[Thánh Giaxintô: Bước Chân Tin Mừng] Chương 6: Người Hành Khất Tới Cracow

13-10-2017
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 3066 lượt xem

Trong ngày anh Herman được bổ nhiệm, cha Giaxintô đã nhận được bức thư từ Đức cha Andreas, Giám mục giáo phận Prague. Trước đó, khi nghe biết các anh em Đa Minh ở Áo đang trên đường tới Balan, Đức Giám mục đã dùng tài thuyết phục của mình xin cha Giaxintô gửi đến ít nhất là một nhà giảng thuyết.

Đức Giám mục nói rằng: “Cách đây không lâu, cha và cha Ceslao đều là sinh viên ở giáo phận này. Như cha biết, ở đây không có đủ linh mục, nhiều linh hồn đang bị lưu lạc mỗi ngày vì không được dạy dỗ. Ôi, vì danh Chúa, xin cha gửi đến cho ta một anh em của cha! Thành phố Prague này đang đói khát Chân lý!” Cha Giaxintô nhìn lá thư của Đức Giám mục, suy nghĩ hồi lâu, rồi sai cha Ceslao đi. Một cách nào đó cha cảm nhận được giây phút chia ly đã đến gần.

Cha Giaxintô nói với cha Ceslao: “Anh nên đưa anh Giêrônimô cùng đi Prague. Đức Giám mục sẽ tặng cho chúng ta một ngôi nhà cạnh nhà thờ thánh Clemente. Ở đó, với ơn Chúa, anh em sẽ thu nhận những tập sinh, như chúng ta đã làm tại nơi này.”

Trước đây, với sự hướng dẫn của cha Đa Minh, cha Ceslao hiểu được giá trị của sự vâng phục, vì thế trong nháy mắt, cha giấu đi cảm xúc thật của mình. Thay vào đó, cha nở một nụ cười thật tươi và quỳ xuống nhận phép lành của cha Giaxintô. Nhưng vị Bề trên trẻ tuổi hiểu rằng nhiệm vụ mới này chắc chắn sẽ rất buồn chán. Sắp tới đây, cha Ceslao sẽ không còn được gặp gia đình cùng với những người thân của mình ở Balan nữa. Vì thành phố Prague cách Cracow hơn 200 cây số về phía tây, và một khi đến đó, cha sẽ rất bận rộn, không còn nhiều thời gian rảnh rỗi.

Nhẹ nhàng đặt tay lên đầu cha Ceslao để khẩn cầu cho vị tân Bề trên này nhận được những lời khích lệ, nhưng lòng cha Giaxintô vẫn không hiểu vì sao cha Đa Minh lại đặt một người trẻ tuổi như ngài làm Bề trên của các anh em này. Một mặt nhận thấy mình tài hèn sức mọn, nhưng mặt khác cha vẫn cảm thấy rất vững lòng.

Rồi đột nhiên cha khẽ hỏi: “Này cha Ceslao, cha còn nhớ chúng ta vẫn thường thắc mắc làm cách nào mà cha Đa Minh trở thành một người giảng thuyết gặt hái được nhiều thành công hay không?”

Cha Ceslao mỉm cười: “Vâng, chúng ta đã biết tại sao rồi. Thành công những bài giảng thuyết của cha Đa Minh là nhờ vào biết bao hy sinh lớn nhỏ của ngài để xin ơn thứ tha cho các tội nhân.”

“Đúng đấy, đó cũng là điều chúng ta cần phải làm. Nếu chúng ta thực sự muốn cứu các linh hồn, thì lẽ nào chúng ta lại không gạt bỏ những tình cảm riêng tư của mình? Và lại không sẵn sàng để làm bất cứ điều gì Chúa muốn, ngay cả …”

“Ngay cả khi chúng ta không còn gặp lại nhau nữa?”

Cha Giaxintô tha thiết nhìn rất lâu vào mắt của anh mình. Vậy là cha Ceslao đã hiểu được vấn đề. Ngay sau đó, cha hỏi: “Có phải là chúng ta cần phải thực sự chịu đau khổ để có thể cứu được nhiều linh hồn khỏi tội lỗi không?”

