[Thứ 6 BNPS] Sứ Mạng Rao Giảng Đấng Phục Sinh

17-04-2020
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3286 lượt xem

Cv 4,1-12; Ga 21,1-14

Rao giảng về Đấng Phục Sinh phải khởi đi từ Tình Yêu nơi trái tim Chúa chứ không phải từ sức riêng mình; rao giảng bằng sự cộng tác của chính mình với ân sủng Chúa chứ không ỷ lại vào Chúa. Đặc biệt, rao giảng bằng phục vụ chứ không phải để được phục vụ. (_Fr. Giuse Vũ Ngọc Thanh_)

Bảy môn đệ trở về với nghề xưa, trở về Biển Hồ quen thuộc đầy những kỷ niệm thầy trò hồi còn ở Galilê. Dù đã chối Chúa, Phêrô vẫn được coi là thủ lĩnh. Ông không ra lệnh, nhưng chỉ lên tiếng cách tế nhị với các bạn: “Tôi đi đánh cá đây.” Các bạn khác hiểu ngay và mau mắn đáp lại: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Có một bầu khí thật dễ thương và đầm ấm trong nhóm tông đồ này.

Galilê là nơi Chúa Giêsu khởi sự rao giảng Tin Mừng và chọn các môn đệ, thì nay sau khi sống lại, Chúa Giêsu cũng mời gọi các môn đệ bắt đầu từ đây mà làm chứng cho Người “bắt đầu từ Galilê cho đến tận cùng trái đất”.

Chúng ta biết văn phong của tác giả Tin Mừng Gioan thiên về tính biểu tượng. Tin Mừng kể rằng các môn đệ vất vả suốt đêm mà không bắt được gì, cho tới sáng Chúa hiện ra và bảo hãy thả lưới vào bên phải mạn thuyền. “Thả lưới vào bên phải thuyền” thiết nghĩ không có gì mới, với những tay nghề như Phêrô hay Anrê có lẽ cả đêm cũng đã thả lưới đủ các kiểu bên trái hay bên phải rồi. Thực ra, những chi tiết như “vất vả suốt đêm”, “trời sáng Chúa Giêsu đến” và “thả bên phải mạn thuyền” mang ý nghĩa biểu tượng. Đặc biệt hình ảnh “bên phải mạn thuyền” gợi nhớ sự kiện một tên lính đã dùng giáo đâm vào cạnh sườn phải Chúa Giêsu làm máu và nước chảy ra. Với sức riêng ỷ lại vào khả năng mình và mò mẫm trong bóng tối, công việc truyền giáo của các môn đệ hoàn toàn thất bại, cho tới khi có ánh sáng Đấng Phục Sinh đến, và khi bắt đầu truyền giáo bằng Tình Yêu từ cạnh sườn của Đấng Phục Sinh thì kết quả mới bội thu.

Lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết (Ga 21,14).

Chi tiết khác, khi các môn đệ bước lên bờ, thì đã có cá nướng sẵn, nhưng Chúa Giêsu bảo đem cá các ông vừa mới bắt được đến nữa cũng mang một ý nghĩa biểu tượng. Đấng Phục Sinh không dọn sẵn cho các môn đệ tất cả, nhưng cần sự cộng tác của các ông. Thiên Chúa ghi nhận công lao vất vả của con người, để cùng kết hợp trong hy tế của Chúa Giêsu đem lại ơn cứu độ cho muôn dân.

Lưới đầy những cá lớn, được 153 con mà lưới không bị rách: Các nhà chú giải vẫn xem con số 153 là tượng trưng cho 153 loài cá dưới biển. Cũng cần phải nói thêm rằng, chi tiết “lưới nhiều cá, thế mà không bị rách, thuyền chở nặng gần chìm mà không chìm” cũng là một ý nghĩa biểu tượng mà tác giả Tin Mừng muốn chuyển tải. Giáo Hội quy tụ muôn dân nhưng vẫn đủ chỗ, không bao giờ thiếu chỗ cho các công dân gia nhập Nước Trời, và ân sủng của Thiên Chúa mà các chứng nhân mang đến cho mọi người không bao giờ bị vơi.

Tóm lại, rao giảng về Đấng Phục Sinh phải khởi đi từ Tình Yêu nơi trái tim Chúa chứ không phải từ sức riêng mình; rao giảng bằng sự cộng tác của chính mình với ân sủng Chúa chứ không ỷ lại vào Chúa. Đặc biệt, rao giảng bằng phục vụ chứ không phải để được phục vụ.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com