[Thánh Giaxintô: Bước Chân Tin Mừng] Chương 7: Công Việc Khởi Đầu

16-10-2017
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 3377 lượt xem

Sau đó, đám rước đã tập trung ở một đoạn ngắn dọc theo con đường và những nhóm quý tộc, các giáo sĩ xuất hiện với những đoàn xa mã. Những đứa trẻ lấy làm ngạc nhiên khi tất cả mọi người hướng về người đàn ông mang những bó củi! Sau đó, trước mắt chúng, ông Leszek White, công tước của Cracow đến gần cha Giaxintô và phủ phục xuống đất. Ông đã nằm như thế cho đến khi vị tu sĩ đỡ ông lên.

Không chấp nhận lòng tôn kính quá mức, cha Giaxintô nói: “Thưa ngài, tôi chỉ là người phàm. Tôi không xứng đáng được đón tiếp như thế này.”

Khuôn mặt của ông Leszek tái nhợt khi ông run run đưa tay chỉ lên trời: “Nhưng con chắc cha thấy “Bà” ấy, phải không cha?”

“Thưa ngài, thấy ai ạ?”

“Thưa cha, Đức Trinh Nữ! Cách đây ít phút, tầng trời như mở ra, và con thấy Đức Trinh Nữ đang đứng trên đám mây và chúc lành cho cha. Con đã phải phủ phục trước vẻ đẹp kiều diễm của Người.”

Sau những lời đó, tiếng thì thầm kinh ngạc lan truyền qua đám đông và mọi cặp mắt đều hướng về đó. Rõ ràng thị kiến này đã diễn ra trong khoảnh khắc và chỉ một mình ông Leszek được nhìn thấy. Hình như Thiên Chúa muốn Công tước thành Cracow phải nhận ra sự kiện cha Giaxintô đến thành phố này là rất quan trọng, do đó ông phải làm hết mọi cách để giúp nhà giảng thuyết chu toàn sứ vụ của ngài cho đồng bào Balan.

Nhiều tuần sau đó, Công tước Leszek, các lãnh chúa và nhiều nhà quý tộc khác đã không tiếc công sức đón tiếp cha Giaxintô, và hết lòng giúp cho công việc của cha. Trước đó, ngôi nhà cạnh nhà thờ chính toà do Đức Giám mục Ivo giao cho cha quá chật hẹp. Lúc bấy giờ đã có ba mươi thanh niên từ các gia đình đạo đức ở Cracow đã xin gia nhập Dòng. Với sự gia tăng ơn gọi như thế này thì cần phải xây một Tu viện và một ngôi thánh đường lớn.

Một ngày nọ, Đức Giám mục Ivo cười trìu mến với cháu trai của mình và nói: “Cracow chỉ có hai nhà thờ là nhà thờ Chính toà và nhà thờ Chúa Ba Ngôi. Cháu có biết là chúng ta vừa quyết định giao nhà thờ Chúa Ba Ngôi lại cho cháu không? Vị công tước, giới quý tộc và hàng giáo sĩ đều ủng hộ quyết định này. Nhưng dĩ nhiên, nhà thờ cần được tu chỉnh lại và phải xây một Tu viện sát bên. Có lẽ công trình phải kéo dài một, hai năm mới xong và do dân chúng tự nguyện dâng cúng. Vị công tước đã hứa đóng góp đầu tiên.”

Đôi mắt cha Giaxintô rạng rỡ. Một nhà thờ của Anh em Giảng thuyết ở Cracow! Thật tuyệt vời!

Cha thì thầm: “Biết tạ ơn bác thế nào cho cân xứng đây, bác Ivo? Ngày qua ngày, dường như những điều kì diệu này nối tiếp những điều kỳ diệu khác; và khi mọi việc trở nên khó khăn, thì Thiên Chúa làm vơi đi gánh nặng với niềm vui bất ngờ. Ôi, con sẽ thật hạnh phúc khi nhận Chúa Ba Ngôi làm bổn mạng cho nhà thờ! Khi nào bác gặp vị công tước, xin cho cháu nhắn gửi điều này: Thiên Chúa sẽ ban thưởng bội hậu cho tấm lòng hào hiệp của ông ấy.”

