[Văn Nghị Luận] Gói tiền và gói văn hóa

10-06-2017
Bởi: Nguyễn Hoàng Bảo Có: 0 bình luận 4207 lượt xem

__Trần Hiệu__
“Bạn có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không ai đánh rơi một gói văn hóa cho bạn nhặt.”

Xã hội hôm nay đang không ngừng biến chuyển. Trong khi sự tăng trưởng về kinh tế ngày một đi lên thì các giá trị tinh thần, đạo đức đang có dấu hiệu đi xuống. Khi đồng tiền lên ngôi thì cũng là lúc người ta chứng kiến thêm nhiều các hiện tượng bi thảm vể đạo đức, văn hóa, xã hội. Giáo dục tụt dốc, các giá trị gia đình, xã hội bị xem nhẹ, sự mất quân bình xã hội tăng cao, tham nhũng thành quốc nạn, đạo lý cương thường đảo điên; nhiều người sống mất định hướng, sống cuồng, sống vội, chập dựt, buôn thả… Các dấu hiệu trên cho thấy xã hội chúng ta đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng các giá trị phi vật chất. Những thứ vật chất như tiền bạc có thể kiếm được một cách nhanh nhất, có thể có được mà chẳng cần mất nhiều công sức. Nhưng liệu rằng các giá trị tinh thần như văn hóa, đạo đức chúng ta có thể dễ dàng sở hữu? Liệu nó có phải là một thứ tài sản cụ thể mà ai đó có thể gói gém trong mình và rồi vì bất cẩn có thể đánh rơi cho ta nhặt? Để trả lời cho các câu hỏi trên ta có thể mượn lời nhắc nhở của một người từng trải: “Bạn có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không ai có thể đánh rơi một gói văn hóa cho bạn nhặt”.

Tiền bạc là vật trao đổi được công nhận trong xã hội. Mục đích là để thay thế cho các cồng kềnh to lớn với giá trị tương đương để tiện cho việc sử dụng và mang theo bên mình. Vì tiền là một thứ vật chất, có hình hài, kích cỡ nên có thể gói gém để trở thành một “gói tiền” và vì vô tình hay hữu ý ta có thể đánh rơi hay nhặt được. Động từ “nhặt” diễn tả một hành động thật sự nhẹ nhàng, không tốn mấy sức lực. Ta có thể nhặt được một gói tiền và rồi trở nên giàu có một cách dễ dàng mà không cần phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, không cần phải tốn nhiều thời gian để tìm kiếm, tích lũy. Khác với vật chất là văn hóa. Người ta có thể dễ dàng định nghĩa tiền là gì nhưng không dễ định nghĩa văn hóa là gì. Đây là một khái niệm hết sức rộng về cả phương diện vật thể lẫn phi vật thể. Ở đây ta chỉ giới hạn văn hóa dưới góc cạnh là các kết quả tinh thần nhất định do một cộng đồng tạo ra như giá trị, truyền thống, nếp sống, các chuẩn mực, tư tưởng, tri thức hiểu biết…Với từng các nhân, văn hóa được xem như vốn tri thức, hiểu biết mà cá nhân đó bộc lộ ra trong cách hành xử hay lối sống. Ở đây, tác giả câu nói dùng từ “gói văn hóa” dường như đó chỉ là một cách chơi chữ để tương phản với “gói tiền” trong mạch câu chứ thực sự văn hóa không thể gói ghém được và vì thế sẽ không ai có thể đánh rơi nó cho người ta nhặt. Như vậy, tác giả dường như muốn hàm ý rằng văn hóa là thứ không thể là cái “bỗng dưng” đến với ta, làm giàu ta như việc nhặt được một gói tiền nhưng ta phải chủ động tìm kiếm, tích lũy theo năm tháng.

“Có tiền mua tiên cũng được”. Tiền bạc là một thứ vật chất có giá trị hàng đầu trong xã hội hôm nay, đặt biệt với xu hướng toàn cầu hóa, nơi mà thế giới được ví như cái chợ khổng lồ, trong đó hầu như mọi thứ đều được bày bán. Tuy nhiên, vật chất thì mãi là vật chất. Tiền bạc có đó rồi mất đó. Có người bỗng dưng “phất” lên giàu có mà chẳng mất nhiều công sức nhờ vào vé số, cổ phiếu, hay kho báu nhặt được. Thế nhưng cũng không ít triệu phú trên thế giới trắng tay chỉ sau một đêm. Có người chắt chiu tiền của cả đời rồi bị trộm cỗm đi mất. Dường như các thứ tài sản hữu hình không phải là một người tình chung thủy có thể theo ta suốt cả cuộc đời. Đó là một người vợ có thể mặn nồng với ta hôm nay, nhưng ngày mai có thể phũ phàng dứt bỏ ta ra đi để đến với người khác. Vậy nên tiền bạc là thứ thuần vật chất mà ta dễ dàng có được và dễ dàng mất đi nếu không được gìn giữ cẩn thận.