Cha Ceslao không đáp lại ngay, vì theo lẽ thường tình, việc phải chia xa người em của mình thì còn đau đớn hơn nhiều. Điều này gần giống như cái chết dần mòn. Tất nhiên, cha Giaxintô có lý. Chỉ khi nào chết đi cho những niềm vui phàm tục, thì mới xứng đáng hưởng niềm vui thiên quốc.

Rồi cuối cùng cha Ceslao cũng lên tiếng: “Nếu chúng ta biết cầu khẩn Chúa trợ lực, chúng ta có thể hy sinh được mọi sự. Bởi vậy, thưa cha Giaxintô, con sẽ đi Prague, hay tới bất kỳ nơi nào cha muốn sai con đến. Con sẽ lên đường với một tâm hồn hân hoan vui sướng. Con xin phép từ biệt cha. Nguyện xin Đức Mẹ luôn phù hộ cha và mọi công việc cha làm.”

Không biết từ đâu một ý tưởng bỗng nhiên nảy sinh trong đầu cha Giaxintô rằng ngoài Balan nhiều dân tộc khác và cả chính mình nữa sẽ nhận được lợi ích từ công lao hy sinh của cha Ceslao. Nhờ ơn Chúa, họ sẽ rao giảng Chân Lý cho khắp cả Châu Âu. “Anh sẽ đi Bohemia, Silesia và Đức,” cha nói mà không nhận ra giọng của mình đã bị lạc đi và trở thành những lời tiên báo. “Còn ta, ta sẽ đi Balan, Ruthenia, Lithuania và Phổ. Hằng ngày chúng ta gặp nhau trong lời kinh nguyện, như cha Đa Minh đã truyền lại cho chúng ta thực hiện.”

Cảnh chia tay diễn ra vội vã. Cha Ceslao gấp rút lên đường tới Prague. Cùng đi có anh Giêrônimô, một chàng trai trẻ gia nhập Dòng ở Friesach và được đặc cách hoàn thành năm tập sớm hơn thường lệ. Cả hai tu sĩ đã vượt qua chặng đường hàng trăm dặm tiến về phương Bắc. Về phần cha Giaxintô, sau khi từ giã anh Herman và các tập sinh, đã cùng với anh Henry rong ruổi suốt hơn 300 dặm để đi về hướng Tây Bắc theo như dự định, để trở về Cracow. Tại sao phải như thế? Bởi vì một khi đã khấn khó nghèo, thì lẽ đương nhiên họ phải hành động như những người nghèo. Những gian khổ này có thể được tiến dâng để làm của lễ hy sinh thay cho những kẻ đang sống trong xa hoa và tính hư tật xấu.

Bởi vậy, những ngày tháng mười đẹp trời năm 1220, cha Giaxintô cùng anh Henry lên đường, thỉnh thoảng dừng lại để giảng dạy cho dân chúng biết sống đời sống Kitô hữu tốt đẹp hơn. Đến đâu, dù nước Áo, Slovakia hay Moravia, các ngài đều thu hút sự chú ý của mọi người, và được dân chúng nồng nhiệt chào đón. Xưa nay chưa bao giờ người ta gặp thấy các tu sĩ đi giảng thuyết. Còn cha Giaxintô thì nhiều lần buộc phải từ chối lòng hiếu khách của họ, không lưu lại ở bất cứ thành phố nào. Nhưng rốt cuộc, các ngài đành phải chấp nhận lời mời của dân chúng tại Olmütz, một thị trấn nhỏ cách Cracow chừng 130 cây số về phía Tây Nam. Họ biết được anh Henry là đồng hương Moravia với họ. Sao có thể đành lòng bỏ đi Cracow được trong khi đồng bào Tiệp Khắc của anh đang thiết tha mong mỏi được nghe các tu sĩ giảng dạy ở đây.