Vì vậy, vào đầu năm 1221, công trình trùng tu nhà thờ và xây dựng Tu viện Chúa Ba Ngôi bắt đầu. Ba mươi tập sinh của cha Giaxintô, trước đây phải chen chúc trong ngôi nhà Đức Giám mục Ivo đã trao tặng, giờ luôn hào hứng vì được đi dã ngoại với vị Bề trên yêu quý. Nhưng từ đây, những chuyến dã ngoại như thế bao gồm cả việc đi thăm ngôi nhà tương lai của họ. Khi rảo qua những phòng ngủ, phòng hội, nhà ăn, họ chăm chú nghe cha Giaxintô diễn giải về thời tập sinh tuyệt đẹp của ngài tại Tu viện Santa Sabina ở Rôma, về cha Đa Minh, nhà giảng thuyết người Tây Ban Nha cũng là Đấng sáng lập Dòng.

Một hôm anh Florian nói: “Con mong ước cha Đa Minh sẽ đến đây và nhìn thấy Tu viện mới của chúng ta. Cha có tin là điều này sẽ xảy ra không cha Giaxintô?”

Cha Giaxintô chăm chú nhìn người anh em trẻ, rồi bất ngờ quay lại nói: “Không, người anh em ạ. Chắc không được đâu.”

Có gì đó không được tự nhiên trong giọng nói của cha Giaxintô khiến anh Florian đâm lo. Mình có lỡ lời gì không? Nếu có, mình phải xin lỗi ngài. Nhưng khi anh đang tìm cách diễn tả những cảm nhận như thế, thì cha Giaxintô đã nắm lấy tay anh.

“Không, không sao đâu con ạ. Điều con hỏi hoàn toàn hợp lý. Nó chỉ làm cha giật mình một chút. Con biết đó, đêm qua, Thiên Chúa đã báo cha biết hiện giờ cha Đa Minh đang được hưởng phước trên quê trời. Từ nay trở đi, trên cõi đời này, cha sẽ không bao giờ gặp lại cha Đa Minh và người bạn thân yêu của cha nữa.”

Đêm qua, ngày 6 tháng 8 năm 1221! Các tập sinh sửng sốt nhìn nhau, lý do chính không phải vì tin báo cha Đa Minh qua đời cho bằng lời tiên tri của cha Giaxintô nhờ vào ơn soi sáng lạ lùng. Thật đúng như thiên hạ đồn thổi: Quả thật ngài là một vị thánh sống!

Khi nhìn ba mươi gương mặt trẻ buồn rầu và hơi hoảng sợ, cha Giaxintô cười vui vẻ: “Các con quý mến, chúng ta không có lý do gì để buồn sầu trước sự ra đi của một người suốt đời tận trung phụng sự Thiên Chúa. Đến đây, cha sẽ kể cho các con nghe thêm về cha Đa Minh và những việc kỳ diệu ngài đã làm cho các linh hồn ở phương Nam.”

Thế rồi các tập sinh quy tụ lại nghe câu chuyện cha Đa Minh thành lập Dòng như thế nào. Giờ đây, Dòng có ba loại thành viên. Nhóm đầu tiên là tu sĩ giảng thuyết và anh em trợ sĩ, nhóm thứ hai là các nữ đan sĩ. Cả hai nhóm, tức là hai phẩm trật, có sự ràng buộc bằng lời khấn phục vụ Thiên Chúa. Nhưng dần dần Dòng có thêm một nhóm khác nữa. Nhóm thứ ba của Dòng (Dòng Ba) bao gồm các giáo dân – những người sống trong thế gian, đã kết hôn hay còn độc thân. Họ không có lời khấn dòng theo nghĩa chặt, nhưng họ tuyên hứa tiến bước trong đời sống cầu nguyện, ăn chay vào một số ngày quy định và thực hành những việc hãm mình khác. Suốt đời, các thành viên của Dòng Ba chia sẻ công phúc với những tu sĩ giảng thuyết, anh em trợ sĩ và các nữ đan sĩ. Khi qua đời, họ sẽ được mai táng cùng bộ tu phục đầy đủ. Toàn Dòng sẽ luôn nhớ đến họ trong lời cầu nguyện và những việc lành.

