Thầy tu huynh ấy đã nói đúng. Cùng ngày hôm ấy, cả thành Cracow đã rộn lên một tin tuyệt vời rằng nhờ những lời cầu nguyện, cha Giaxintô đã thực hiện một phép lạ khác nữa. Hai bé nam song sinh của bà Vitoslava, bị khiếm thị lúc mới chào đời, giờ đây đã sáng mắt như bao đứa trẻ khác nhờ lời chúc phúc của nhà giảng thuyết tốt lành.
“Thật là điều không thể tin được!” Người phụ nữ trẻ nói với chồng. Chị khóc lên vì vui sướng, vừa hết nựng nịu đứa bé này đến đứa kia, chị nói với chồng: “Chúng mình biết lấy gì để đền đáp cha Giaxintô vì tất cả sự tốt lành của ngài đây?”
Chồng chị, vẫn còn sửng sốt vì phép lạ mới xảy ra, lắc đầu và chậm rãi nói: “Chúng ta không bao giờ đền đáp cho xứng, tốt nhất là chúng ta phải thực hiện điều cha đã dạy bảo.”
“Mình muốn nói là dâng mấy đứa nhỏ cho Đức Mẹ, phải không?”
“Đúng vậy. Em không nhớ là cha Giaxintô từng dạy là tất cả cha mẹ Kitô hữu phải dâng con cái mình cho Đức Mẹ sao?”
Bà Vitoslava gật đầu: “Em nhớ chứ. Cha tin rằng Đức Mẹ sẽ ban những ơn đặc biệt cho những trẻ thơ được ủy thác cho Mẹ.”
Vì thế, ngày hôm sau, cặp song sinh nam của đôi vợ chồng trẻ đã được dâng hiến cho Đức Nữ Trinh Diễm Phúc cùng với nhiều đứa trẻ khác vì cha mẹ chúng cũng đã được nghe về phép lạ lẫy lừng ấy. Cha Giaxintô vui sướng vì lòng mến Đức Mẹ của cha giờ đây còn mạnh mẽ hơn lúc còn trẻ. Cha không muốn gì hơn ngoài việc ca ngợi Đức Mẹ trong các bài giảng. Vì thế, những môn đệ của cha ở Balan được nổi danh không chỉ với tên gọi các Tu sĩ Giảng thuyết mà còn là các Anh em của Mẹ Maria nữa.
Ngài thường nhấn mạnh rằng: “Điều tốt lành cha có thể làm đó là luôn chạy đến với Đức Mẹ và Mẹ không bao giờ bỏ rơi cha.”
Cần phải phục hồi tất cả những gì do quân Mông Cổ tàn phá. Một lần nữa, các nhà thờ và các Tu viện, thánh giá lại được dựng cao lên giữa bầu trời và các tu sĩ trong tu phục trắng đen lại rao giảng Chân Lý của Thiên Chúa ở Balan, Pomerania và Phổ. Thật vậy, trong Tổng hội năm 1245 của Dòng Xitô, các đan sĩ Dòng Xitô đã chính thức ngưng toàn bộ công cuộc truyền giáo ở Bắc Âu. Do đó, họ lui về khung cảnh tĩnh mịch của đan viện, và nhường lại công việc tông đồ giảng thuyết và huấn giáo mà họ đã thực hiện trong nhiều năm cho con cái của thánh Đa Minh và thánh Phan Sinh.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các đan sĩ dòng Xitô đã triệt thoái khỏi trách nhiệm tinh thần. Tổng hội năm 1245 của các đan sĩ Xitô quy định rằng mỗi linh mục và tu huynh, trong lời cầu nguyện, sẽ nhớ đến cách riêng các tu sĩ Đa minh và Phan sinh này, những người đang ngược xuôi khắp miền Bắc Âu để phục vụ Thiên Chúa. Mỗi ngày các linh mục phải đọc bảy Thánh vịnh, mỗi anh em tu huynh đọc bảy Kinh Lạy Cha để cùng cầu cho một ý nguyện: xin cho Kitô giáo sẽ thịnh vượng theo chân các tu sĩ Giảng thuyết.