Vị thị trưởng Olmütz nói với cha Giaxintô: “Thưa cha, chúng con nghe nói là thầy Henry đã sẵn sàng để lãnh tác vụ linh mục rồi. Cha không thể để thầy ở lại với chúng con được ư? Chúng con sẽ xây dựng một Tu viện cho những người muốn đến với thầy. Chúng con sẽ xây một thánh đường và một trường học nữa. Ôi, cha nhìn kìa! Tại đây thầy Henry có thể làm được những điều tốt lành cho Chúa và các linh hồn.” Nghe những lời đó, cha Giaxintô phân vân. Cách đây hơn năm tháng, cha cùng ba anh em đã rời Rôma, dự tính đến phục vụ tại Balan. Thế nhưng, kế hoạch của cha đã mấy lần thay đổi. Đầu tiên là anh Herman phải ở lại để coi sóc Tu viện ở Friesach. Rồi, theo lời đề nghị của Đức Giám mục Andreas, cha Ceslao phải đi Prague. Nay thì ở Olmütz này, Thiên Chúa lại muốn thêm một hy sinh nữa là: Cha Giaxintô sẽ quay lại Balan mà không một anh em nào đi cùng, và sẽ không còn liên lạc với những anh em đã từng có những tháng ngày hạnh phúc ở tập viện Santa Sabina!

Sau một hồi do dự, cha thì thầm cầu nguyện: “Lạy Chúa, không phải ý con nhưng xin cho ý Ngài được thể hiện!” Rồi cha quay lại nhìn viên thị trưởng, và ra hiệu cho anh Henry.

Đôi mắt của viên thị trưởng bỗng sáng lên. Ông sung sướng reo lên: “Thưa cha, cha đã đồng ý rồi phải không? Có phải thầy Henry sẽ ở lại với chúng con không?”

Cha Giaxintô thở dài và đáp lại: “Đúng thế. Thầy Henry sẽ ở lại.”

Ngay sau đó, anh Henry đến quỳ xuống trước mặt cha Giaxintô để nhận phúc lành. Dân chúng khắp thị trấn Olmütz vui sướng nhiệt liệt reo hò. Đúng thế! Anh Henry đã được phép tiếp nhận những anh em mới vào Dòng. Chính quyền thị trấn đã chuyển đổi một dinh thự lớn thành một Tu viện tạm thời. Cha Giaxintô phải lưu lại đó một tuần rồi mới tiếp tục khởi hành tới Cracow. Suốt thời gian ngắn ngủi này, sáng nào cha cũng giảng tại quảng trường nơi có nhiều người tụ tập.

Cũng như tại Friesach, rất đông người được hoán cải nhờ những bài giảng của cha. Các giáo sĩ triều thường được mời tới để cử hành bí tích cho đám người đông chưa từng thấy này. Kết quả là có lời đồn thổi rằng vị linh mục người Balan kia chính là một vị thánh. Một cái nhìn của cha cũng đủ làm cho một tâm hồn tội lỗi phải day dứt, thêm một ánh mắt nữa, cha khiến họ phải hoán cải và dứt bỏ những cám dỗ đã từng theo đuổi suốt cuộc đời họ. Cha chỉ cho họ biết cách tìm được bình an đích thực trên trần gian này tùy theo cách mà họ nhận biết, yêu mến và thi hành Thánh ý của Thiên Chúa.

Một phụ nữ trẻ vui sướng reo lên: “Cha Giaxintô không chỉ chữa lành những tâm hồn đau yếu mà còn cứu chữa cả những thể xác tật nguyền nữa! Đứa con của tôi vốn bị mù từ lúc sinh ra, thế mà bây giờ xin mọi người hãy nhìn xem! Thằng bé có khác gì những đứa trẻ bình thường đâu!”

Một phụ nữ khác cũng nói xen vào: “Đúng vậy, chồng tôi cũng bình phục trở lại rồi. Chân của anh ấy bị tật đã mấy năm, nhưng ngày hôm qua cha Giaxintô đã cầu nguyện. Và bây giờ, cái chân què của anh đã lành lại rồi. Tạ ơn Chúa đã gửi cho chúng ta một con người tuyệt vời như vậy!”

