Tử Đạo: Lý Trí, Tình Yêu Và Ân Sủng

24-11-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1754 lượt xem

Văn Đức – Quốc Trọng

Mừng thay Giáo hội Việt Nam
Máu đào Tử đạo nét vàng quang vinh
Suốt ba thế kỷ chứng minh
Hơn trăm hiển thánh hy sinh anh hùng

Những dòng thơ ấy đã nói lên lòng dũng cảm của 118 vị tử đạo được tôn phong hiển thánh cùng hơn một trăm ngàn nhân chứng đức tin mà Giáo Hội Việt Nam mừng kính ngày hôm nay. Các ngài đã hoan hỉ chấp nhận chết để được sống một cuộc đời mà không mỹ từ nào diễn tả nổi. Làm sao những ngôn từ như “ngọn lửa đức tin”, “chứng nhân can đảm”, “niềm tin kiêu hùng”,… có thể diễn tả cho hết phẩm chất phi thường của các ngài khi các ngài đối diện với những đau khổ, cơ cực, với những lần tra tấn khủng khiếp, với những cái chết tàn bạo, dã man? Thế hệ con cháu chúng ta không chỉ dừng lại ở việc tưởng niệm và ca ngợi các ngài nhưng còn cần noi theo các ngài để duy trì ngọn lửa đức tin mà các ngài đã nung nấu. Sự can đảm có lẽ là nhân đức đầu tiên mà chúng ta nhận ra nơi các vị thánh tử đạo, vì các ngài không sợ cực hình và thậm chí cả cái chết. Thế nhưng, can đảm vẫn chưa phải là di sản quý giá nhất các ngài để lại cho con cháu. “Gia sản của các vị tử đạo không phải là chủ nghĩa anh hùng mà là lòng trung tín”, đó là nhận định của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Sự can đảm của họ không phát xuất thuần túy từ một thái độ liều lĩnh bốc đồng nhưng là kết quả của sự kết hợp giữa lý trí, tình yêu và ân sủng. Chẳng phải vì thế mà từ xưa, những người tự ý tìm kiếm cái chết như là cách để minh chứng cho đức tin bị xem là một hành vi thiếu lý trí, bị Giáo hội nghiêm cấm[1].

Nếu chúng ta xem một hành vi can đảm, mạnh bạo dám chết cho một điều gì đó là một hành vi tử đạo thì phải chăng việc những tên khủng bố liều chết cho niềm tin tôn giáo là đúng, và đáng được tôn vinh? Một việc làm can đảm nhưng được thúc đẩy bởi một động cơ mù quáng cùng với cách thức thực hiện liều lĩnh, phải chăng là hành động chỉ đưa đến sự tàn phá và đáng bị lên án? Như thế, hành vi tử đạo của các thánh hẳn phải có điều gì đó khác xa với những hành vi can đảm khác. Ngày lễ các thánh tử đạo Việt Nam hôm nay là dịp để chúng ta cùng ngẫm suy về điều này.

1. Tử đạo: từ lý trí

Khi nhìn về mẫu gương các thánh tử đạo, ta thấy ở họ đều toát ra vẻ hiên ngang không chút sợ hãi khi đối diện với cái chết. Rất nhiều khi ta cho họ là những con người phi thường và cảm thấy bản thân không đủ can đảm để chết vì đức tin khi đặt mình vào hoàn cảnh của các ngài. Thế nhưng, để đi đến đỉnh cao của chứng tá đức tin là việc tử đạo, họ cũng là những con người từng phải trốn chạy khỏi sự bách hại. Lý trí mách bảo họ rằng, việc tìm cách lẩn trốn để bảo vệ mạng sống mình thì khôn ngoan hơn việc liều lĩnh lao đầu vào cái chết để chứng minh sự anh hùng của bản thân. Sự tử đạo của các ngài luôn khởi đi từ một lý trí biết phân định và suy xét thận trọng.

