O Lumen – Lời Giới Thiệu Của William R. Bonniwell

05-03-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1622 lượt xem

ĐA MINH, VỊ THÁNH VƯỢT THỜI GIAN
Richard T. A.Murphy, O.P.

Lời giới thiệu của William R. Bonniwell
Chương 1. Ánh sáng Giáo hội
Chương 2. Thầy dạy Chân lý
Chương 3. Hồng thiêng nhẫn nại
Chương 4. Ngọc ngà khiết tịnh
Chương 5. Đấng ban phát dòng nước khôn ngoan
Chương 6. Nhà giảng thuyết ân sủng
Chương 7. Xin cho chúng con được hiệp đoàn với các phúc nhân

O lumen Ecclesiae (Ánh sáng Giáo hội) là một điệp ca có nhịp điệu tinh tế, do giám mục Constantine, giáo phận Orvieto sáng tác. Nguồn cảm hứng để ngài soạn thảo điệp ca này là hai khía cạnh nổi bật nơi cha Đa Minh: đời sống thánh thiện và lòng hăng say phục vụ Giáo hội.

Richard T. A. Murphy, tác giả tập chú giải, sẽ chia sẻ cho chúng ta thấy rõ đời sống thánh thiện của cha Đa Minh; phần mình, tôi cảm thấy vinh dự và hạnh phúc khi được trình bày việc phục vụ tuyệt vời mà thánh Đa Minh đã làm cho Giáo hội.

Đức tổng giám mục dòng Tên Alban Goodier đã từng viết:

“Có một chương trong lịch sử châu Âu mà dường như chưa bao giờ được viết đầy đủ. Đó là phần ghi lại lòng biết ơn của châu Âu, cũng như của các Kitô hữu, đối với thánh Đa Minh và con cái của ngài, các anh em Giảng Thuyết, trong suốt giai đoạn khủng hoảng lớn nhất của châu Âu. Vào thời điểm mà mọi thế lực, cả thần quyền lẫn thế quyền, đe dọa sẽ đập tan Kitô giáo, … thì hơn bất kỳ người nào khác trong thời đại của mình, thánh Đa Minh đã góp phần gìn giữ Giáo hội hiệp nhất.”

Thánh Đa Minh chào đời tại Caleruega, Tây Ban Nha, khoảng năm 1170 hay 1171. Vì được sinh ra trong dòng tộc cao quý, nên thời niên thiếu, ngài được đào tạo riêng. Sau đó, ngài được gửi đến ngôi trường nổi tiếng ở Palencia và đã lưu lại đấy khoảng mười năm. Thánh nhân nghiên cứu các ngành nghệ thuật tự do khoảng sáu năm, rồi sau đó dành bốn năm để nghiên cứu Thần học và Kinh thánh.

Sau khi được thụ phong linh mục, cha Đa Minh trở thành thành viên Kinh sĩ đoàn thánh Augustino ở Osma. Năm 1203, cha tháp tùng đức giám mục Diego đi sứ sang Đan Mạch. Hai năm sau, cha trở lại Đan Mạch với giám mục Diego một lần nữa, và sau đó cả hai vị đã viếng thăm Rôma, Citeaux và cuối cùng là Montpellier. Chính tại đây, hai vị đã gặp các viện phụ dòng Xitô là những người được đức giáo hoàng Innocente III sai đi hoán cải những người theo lạc giáo Albi. Cuộc gặp gỡ này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời cha Đa Minh. Thế nên, điều quan trọng là chúng ta hãy tìm hiểu xem những người theo phái Albi này là ai.

Vào thời điểm đó, Giáo hội phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất: cuộc đấu tranh với lạc giáo đầy quyền lực – phái tân Manikê. Trong thế kỷ III, lạc giáo Manikê đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Giáo hội; còn trong thế kỷ XI, lạc thuyết này tái xuất hiện ở Bungari và từ đó lan truyền khắp châu Âu.