Những gì đang xảy ra ở Olmütz này thì cũng giống như đã diễn ra ở Friesach. Dân chúng không muốn cho cha ra đi. Họ khóc lóc van nài cha tiếp tục ở lại để giảng dạy cho họ. Một tuần trôi qua, đã đến lúc cha phải lên đường trở về Balan. Sau bài giảng cuối cùng cha chúc lành cho dân chúng, rồi chậm rãi băng qua quảng trường để tiếp tục chuyến hồi hương. Cùng đi với cha có anh Henry với nét mặt lo âu.

“Thưa cha, nỡ lòng nào bỏ con lại một mình sớm như vậy?” Anh cứ lặp lại câu hỏi đó một cách buồn rầu. “Chí ít khi ở Friesach cha đã từng lưu lại mấy tháng trời tới khi Tu viện được ổn định, rồi cha mới từ giã anh Herman. Vậy mà ở đây…”

Cha Giaxintô vui vẻ tán thành: “Ta biết là ta chỉ ở đây có một tuần. Nhưng hầu như anh không còn cần ta chỉ bảo như một vị Bề trên phải làm nữa rồi. Tuy nhiên, anh hãy nhớ điều này: anh không nhút nhát và không chậm hiểu như anh Herman tốt lành. Chúa ban cho anh một trí óc nhanh nhạy và một khả năng tuyệt vời để hiểu biết những tâm hồn đang phiền muộn. Này Henry, anh có tố chất của một vị lãnh đạo, và vì thế ta thấy phù hợp để hướng dẫn anh theo một hướng khác. Ngay từ đầu, ta đã khuyên anh nên cậy nhờ ơn Chúa thay vì cậy dựa vào ta.” Dù theo lẽ tự nhiên, đang rất buồn khi sắp phải nói lời từ biệt, nhưng anh Henry cũng nhận ra những chỉ bảo khôn ngoan trong từng lời nói của vị Bề trên của mình. Đúng vậy, giá như con người biết cậy trông vào Chúa thay vì cậy dựa vào bất kỳ thụ tạo nào, như thế trần gian này sẽ ít đau khổ hơn, và nhân loại ít phải chịu đựng đau đớn, đổ vỡ hơn. Anh đáp lời: “Vâng, con sẽ gắng cậy trông vào Chúa. Con sẽ hoàn toàn phó thác công việc Bề trên vào tay Chúa và sẽ cố gắng hết sức để dẹp bỏ mọi lo âu. Dù vậy, xin cha cũng nhớ cầu nguyện cho con, vì con biết khi còn lại một mình, con rất sẽ rất yếu đuối nên cần được giúp đỡ.”

Cha Giaxintô đưa tay ban phúc lành lần cuối cho anh Henry và hứa: “Ta sẽ chẳng bao giờ quên anh đâu. Hãy vững lòng! Đừng bao giờ buồn sầu vì phải thực thi thánh ý Thiên Chúa, cho dù có nặng nề đến đâu, bởi vì thánh ý Chúa cũng có nghĩa là điều trọn hảo, không chút tì vết tội lỗi và nếu biết đón nhận một cách khôn ngoan thì đây chính là niềm hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta trên Nước Trời!”

Sau khi nói xong những lời này, cha Giaxintô chia tay người anh em cuối cùng của mình và rời khỏi Olmütz. Trong những ngày tiếp đó, khi phải vất vả băng qua quãng đường dài về phía Tây Bắc, cha cũng cảm thấy được an ủi từ những lời giã từ ngắn ngủi đó. Ôi thánh ý của Thiên Chúa! Quả thật số phận của tất cả mọi người dù nam hay nữ, người lớn hay trẻ nhỏ trên cõi đời này đều tùy thuộc vào việc chấp nhận hay chối bỏ thánh ý Người.

Cha tự nhủ: “Khi đến Cracow, mình cần phải nỗ lực rao truyền chân lý này. Giá mà chỉ được mười người đón nhận đức tin thôi, thì cũng sẽ có thay đổi lớn với nhiều tâm hồn khác.”