Nếu ta coi việc trốn chạy là một hành vi thiếu can đảm, thiếu đức tin thì Đức Giêsu khi xưa hẳn cũng đã từng là một kẻ hèn nhát. Tin Mừng Mátthêu đã thuật lại việc Người đã từng lẩn trốn không dưới một lần. Đầu tiên, sau khi biết tin ông Gioan Tẩy Giả bị bắt, Đức Giêsu đã lánh qua miền Galilê (x. Mt 4,1-13). Kế đó, khi nghe tin Gioan Tẩy Giả bị chém đầu, Người đã lánh vào một nơi hoang vắng (x. Mt 14,13-14). Hai trình thuật ấy nói lên điều gì? Phải chăng, Đức Giêsu sợ Hêrôđê? Không hẳn, nếu vì sợ thì Người sau đó đã chẳng dám công khai rao giảng Tin Mừng để rồi cuối cùng tự nguyện nộp mình chịu chết. Nhiều nhà chú giải cho rằng việc lánh đi khỏi quyền lực tàn bạo đang gia tăng lúc bấy giờ thể hiện sự thận trọng của Đức Giêsu. Người biết rằng, con đường của Người cũng giống như Gioan, là làm chứng cho sự thật, nên việc liều lĩnh xông vào chỗ nguy hiểm không phải là một hành vi khôn ngoan. Người biết rằng, sẽ có ngày Người phải chết, nhưng khi giờ của Người vẫn chưa tới, Người phải sống để tiếp tục loan báo Tin Mừng, vì giảng dạy cũng là một nhiệm vụ cần phải chu toàn. Việc lẩn trốn khỏi sự tàn bạo của kẻ thù sẽ giúp Người có tự do để làm những gì cần làm mà không phải bận tâm tới việc bị bắt hay bị bách hại. Như thế, Đức Giêsu dù đến thế gian để chết thay cho nhân loại, nhưng chặng đường dẫn đến cái chết trên Thập Tự là một hành trình mà mỗi bước đi đều được tính toán cẩn thận.

Trên hành trình tiến tới sự toàn vẹn của đức can đảm không thể thiếu những phán đoán sáng suốt của lý trí. Chẳng phải vì sự nhiệt thành, sự bốc đồng mà thánh Phêrô đã từng khẳng khái: “Dẫu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,35) và sau đó lại chối Thầy tới ba lần? Chẳng phải vì sự mù quáng của niềm tin tôn giáo mà bao kẻ cuồng tín đã sẵn sàng ôm bom lao mình vào các nhà thờ, các trường học,… với một ảo tường rằng họ đang tử vì đạo? Bởi thế, không phải cứ một hành vi liều lĩnh xông vào cái chết với lý do tôn giáo thì lại được ca ngợi và tuyên dương như một hành vi tử đạo. Thánh Tôma Aquinô trong Summa Theologiae II-II đã xem việc liều lĩnh đi tìm sự tử đạo là hành vi thiếu đức khiêm tốn, đồng thời còn khiêu khích đối thủ thực hiện một trọng tội.[2]