Lạc giáo này chia ra khoảng hai mươi giáo phái khác nhau, thường quy tụ lại dưới một tên chung (không hoàn toàn chính xác) là lạc giáo Albi. Tất cả đều phủ nhận giáo lý nền tảng của Kitô giáo, đặc biệt là thiên tính của Đức Kitô. Họ nói rằng Đức Kitô, Đấng đã chết trên thập giá chỉ là một kẻ xấu xa. Họ bác bỏ hầu hết Kinh thánh cũng như bảy bí tích. Họ tuyên bố thân xác con người là sự dữ; do đó, việc hủy hoại thân xác bằng cách tự tử là một hành động tốt. Hôn nhân là tội lỗi và có con là điều ác. Các giáo phái này tự gọi mình là Kitô hữu nhưng giáo lý của họ lại rất ít Kitô tính.

Người ta có thể tự hỏi, làm thế nào mà trong “Kỷ nguyên đức tin”, những nền giáo lý như thế lại có thể bén rễ sâu trong Kitô giới. Các nguyên nhân thì thật khó tin đến nỗi chúng ta chỉ cần trưng dẫn những nguồn tài liệu chính thức của Giáo hội như công vụ của các hội đồng quốc gia, sắc lệnh của các Công đồng chung, và thư của đức giáo hoàng Innocente III.

Lý do đầu tiên là sự thiếu hiểu biết nơi giáo dân, nhiều người biết rất ít, hoặc mơ hồ về tôn giáo của mình. Sự thiếu hiểu biết của họ lại do hàng giáo sĩ ngu dốt, được đào luyện từ những trường thần học yếu kém. Một giáo phận giàu có thường sở hữu một đội ngũ giáo sư có năng lực, nhưng một giáo phận nghèo chỉ có thể đáp ứng một hoặc hai giáo sư cho toàn bộ chương trình đào tạo. Các giáo phận nghèo chỉ trả cho giáo sư đồng lương ít ỏi. Ngoài đồng lương, họ thường chẳng nhận được thêm gì, như đức giáo hoàng Innocente III đã nhận xét. Vì nhiều trường được điều hành cách bừa bãi và không đúng năng lực nên hậu quả là họ đã đào tạo ra những linh mục không biết “đọc”, ít có khả năng viết lách.

Hội đồng các giám mục ở Oxford năm 1222 kêu gọi “các linh mục học cách đọc cho đúng, ít là lễ quy Rôma”. Công đồng Laterano IV năm 1215 đã truyền rằng “Giám mục nào phong chức cho ứng sinh yếu kém thì sẽ bị phạt nặng.” Đức Innocente III buộc phải bãi chức ba mươi giám mục – vài người trong số họ không biết chút gì về thần học. Trường hợp gần như không thể tin được này lại còn trầm trọng hơn do nhiều thứ tội lỗi ghê tởm.

Trong khi đa số các giáo sĩ sống tốt lành thì vẫn còn nhiều người vi phạm đời sống độc thân, khiết tịnh. Các văn kiện của Công đồng Laterano II và III tố cáo những linh mục như vậy. Công đồng kêu gọi loại trừ số người này và phải trừng phạt các giám mục đã bao che những vụ bê bối như thế. Nếp sống tồi tệ của một số giáo sĩ đã làm cho mọi người chê ghét và khinh bỉ.

Nguyên nhân thứ ba làm cho lạc giáo lây lan là sự giàu có nơi nhiều giáo sĩ cấp cao. Hầu hết các giám mục và viện phụ sống xa hoa như những lãnh chúa thời bấy giờ. Họ thường xuất hiện công khai với vài trăm hiệp sĩ tháp tùng (những người được trả lương) và vô số những người phục vụ khác. Điều này đã gây ra nhiều gương xấu. Việc phô trương sự giàu có trở nên quá mức đến nỗi Công đồng Laterano III đã quy định rằng, khi một giám mục đi kinh lý trong địa phận thì chỉ được mang theo ba mươi kỵ binh. Thêm nữa, Công đồng còn nhấn mạnh rằng các giám mục không được mang theo chim ưng và chó săn.

