Nội San / Số 74 – Giuse Nguyễn Văn Hiển “Kinh Trong Tim”

10-06-2021
Bởi: Jos Nguyen OP Có: 0 bình luận 1268 lượt xem

Kinh Trong Tim

Giuse Nguyễn Văn Hiển

“Lạy Chúa, xin lắng nghe lời con cầu khẩn,

tiếng con van nài, xin để ý lưu tâm.

Lâm cảnh ngặt nghèo, con kêu lên Chúa,

vì Chúa vẫn đáp lời.”  

(Tv 86,6-7)

Xã hội và con người đang lâm cảnh ngặt nghèo vì dịch COVID-19 vẫn đang lây lan và làm hại rất lớn đến nhiều mặt của đời sống. Biết bao người đã tử vong vì dịch bệnh này! Biết bao người chịu đau đớn! Biết bao người mất việc làm!… Và với Việt Nam, đồng bào còn chịu thêm bao đau thương vì lũ lụt! Khó khăn chồng chất khó khăn! 

Trước tình cảnh đó, người đi tu biết đau đớn và đồng cảm với nỗi đau của nhân loại; câu hỏi đặt ra là: Có thể làm được gì đây cho đồng loại? Và một trong những cách thức người đi tu có thể làm là dâng lên Thiên Chúa nhân lành lời kinh tha thiết, cầu xin cho hòa bình trên thế giới, cầu bình an cho anh chị em.

1. Đời tu và kinh nguyện

Tu sĩ nguyện ước sống một cuộc đời khiết tịnh, thanh bần, tuân phục để phục vụ Chúa và tha nhân. Họ chấp nhận lội ngược dòng, chấp nhận là “một kẻ điên dại” trước mặt người đời vì Chúa. Ba lời khấn không những không làm cho người tu sĩ trở nên cằn cỗi, mà càng giúp họ trở nên vui tươi sung mãn vì có Chúa là nguồn hạnh phúc. Người tu sĩ dám coi mọi vinh hoa phú quý đời này “như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,8). Cảm được hạnh phúc sâu xa, ý thức vai trò phục vụ, tu sĩ dám ra khỏi chính mình để đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì cho Chúa và tha nhân; và thế là họ vui vẻ đăng trình, đến những nơi đang cần đến họ, để phục vụ tha nhân, để mang yêu thương đến với nhân loại như Thầy Giêsu đã yêu thương họ. Lý do đơn giản, tu sĩ tin rằng nơi tha nhân có hình ảnh Đức Kitô.

Theo dòng lịch sử Giáo Hội, ta thấy rất nhiều gương sáng của các thánh nhân đã hy sinh vì người khác, đã xả thân vì bạn hữu, có vị dành cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời trong dòng kín để cầu nguyện cho anh chị em, cho quê hương, cho dân tộc. Các ngài là muối mặn, men nồng “ướp hương” cho cuộc đời. Tôi xin kể ra gương sáng của chị thánh Têrêsa Hài Đồng – bông Hồng thơm của Giáo Hội và của nhân thế. Là một đan sĩ bé nhỏ, với một tâm hồn “giản đơn”, chị lại được tôn kính là bổn mạng các nhà truyền giáo. Tại sao như vậy? Tại sao một nữ tu dòng kín, cuộc đời chỉ đóng kín trong bốn bức tường đan viện, lại trở thành bổn mạng các nhà truyền giáo? Đó là vì chị có trái tim rộng lớn hướng tới mọi người, đặc biệt cho các vị thừa sai đang vất vả trên những cánh đồng truyền giáo; chị cầu nguyện, cầu nguyện không ngừng; tình yêu của chị hướng đến tất cả, không bó hẹp hay giới hạn. Tác phẩm “Truyện một tâm hồn” kể về cuộc đời và hành trình tâm linh của chị. Và cũng qua tác phẩm này, gương sáng và đời sống của chị được biết đến, cũng đồng nghĩa là biết bao người đã tìm thấy ý nghĩa cuộc đời. Trước khi từ trần chị hứa sẽ làm mưa hoa hồng để trần gian ngập tràn hồng ân; đó chính là lời nguyện của cuộc đời chị, lời nguyện vì lòng nhân ái.