Cha Giaxintô vui vẻ kết luận: “Các con biết, bà và mẹ của cha đều là thành viên của Dòng Ba. Các con thân mến, ngày nào đó khi các con lên đường rao giảng, các con hãy cố gắng hết sức để cổ võ lối sống này cho giáo dân. Được thế thì sẽ rất hữu ích cho họ.”

Danh tiếng thánh thiện của cha Giaxintô không ngừng gia tăng ở Cracow. Mọi người đều đồng ý là chưa bao giờ ở thành phố này có một nhà giảng thuyết tuyệt vời như thế. Tại sao thế? Vì cha hết lòng yêu thương những tội nhân, và những bài giảng của cha ở nhà thờ Chính toà đã hoán cải được rất nhiều tâm hồn. Chẳng hạn, có ai đó cảm thấy bất lực không thể thoát khỏi nanh vuốt của tội lỗi chăng? Hay có người oán thù tha nhân? Những kẻ làm giàu bất chính? Hoặc ai đó đã lãnh nhận các bí tích cách bất xứng? Tất cả những người đó chỉ cần lắng nghe cha Giaxintô trong năm phút thôi, thì lập tức họ sẽ quỳ xuống xin cha ban Bí tích Giao hoà cho họ.

Ngày kia, Công tước Leszek thổ lộ với Giám mục Ivo: “con nghĩ Thiên Chúa thực sự yêu mến đất nước chúng ta. Mãi cho đến thế kỷ X, chúng ta vẫn chưa đón nhận đức tin. Vậy mà đến thế kỷ XIII này thì tuần nào cũng có vài người trẻ đến với cha Giaxintô để xin gia nhập Dòng.”

Đức Giám mục mỉm cười rồi lắc đầu trước suy nghĩ thiển cận của vị công tước: “Thưa ngài công tước, ngài biết đất nước Balan lớn hơn thành phố Cracow, tức là phải vài chục bạn trẻ tìm đến với Tu viện. Chúng ta đừng quên đối với một linh hồn hay cả một quốc gia thì con đường lên trời là con đường thập giá.”

Đôi mắt công tước nheo lại: “Ý cha là…”

“Tôi nghĩ trong những năm qua cha Giaxintô mới chỉ gieo hạt giống, và chỉ trong một thành phố. Chúng ta phải chờ đợi một thời gian nữa cho một vụ mùa đích thực.” “Sau đó, cha Giaxintô sẽ phải rời xa chúng ta để đến những thành phố khác, đúng không ạ?”

“Tại sao không, thưa ngài công tước? Bây giờ thành phố Sandomierz và cả Troppau đang mời gọi cha. Chúng ta đừng cố gắng giữ cha cho riêng mình. Điều đó là ích kỉ.” Ngài công tước chậm rãi gật đầu, ánh mắt lộ vẻ lúng túng khi nói: “Thưa Đức cha, ngài vừa nói con đường thập giá là con đường duy nhất để lên trời? Thưa Đức cha, chắc đó không phải là sự thật chứ ạ? Bởi vì hẳn là còn có một vài con đường khác đưa chúng ta đến với Thiên Chúa dễ dàng hơn là con đường đau khổ.”

Đức Giám mục tỏ vẽ lưỡng lự. Ngay sáng hôm đó, ngài đã nói chuyện rất lâu với cha Giaxintô, và vị tu sĩ nói rõ ràng về quan điểm này. Cha bắt đầu mô tả về Thiên Đàng, một nơi hoàn hảo, ở đó ông Ađam và bà Eva đã tự do vui hưởng những điều thiện hảo mà Thiên Chúa tạo dựng cho họ. Ở đó không có sợ hãi, đau khổ và xấu xa, cho đến thời điểm khủng khiếp, lúc tính kiêu ngạo len lỏi vào tâm hồn các tổ tông khiến họ nghe theo lời cám dỗ của ma quỷ mà ăn trái cấm để được ngang bằng Thiên Chúa và không còn phải vâng phục Người nữa.