Khi nói đến văn hóa chúng ta thường nghĩ ngay đến phạm trù trừu tượng của nó. Bạn có thể cầm một gói tiền nhưng bạn không thể cầm một “gói văn hóa”. Bạn có thể sơ ý đánh rơi một gói tiền nhưng không ai có thể đánh rơi văn hóa. Làm sao ta có thể “gói” văn hóa khi nó là giá trị tích lũy của cả một xã hội, khi nó là tri thức, hiểu biết của một con người. Bạn không thể nói: “Anh đang cần văn hóa ư? Để tôi gói nó lại rồi gửi đến cho anh!”. Văn hóa giống như không khí, chúng ta không thấy những lại có ở mọi ngóc ngách của xã hội. Nơi đâu có con người, nơi đó có văn hóa. Văn hóa làm nên cốt cách, hình hài và bản sắc của một cộng đồng, một dân tộc. Chẳng hạn Hoa Kỳ là một quốc gia đa văn hóa, là nơi sinh sống của nhiều nhóm đa dạng chủng tộc, truyền thống, và giá trị. Những di dân đến Hoa Kỳ luôn mang theo các nền hóa riêng của họ. Kết quả sự trộn lẫn các nền văn hóa lại làm nên một thứ văn hóa chung mà người Mỹ này nay gọi là  “salad bowl”, tức là một nền văn hóa chung có đặt tính như một tô xà-lách trộn đủ thứ rau, gia vị mà trong đó những người di dân và con cháu của họ vẫn giữ các đặc tính văn hóa riêng biệt của mình.

Văn hóa lá cái không thể gói ghém thì cũng không phải là thứ dễ dàng đánh rơi cho ta nhặt. Làm sao ta có thể “nhặt” văn hóa khi nó không đến với ta một cách ngẫu nhiên hay tình cờ mà phải mất nhiều năm, thậm chí là cả một đời người. Bạn có thể mất năm giây để cuối xuống nhặt được một gói tiền nhưng phải mất bao lâu bạn mới có được một lối hành xử văn minh lịch sự nơi công cộng? Có phải là bạn phải mất nhiều năm nhiều tháng để để tập tành, rèn luyện. Bạn học bao nhiêu lâu mới có được một vốn kiến thức văn hóa vững chãi để bước chân vào đời? Có phải là mất nhiều mới trời học tập nơi trường học và trường đời. Đó mới chỉ là bàn luận dưới khía cạnh cá nhân thôi. Dưới cái nhìn rộng hơn đối với cả một dân tộc hay đất nước thì văn hóa là cái thật sự lớn và không thể dễ dàng có được trong ngày một ngày hai. Giống như nhiều nền văn hóa trên thế giới, Việt Nam phải mất cả hàng ngàn năm  mới có được một nền văn hóa mang bản sắc riêng. Văn hóa là yếu tố làm nên bản sắc của dân tộc Việt Nam, là yếu tố để cấu thành dân tộc Việt Nam. Từ các lễ hội, ngôn ngữ, truyền thống, các món ăn cho đến trang phục…Văn hóa Việt Nam phải trải nhiều giai đoạn mới phong phú đẹp đẽ như ngày hôm nay. Việt Nam đạ dạng trong các lễ, phong tục trải dài từ Bắc chí Nam. Các lễ hội như lễ hội Đền Hùng, hội Gióng, hội Lim, hội đua bò An Giang… đã cùng tồn tại với đất nước trong suốt vòng quay của ngàn năm lịch sử. Văn hóa ẩm thực với món bánh chưng, bánh dày đã xuất hiện không biết tự bao giờ các các ngày lễ tết? Người Việt chỉ hiểu đơn sơ nó bắt nguồn từ thời các vua Hùng lập quốc cách đây bốn ngàn năm gắn liền với truyền thuyết “bánh chưng, bánh giầy”.