Giữa một xã hội phát triển không ngừng như hôm nay, đời sống vật chất thoải mái, với lối sống phần nhiều thích hưởng thụ, v.v. vẫn còn đó những tu sĩ dám chọn đời dâng hiến, hy sinh cuộc đời cho tha nhân, dám từ bỏ và hy sinh tất cả để cầu nguyện cho bình an và hạnh phúc nhân loại. Giữa một thế giới ồn ào, giữa dòng đời tấp nập, các đan sĩ dòng kín tự chọn một cuộc đời ẩn dật trong đan viện; ở đó, họ cầu nguyện, và dâng lên Thiên Chúa những ước vọng của tha nhân, dâng những khó khăn vất vả của kiếp nhân sinh lên Thiên Chúa Nhân Lành, với ước mong nhân thế được hạnh phúc… Với niềm xác tín, ta tin rằng nhờ lời cầu nguyện không ngừng của người tu sĩ mà thế giới được hưởng những ơn lành trời cao. Những con người cao quý với những lời cầu nguyện cao quý.

Thỉnh sinh Đa Minh – những nam thanh niên ước mơ trở thành tu sĩ để dâng hiến cuộc đời cho tha nhân, để lên đường phụng vụ, để rao truyền Tin Mừng bình an của Thiên Chúa – là những người trẻ đong đầy nhiệt huyết và tình yêu nồng thắm dành cho mọi người, hướng đến mọi nơi. Khi đứng trước những gian truân của nhân loại, Thỉnh sinh chúng em cũng tập học đồng cảm với những cảnh ngộ của tha nhân, xót xa cho những đớn đau mất mát mà con người đang phải gánh chịu… Anh em cũng tập dâng lên Thiên Chúa lời kinh tận đáy lòng, để cầu nguyện cho khó khăn này mau qua. Cách biểu lộ sự đồng cảm, sự sẻ chia chân tình của Thỉnh sinh chúng em giản đơn gói ghém trong lời cầu nguyện, lời kinh xuất phát từ đáy lòng…

2. Kinh trong tim – lời kinh với cuộc sống thường ngày

Hỏi rằng bốn bức tường tu viện có thể tách biệt người tu sĩ với thế giới? Thưa, không thể. Có thể ai đó cho rằng tu sĩ chạy trốn thế gian, trốn tình cảm con người, trốn trách nhiệm…, nhưng thật ra, không phải như vậy. Một tác giả đã viết những dòng thơ tuyệt vời:

“Cứ ngỡ người tu không biết yêu!

Sống không tình cảm, sống cô liêu

Tháng ngày chỉ biết câu kinh kệ…

Chôn đời trong nếp sống quạnh hiu.

Vỡ lẽ… người tu cũng biết yêu!

Mà không yêu một, lại yêu nhiều.

Sang, hèn, đẹp, xấu đều yêu cả

Tim này không biết rộng bao nhiêu!”

Một đời hy sinh trong thầm lặng, khiêm tốn, nhưng tình yêu lại dạt dào, bao la. Sự dấn thân của tu sĩ được ví như hạt giống gieo vào lòng đất; ngày hạt được gieo xuống không ồn ào, không khoe khoang. Hạt giống hòa mình trong lòng đất, biết mục nát đi để nảy sinh mầm sống, và mầm sống ấy vì nhân loại, vì cuộc đời. Rồi ngày gặt hái ai ai cũng mừng vui: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt.” (Ga 12,24).  

Tình yêu nơi tu sĩ phát sinh sự chân thành, lớn dần trong thinh lặng, để nhờ tình yêu mà họ biết hy sinh không tính toán, yêu thương với tình yêu bao dung… Tình yêu ấy lớn hơn nữa khi được gói trong lời kinh gửi trời bay tới muôn nơi, lời kinh phát xuất từ tiếng lòng để gửi tới muôn người. Lời kinh cầu bình an được cất lên từ sáng sớm tới chiều hôm, bổng trầm như hương bay tỏa trước thánh nhan…

“…Cứ ngỡ người tu chẳng có Tình

Ai ngờ… tình rộng tới muôn sinh.