Các thánh tử đạo nói chung và các vị tử đạo tại Việt Nam nói riêng đã từng phải vật lộn với việc chọn lựa giữa sự sống và cái chết. Ai không bước qua thập giá thì phải chịu cực hình, mất tất cả và mất cả mạng sống. Còn ai bước qua thì thoát cảnh ngục tù, được sống đời tự do, được đoàn tụ với gia đình. Chỉ cần một bước chân thôi là mọi sự thay đổi. Đó quả thực là sự khủng bố về lý trí. “Quyết định không bước qua thập giá là kết tinh của những đêm dài cầu nguyện, của việc chiến thắng những mời mọc khéo léo, của việc thắng vượt những sợ hãi, giằng co nội tâm, của những Vườn Dầu trong ngục thất”[3]. Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận. Đó là trường hợp của ba vị thánh quân nhân: Âutinh Huy, Nicôla Thể và Đa Minh Đạt. Như vậy, lý trí đã từng mách bảo các ngài về những hệ quả của việc chối đạo, từng nhắc nhở các ngài rằng bảo vệ sự sống Chúa ban là trên hết, từng chỉ vẽ cho các ngài rằng cứ thỏa hiệp để tránh cái chết trước mắt,… Các vị đã từng nghe theo lý trí, nhưng cuối cùng, do lòng mến và ân sủng, các ngài đã can đảm đón nhận phúc tử đạo. Nhưng ít ra, điểm phát xuất của việc tử đạo phải là một lý trí biết phán đoán và phân định. Chẳng hạn, việc Phêrô chạy trốn khỏi thành Rôma là một hành vi không những không sai mà còn cần thiết nữa. Sự sống sót của Phêrô sẽ tạo cơ sở để vực dậy một Giáo hội non trẻ đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vì sự tàn bạo của hoàng đế Nêrô. Nhưng sau đó, Phêrô đã chấp nhận quay lại thành để chịu chết vì Đức Kitô. Điều gì đã dẫn đến sự thay đổi ấy? Như ta đã đề cập ở trước, thánh Phêrô, cũng như các vị tử đạo, đã đúng khi dùng lý trí để phán đoán tình hình và quyết định trốn tránh sự tàn bạo của kẻ thù. Nhưng cuối cùng các ngài vẫn lựa chọn cái chết và cái chết của các ngài là một hành vi cao cả. Nếu chỉ dựa vào lý trí đơn thuần thì sẽ không có hành vi tử đạo. Tử đạo là một hành vi của nhân đức mạnh bạo và cốt yếu của đức mạnh bạo là lướt thắng sự sợ sệt hơn là kiềm chế sự liều lĩnh[4]. Hành vi tử đạo, tuy phải khởi đi từ lý trí, nhưng phải chẳng đó mới chỉ là khúc dạo đầu cho bản hùng ca được các vị tử đạo tấu lên?

2. Tử đạo: đến tình yêu

Như đã đề cập ở trên, nếu chỉ dùng lý trí để quyết định cách hành xử trước các cuộc bách hại thì hẳn máu đào đổ ra làm chứng cho đức tin sẽ không nhiều như vậy. Phải có một động lực nào đấy thúc đẩy người ta, dù biết rằng bảo vệ mạng sống là điều đúng đắn và hợp lý nhưng vẫn xả thân. Nếu chỉ dùng lý trí phán đoán, đức tin dễ bị lung lay, đặc biệt khi đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết. Chỉ cần bước qua thập giá, tôi sẽ thoát khỏi những cực hình đau đớn. Chỉ cần bước qua thập giá, tôi sẽ được sống. Tại sao tôi phải đổi mạng sống còn sờ sờ ngay đây cho một sự sống mơ hồ mai sau? Đức Kitô có hiện ra và bảo đảm cho tôi sự sống vĩnh cửu không? Không có gì cả. Chỉ có một lời giải thích cho sự can trường này dù các ngài phải sống trong sợ hãi, đó là tình yêu. Chính tình yêu mới là động lực thúc đẩy các ngài dám hiên ngang làm chứng cho đức tin vì lòng mến Chúa. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Trong số 118 vị thánh tử đạo, có tới 44 giáo dân không phải là thầy giảng hay chủng sinh, điều đó nói lên điều gì? Các ngài dù không được tiếp cận với giáo lý một cách đầy đủ, không được học biết về Đức Kitô một cách chuyên sâu, nếu chỉ dùng lý trí, hẳn nhiên các ngài sẽ chẳng ngớ ngẩn mà chết cho một người mà chính mình còn không biết rõ. Thế nhưng, bằng một tình yêu phi thường, được nung nấu qua đời sống cầu nguyện, các ngài, dù lý trí không thấu hiểu về Đức Kitô, nhưng vẫn sẵn lòng chịu chết vì Người. Chỉ có sự dìu dắt của tình yêu mới giúp con người vượt qua những ngăn trở tưởng chừng như vô tận để làm nên những điều kỳ diệu. Hãy quay trở lại với câu chuyện thánh Phêrô chạy trốn khỏi Rôma. Phêrô đã trốn khỏi cuộc bách hại vì lợi ích của Giáo hội, đó là một điều đúng đắn. Chính các tín hữu tiên khởi lúc đó cũng đã thuyết phục ngài phải rời khỏi thành. Nhưng những gì sau đó xảy ra thật khiến chúng ta phải kinh ngạc. Đức Giêsu hiện ra với ông, đi ngược vào thành và nói với Phêrô: “Thầy vào Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa”. Phêrô giật mình, run rẩy, không nói lời nào, vội vã quay lại thành và đã chết để làm chứng cho đức tin. Tình yêu đã níu kéo ông quay trở lại. Tình yêu đã giúp ông vượt thắng lý trí để đi tới một hành vi trọn hảo. Khi lý trí đã phán đoán đầy đủ và suy phục tình yêu bao la, thì hành vi của Phêrô không còn là một sự liều lĩnh mà là một hành vi chứng tá trọn hảo.