Dịp thuận tiện để cha rao giảng cho những người dân thôn quê chẳng còn xa. Sáng sớm ngày Lễ Các Thánh, cha Giaxintô nghĩ rằng cha sẽ về kịp để gặp anh em và những người thân yêu của mình trước khi trời tối. Vâng, Cracow chỉ còn cách đó mấy cây số nữa thôi. Khi đi nhanh qua cánh đồng mấp mô dẫn tới Vistula, lòng cha rộn lên một niềm vui sướng. Chắc chắn Đức Giám mục Ivo đã sắp xếp cho cha sống gần nhà thờ chính toà. Vì là trung tâm của thành phố, đây sẽ là nơi lý tưởng để giảng dạy dân chúng. Vậy nếu Chúa muốn, một số thanh niên Balan sẽ đến xin gia nhập Dòng. Một Tu viện sẽ được xây cất, có thể có cả một đan viện cho các nữ tu nữa. Chẳng phải cha Đa Minh thường nói rằng giảng thuyết mà không cầu nguyện và hi sinh sẽ chẳng đem lại ơn ích cho các linh hồn đó ư?

Cha thầm nghĩ: “Cô em họ Bronislava hẳn phải vui lắm khi nghe tin này. Cô ấy đã gia nhập Dòng thánh Norbertine được ba năm nay. Mình biết cô ấy vẫn luôn thiết tha cầu nguyện cho sứ vụ giảng thuyết của cha Ceslao và mình gặt hái được nhiều thành quả.”

Cha Giaxintô miên man trong những suy nghĩ đó nên không nhận ra một bé trai và một bé gái đang lượm củi bên vệ đường. Hai đứa trẻ xin cha dừng bước, rồi vừa vác mấy bó củi khô vừa hăm hở chạy theo cha. Chúng muốn biết cha là ai? Tại sao cha lại mặc một áo len màu trắng với một chiếc áo choàng ngoài màu đen? Phải chăng đây là cách ăn mặc của một người ngoại quốc?

Cha mỉm cười, nói với chúng: “Chào các bạn nhỏ, tên cha là Giaxintô. Những gì cha đang mang trên người là tu phục của một tu sĩ Giảng thuyết. Cha từ Rôma đến Cracow để loan báo tin vui cho các linh hồn. Nào, các con tên là gì?” Cậu bé nhanh miệng: “Tên con là Stanislao. Con mười tuổi. Nhà con ở phía dưới con đường kia.”

“Còn con là em gái của anh Stanislao. Con tên là Elizabeth,” cô bé cất tiếng. “Con mới tám tuổi. Hàng ngày chúng con vào đây lượm củi về cho cha mẹ.”

Cha Giaxintô gật gù tỏ vẻ tán thành. Giống những người dân khác ở Balan, hai đứa trẻ này đều có mái tóc vàng hoe và đôi mắt xanh thẳm. Cách ăn mặc bình dị cùng với cách chúng vác những bó củi trên vai cho thấy rõ chúng thuộc tầng lớp nông dân – khoẻ mạnh và quen làm những công việc nặng ngoài trời. Đột nhiên cha nheo mắt lại. Chẳng lẽ có điều gì sai ư? Hai đứa trẻ này…

Hai đứa trẻ bất ngờ, vì bỗng nhiên vị khách mới quen muốn giúp chúng vác những bó củi đó. Cha muốn nghe thêm về hai anh em này. Cha nghĩ rằng nếu không phải vác những bó củi kềnh càng trên vai như vậy, chắc chúng sẽ nói chuyện thoải mái hơn.

Cha mỉm cười và bảo chúng: “Này Stanislao và Elizabeth, cha thích tên gọi của các con lắm! Các con được đặt những tên này khi lãnh Bí tích Rửa Tội phải không?”

Cô bé Elizabeth mở tròn đôi mắt xanh thẳm, tò mò hỏi lại: “Bí tích Rửa Tội là gì vậy, thưa cha?”