Cha Giaxintô hết lòng biết ơn những lời cầu nguyện của các đan sĩ Dòng Xitô và của những người bạn khác vì cha biết rằng nhờ lời họ cầu xin, Chúa sẽ ban cho cha nhiều ân sủng. Nhưng giữa lúc cha đang ngỏ lời cảm tạ trong Tổng hội của các đan sĩ Xitô vì quyết định tốt đẹp nói trên, thì có tin từ Breslau và Oppeln là cha Henry và cha Herman, những người bạn thời niên thiếu của cha, đã qua đời.
Với giọng hoảng hốt, người đưa tin từ Breslau báo rằng: “Cha Henry đã qua đời như một vị thánh. Trong cơn hấp hối, cha vẫn hướng mắt lên thập giá. Rồi cuối cùng, cha quay về phía các anh em đang quỳ gối bên giường của cha và thì thầm: “Ma quỷ thử thách đức tin của cha, nhưng cha tin vào Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần và cha ra đi trong bình an.”
Người đưa tin từ Oppeln nói: “Cha Herman cũng ra đi như một vị thánh. Thật vậy, vào ngày cha mất, bỗng xuất hiện một thập giá toả sáng trên bầu trời và chiếu sáng lấn át cả mặt trời. Thấy thế, mọi người đều kinh ngạc. Nhưng đó cũng là lúc nỗi đau đớn xảy đến. Cha biết đấy, không một ai ở Oppeln muốn mất cha Herman. Cha là người bạn nhân ái và khôn ngoan của mọi người.”
Vì điều này, cha Giaxintô khẽ mỉm cười, hồi tưởng lại thuở niên thiếu ở Rôma khi một anh tập sinh Herman chẳng biết viết thậm chí cả đến danh tánh mình, thì làm sao giảng thuyết và hướng dẫn người khác. Nhưng đường lối của Thiên Chúa thật cao vời, vì cha Herman là người rất khiêm nhường nên Thiên Chúa đã ban ân sủng để cha làm những việc vĩ đại cho các linh hồn. Thiên Chúa quan phòng đã định liệu cho cha đảm trách đan viện đầu tiên do cha Giaxintô thiết lập ở Friesach. Sau đó, vị linh mục trẻ người Đức này đã nhận nhiều ân sủng tuôn chảy từ Đấng Khôn Ngoan, để cha có thể rao giảng bằng nhiều thứ ngôn ngữ và nhờ đó mang nhiều người về với Chúa.
Cha Giaxintô thì thầm: “Herman, con của cha, nguyện xin cho linh hồn thánh thiện của con được an nghỉ. Henry, con của cha, hãy cầu nguyện cho cha để cha được xứng đáng với những lời hứa của Đức Kitô.”
Vài tháng sau, Tu viện Chúa Ba Ngôi đã được xây dựng lại hoàn toàn. Vào một buổi sáng, cha Giaxintô cảm thấy như trào dâng lên một niềm vui khi nhận thấy rốt cuộc cha lại đảm nhận công việc truyền giáo một lần nữa. Cha đã 60 tuổi rồi, độ tuổi mà hầu hết mọi người ngưng những trách nhiệm xã hội. Nhưng cha Giaxintô không bao giờ nghĩ đến việc nghỉ hưu. Còn quá nhiều điều phải làm cho các linh hồn. Chẳng hạn như Vilna, thành phố lớn nhất nước Lithuania, thử hỏi còn nơi nào tốt hơn để thành lập một Tu viện cho các tu sĩ giảng thuyết cho bằng ở đây?
Cha tự nhủ: “Ta sẽ đi tới Vilna. Nếu Chúa muốn, nhiều người ở Lithuania sẽ vui mừng khi nghe nói về đức tin Kitô giáo.”