Xưa bao vị thánh tử đạo dù chạy trốn khắp nơi nhưng cuối cùng lại được tình yêu thúc đẩy để rồi sẵn sàng chịu chết. Nếu bản thân không còn một lựa chọn nào khác ngoài cái chết để làm chứng cho tình yêu thì khi ấy, hành vi tử đạo sẽ là hành vi tột đỉnh của đức ái. Thánh Anrê Dũng Lạc từng được giáo dân quảng đại nộp tiền chuộc để ngài được ra khỏi tù. Ngài không khước từ điều đó nhưng rồi ngài nhận thấy rằng cứ mãi cố gắng thoát khỏi những kẻ bách hại sẽ chỉ tốn thêm tiền chuộc của giáo dân, trong khi chính ngài đang ao ước được phúc tử đạo. Đó là lý do ngài không trốn tránh nữa nhưng để cho mình bị bắt và chịu chết. Như vậy, một hành vi tử đạo phải khơi đi từ một lý trí suy xét thận trọng nhưng đi sau đó là một đức ái bao la. Chỉ có riêng lý trí thì khó có việc tử đạo nhưng nếu chỉ có tình yêu mà không có lý trí thì đó thậm chí còn chưa phải là một hành vi nhân linh. Hơn nữa, ta còn thấy rằng, vì tình yêu là động lực của việc tử đạo, nên các ngài đã chấp nhận cái chết trong tinh thần tha thứ yêu thương, giống như Đức Kitô. Các ngài đã yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Người, và vì yêu mến Thiên Chúa, các ngài yêu mên người lân cận như chính mình[5].

Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội, trước khi bị ném đá đã kêu xin Chúa tha thứ cho kẻ thù. Hành động ấy họa lại hành động tha thứ của Chúa Giêsu trên thánh giá. Không chỉ riêng thánh nhân, mà mọi vị tử đạo đều đã tha thứ cho những người hành quyết và những kẻ phản bội họ. Họ ước mong sự hòa giải và cầu nguyện cho những người ghét và nộp họ cho quan lính luôn được bình an[6]. Điều này khác hẳn với những kẻ liều chết vì niềm tin tôn giáo, vì đại nghĩa mà thiếu đức ái. Họ có thể chịu chết trong khi vẫn nguyền rủa, oán hận kẻ thù; họ có thể liều chết vì một mục đích thiếu cao thượng nào đó hay do sự bốc đồng của bản thân. Ngay cả khi cái chết có vì một nghĩa cử cao quý nhưng nếu không có đức ái, đó không phải là hành vi đẹp lòng Chúa[7].

3. Tử đạo: qua ân sủng

Như chúng tôi đã phân tích, hành vi tử đạo, xét như một chứng tá đức tin, không thể chỉ dựa vào lý trí của con người, cũng như không thể chỉ dựa vào tình cảm. Để thực sự trở nên một hành vi làm chứng cho đức tin, việc tử đạo, một mặt khởi phát từ con người, mặt khác phải do ân sủng của Thiên Chúa tác động. Và ân sủng mới là điều quan trọng hơn cả, nếu không, ta sẽ ngộ nhận, và vướng vào lối lập luận của phái Ngộ giáo và Pelagio, khi cho rằng, chỉ cần con người yêu mến và nỗ lực nhiều là đã có thể nên thánh và đạt được sự sống đời đời. Giáo hội dạy, chỉ có ân sủng mới có thể làm cho con người được nên công chính và được cứu độ, chứ bản thân con người không thể tự mình đạt được[8]. Chính ân sủng của Thiên Chúa “kiện toàn chính linh hồn để nó có khả năng sống với Thiên Chúa và hành động vì tình yêu của Ngài”[9].