Bỗng nhiên trái tim cha Giaxintô nhói đau. Cha cảm thấy lo sợ. Điều cha lo sợ không phải là vô lý! Hai đứa trẻ này, giống hàng trăm ngàn đứa trẻ khác ở Bắc Âu, chưa được Rửa Tội, thậm chí cả cha mẹ và ông bà của chúng cũng vậy. Thực ra cậu bé Stanislao chẳng biết gì về vị Giám mục Cracow có tên là Stanislao, là người đã làm cho danh hiệu này trở nên được mến mộ trong lịch sử của Balan. Đó là vị thánh tử đạo đầu tiên của Balan vào năm 1079, dưới thời của bạo vương Boleslaus II. Còn cô bé kia, liệu đã có ai nói cho em biết về Đức Mẹ Đồng Trinh hay người chị họ của Mẹ là bà Elizabeth hay chưa?

Bởi vậy, liền sau đó cha Giaxintô giảng giáo lý cho hai em bé thôn quê đó. Chúng chăm chú lắng nghe, vì trước đây, chưa bao giờ chúng được nghe ai nói về Thiên Đàng. Đó là một nơi tuyệt vời gồm những người, nam cũng như nữ, sau khi trung tín phụng sự Thiên Chúa nơi trần gian, được sống hạnh phúc trong vinh quang bất diệt.

Nghe những lời đó, đôi mắt Elizabeth bừng sáng, cô bé hỏi: “Thưa cha Giaxintô, chúng con cũng có thể được lên Thiên Đàng, phải không cha? Chúng con vẫn có thể lên đó, ngay khi chúng con nghèo khổ như thế này sao?” Vị tu sĩ mỉm cười: “Đúng rồi, cô bé ạ. Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người mà Người đã tạo dựng được mãi mãi sống hạnh phúc với Người trên Thiên Đàng, miễn là họ biết yêu thương nhau và phụng sự Thiên Chúa.” Cô bé chưa kịp mở miệng hỏi thêm thì bị anh trai nắm lấy cánh tay và kéo. “Elizabeth ơi, em có thấy đoàn rước kia không? Chắc là ngài công tước từ trong thành tiến đến đấy!”

Nghe vậy, cô bé lập tức quên đi niềm vui cô vừa tìm thấy nơi thế giới Thiên Đàng. Nheo mắt lại, nhón chân lên, cô bé say sưa nhìn về phía trước. Con đường họ đang đi cũng sắp dẫn đến nơi, Cracow hiện ra trước mặt họ với những hồ nước xanh thẳm của vùng Vistula. Lúc đó, hơn năm mươi cỗ xe ngựa với cờ xí trang hoàng lộng lẫy từ cổng thành phía nam chạy ra.

Cô bé Elizabeth háo hức giật giật áo choàng của cha Giaxintô. “Cha nhìn kìa! Cỗ xe sơn son thếp vàng với mười hai con ngựa trắng đang kéo là của ngài công tước Leszek đấy! Đẹp quá cha nhỉ?”

Cha Giaxintô mỉm cười. “Ừ, đẹp lắm! Đứng đây mà nhìn thì thật tuyệt vời!”

Cậu bé Stanislao bỗng kêu lên vui sướng. “Có hai chàng kị sĩ chạy phía trước nữa, thưa cha, và họ đang vẫy tay ra hiệu cho chúng ta đấy! Cha có nghĩ rằng họ muốn chúng ta tránh đường hay không?”

Vị giảng thuyết thả hai bó củi trên vai xuống. Đôi mắt tinh tường của cha đã nhận ra huy hiệu của Đức Giám mục Ivo đang bay phất phới từ một cỗ xe ngựa. Cha nở nụ cười và nhìn cậu bé đứng bên cạnh mình.

“Không, cha nghĩ chúng ta không cần phải tránh đường đâu, Stanislao ạ.”

“Vậy chắc là ngài công tước đang muốn đi gặp một quan khách nào đó. Có thể đó là một ông hoàng hay một ông vua không chừng!”

Cha Giaxintô lại cười và nói: “Không phải đâu, anh bạn nhỏ của ta ơi! Cha nghĩ rằng vị khách này cũng chỉ là một người nghèo khổ như bất kỳ người hành khất nào ở Cracow mà thôi!”

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com