Vị Giám mục bất bình thốt lên: “Ngài thử nghĩ mà xem. Hai thụ tạo do tay Chúa nặn từ bùn đất lại dám cả gan xem mình có thể ngang hàng với Thiên Chúa!”

Vị công tước Leszek im lặng. Mọi người phải làm gì để về Trời bằng con đường thập giá?

Đức Giám mục Ivo cảm nhận được câu chất vấn trong đầu của vị công tước và ngài nhanh chóng tiếp tục câu chuyện của mình. Ngài biểu lộ sự thất vọng dành cho ông Ađam và bà Eva sau khi họ bất tuân phục Cha trên Trời. Thay vì được ngang bằng Đấng Tạo Hoá, thì họ lại trở nên tệ hơn trước kia. Trước đây, con người là thụ tạo cao quý, ngay cả đau yếu và chết chóc cũng không có quyền gì trên con người. Đột nhiên, một mầm mống xấu xa xuất hiện trong họ, đó là tội lỗi. Từ nay về sau họ phải mang mầm mống ấy và con cháu họ cũng phải mang nó, từ đó hiểu biết của con người trở nên mờ tối và ý chí trở nên yếu nhược. Vì thế, con người, cả nam và nữ, thường hướng chiều về điều xấu hơn điều tốt. Và mầm tội lỗi đó sẽ tiềm ẩn trong mọi thân xác cũng như trong mọi linh hồn, hậu quả là tất cả mọi người trở thành nạn nhân của bệnh tật và chết chóc.

Đức Giám mục thận trọng nói: “Con đường thập giá bắt đầu từ điểm này. Ngài biết đấy, từ khi ông Ađam và bà Eva phạm tội chống lại Thiên Chúa, họ không còn xứng đáng được ở trên Thiên Đàng nữa. Họ phải lãnh nhận hình phạt là rời khỏi vườn Địa Đàng và trải nghiệm một cuộc sống như chúng ta đang gánh chịu. Họ phải học ý nghĩa của đau khổ và lao động. Họ phải chứng kiến một sự thật nơi con cháu mình là kể từ đây, bất kỳ một người nào được sinh ra trong thế gian sẽ bị cách ly khỏi Thiên Chúa, xa cách niềm vui Nước Trời, bởi vì họ mang sẵn trong mình vết nhơ tội nguyên tổ thậm chí cái chết cũng không làm thay đổi được. Vì cho dù có vào trong ngục tổ tông thì đó vẫn là tình trạng xa cách Thiên Chúa.”

Vị công tước nhanh chóng trả lời: “Vâng, nhưng Đức Kitô đã chết trên đồi Canvê và cứu chuộc ông Adam, bà Eva và mọi linh hồn khác. Người đã đền bù cho tội tổ tông bằng sự đau khổ khủng khiếp nhất. Tại sao sự đau khổ này vẫn không đủ? Tại sao Đức cha nói, đối với một linh hồn hay toàn thể quốc gia, chỉ có một con đường lên trời là con đường thập giá?”

Vị Giám mục do dự. Có nhiều cách trả lời câu hỏi rất quan trọng này, nhưng ngài chọn cho vị công tước câu phúc đáp ngài luôn lấy làm tâm đắc nhất.

Ngài thừa nhận: “Đức Kitô đã giành lại cho chúng ta ân huệ bước vào Thiên Đàng, những đau khổ và cái chết của Người quá đủ để đền bù tội nguyên tổ. Nhưng, thưa công tước, ngài thấy đấy, chúng ta vẫn là con cái của ông Ađam và bà Eva và là những người con bất toàn nhất. Dù ngay lúc này chúng ta có diễm phúc được lên Thiên Đàng đi chăng nữa, thì chúng ta cũng không có đủ sức.”

“Sao lại thế?”