Ân sủng của Thiên Chúa giúp người tín hữu lựa chọn sống cho Đức Giêsu, dù thế gian cho đó là điều điên rồ. Thánh Phaolô xác quyết: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,22-23). Ân sủng, do đó, “đưa chúng ta vào sự thân mật của sự sống Chúa Ba Ngôi”[10]. Nhưng để ân sủng có thể hoạt động hiệu quả, người tín hữu phải tự do đáp trả. Như thế, hành vi tử đạo, trong tư cách là một chứng tá đức tin, phải có sự cộng tác giữa ân sủng của Thiên Chúa và sự tự do của con người.

Nhưng làm sao một tín hữu có thể lãnh nhận ân sủng khi họ phân định, lựa chọn và quyết định đón nhận phúc tử đạo? Trước hết, để đón nhận ân sủng cách trọn vẹn, con người phải chuẩn bị. Chỉ riêng sự chuẩn bị ấy đã là “một công trình của ân sủng”[11], và sự chuẩn bị này có nền tảng từ việc con người, tự bản tính, luôn quy hướng về Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người theo hình ảnh của mình, Thiên Chúa đã ban cho con người lý trí, để con người nhận biết Thiên Chúa nơi công trình tạo dựng, và ý chí, để con người luôn hướng mình tới điều thiện hoàn hảo nhất[12].

Như thế, việc chuẩn bị đón nhận ân sủng được thực hiện nơi việc con người rèn luyện lý trí và ý chí. Điều này cũng có nghĩa, các vị tử đạo khi phải suy xét thiệt hơn của việc lẩn tránh hay đối mặt với quan quyền, các vị cũng được ân sủng tác động, chứ đó không đơn thuần là sự hoạt động của lý trí và ý chí. Nhưng điều cốt yếu nhất chính là sự khao khát nhận biết thánh ý Thiên Chúa. Thực tế cho thấy, các vị tử đạo vẫn luôn cầu nguyện, dù khi đang lẩn trốn hay khi đứng ở pháp trường. Nhờ cầu nguyện, các ngài có thể lắng nghe và nhận biết thánh ý của Thiên Chúa cách rõ ràng hơn cả. Những cuộc bách hại thảm khốc bao giờ cũng vượt quá sức chịu đựng của con người. Nhiều người đã không chịu được sự khốc liệt đó mà đã chối bỏ đức tin. Còn đối với những tín hữu nào, tuy chưa đủ can đảm đối mặt với quan quyền thế gian, thì ân sủng vẫn hoạt động hiệu quả nơi họ. Vì họ đã không bỏ Chúa, vẫn kiên trì gìn giữ và thông truyền đức tin cho người khác. Đó đã là việc họ tự do đáp trả lời mời gọi làm chứng cho Đức Giêsu rồi. Và ân sủng của Thiên Chúa được biểu lộ mạnh mẽ nhất nơi lời cầu nguyện của các ngài trước khi các ngài chịu hành hình. Sau khi đã suy xét bằng lý trí, vì yêu mến Thiên Chúa và Giáo hội, thậm chí yêu mến cả những kẻ bách hại mình, được ân sủng tác động, các ngài can đảm và tự do đón nhận phúc tử đạo. Lúc đó, nhờ ân sủng và sự tự do đáp trả từ phía con người, mà chính họ được Thiên Chúa trao cho triều thiên vinh hiển. 

Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, cộng đoàn chịu tử đạo đầu tiên, là chứng tá sống động cho điều đó. Khi đối mặt với hiểm nguy, cộng đoàn này “không cố gắng phân tích xem phải phản ứng ra sao, tìm các chiến thuật nào, phải tự bảo vệ hay dùng biện pháp nào”, tức họ không chỉ cậy dựa vào lý trí, nhưng họ cậy nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa và “bắt đầu cầu nguyện”[13]. Các Kitô hữu vốn đã nhận được ân sủng nơi Bí tích Thanh Tẩy, và giờ đây, qua đời sống cầu nguyện liên lỉ và việc luôn tuân giữ lề luật của Thiên Chúa, họ được gia tăng ân sủng cách dồi dào. Cộng đoàn tiên khởi này làm chứng rằng, nhờ cầu nguyện liên lỉ và tuân giữ luật Chúa, cộng đoàn ấy nên hiệp nhất với nhau (x. Cv 1,14 ; 2,46), can đảm hơn trong việc rao giảng Tin Mừng (x. Cv 4,29). Ân sủng, được trao ban nơi các Bí tích, được củng cố và nên dồi dào qua việc cầu nguyện và sống theo lề luật, còn trao ban cho con người niềm hy vọng vào sự sống đời sau, dù cho họ có gặp hiểm nguy thế nào. “Ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy” (Rm 5,3-4).

Lời kết

Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi luôn là mẫu gương cho các thế hệ môn đệ của Đức Giêsu. Đời sống đức tin của các ngài là nguồn cảm hứng để chính các thế hệ sau luôn năng động, nhiệt huyết, can đảm với việc làm chứng cho Đức Giêsu, và loan truyền ơn cứu độ cho mọi người. Cộng đoàn tiên khởi ấy luôn phải đối diện với rất nhiều hiểm nguy. Họ luôn phải suy xét xem nên lẩn trốn dưới các hang toại đạo, hay đương đầu với thế gian. Họ không chỉ dùng lý trí để phân định, nhưng còn để cho ý chí khơi dậy và gìn giữ cho ngọn lửa tình yêu với Thiên Chúa, Giáo hội luôn cháy. Quan trọng hơn hết, cộng đoàn này đã dành phần hơn và cao trọng nhất cho ân sủng. Từ chứng tá của cộng đoàn này và chứng tá của bao vị tử đạo, các thế hệ Kitô hữu sau này được nhắc nhở, phải luôn đọc lịch sử của chính mỗi cá nhân và của cộng đoàn trong ân sủng của Thiên Chúa. Do đó, khi cử hành lễ Các thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta cần xác tín, chính ân sủng làm cho lý trí ta nên sáng suốt, khi suy xét, và ý chí ta thêm tinh tuyền, khi thúc đẩy; do đó, đức tin của ta được thêm vững mạnh và việc tử đạo của các Kitô hữu mới thực sự là một hành vi chứng tá và mang lợi ích cho các linh hồn.

[1] X. Phan Tấn Thành, “Chứng tá và Tử đạo: Từ chứng tá đến tử đạo – Từ tử đạo đến chứng tá”, Thời sự Thần học, số 82 (tháng 11-2018), tr. 72.

[2] X. Phan Tấn Thành, Phan Tấn Thành, “Chứng tá và Tử đạo: Từ chứng tá đến tử đạo – Từ tử đạo đến chứng tá”, Thời sự Thần học, số 82 (tháng 11-2018), tr. 58.

[3] Huệ Minh, “Tử đạo trong đời sống thường ngày,” Các bài suy niệm lễ Các thánh Tử đạo Việt Nam.

[4] X. Phan Tấn Thành, “Chứng tá và Tử đạo: Từ chứng tá đến tử đạo – Từ tử đạo đến chứng tá”, Thời sự Thần học, số 82 (tháng 11-2018), tr. 72.

[5] X. GLHTCG, số 1822.

[6] X. Nguyễn Đình Anh Nhuệ, “Suy niệm thần học về các vị tử đạo Việt Nam cho hôm nay – Hướng tới nền thần học tử đạo trong môi trường văn hóa Việt Nam.

[7] X. Phan Tấn Thành, “Chứng tá và Tử đạo: Từ chứng tá đến tử đạo – Từ tử đạo đến chứng tá”, Thời sự Thần học số 82 – Chứng nhân, Trung tâm Học vấn Đa Minh, tháng 11-2018, tr.56

[8] X. GLHTCG, số 1996.

[9] GLHTCG, số 1999.

[10] GLHTCG, số 1997.

[11] GLHTCG, số 2001.

[12] X. GLHTCG, số 1704.

[13] Biển Đức XVI, Cầu nguyện, Dg. Giuse Phan Văn Phi, O.Cist (Đồng Nai: Đồng Nai, 2019), tr. 266.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com