Cùng với người anh em trung thành Florian, cha Giaxintô lên đường, rong ruổi suốt hành trình dài bốn trăm dặm từ Cracow đến Vilna. Đầy phấn chấn, cha chia tay anh em ở Tu viện Chúa Ba Ngôi, nhưng các anh em ở đó lại thấy lòng mình nặng trĩu trước cảnh biệt ly. Khi bóng cha đã khuất vào khoảng xa, họ buồn sầu nhìn nhau.
Cha quản lý Phêrô nói: “Lẽ ra chúng ta nên cố gắng can ngăn cha. Những chuyến hành trình dài như thế này chỉ dành cho những thanh niên thôi.”
Cha Tu viện trưởng cũng đồng ý: “Đúng thế. Nhưng thử hỏi có ai trong số linh mục trẻ như chúng ta đã được Chúa ban ơn làm phép lạ đâu? Chẳng ai cả! Và anh em biết là phép lạ góp một phần quan trọng trong việc thu phục dân ngoại về với Kitô giáo.”
Cha Tu viện trưởng đã nói đúng. Ở Paris, Bologna và tại các trung tâm học vấn khác, các Anh em Giảng thuyết đã hoán cải hàng trăm người lạc giáo quay về bằng những lí luận hùng mạnh. Những bài giảng của họ trong nhà thờ và ở quảng trường công cộng và những bài thuyết trình tại các trường đại học đã chiến thắng những trí tuệ bậc nhất ở Châu Âu. Còn ở phương Bắc xa xôi, Thiên Chúa lại ban cho cha Giaxintô những phương tiện khác để làm công việc tương tự. Người đã ban cho cha năng lực vốn dành cho một số ít người như là việc cha có thể bước đi thanh thản trên các dòng sông, hồi sinh người chết, thông thạo các thổ ngữ và còn thực hiện những kỳ công lẫy lừng. Tại sao thế? Đơn giản là trong khi không thể đọc lấy một chữ nào, thì những người ngoại giáo đó lại có thể theo dõi được lời huấn dụ đơn giản nhất, để hiểu và đón nhận đức tin Công giáo.
Vài tháng sau, ở Cracow biết tin rằng cha Giaxintô đã thành công vì lập được một Tu viện ở Vilna. Hiện nay, cha đang lên kế hoạch đến Nga một lần nữa, vì tin rằng các tu sĩ Giảng thuyết sẽ tìm thấy được cánh đồng truyền giáo màu mỡ cho sứ vụ của họ ở Smolensk, Moscow và Vladimir.
Cha Bề trên Tu viện Chúa Ba Ngôi cung kính nói: “Cha Giaxintô là một vị tông đồ đích thực. Cha không bao giờ nghỉ ngơi.”
Lúc ấy, các tu sĩ chưa nhận ra những lời của cha Bề trên chính xác đến mức độ nào vì năm tháng càng trôi qua, cha Giaxintô càng sung sức thêm. Không dừng lại với việc rao giảng Tin Mừng ở Lithuania và miền bắc nước Nga, một lần nữa, bước chân cha tiến về Kiev. Nhưng không phải để nghỉ ngơi, mà là tái thiết lại Tu viện đã bị quân Mông Cổ tàn phá, quy tụ một vài tu sĩ, truyền đạt họ khát vọng tìm kiếm các linh hồn. Và rồi, cha sai họ đi về phương Đông, đến tận những vùng đất Á Châu rộng lớn.
Người ta đồn rằng: “Cha muốn thiết lập các Tu viện ở Persia, Turkestan, Tibet và thậm chí ở Trung Hoa nữa.”
Một tin khác nữa rằng: “Vâng, và Đức Thánh Cha sẽ đặt cha làm Giám mục.”
