Giêrônimô Phạm Thanh Khương
“Việc học là quá trình bất tận, việc học là quá trình góp nhặt lâu dài. Nếu miệt mài học hỏi và suy ngẫm, một ngày nào đó, ta sẽ cảm thụ và tri thức sẽ là phần của riêng ta, đi vào trong từng tế bào của ta.”
Mỗi người đều có một danh xưng. Người Kitô hữu, ngoài tên gọi thông thường, còn mang một tên thánh bổn mạng khi được rửa tội. Đối với người Kitô hữu, tên thánh bổn mạng có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời: Người bảo vệ, hướng dẫn, cầu bầu cho ta trong suốt cuộc đời này. Hơn nữa, người Kitô hữu xem thánh bổn mạng là tấm gương nhân đức để noi theo, để một ngày nào đó được cùng các thánh chung hưởng vinh phúc trên quê trời.
Hôm nay, tôi muốn kể về thánh bổn mạng của mình: Thánh Giêrônimô. Thánh nhân sống vào khoảng thế kỷ thứ IV (345-420), được Giáo hội suy tôn bậc tiến sĩ ngang hàng với thánh Grêgôriô Cả, thánh Âu Tinh và thánh Ambrôsiô, là bốn vị giáo phụ ở Tây Phương.
Thánh Giêrônimô được sinh ra trong một gia đình Kitô giáo, khoảng năm 345 tại Stridon thuộc xứ Dalmatia. Ngài đã khởi sự việc học tại quê hương, xứ Dalmatia. Tiến trình học thuật của ngài ghi đậm nét việc ham mê tìm kiếm và học hỏi. Ngài tự chuẩn bị cho mình vốn kiến thức cổ ngữ Latinh, Hy-lạp, Hípri, và cả tiếng Chal-đê nữa. Khi lớn lên, Ngài được cha mẹ gửi cho theo học ban văn khoa tại Rôma; Sau đó, người đi Trèves; rồi đến Đức, là những nơi được coi là có những nền học thuật cao. Truyện kể lại rằng đi đến đâu, Giêronimo cũng tìm kiếm những bậc thầy tốt lành để học hỏi.
Bản thân thánh nhân nổi tiếng về đức hiếu học, và cũng được biết đến bởi tính khí nóng nảy. Thánh Giêrônimô có trí thông minh nên thăng tiến trên con đường học hành rất nhanh. Ngài có lòng hiếu học, say mê tìm hiểu văn chương, thánh nhân đọc rất nhiều các loại sách khác nhau. Chúa đã biến đổi thánh nhân, và người tôi tớ của Chúa đã biết quyết tâm sửa đổi. Ngài vào trong sa mạc để tập sống đời sống tu trì nhiệm nhặt. Mọi việc làm của Chúa đều lạ lùng, không ai có thể dò thấu.
Ngài là một văn sĩ lỗi lạc, hiểu biết sâu rộng về ngôn ngữ, nhưng cũng còn chút khuyết phạp nơi con người, đó là tính nóng, thẳng thắng và cương quyết. Ngài nổi tiếng là một nhà châm biếm cay nghiệt. Mặc dù Ngài mau nóng nhưng cũng mau hối hận và rất nghiêm khắc với những khuyết điểm của bản thân. Khi nhìn thấy bức tranh vẽ thánh Giêrônimô đang cầm hòn đá đánh vào ngực, một giáo hoàng nói, “Ngài cầm hòn đá đó là phải, vì nếu không, Giáo hội không bao giờ phong thánh cho ngài”. Một người nóng tính và hay dùng lời châm biếm với người khác nhưng lại biết hối hận, sửa đổi bản thân. Điều này chẳng hề dễ dàng nếu không có một lòng kính sợ Chúa. Thánh nhân là một tấm gương sáng ngời cho những con người trong xã hội ngày nay, những con người bộc trực, luôn muốn theo ý bản thân mà bỏ qua thánh ý Chúa.