“Đúng vậy. Thiên Đàng là nơi quy tụ tất cả mọi điều hoàn hảo. Chúng ta sẽ không bao giờ đường đột bước vào nơi ấy trừ khi chúng ta đã trở nên hoàn hảo. Chúng ta chỉ có thể trở nên hoàn hảo khi làm những điều ông Ađam và bà Evà cũng đã tự hào thực hiện. Điều ấy là điều gì?”

“Hiệp nhất chính chúng ta với thánh ý Cha Trên Trời trong tất cả mọi sự, nghĩa là không bao giờ chất vấn về những điều Chúa đặt để trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Hay nói cách khác, hoàn toàn đón nhận thánh ý Thiên Chúa như Đức Kitô đã chấp nhận khi Người sống trên trần gian.”

 “À, con đường thập giá hoá ra là thế!”

“Vâng, thưa ngài công tước. Tất cả những ai trung thành bước theo con đường thập giá này ở thế gian thì đã trở nên hoàn hảo rồi. Nên sẽ không bao giờ phải qua Luyện Ngục nữa.”

Sau khi im lặng một lúc, công tước Leszek thở dài và chậm rãi nói: “Giá mà sống được theo giáo lý đó thì thật là hay quá! Nhưng chắc hẳn giáo lý ấy quá cao vời đối với những người bình dân?”

Vị Giám mục mỉm cười và nói: “Về điểm này, cuộc đời của thánh Stanislao có thể khiến ngài thay đổi về điều ngài vừa nói. Hôm nay thánh nhân đang hưởng vinh quang là nhờ con đường thập giá. Tại sao ngài không nài xin thánh nhân phù giúp?”

Những tuần sau đó, công tước Leszek đã tin vào lời khuyên của Đức Giám mục. Không ngày nào mà ông không quỳ trong nhà nguyện hoàng gia và cầu xin thánh Stanislao ban ơn để sống hiệp nhất hoàn toàn với Thánh ý Thiên Chúa. Và, với lòng tôn kính, ông không đơn độc.

Sau đó, nhờ sự cổ võ của cha Giaxintô mà toàn dân thêm lòng sùng kính đối với vị chứng nhân đầu tiên của Balan. Kết quả là người ta muốn di dời thánh tích của ngài từ nơi tôn kính trước đây ở làng Skalka, trên bờ sông Vistula về một đền thánh xứng đáng hơn ở Nhà thờ Chính toà Cracow. Việc di dời diễn ra vào ngày 27 tháng 12 năm 1221.

Vào buổi sáng đẹp trời, cha Giaxintô cùng với toàn thể cộng đoàn đi đến bờ sông. Những con đường trở nên đông đúc, vì vị công tước và giới quý tộc, Đức Giám mục và hàng giáo sĩ triều, dân chúng thuộc mọi tầng lớp xã hội, cùng nhau vượt sông Vistula, rồi lũ lượt hành hương về Skalka. Bạn bè gặp nhau, khắp nơi ồn ào náo nhiệt, nhưng cha Giaxintô đã không để ý đến những khuôn mặt quen thuộc khi cha cùng với những anh em tu sĩ trẻ của mình băng qua những con phố. Trái lại, cha đang chăm chú cầu nguyện, bởi vì, sáng nay cha phải giảng một bài quan trọng về Giám mục Stanislao trong nhà nguyện Skalka.

Trong lúc bước lên tàu để qua sông, một ý tưởng nảy lên trong tâm trí cha. Mặc dù, mọi người gọi Giám mục Stanislao là “thánh”; nhưng hiện ngài chưa được phong thánh. Thật tuyệt vời nếu Anh em Giảng thuyết có thể xúc tiến để ngài được tôn vinh giữa những anh hùng đã được Giáo hội chính thức công nhận!

Cha tự nhủ: “Mình nghĩ chắc cha Đa Minh sẽ tán thành. Vâng, nếu ngài là mình, mình cam đoan ngài sẽ làm mọi điều có thể để Giám mục Stanislao được tôn kính và được yêu mến.”