Nhưng cha Giaxintô đã kiên quyết từ chối tất cả các vinh dự đó, dù cho ba trong số những người con thiêng liêng của cha đã được nâng lên hàng Giám mục năm 1236. Cha khẳng định rằng công việc của cha là càng xây dựng nhiều các Tu viện cho các tu sĩ Giảng thuyết càng tốt, nếu có thể; đặt một tu sĩ trẻ làm Bề trên; sau đó cha lại đi đến những cánh đồng truyền giáo mới. Cha sẽ còn theo đuổi chương trình này miễn là Thiên Chúa ban cho cha đủ sức khoẻ.
Vào năm 1256, cha đã nổi danh khắp vùng Cracow với danh xưng: “Vị tông đồ phương Bắc.” Các phép lạ của cha vượt xa các phép lạ của Giám mục Stanislao, người được phong thánh năm 1253. Ai có thể ngăn cản được các chuyến hành trình của cha? Lúc nào đó, cha sẽ giảng thuyết ở Nga, kế đến là Thụy Điển, đến nỗi không một ai trong toàn cõi phương Bắc mà không nuôi hy vọng một ngày nào đó được gặp cha. Thật là một đặc ân lớn lao khi được nghe và chứng kiến một người có thể hồi sinh người chết, một người thông thạo nhiều ngôn ngữ, một người bạn và môn đệ của cha Đa Minh Guzman.
Vào dịp lễ Phục Sinh năm 1257, mọi người ở vùng Cracow vui mừng khi nghe tin cha Giaxintô đã trở về Tu viện Chúa Ba Ngôi. Không muốn người ta chú ý, cha đã vào thành phố lúc nửa đêm. Nhưng niềm vui nhanh chóng bị nỗi sợ hãi lấn át. Mùa xuân năm 1257, nghĩa là chỉ vài tháng sau, cha Giaxintô sẽ bước sang tuổi bảy mươi hai.
Người ta nói với nhau: “Cha luôn nói là cha sẽ ra đi ở tuổi này. Cha qua đời, ôi, thật là đau xót nếu cha ra đi.”
Nghe những lời đồn đại, cha Giaxintô mỉm cười. Một buổi sáng tháng bảy, cha khiến mọi người ngạc nhiên khi cho biết cha mong có thể nghỉ vài ngày ở miền quê. Một vài người bạn tri kỷ đã mời cha cử hành lễ kính thánh Giacôbê Cả trong nông trại của họ ở Sernik.
Cha nói với cha Bề trên: “Họ đã gởi một người phục vụ và con trai của họ, anh Vislaus, để hộ tống con. Nếu cha cho phép, con sẽ đi vào sáng sớm mai.”
Cha Bề trên bỗng tròn mắt, thế là sao? Một nhà giảng thuyết lừng danh ở Cracow mà lại khiêm tốn xin phép như một tập sinh trẻ nhất à? Và rồi cha Bề trên cũng bắt đầu mỉm cười, gương mặt trở nên điềm đạm: “Tất nhiên rồi, cha có thể đi vào ngày mai, thưa cha Giaxintô, và bất cứ khi nào cha muốn. Nhưng cha có chắc mình có đủ sức cho chuyến đi này không? Cha biết đấy, Sernik khá xa và phải băng qua sông Raba.”
Cha Giaxintô gật đầu: “Con đủ sức đi Sernik, thưa cha Bề trên, và cả việc trở về nữa. Xin cha đừng quá lo.”
Thế là, sáng sớm hôm sau, sau khi dâng lễ, cha Giaxintô đã ra đứng trước cửa Tu viện, ở đó chàng thanh niên mười sáu tuổi Vislaus và một người phục vụ lớn tuổi đang đứng chờ cha. Nhưng khi nhìn thấy ba con ngựa gần đấy, yên cương được trang hoàng lộng lẫy, cha mỉm cười và lắc đầu.
“Con à, cha chỉ là một tu sĩ nghèo, và cha đã quen đi bộ. Dù sao con cũng nên chia sớt một chút cuộc sống nghèo khổ với cha. Con xem, cha muốn biết về con và cả gia đình con nữa.”