Con người trần tục của thánh nhân có hơi đặc biệt, nhưng đời sống tinh thần và những đóng góp của Ngài phi thường hơn biết bao. Ngài dành cả cuộc đời cho việc học hỏi và nghiên cứu Kinh Thánh. Bản Kinh Thánh mà Ngài đã chuyển dịch sang tiếng Latinh là bản Vulgate được Giáo hội dùng cho đến tận ngày nay. Đây là một kho tàng mà các học giả ngày nay nhận xét: “Không ai trước thời Thánh Giêrônimô hay cùng thời với Ngài và rất ít người hậu sinh sau đó hàng thế kỷ cũng không đủ khả năng để thực hiện công trình đó.” Để làm được như vậy, thánh nhân hẳn phải có lòng ham học hỏi và say mê Kinh Thánh. Quả vậy, Thánh nhân đã dành rất nhiều thời gian để học hành, Ngài học nhiều nơi, rồi cả trong sa mạc. Mọi thứ trong cuộc sống đều được tạo nên từ những chất liệu riêng biệt. Tri thức, trí tuệ là ơn của Chúa nhưng cũng cần sự cố gắng của con người. Nhờ ơn Chúa cùng sự cố gắng học hành, suy tư, nghiền ngẫm sách vở, thánh Giêrônimô mới có đủ chất liệu để thực hiện công trình dịch sách phi thường.
Việc học là một quá trình góp nhặt lâu dài, có như vậy mới có được kiến thức. Bởi kiến thức không thể hiểu ngay lập tức, càng không thể được ghi nhớ trong trí não mãi. Những kiến thức không được dùng cũng phải hao hụt theo thời gian. Vậy nên, việc học là con đường bất tận, việc học là một quá trình góp nhặt lâu dài. Với những tri thức đã có trước đó, nếu ta miệt mài học hỏi và suy ngẫm, một ngày nào đó, ta sẽ cảm thụ và tri thức sẽ là phần của riêng ta, đi vào trong từng tế bào của ta. Thánh Giêrônimô đã miệt mài học hỏi không ngừng nghỉ. Ngài đã đạt được tầm vĩ đại mà hiếm có ai theo kịp được Ngài. Đến nỗi các học giả từng nhận định: “Cái gì thánh Giêrônimô không biết thì thần chết cũng không biết”. Ngài mãi là một mẫu gương học hành cho những thế hệ mai sau.
Thánh Giêrônimô luôn nghiền ngẫm Kinh Thánh, gắn chặt với Thánh Kinh từng giây phút trong cuộc đời Ngài. Ngài có một câu nói nổi tiếng ai cũng biết: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Đối với Ngài, biết Kinh Thánh là sống theo tinh thần Phúc Âm, sống theo Đức Kitô. Thật vậy, chúng ta đều biết khi Đức Kitô sống tại trần thế, Chúa đã sống một cuộc đời khiêm nhường, khó nghèo, yêu thương, v.v., nhưng để học theo Chúa thì mấy ai làm được. Các vị thánh cũng chỉ noi gương một khía cạnh nào đó của Chúa. Bởi vậy, nếu chỉ biết Kinh Thánh theo chữ nghĩa sẽ không mang lại ích lợi thiêng liêng. Ta phải sống như Đức Kitô đã sống mới tìm được con đường đến Nước trời. Thánh Giêrônimô đã tìm thấy con đường đó qua việc học hỏi, nghiên cứu Kinh Thánh. Ngài luôn lấy Kinh Thánh làm căn bản cho đời sống tu đức.
Con đường nên thánh của Ngài quả đặc biệt. Vì có lòng kính sợ và yêu mến Chúa Kitô mãnh liệt nên Ngài đã bước theo bước chân của Đức Kitô. Ngài vào trong sa mạc bốn năm, dành 36 năm cuối cuộc đời tại một hang ở Bêlem để học tập, nghiên cứu Thánh Kinh. Ngài muốn cảm nhận Đức Kitô một cách trọn vẹn nhất. Nơi đây là thích hợp nhất để Ngài hoàn thành việc sắp xếp bộ Kinh Thánh bằng tiếng Latin.