Mặc dù, ý nghĩ trên thật hấp dẫn, thế nhưng không còn bao nhiêu thời gian nữa để cha đào sâu vào ý tưởng đó. Cha Giaxintô đành phải tiếp tục suy tư về vị chứng nhân vĩ đại của Balan. Trong tâm trí của mình, cha đang nhẩm lại những gì mà cha sẽ phải trình bày về cuộc đời của vị Giám mục này:

Giám mục Stanislao sinh năm 1030. Ngài là một con người thánh thiện và thông thái. Cuối cùng, ngài đã trở thành Giám mục của Cracow. Ngài cố gắng trình bày cho vua Boleslaus II thấy rằng ngay cả nhà vua cũng phải phục tùng Thiên Chúa và uy quyền của Người. Nhà vua chỉ được có một vợ mà thôi, không được chiếm đoạt hoặc nói dối và không được tàn bạo trong chiến trận. Nhưng vua Boleslaus không phải là người dễ khuyên bảo, vì thế Giám mục Stanislao phải đương đầu với một tình thế hiểm nghèo. Nhà vua quen sống phóng túng, coi thường những giới răn của Chúa, và bấy giờ nhà vua quay sang vu cáo vị Giám mục không trả tiền cho mảnh đất đã mua nhân danh Giáo hội. Có thể làm gì để chặn đứng những vụ bê bối như thế?

Vạ tuyệt thông! Từ ngữ đó khiến cha Giaxintô rùng mình. Vâng, sau nhiều lần cảnh báo, cuối cùng Giám mục Stanislao đã phải ra vạ tuyệt thông cho nhà vua. Nhưng thay vì hối cải, vua Boleslaus bừng bừng nổi giận. Nhà vua truyền lệnh cho quân lính bao vây Toà Giám mục và giết Đức cha Stanislao. Ba tay sát thủ lực lưỡng được chọn, nhưng vào giây phút phải hành động, họ mất hết nhuệ khí. Họ không đủ sức vung gươm sát hại vị Giám mục nhân từ. Thế là vua Boleslaus tự ra tay. Nhà vua thấy Đức Giám mục Stanislao đang dâng thánh lễ, nhưng ngay cả điều này không làm ông dừng bước. Bằng một nhát gươm, nhà vua đã lấy thủ cấp của vị Giám mục. Đó là ngày 8 tháng 5 năm 1079, khi Đức cha Stanislao được 49 tuổi.

Xa xa, giọng nói của người anh em trẻ Bênêđíctô vang lên: “Cha Giaxintô! Thưa cha Giaxintô!”

Vị tu sĩ nhìn lên. Có chuyện gì chăng? Chuyến vượt sông này không hiểu sao nhanh hơn bình thường.

Ít nhất một nửa số thuyền đã băng qua; khách hành hương đông đúc trên bờ sông. Thực là một cảnh tượng vui mắt, nhưng ánh mắt cha Giaxintô lướt nhanh qua để tìm anh Bênêđíctô.

Đột nhiên, anh vượt lên khỏi đám đông, đưa tay ra giúp cha Bề trên bước lên, và nói : “Vâng, con gọi cha. Ôi thưa cha, có một chuyện khủng khiếp vừa xảy ra! Xin Cha vui lòng đến nhanh được không ạ?”

Cha Giaxintô vội bước ra khỏi tàu và nói: “Có chuyện gì thế con?”

Anh Bênêđíctô chỉ về phía bờ sông cách đó vài mét. Một nhóm phụ nữ đang tụ tập ở đó và có một người đang khóc lóc thảm thiết.

Thưa cha, đó là bà Falislava. Bà là một goá phụ. Đêm qua, người con trai duy nhất của bà đang bơi qua sông thì bị chết đuối. Đấy! Cha nhìn kìa! Một ngư dân đang mang thi thể cậu ta lên bờ.

Lòng đầy xúc động, trong lúc cha Giaxintô giơ tay chúc lành thì đột nhiên một tiếng than khóc vẳng lên. Biết được cha đến, bà Falislava càng kêu gào thảm thiết hơn.

Vượt qua đám đông hiếu kì, bà ngã quỵ dưới chân cha Giaxintô, và nức nở: “Thưa cha, xin hãy giúp con! Hãy cứu sống con trai con.”

 

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com