Chàng trai Vislaus há hốc vì kinh ngạc khi chứng kiến vị linh mục mái đầu đã bạc, một người đã trở lại quê nhà để chuẩn bị cho những ngày cuối đời sau hàng trăm cuộc trành trình truyền giáo, nhưng vẫn trung thành với lời khấn khó nghèo. Bởi thế, mặc dù lòng anh rất muốn van xin cha Giaxintô sử dụng phương tiện thuận lợi để đi Sernik, nhưng phong thái của vị tu sĩ đã không cho phép điều đó.
Anh liền thưa: “Thưa cha, cha muốn sao cũng được.” Sau đó, anh nói với người phục vụ: “Bác Gioan này, bác vui lòng đi trước nhé. Nhưng thỉnh thoảng hãy dừng lại để chúng tôi có thể bắt kịp. Như thế, tôi sẽ có thể được tiếp xúc với cha Giaxintô.” Trong suốt cuộc hành trình, chàng thanh niên trẻ mười sáu tuổi này hoàn toàn bị cuốn hút vì tính thân thiện của cha Giaxintô, và vui mừng vì được gia đình ủy thác cho nhiệm vụ dẫn đường. Trước đây, hiếm khi anh có dịp thổ lộ với bất kỳ một ai. Tại sao vậy? Không biết làm sao vị linh mục tốt lành này dường như đọc được những suy nghĩ trong thâm tâm anh. Thế là, bất chợt anh quay sang cha Giaxintô như một người bạn mới quen.
“Mẹ con nói là cha đã hồi sinh người chết, đúng không cha?”
Vị tu sĩ ngập ngừng. Sau đó cha nghiêm trang gật đầu: “Đúng vậy, con à. Chúa đã nhiều lần ban ơn này cho cha do Người muốn như thế.”
Anh Vislaus vỗ tay: “Ôi, cha ơi. Cha có nghĩ rằng cha sẽ thực hiện điều đó một lần nữa khi cha đến với chúng con ở Sernik không?”
Chàng trai bắt gặp nỗi ưu phiền trong tiếng thở dài của cha Giaxintô. Bằng giọng nghiêm nghị, cha Giaxintô nói: “Con không hiểu đâu, Vislaus à. Không một ai tự sức mình có quyền năng quyết định cho ai được sống hay phải chết hoặc thay đổi các quy luật của thiên nhiên trừ phi để phục vụ vinh quang Thiên Chúa, do vậy việc cầu xin một ân huệ như thế thật là nguy hiểm.”
Chàng trai nhanh chóng nắm bắt được ngụ ý của cha Giaxintô. Vì thế, giọng nói của anh cũng trở nên nghiêm trang: “Thưa cha, con thiết nghĩ con có thể trở nên tốt hơn nếu con có thể chứng kiến một phép lạ thật sự.” “Đó là ước nguyện của con. Rất mong được nhìn thấy cha làm một phép lạ khác.” “Con có ý nói là đức tin của con sẽ trở nên mạnh mẽ hơn chăng?” “Vâng, đúng vậy, cha ạ. Mà đặc biệt nếu có liên quan đến việc người chết được sống lại.”
Một lần nữa, cha Giaxintô thinh lặng trong giây lát. Cuối cùng cha thì thầm: “Điều cần thiết cho ơn cứu độ của chúng ta là lòng yêu mến Chúa và thi hành Thánh ý Người.” Rồi, thân ái vỗ vai người bạn trẻ, cha nhắc nhở là chàng trai đã cuốc bộ khá xa nên bây giờ nên quay lại với ông Gioan và tiếp tục cuộc hành trình bằng ngựa.
“Về thưa với mẹ là cha sẽ đến trước lúc hoàng hôn Vislaus à, và cha rất biết ơn vì đã được mẹ con mời đến nhà.” Chàng trai ngập ngừng: “Vâng, thưa cha, nhưng con có được phép thưa với mẹ rằng Chúa sẽ cho cha làm phép lạ ở Sernik chứ?”