Các Kitô hữu đạo đức nhận thấy những vụ bê bối này là lý do giải thích tại sao nhiều người rời bỏ Giáo hội; tuy nhiên họ lại không biết giải quyết vấn nạn ấy như thế nào. Một số người đã thử áp dụng một vài biện pháp, chẳng hạn như hai linh mục – hoàn toàn không biết nhau, là Robert d’Arbrissel (V1117) và Norbert Xanten (V1134). Cả hai vị đều phân phát của cải cho người nghèo, mặc y phục tồi tàn, đi chân trần từ làng này sang làng khác để rao giảng Tin mừng. Cũng có một số người cải cách là thành phần giáo dân, chẳng hạn như Phêrô Waldo. Ông đã phân phát tài sản của mình và theo đuổi sự nghèo khó, đi rao giảng Tin mừng khắp thành phố Lyon. Vì không được đào tạo thần học, nên Phêrô và những người đi theo ông sớm rơi vào lạc giáo.

Cuối cùng, đức giáo hoàng Innocente III nhận thấy ngoài nếp sống nghèo khó tông đồ và giáo huấn về luân lý, các tín hữu còn cần một điều gì hơn thế nữa. Chỉ các nhà thần học mới có thể phơi bày những sai lầm của các giáo phái và khẳng định chân lý Kitô giáo. Vì vậy, đức thánh cha gửi mười hai viện phụ Xitô đến vùng Languedoc[1] để giảng dạy. Các viện phụ làm việc ở đây vài năm, nhưng chỉ hoán cải được rất ít người.

Trong khi các viện phụ rao giảng về sự thánh thiện của Giáo hội, thì thính giả lại chỉ ra nhiều linh mục đang sống đời tư hôn công khai. Danh sách của họ luôn bắt đầu với cái tên Berengar, tổng giám mục Narbonne. Ông rất tai tiếng vì thói tham lam, vô đạo đức và tội mại thánh. Các đại sứ Tòa thánh kêu gọi đức giáo hoàng trừng phạt vị giám mục xấu xa này, và đã báo cáo những tội trạng của Berengar khi ông đến Rôma. Tất cả dân cư vùng Languedoc theo dõi vụ án, nhưng thật bất ngờ, đức Innocente III phớt lờ đề nghị của các đại sứ, đã ân xá cho Berengar và khôi phục chức vụ cho ông.

Những người theo phái Albi coi điều này là bằng chứng cho thấy Giáo hội đã mục nát từ cốt lõi, vì “Người đại diện Chúa Kitô” đã dung túng cho một tổng giám mục bất xứng. Với sai lầm này, đức giáo hoàng đã làm tiêu tan mọi hy vọng cải hoán bè rối Albi. Sau này, ngài bãi chức Berengar, nhưng đã quá muộn, vì sự tổn hại đã ăn sâu.

Trong khi đó, các viện phụ Xitô ở Languedoc choáng váng. Họ tập họp tại Montpellier để quyết định xem có nên tiếp tục hoạt động không. Vào chính lúc ấy, năm 1206, đức giám mục Diego và thánh Đa Minh đến thành phố Languedoc. Hai vị thuyết phục các viện phụ tiếp tục công việc và tình nguyện cộng tác với họ; nhưng một năm sau, giám mục Diego qua đời, và các viện phụ cũng trở về đan viện, chỉ còn lại cha Đa Minh và một vài người khác.


[1] Khu vực bao gồm một phần lớn miền Nam nước Pháp; vì thế, không có một danh xưng nào áp dụng cho toàn vùng. Sau này, toàn vùng được gọi là Languedoc theo tiếng địa phương.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com