Cỏ, cây, sông, núi đều ôm trọn

Mà vắng bên lòng những sắc xinh…

Vẫn yêu như gió qua màn lưới

Chẳng vướng vào đâu, trút cạn tình

Chung tay huynh đệ… cùng đi tới

Lồng lộng niềm thương trong tiếng Kinh…”(1)

3. Kinh trong tim – lời kinh và giọt lệ của thời gian khó

Đồng cảm với nỗi đau của nhân loại, với những khó khăn thời đại dịch, với cái cơ cực vì lũ lụt của người dân miền Trung, người đi tu chỉ biết dâng lên Chúa lời kinh van vỉ, thiết tha để cầu mong cho bình an, mong cho khó khăn mau chấm dứt. Chắc một điều là trong lời kinh ấy có cả tiếng lòng nát tan, nước mắt nài van cho quê hương, cho dân tộc… Trong mỗi giờ kinh, anh em cùng đọc lời cầu cho đại dịch chóng qua; mỗi khi nghe tin lũ về, lời kinh của anh em như trầm lắng, tiếng lòng như nghẹn lại…

Người tu sĩ, những Thỉnh sinh Đa Minh, tất cả, dù không thể đến tận nơi để sẻ chia của cải vật chất, hay nói những lời an ủi, v.v., nhưng qua lời kinh, họ gắn kết thiêng liêng với anh em đồng loại; tất cả tiếng lòng được gửi gắm nơi lời kinh dâng lên Thiên Chúa nhân lành. “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay tỏa trước Thánh Nhan; và tay con giơ lên, được chấp nhận như của lễ ban chiều.” (Tv 141,2). Lời kinh vang vọng không gian, thời gian, phá vỡ mọi khoảng cách, mang người tu sĩ đến với anh em đồng loại. Lời kinh ấy không bị bó hẹp trong không gian tu viện hay nguyện đường, nhưng nối kết họ với những anh chị em đang chịu khó khăn, đang đói khổ, đang phải chống chọi với những gian nan trong cuộc đời…

“Lạy Chúa là Thiên Chúa cứu độ con,

trước thánh nhan đêm ngày con kêu cứu.

Nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài,

xin lắng nghe tiếng lòng thổn thức…”  

(Tv 88,2-3)

Dịch bệnh lan tới đâu, lời kinh vang đến đó. Nước lũ càng dâng cao, lời kinh càng thống thiết. Lời cầu nguyện còn cho thấy khả năng con người có giới hạn, có những chuyện chúng ta không thể làm gì khác ngoài cầu nguyện và phó thác cho Thiên Chúa.

Con người hôm nay đạt được nhiều thành tựu, nhiều người cũng vì đó mà kiêu căng, ngạo nghễ với đời và với trời; nhưng biến cố này cho thấy rõ giới hạn của con người, và ta cần, rất cần đến Thiên Chúa Toàn Năng và Ơn quan phòng của Người. Sức mạnh của lời cầu nguyện thật lớn lao vĩ đại, lời cầu nguyện như chiếc phao để ta bám lấy khi chơi vơi giữa dòng đời, là cột trụ vững chắc để ta bám lấy lúc gặp “phong ba bão táp”.

Anh em Thỉnh sinh Đa Minh, những người trẻ với ước mơ sẽ sống đời tận hiến cho Chúa, ước mơ mang con tim ôm trọn kiếp người, ắt hẳn cũng biết xót thương với kiếp người khổ đau, với những cảnh đời bất hạnh, với những ai đang vất vả chống chọi với khó khăn gian khổ. Ước mong mỗi anh em hãy giữ mãi ngọn lửa nhiệt tình trong tim, ước mong anh em giữ mãi tình yêu đại đồng nơi con tim biết thổn thức vì tình yêu, một tình yêu bắt nguồn từ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã yêu chúng ta đến cùng… Xin cho lời kinh của anh em được Thiên Chúa chấp nhận như “của lễ ban chiều”.

Để thay lời kết, xin mượn đôi lời của thánh Phanxicô Assisi trong “Kinh hòa bình”, như lời kinh để kết bài suy tư, để cảm tạ: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, đem niềm vui đến chốn u sầu. Xin cho con biết an ủi hơn được ủi an, yêu mến người hơn được yêu mến, và lạy Chúa xin đổ đầy chúng con ơn an bình của Chúa. Ước mong lời nguyện cầu của tất cả chúng ta được Thiên Chúa nhân lành đón nhận để thế giới sớm vượt qua những khó khăn này.

“Lạy Chúa,

ước chi lời con nguyện,

  như hương trầm bay tỏa trước Thánh Nhan, 

và tay con giơ lên

được chấp nhận như của lễ ban chiều.”

(Tv 141,2)

   1. Người tu là thế đấy, <http://chiendang.blogspot.com/2014/02/nguoi-tu-la-ay.html?m=0>.

 

 

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com