Cha Giaxintô ra dấu không tán thành. Vislaus thật là cậu bé luôn đòi cho bằng được những gì mình muốn! – “Con hãy thưa với mẹ điều cha vừa nói với con, phép lạ chỉ để tôn vinh Thiên Chúa mà thôi.”
Chàng trai trẻ Vislaus nhanh chóng quay trở lại với ông Gioan và chẳng bao lâu cả hai đã phóng ngựa biến vào đám bụi mờ. Còn cha Giaxintô, như vẫn quen thực hiện mỗi khi bách bộ một mình, cha hồi tưởng và bắt đầu chú tâm đọc các Thánh vịnh. Đôi lúc cha đọc thành tiếng, có khi lại thì thầm, chẳng quan tâm gì đến quãng đường hay thời gian đang trôi qua. Nhưng khi hoàng hôn xuống, cha ngước mắt lên và thấy đã gần đến sông Raba. Chỉ còn một đoạn ngắn nữa là đến Sernick.
Ngay lúc cha cảm thấy vui mừng thì một toán kỵ sĩ bất ngờ xuất hiện quanh khúc rẽ con đường. Nhìn thấy họ phi ngựa quá nhanh, trong lòng cha Giaxintô bỗng đâm lo sợ. Linh tính cho cha hay có chuyện chẳng lành đã xảy ra với chàng trai Vislaus.
Nỗi sợ hãi của cha được chứng minh. Vài giờ trước đó, ông Gioan và cậu chủ đã đến bờ sông. Vì rất háo hức muốn kể cho gia đình là cha Giaxintô đang trên đường đến dự lễ thánh Giacôbê với họ, chàng trai Vislaus quyết định rút ngắn thời gian nên băng qua cây cầu cũ bắt ngang qua khoảng hẹp nhất của dòng sông.
Ông Gioan than van: “Con cố ngăn cậu chủ lại, cha ơi, nhưng vô ích. Cậu chủ muốn về nhà sớm nên cậu khăng khăng đòi phóng ngựa qua chiếc cầu hầu như đã bị hư hỏng.”
“Vậy sao? Rồi chuyện gì đã xảy ra?”
Người đàn ông đứng tuổi này ôm mặt thưa: “Cây cầu đã sập, cha ơi, cậu chủ đã ngã ngựa và bị nước cuốn trôi. Ôi, lạy Mẹ Thiên Chúa, chàng trai này còn cả một tương lai lâu dài còn con…con chỉ là một lão già vô dụng.”
Nỗi buồn của ông Gioan không thể sánh được với niềm đau của mẹ chàng trai Vislaus. Bà Primislava đáng thương này hoàn toàn suy sụp khi nhìn thấy nhà giảng thuyết nổi tiếng mà bà từng biết danh từ thưở thiếu thời, và lẽ ra chuyến viếng thăm của ngài phải mang đến cho bà một niềm vui lớn lao.
Bà nghẹn ngào : “Ôi cha ơi, con phải làm gì đây? Thậm chí con còn không biết xác đứa bé ở đâu nữa.”
Cha Giaxintô đã cố hết sức để an ủi bà Primislava nhưng chẳng được kết quả gì. Bà mẹ tan nát cả cõi lòng, vì cậu Vislaus là đứa con duy nhất của bà. Cuối cùng, cha Giaxintô nhẹ nhàng lên tiếng: “Chúng ta hãy cầu nguyện để xin Cha trên trời vì danh Thánh Tử của Người là Đức Giêsu Kitô, hoàn trả lại đứa con cho bà.”
Cả nhóm người thinh lặng trong lúc cha Giaxintô cúi đầu cầu nguyện. Chợt có một tiếng thét lớn. Rồi một vật gì đó nổi lên mặt nước, trôi nhanh vào bờ. Đó có lẽ là…
“Chính là thi thể cậu chủ,” ông Gioan la lên.
“THẬT LÀ ĐIỀU NGOÀI SỨC TƯỞNG TƯỢNG!”