việt hay hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa. Bước theo Đức Kitô, điểm cốt yếu là thái độ can đảm đáp lại lời mời gọi của Người, đồng thời phải sẵn sàng chấp nhận “chén đắng” và cộng tác với Người trong sứ mạng rao giảng Nước Trời. Bước theo Đức Kitô, người sống ơn gọi thánh hiến muốn hoạ lại sứ mạng của Đức Kitô trong trần gian đó là: chọn lựa biểu tỏ một tình yêu đạt đến tuyệt hảo dành cho con người bằng cái chết của Người trên Thập giá.
Và Thiên Chúa mời gọi những con người có cùng một lý tưởng hiến thân bước vào một mái nhà. Mái nhà của đời sống cộng đoàn trong đời sống tu trì là nơi dành cho những người cam kết sống đời độc thân, muốn cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa trong một linh đạo riêng. Nơi đó, mọi cá nhân được mời gọi cùng nhau sống tình huynh đệ, cùng nhau làm việc tông đồ, cùng nhau chia sẻ và lắng nghe Lời Chúa, tìm ý Chúa. Nói cách khác, họ sống với tư cách người môn đệ của mình trong môi trường cộng đoàn, vốn là nơi mà đức tin và tình yêu của họ cùng hướng đến là chính Đức Kitô.
“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133)