Khi so sánh giữa văn hóa và tiền bạc ta thấy văn hóa và tiền bạc giống nhau ở chỗ đều sản phẩm do con người tạo ra. Tuy nhiên, văn hóa còn đi xa hơn nữa ở giá trị của nó. Con người làm ra tiền nhưng tiền bạc không làm nên giá trị của một con người. Văn hóa thì khác hơn, con người làm ra văn hóa nhưng chính con người cũng là sản phẩm của văn hóa mà ta gọi là con người văn hóa. Văn hóa và con người, đó là hai phạm trù không thể tách biệt nhau nhưng luôn song hành với nhau để bổ túc cho nhau. Con người làm nên văn hóa và văn hóa làm nên con người. Để có văn hóa, chúng ta không thể đi ngồi chờ để ai đó có thể đánh rơi cho ta nhặt. Ngược lại, đó là quá trình mà ta phải chủ động tìm kiếm và học hỏi. Những đại học đầu tiên trên thế giới đã xuất hiện ở phương Tây cả ngàn năm nước kết quả là họ đã tạo nên một nền văn hóa phương Tây văn minh và  nặng về lý trí. Với tính duy lý, xã hội Phương tây nổi tiếng về lý tính hơn là cảm tính. Nơi họ đúng sai phân biệt rãnh ròi, cảm tính khó mà chăng vô giữa. Ít cho những chuyện “bỏ chín làm mười” hay “dĩ hòa vi quý” như ở các nước Đông phương. Hương về phương Đông,  thế giới thường hay nói về Nhật Bản mỗi khi có những thảm họa lớn không chỉ để đồng cảm, giúp đỡ họ mà còn học hỏi nơi họ tính một nền văn hóa rất riêng mà đường như ít có nước nào sánh kịp đó là tính đoàn kết, nghiêm chỉnh và trung thực. Cảnh tượng người dân Nhật bản nghiêm chỉnh xếp hàng dài để nhận lương thực sau các thảm họa sóng thần, động đất hay cảnh tiền bạc bay tung tóe mà chẳng ai buồn giành dựt kiến cho cả thế giới ngã mũ khâm phục. Thử hỏi Nhật Bản đã phải mất công dạy dỗ bao nhiêu thế hệ mới có được tinh thần cao thượng như thế nếu không phải là họ đã có hàng ngàn năm trước sống với tình thần thượng võ Samurai.

Xã hội hôm nay dường như đang có những biến đổi bất thường. Người ta dường như xem nhẹ các giá trị văn hóa hơn tiền bạc. Tại Việt Nam, các giá trị văn hóa đang bị khủng hoàng nghiêm trọng. Tính vô cảm khiến con người ta như mất đi những truyền thống tốt đẹp cha ông ta để lại. Các tinh thần như “thương người như thể thương thân”, hay “tương thân tương ái” đang ngày càng bị sụt giảm. Đồng tiền lên ngôi cũng là lúc người ta thấy nó len lỏi trong các mối quan hệ khiến nó trở nên bất chính như đút lót, tham nhũng…Chuyện có phong bì mới cứu chữa bệnh nhân đang xảy ra nhan nhản ở nhiều bệnh viện. Đạo lý cương thường cũng bị đảo điên do ảnh hưởng của đồng tiền. Nếu ngay từ bây giờ chúng ta không chấn chỉnh để tạo nên một nền văn hóa Việt Nam giàu đẹp thì liệu rằng mấy thế hệ sau, con cháu chúng ta có còn thừa hưởng một nền văn hóa Việt rất riêng và độc đáo. Tiền bạc mất đi chúng ta có thể sớm có lại được nhưng nếu một giá trị văn hóa mất đi, chúng ta khó mà tạo ra được vì nó đòi hỏi cả thời gian lẫn con người.

Văn hóa là một thước đo quan trọng cho giá trị của một con người và cả xã hội. Nó không chỉ thể hiện trong học vấn mà còn trong cả lối sống, hành động, cung cách ứng xử… Vì thế muốn có văn hóa, chúng ta phải không ngừng học hỏi từ cuộc sống, sách vở, học hỏi các giá trị tốt đẹp do ông cha ta để lại. Hơn nữa mỗi người trong cuộc sống phải luôn có ý thức gìn giữ và phát huy nền văn hóa dân tộc thông qua lối sống, cung cách ứng xử hằng ngày sao cho thật văn minh, cao thượng. Câu nói cảu tác giả là một thông điệp cảnh tỉnh mỗi người trong việc cân nhắc các giá trị sống. Vật chất thì qua đi nhưng văn hóa thì còn hoài. Không có tiền, con người vẫn cứ là người nhưng nếu thiếu văn hóa, con người có còn là người nữa chăng?

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com